Home > Khai Thị Phật Học
Khai Thị Trong Dịp Kết Thất Niệm Phật Ðầu Xuân Giáp Ngọ
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Tại gia kết thất niệm Phật chính là cách tiện lợi nhất trong các phương tiện Phật Thất niệm Phật. Nhưng muốn niệm Phật được lợi ích lớn thì lại cần phải hiểu rõ đạo lý. Nếu chẳng hiểu rõ đạo ý thì dù có được lợi ích cũng chẳng lớn lao gì. Bởi lẽ, đối với hai nghiệp thân khẩu thì miệng niệm Phật, thân ngồi trong đạo tràng, ít ra cũng chẳng tạo nghiệp; nhưng vì tâm chẳng dễ nắm bắt nên vẫn khó tránh khỏi tạo nghiệp.

Do vì tâm là Lý. Lý chẳng rõ thì chính là phàm phu mê hoặc, điên đảo. Phải hiểu Lý ấy như thế nào? Phàm học Phật thì bất luận là mười năm hay một trăm năm cũng chẳng ngoài hai chữ “phước, huệ”. Kinh dạy: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên để được sanh về cõi ấy”. Kẻ mới học Phật quá nửa chú trọng tu Phước, người tu lâu hay chú trọng tu Huệ. Kỳ thật, Phước Huệ là một khối, chẳng thể tách thành hai điều riêng rẽ. Nay tôi giải thích lý này, chứ chẳng dám nói là Khai Thị, lại xin quý vị nghe kỹ; nghe xong rồi nghiên cứu kỹ càng.

Chư vị đồng tu nghĩ xem niệm Phật là để làm gì? Chẳng ngoài hiện tại tiêu trừ tai nạn, tương lai được vãng sanh Tây Phương. Tiêu tai khỏi nạn chính là tu Phước. Vãng sanh Tây Phương chính là tu Huệ. Nếu hiện tại chẳng thể tiêu tai, khỏi nạn thì là chưa có phước. Hiện tại đã chẳng thể tiêu tai khỏi nạn thì tương lai rất khó bảo đảm được vãng sanh. Chẳng thể vãng sanh Tây Phương chính là không có Huệ, là vì chưa đắc Nhất Tâm. Lẽ này quá bình thường, cũng rất dễ hiểu rõ.

Chư vị đồng tu nghĩ xem phải làm sao để hiện tại tiêu tai khỏi nạn? Nói chung, xét ra là chẳng thể làm được là vì quá khứ đã tạo nghiệp, ắt phải chịu báo, muốn khỏi thọ báo thì đừng tạo nghiệp. Nghiệp quá khứ đã tạo vô phương cứu vãn, chỉ còn cách từ nay trở đi phải thay đổi tấm lòng, đem tâm biến thành “A Di Ðà Phật”, nghĩ tưởng thanh tịnh, chẳng tạo nghiệp nữa.

Trong số quý vị đây, ắt có người nghĩ mình niệm Phật đã lâu nhưng sao chẳng đắc lực. Ðấy là vì thời gian ta niệm Phật hiện tại rất ngắn, mà nghiệp đã tạo từ vô thỉ đến nay lại rất nhiều. Trong kinh dạy: “Nếu ác nghiệp có hình tướng thì trọn cõi hư không cũng chẳng thể chứa hết nổi”. Ví như một gian nhà lớn bốc cháy đùng đùng, toan cầm một chén nước tạt vào mong dập tắt lửa thì đấy là chuyện bất khả. Chỉ có cả xe nước lớn của xe chữa lửa, lại liên tục phun thêm nước vào, khiến cho lửa chẳng lan rộng thêm thì mới có thể dập được lửa.

Lửa đó ví như vô minh, phiền não, nước như cam lồ Phật pháp. Nước diệt được lửa là ví cho Phật pháp có khả năng đối trị phiền não. Nhưng muốn diệt được phiền não nhiều đời, nhiều kiếp thì chỉ có nhất tâm niệm Phật mới đắc lực. Kinh dạy: “Chí thành niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Quý vị đồng tu phải nghiến răng quyết từ nay trở đi đừng làm các điều ác, giống như chẳng đến bên đống lửa lớn bỏ thêm các chất đốt như củi, than, dầu hỏa v.v... Lại càng thêm khẩn mật dụng công niệm Phật, giống như đem từng xe, từng xe nước đến dập lửa. Nhưng dập tắt lửa chẳng cần phải dập hoàn toàn, chỉ cần dập tắt chừng bảy phần, ba phần lửa sót lại do vì có hơi nước hiện diện cũng dần dần giảm yếu. Cuối cùng rồi cũng tắt hết. Quý vị đồng tu cứ làm theo đúng như thế thì chẳng lâu sau, tự mình cũng có thể niệm Phật đến chỗ đắc lực được.

Bây giờ, tôi giảng vì sao Phước và Huệ là một khối chặt chẽ? Bổn tánh vốn thanh tịnh, quang minh, nhưng do vô minh che lấp nên quang minh chẳng xuất hiện được, khác nào tấm gương bị bụi lấp nên chẳng soi tỏ được. Hiện tại tu Phước giống như dùng khăn lau chùi gương. Chỉ cần bụi rớt đi thì ánh sáng sẽ tỏa ra. Vì thế, tu Phước chính là tu Huệ. Các tông khác minh tâm kiến tánh, chứng quả A La Hán rồi mới có thể liễu sanh thoát tử. Niệm Phật thì niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn bèn thoát khỏi tam đồ lục đạo.

Hôm nay, tôi toàn giảng về Niệm Phật, toàn là những chuyện bình thường, rất dễ thực hành, còn việc đàm huyền luận diệu thì hãy tạm chẳng nói đến bởi các vị đồng tu khi nghe giảng kinh đã từng nghe qua rồi. Hiện tại, tôi chuyên giảng phương pháp dụng công tu tập. Phật pháp có mười tông phái lớn, nhưng chỉ có pháp Niệm Phật của Tịnh Ðộ Tông là hữu dụng. Pháp Niệm Phật của các tông khác chưa rốt ráo nên vẫn chưa hữu dụng. Như có ba cách cứu hỏa, chẳng dùng nước cũng có thể diệt được lửa. Nếu lúc cứu hỏa không có nước thì có thể dùng một cái móc lớn kéo sập cả căn nhà. Nóc đổ, tường đổ cũng diệt được lửa. Ðiều này ví như các tông khác chẳng nhờ vào Phật lực cũng có thể liễu sanh tử. Còn cách chữa lửa của Tịnh Ðộ Tông là trước hết khiến cho thế lửa chẳng mạnh thêm, rồi mới đem từng xe nước dập lửa. Ðây chính là ngoài Tự Lực còn có thêm Phật lực. Trong các pháp môn, pháp môn Nhị Lực này đặc biệt nhất.

Pháp môn này đã trọng yếu như thế thì phải niệm cách nào? Có hai phương pháp niệm Phật: Một là niệm Phật, hai là nhớ Phật (ức Phật).

Niệm là niệm ở đâu thì chú tâm tại đó, tức là khi niệm Phật thì tâm đặt nơi Phật, tâm chính là Phật. Chẳng hạn lúc chúng ta niệm Phật hai thời sáng tối thì niệm do tâm khởi, tiếng từ miệng thoát ra lại lọt vào tai, tâm nhớ lấy. Ba nghiệp thân, khẩu, ý cùng hợp lại niệm. Kinh dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”.

Lúc niệm cốt cho tinh chứ không cầu nhiều. Tổ sư nói: “Chỉ cần niệm được một trăm lẻ tám câu chẳng loạn. Nếu có một câu niệm sai lạc liền lần chuỗi niệm lại từ đầu”. Niệm được một trăm lẻ tám câu Phật hiệu từng câu phân minh, nhớ rõ chẳng lầm lạc mới tốt. So với niệm cả ngàn câu, vạn câu mà tâm tán loạn thì lợi ích [của việc niệm Phật chẳng tán loạn] phải lớn hơn. Quý vị đồng tu đừng coi thường một trăm lẻ tám câu đó. Nếu quả thực quý vị có thể niệm được một trăm, hai trăm câu chẳng loạn thì công phu đã chẳng uổng phí rồi. Chỉ e chẳng có mấy người niệm được đến cả ngàn câu mà chẳng loạn. Ðây là lời chân thật!

Khi niệm Phật phải buông xuống vạn duyên, chẳng luận là niệm bốn chữ, sáu chữ, đều phải đặt chắc toàn tâm toàn ý vào câu Phật hiệu. Giả sử bốn bề cháy to, vẫn cứ niệm Phật như thế chẳng gián đoạn, chẳng loạn. Niệm Phật phải có sức mạnh như thế, tâm luôn thường hằng như thế thì mới thành tựu được.

Nhưng người tại gia khác với hàng xuất gia. Từ sáng đến tối đều phải làm lụng, bởi đối với người xuất gia thì củi, gạo, dầu, muối... đều chẳng quản đến; nhưng người tại gia có các nghề nghiệp sĩ, nông, công thương, nghiệp để mưu cầu sự sống. Vì thế, người tụng niệm một ngày ba thời, năm thời không nhiều. Người một ngày có thể niệm Phật đến ba tiếng đồng hồ chẳng hiếm lắm, nhưng hai mươi mốt giờ kia đều tán loạn, tạo nghiệp. Ðại đa số khóa sáng niệm nhiều, khóa tối niệm ít, hoặc khóa sáng niệm ít, khóa tối niệm nhiều. Công phu niệm Phật như vậy khác gì nửa chén nước, làm sao cứu hỏa được. Nhưng đức Phật có pháp phương tiện, đó là “ức Phật”.

Ức là nhớ rõ chẳng quên. Ði, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm đều chẳng hề quên. Dẫu cho vào chỗ nhà xí dơ bẩn nhất, trong tâm vẫn phải có Phật, nhớ cho thật rõ ràng, rành rẽ. Quý vị nghĩ xem có việc gì mà khiến mình dính vào thì đều quên tuốt mọi thứ không? Ðó là việc gì vậy? Chính là “ăn”. Chim vì tham ăn mà bị bắt nhốt vào lồng, cũi. Cá do ham mồi nên mắc câu. Có thể nói là hết thảy chúng sanh đang sống bị chết đi đều là vì cái ăn. Chúng ta mỗi ngày làm lụng cực nhọc phi thường, chịu đựng mọi thứ nhục nhằn, oan uổng, khổ sở, gian nan cũng đều là vì cái ăn. Có lúc bụng mình chẳng đói nhưng đến bữa cứ ăn. Nếu niệm Phật cũng giống như ăn vậy thì tự nhiên sẽ thành công.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch