Tiết 1: Truyền dịch kinh Bát chu tam muội
Phật giáo Trung Quốc do các nước Ấn Độ và Tây Vực truyền đến, vì thế điều tất nhiên phải lấy sự phiên dịch kinh điển làm đầu. Sự nghiệp dịch kinh ở Trung Quốc bắt đầu vào đời vua Hoàn Đế, thời Hậu Hán (147 167), An Thế Cao là vị Tam tạng pháp sư đầu tiên dịch kinh điển. Vào những năm cuối của đời vua Hoàn Đế, thời Hậu Hán có ngài Trúc Phật Sóc và Chi Sấm (Chi lâu ca sấm) đến Lạc Dương dịch ra rất nhiều kinh điển như kinh Bát nhã… truyền bá giáo lý Đại thừa.
Vào tháng 10 niên hiệu Quang Hòa thứ 2 (179 TL), đời vua Linh Đế, Chi Sấm cùng với Trúc Phật Sóc dịch kinh Bát chu tam muội, do Mạnh Phúc và Trương Liên bút thụ, đây tức là thời điểm mở đầu cho việc truyền dịch kinh điển về đức Phật A di đà ở Trung Quốc. Kinh này tuy không thuật lại những sự trang nghiêm có liên quan tịnh độ của đức Phật A di đà nhưng y theo pháp môn chuyên niệm này có thể thấy Đức Phật A di đà ở Tây phương, tán dương pháp Minh thị tam muội thấy Phật. Có lẽ đây là một bộ kinh biên dịch sớm nhất trong các kinh điển có liên quan tới đức Phật A di đà. Kinh A di đà và kinh Đại A di đà… chính là xuất phát từ kinh này nhưng nói tỉ mỉ và đầy đủ hơn mà thôi.
Kinh này ở trong tạng kinh có bốn bản dịch, trong đó hai kinh cùng một nhan đề là Bát chu tam muội. Một bộ chỉ có 1 quyển, gồm 8 phẩm; một bộ có 3 quyển, gồm 16 phẩm, đều thấy có ghi tên người dịch là Chi lâu ca sấm, thời Hậu Hán, nhưng một người thì không thể đồng một lúc dịch một bộ thành hai bộ được. Xuất tam tạng ký tập quyển 2 ghi: Thời Tây Tấn, ngài Trúc Pháp Hộ có dịch kinh Bát chu tam muội, 2 quyển, có thể trong đó một bộ do ngài Trúc Pháp Hộ dịch. Lại nữa, có kinh Bạt pha bồ tát cũng là bản dị dịch của kinh Bát chu, kinh này 1 quyển, chưa phân chương phẩm, tên người dịch không truyền, cũng tức kinh Bạt phi đà bồ tát đã ghi ở An công cổ dị kinh lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 3, có thể biết đó là bản cổ dịch vào thời vua Phù Kiên trước đây. Riêng có bộ Đại phương đẳng tập kinh Hiền Hộ phần, một tên là kinh Hiền Hộ, gồm 5 quyển 17 phẩm, ngài Xà na quật đa đã dịch vào đời Tùy, bản kinh này tường thuật rất tinh tế. Lại nữa, Tân tập tục soạn thất dịch tạp kinh lục ở trong Xuất tam tạng ký tập quyển 4 có kinh Bát chu tam muội niệm Phật chương gồm 1 quyển và kinh Bát chu tam muội khác 1 quyển, kinh Niệm Phật chương, cũng có lẽ là từ trong phẩm Hành sao chép ra, tên kinh khác nhưng cũng chỉ là kinh Bạt pha bồ tát mà thôi!
Tiết 2: Phiên dịch kinh Đại A di đà và kinh Bình đẳng giác
Đến thời Tam Quốc, đầu niên hiệu Hoàng Vũ (222 TL) đến giữa niên hiệu Kiến Hưng (253 TL) thời Ngô, Chi Khiêm dịch truyền rất nhiều kinh điển. Trong đó, kinh Đại A di đà 2 quyển, hiện nay kinh này được thấy trong tạng kinh. Bản nước Cao Ly có nhan đề là A di đà tam da tam phật tát lâu phật đàn quá độ nhân đạo. Ba bản thời Tống, Nguyên, Minh gọi tắt là kinh A di đà, từ xưa đến nay vì để phân biệt với kinh A di đà 1 quyển của ngài Cưu ma la thập dịch, cho nên gọi kinh này là Đại A di đà, cũng tức là bản dịch kinh Vô Lượng Thọ xưa nhất, bộ kinh quan trọng nói về sự phát tâm, phát nguyện của Đức Phật A di đà khi còn ở nhân địa và sự trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Lịch đại tam bảo kỷ và Khai nguyên thích giáo lục đều nói: kinh Vô Lượng Thọ, từ thời Hậu Hán về sau từng có người dịch, tức là lần đầu vào thời Hậu Hán, ngài An Thế Cao dịch kinh Vô Lượng Thọ 2 quyển. Kế đó, ngài Chi Khiêm dịch kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác 2 quyển (hiện nay chia làm 4 quyển); lần thứ ba vào thời Tào Ngụy, ngài Chi Khiêm vào thời Ngô dịch kinh Đại A di đà; lần thứ tư, ngài Khương Tăng Khải dịch kinh Vô Lượng Thọ 2 quyển; lần thứ năm cũng vào thời Tào Ngụy, ngài Bạch Diên dịch kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác 2 quyển; lần thứ sáu vào thời Tây Tấn, ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Vô Lượng Thọ 2 quyển.
Nhưng 6 bản kinh dị dịch này, Xuất tam tạng ký tập đã ghi lại chỉ có 2 kinh của ngài Chi Khiêm dịch vào thời Ngô và ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Đông Tấn, hiện tại chỉ còn 2 bộ kinh: Đại A di đà và Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác. Vì thế, đến thời Tây Tấn là ngưng, kinh Vô Lượng Thọ có thể có 2 lần dịch, nhưng trong 2 bản dịch này, bản kinh Đại A di đà của ngài Chi Khiêm dịch thì trong các kinh lục đều nói như nhau và không có dị luận, còn bản kinh Vô Lượng Thọ của ngài Trúc Pháp Hộ dịch thì có dị thuyết cho rằng rất nhiều người dịch. Như 4 bản khác trong 6 bản dị dịch đã nói ở trên, chính là đã nêu ra ở dị thuyết kia. Lương cao tăng truyện quyển 1 nói: Trong niên hiệu Cam Lộ, thời Tào Ngụy (256 259TL), ngài Bạch Diên dịch kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác; căn cứ Lịch đại tam bảo kỷ quyển 5, Tấn thế tạp lục của Đạo Tổ thời Lưu Tống và Chúng kinh mục lục của Bảo Xướng ghi: trong niên hiệu Gia Bình, thời Tào Ngụy (249 254TL), ngài Khương Tăng Khải dịch kinh Vô Lượng Thọ; cũng trong Chúng kinh mục lục quyển thứ tư, điều mục nói về ngài An Thế Cao, thời Hậu Hán, căn cứ theo Biệt lục thì có thuyết cho rằng kinh Vô Lượng Thọ do ngài An Thế Cao dịch; cũng trong Chúng kinh mục lục điều mục nói về ngài Chi Khiêm, dẫn dụng thuyết trong Ngô lục của ngài Đạo Tổ có thuyết cho rằng kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác do ngài Chi Khiêm dịch; kì thật những kinh này đều không ngoài dị thuyết mà thôi.
Kinh Vô Lượng Thọ của ngài Trúc Pháp Hộ dịch, còn có một tên nữa là Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác mà trong Xuất tam tạng ký tập quyển 2 có ghi rõ. Vì thế trong các kinh lục hoặc ghi là Vô Lượng Thọ, hoặc ghi là Bình đẳng giác, tên kinh tuy khác nhưng kì thật chẳng qua chỉ là một kinh. Đồng thời, Tấn thế tạp lục cho đến Biệt lục đều là dựa vào Tam bảo kỷ thì điều đó thật có giá trị đáng tin không? Nếu chưa thể lí giải được các dị thuyết về những người dịch cùng một bản kinh mà không có một chút phê phán, cứ dễ dàng nào chấp nhận các thuyết, rồi xét theo thời đại mà liệt kê ra thứ tự người nào dịch bản thứ nhất, người nào dịch bản thứ hai, cũng khiến người ta cảm thấy đáng buồn cười, cho là ngu muội.
Hiện có trong tạng kinh, y theo thuyết của Tam bảo kỷ, cho đến thuyết của Khai nguyên lục hiện có kinh Bình đẳng giác do ngài Chi Khiêm dịch vào thời Hậu Hán. Thuyết này vốn y cứ vào Ngô lục của ngài Đạo Tổ, nhưng Ngô lục này, đương thời trong Tam bảo kỷ đã thất lạc không còn truyền, do đó, tác giả của Tam bảo kỷ nói là căn cứ vào Ngô lục thì nhất định có sự nghi vấn, mặc dù, đương thời có thể thấy ở trong các văn hiến khác nhưng có lẽ cũng không ra ngoài đa số dị thuyết của truyền thuyết kia, trong dị thuyết được cho là lý do chính đáng nhất. Trong các Kinh lục hiện còn thì có thể nói niên đại của Xuất tam tạng ký tập là xưa nhất và những việc ghi lại trong đó cũng đủ để đáng tin cậy. Do đó, kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác hiện nay được công nhận là do ngài Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn dịch. Nhưng Lương cao tăng truyện ghi là của ngài Bạch Diên, Bảo Xướng lục ghi là của ngài Khương Tăng Khải, đều là những thuyết được lưu hành vào đời Lương, cho nên khó có thể xác định người dịch. Nội dung kinh này ghi lại hầu như đồng nhất với kinh Đại A di đà của ngài Chi Khiêm, bản nguyện ở nhân vị cũng đầy đủ hai mươi bốn nguyện, nhưng thứ tự văn nguyện và nội dung có chỗ bất đồng thì có thể biết nó chẳng phải đồng một bản Phạn.
Ngoài ra, thời Tam Quốc và thời Tấn cũng dịch nhiều kinh điển nói về bản sinh của Đức Phật A di đà như các kinh Huệ ấn tam muội, Vô lượng môn vi mật trì do ngài Chi Khiêm vào thời Ngô dịch; các kinh Đức Quang thái tử, Quyết định tổng trì, Hiền Kiếp, Chính pháp hoa, Tề chư phương đẳng học, Sinh Kinh, Quang Thế Âm, Đại Thế Chí thụ ký v.v…do ngài Trúc Pháp Hộ vào thời Tây Tấn dịch. Lại nữa, ở Thất Dịch Tạp Kinh Lục trong Xuất tam tạng ký tập quyển 4 có liệt kê có Di đà Phật kệ 1 quyển, A di đà Phật kệ nay đã thất truyền, nhưng Hậu xuất Di đà Phật kệ vẫn còn ở trong Tạng kinh, gồm mười bốn hàng kệ theo thể ngũ ngôn, trong đó nêu hai mươi bốn nguyện, phải chăng từ bản Phạn dịch ra hay do người Trung Quốc sáng tác thì không thể biết được, nhưng trước thời Lưu Tống đã có, đây là điều không cho hoài nghi.
Tiết 3: Tín ngưỡng tịnh độ thời kỳ đầu
Như đã nói ở trên, ngài Chi Khiêm thời Ngô, ngài Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn kế tiếp nhau dịch các kinh điển về tịnh độ của Đức Phật Di đà, sau đó, những người đọc tụng những kinh điển này dần dần nguyện cầu vãng sinh Tây phương. Pháp Uyển Châu Lâm quyển 42 dẫn dụng truyện ký trong Minh tường ký kể về Khuyết Công Tắc và học trò của ông là Vệ Sĩ Độ vãng sinh tịnh độ Tây phương. Như trong văn ghi: Khuyết Công Tắc là người nước Triệu. Ông sống đạm bạc, siêng năng làm pháp sự, vào đời Tấn Vũ (265 274TL) ông qua đời ở Lạc Dương. Đạo tục đồng lòng thiết hội ở chùa Bạch Mã. Đêm ấy, đang tụng kinh bỗng nghe trên không trung có tiếng ca tụng, ngưỡng lên thấy một người thân hình to lớn, uy nghi chỉnh tề, người ấy nói: “Tôi là Khuyết Công Tắc, được sinh về thế giới Tây phương An Lạc, nay cùng với các bồ tát đến nghe kinh”. Đây có lẽ là người tín ngưỡng Di đà sớm nhất ở Trung Quốc, hiện còn ghi trong tài liệu lịch sử. Luận Niệm Phật tam muội bảo vương quyển trung của ngài Phi Tích, đời Đường có ghi: Chi Đạo Lâm và Ngu Hiếu Kính thời Đông Tấn đều có viết bài văn Tán ca ngợi Công Tắc.
Lại nữa, trong Minh tường ký ghi: Vệ Sĩ Độ là người Cấp Quận (huyện Cấp, tỉnh Hà Nam) cũng là cư sĩ khổ hạnh. Ông giỏi văn chương, có viết bài sám Bát quan trai, ông qua đời giữa niên hiệu Vĩnh Xương (322TL), thời Đông Tấn và cũng có xuất hiện điềm lạ, có người tạo tượng, viết truyện thánh hiền ghi đầy đủ việc này, nói Vệ Sĩ Độ cũng được sinh Tây phương. Xuất tam tạng ký tập quyển 2 ghi: Vệ Sĩ Độ sống thời Tấn Huệ Đế, có làm toát yếu về kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật đạo hành 2 quyển, đủ cho thấy ông ấy cũng là người tinh thông Bát nhã.
Lại nữa, năm cuối của thời Tây Tấn có ngài Trúc Tăng Hiển, người đất Bắc, ngài thường lấy sự tụng kinh, thiền định làm sự nghiệp. Cuối niên hiệu Thái Hưng, thời Đông Tấn (321TL), ngài đi về phía nam đến Giang Tả. Sau đó, ngài bị bệnh nặng lâu ngày, vô cùng đau khổ, ngài luôn nghĩ tưởng Tây phương, thấy chân dung Phật Vô Lượng Thọ giáng xuống, ánh sáng chiếu đến thân ngài, sự đau đớn đều thuyên giảm. Sáng hôm sau, ngài ngồi yên mà thị tịch. Kế tiếp có ngài Trúc Pháp Khoáng, người Hạ Phi (huyện Phi, tỉnh Giang Tô), là đệ tử của sa môn Trúc Đàm Ấn, sau ngài đến ẩn náu ở thạch thất trong núi sâu, thường cho kinh Pháp hoa là yếu chỉ của tam hội, kinh Vô Lượng Thọ là nhân của tịnh độ, ngài thường ngâm vịnh hai bộ này, có chúng thì giảng, một mình thì tụng.
Vào niên hiệu Hưng Ninh, thời Đông Tấn (363 365TL), ngài đi về phía đông đến Vũ Huyệt (Núi Uyển Ủy, huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) cùng Hi Siêu, Tạ Khánh Tự kết bạn xuất thế. Những người bệnh trong nhân gian đến cầu ngài chữa trị, phần nhiều đều được lành bệnh. Bấy giờ, sa môn Trúc Đạo Lân tạc tượng Phật Vô Lượng Thọ, ngài Pháp Khoáng bèn vận động những người có duyên với mình cùng xây dựng đại điện, việc này được ghi ở quyển 5 và quyển 11 trong Lương cao tăng truyện. Trong đó, có nói đến việc Pháp Khoáng giảng kinh Vô Lượng Thọ cho đại chúng nghe. Kinh mà Pháp Khoáng đã giảng, tôi suy đoán có thể là kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác của ngài Trúc Pháp Hộ dịch.
Tóm lại, việc này thật là sự khởi đầu của việc giảng giải kinh điển Di đà ở Trung Quốc.
Đầu thời Đông Tấn có Chi Độn, tự Đạo Lâm, người Trần Lưu (huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), vốn có tụng kinh Đạo hành bát nhã và kinh Huệ ấn tam muội v.v… cùng với Vương Hiệp, Hi Siêu, Tôn Sước kết bạn xuất thế và ông có trứ tác các sách Tâm du huyền luận, Đạo hành chỉ qui. Thái Hòa nguyên niên (366TL), ông thị tịch, hưởng dương 53 tuổi. Ông đã từng sai thợ tạc tượng Đức Phật A di đà, tự soạn bài văn tán, về sau được ghi lại ở quyển 15 trong Quảng hoằng minh tập. Trong bài văn A di đà Phật tượng tán và tựa có ghi: “Cuối thời Đông Tấn này có người thờ Phật, giữ giới, tụng kinh A di đà, nguyện sinh về nước của Ngài, luôn luôn chí thành, mạng chung có hiện điềm lành, vãng sinh về đó, được thấy Phật, khai ngộ liền đắc đạo”. Đây chính là chỉ cho Chi Độn phúng tụng kinh A di đà của ngài Chi Khiêm dịch, y theo kinh này dạy mà phát nguyện cầu vãng sinh tịnh độ.
Lại nữa, tượng Phật của Chi Độn tạc này so với tượng Phật của ngài Trúc Đạo Lân tạc đã nói ở trên, tượng nào tạc trước thì không cách nào phân biệt được. Nhưng tóm lại chỉ biết là từ đầu thời Đông Tấn đã có người tạc tượng Phật A di đà.
Lại nữa, văn của Di lặc bộ trong Pháp uyển châu lâm quyển 16 ghi: “Thời Tấn, nước Tiêu có Đái Quì, tự Đạo An, người nước Tiều trốn sang vùng đất nước Ngô cũ, nghiên cứu Phật giáo và tạc tượng Phật Vô Lượng Thọ có hai vị bồ tát đứng hầu, bị nhiều lời bình phẩm nên ông đã gia tâm sửa chữa kỹ càng hơn, suốt ba năm mới thành tựu, một lúc sau thì ông liền nghinh tiếp tượng vào chùa Linh Bảo, ở Sơn Âm (huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Hi Siêu ở Cao Bình nghe liền đến lễ bái, về sau tượng này phóng ánh sáng lớn, đạo tục ai thấy đều phát tâm bồ đề.
Tấn thư quyển 94 ghi: “Vào đời Hiếu Vũ Đế, thời Đông Tấn, Đái Quì nhờ Tán kị thường thị, Quốc tử bác sĩ trình bày nhiều lần, kiên trì nhưng không được nên ông bèn trốn sang nước Ngô. Việc này xảy ra khoảng giữa niên hiệu Thái Nguyên (376 395TL).
Lại nữa. Tục cao tăng truyện quyển 29, Pháp uyển châu lâm quyển 13 có ghi: Tháng tư niên hiệu Ninh Khang thứ 3, thời Đông Tấn (375TL) sa môn Thích Đạo An ở chùa Đàn Khê, Tương Dương đúc tượng Phật Vô Lượng Thọ bằng đồng, cao mười tám thước, đến cuối mùa đông năm sau thì thành tựu tốt đẹp, vào tối hôm đó, tượng tự di chuyển ra đứng trước cửa chùa, mọi người đều kinh ngạc, bèn đổi tên chùa là Kim Tượng. Nhưng Quảng hoằng minh tập quyển 15 ghi ngài Thích hòa thượng (tức ngài Đạo An) viết bài tựa ca ngợi tượng Phật mười sáu thước ở Tương Dương thời Tấn, nhưng chẳng thấy có một lời nào nói đến Di đà và tịnh độ, lại có câu: “Vĩ đại thay Thích ca! Ngài khéo chuyển pháp luân ở thế gian”, và trong Lương cao tăng truyện quyển 5 chỉ nói tượng đồng, không nêu tên Phật, vì thế tượng này không phải là tượng Phật Vô Lượng Thọ mà là tượng Phật Thích ca. Sau này, vào đầu niên hiệu Nguyên Hưng, thời Đông Tấn (402TL), ngài Huệ Viễn kết Bạch Liên xã ở Lô sơn (huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây), theo văn phát thệ của Lưu Di Dân ghi: “Mọi người ở trước tượng Phật A di đà tại tinh xá Bát nhã Đài lập thệ nguyện”. Điều này có thể thấy, lúc đó ở Lô sơn đã có thờ tượng Phật A di đà.
Bởi có liên quan đến việc tạo tượng Phật, kinh Bát nhã tam muội, phẩm Tứ sự ghi: “Nếu ai muốn mau đắc tam muội thì nên tạo hình tượng Phật”. Kinh Đạo hành bát nhã quyển 10, phẩm Đàm vô kiệt bồ tát ghi: “Sở dĩ tuy tượng Phật không có thần thức nhưng tạc tượng là vì muốn cho người thế gian cúng thờ được phúc mà thôi”. Lại nữa, kinh Bồ tát bản nghiệp của ngài Chi Khiêm dịch vào thời Ngô cũng ghi:
“Thấy được hình tượng Phật,
Nên nguyện cho chúng sinh
Khắp mười phương đều thấy
Mắt không bị ngăn che”.
Như thế thì việc tạo tượng vào thời đại Tam Quốc đã được sự chú ý của những người tín ngưỡng. Trong đó, kinh Bát nhã tam muội đã ghi: “Nếu ai muốn mau đắc tam muội thì nên tạo hình tượng Phật, ở trước tượng Phật, một lòng quán tưởng thì có thể chóng đắc tam muội, thấy chư Phật hiện tiền”. Các pháp quán tưởng trong kinh Quán Phật tam muội hải, quyển 9, phẩm Quán tượng và kinh Quán Vô Lượng Thọ v.v... dạy tạo lập tượng Phật rồi quán tưởng cũng đều từ thuyết này mà ra. Tuy nhiên, lúc đó cũng có dựa vào thuyết tạo lập tượng Phật được phước trong kinh Đạo hành bát nhã, nhưng chủ ý của sự tạo tượng vốn xuất phát từ ý muốn để chóng đắc tam muội. Y theo kinh Bát chu tam muội, nếu mong muốn được thấy Phật, trước cần phải tạo lập hình tượng Phật. Tín ngưỡng Tịnh Độ là thời kì đầu, kế đó tạo tượng Đức Phật A di đà tức là dựa vào yêu cầu này. Người đời sau dùng bản tôn qui y nên an trí tượng Phật, cho biểu tượng đó là Phật thật, khiến cho người thấy sinh tâm tôn trọng, cung kính, tự nhiên ý nghĩa của hai trường hợp này không đồng.