Skip Navigation LinksHome > Học Phật > Tự Điển Phật Học

Tự Điển Phật Học

A Á Â Ă B C D Đ E É È Ê G H I Í J K L M N O Ó Ô Ơ P Q R S T U Ú Ù Ư V W X Y Ý

Chân Đế


(真諦) I. Chân đế. Là một trong hai đế, một trong ba đế. Chỉ nghĩa lí chân thật, không hư dối. Như nói pháp thế gian là Tục đế, pháp xuất thế gian là Chân đế. (xt. Nhị Đế). II. Chân đế (499 - 569). Vị tăng dịch kinh nổi tiếng vào khoảng thế kỉ thứ V, thứ VI. Tên Phạm: Paramàrtha. Dịch âm: Ba la mạt tha, Ba la mạt đà. Còn gọi là Câu la na đá (Phạm:Kulanàtha). Người xứ Ưu thiền ni (Phạm:Ujjainì) tây bắc Ấn độ, giòng Bà la môn, họ Phả la đoạ (Phạm: Bhàrata). Sư thông minh, biện luận thao thao. Lúc nhỏ, sư đi các nước tìm thầy tham học, nhớ dai, nghiên cứu tinh tường bốn bộ kinh Vedas và sáu bộ luận, quán thông ba tạng năm bộ, rõ suốt diệu lí Đại thừa. Niên hiệu Trung đại đồng năm đầu (546) đời Nam triều Lương, sư mang theo kinh điển đến Trung quốc. Năm Thái thanh thứ 2 (548), sư vào Kiến nghiệp (Nam kinh) yết kiến Vũ đế, lúc ấy Hầu cảnh nổi loạn, sư bèn lánh về phía nam, lần lượt đi khắp các địa phương, nay là Tô (Giang tô), Triết (Triết giang), Cám (Giang tây), Mân (Phúc kiến) và Quảng châu v.v... và đến đâu sư cũng dịch kinh không ngưng nghỉ, xong lại soạn sớ để giải thích rõ nghĩa thú trong các kinh luận. Niên hiệu Thái kiến năm đầu đời Trần, sư thị tịch, thọ bảy mươi mốt tuổi. Từ cuối đời Vũ đế nhà Lương đến niên hiệu Thái kiến năm đầu đời Trần, sư dịch được sáu mươi tư bộ, hai trăm bảy mươi tám quyển kinh luận, nay chỉ còn ba mươi sáu bộ, đại đa số là những kinh điển trọng yếu cho việc nghiên cứu Phật giáo. Sư ùng với các ngài Cưu ma la thập, Huyền trang và Nghĩa tịnh, được gọi chung là bốn nhà phiên dịch lớn. Phương pháp phiên dịch và học thức của sư đối với lịch sử truyền bá Phật giáo và phiên dịch kinh điển ở Trung quốc có thể xếp vào hàng cự phách. Ngoài các luận điển Duy thức chủ yếu như luận Chuyển thức, luận Đại thừa duy thức v.v..., sư còn dịch kinh Kim quang minh, luận Nhiếp đại thừa, Nhiếp đại thừa luận thích, luận Luật nhị thập nhị minh liễu, luận Trung biên phân biệt, luận Thập thất địa (luận này được rút ra từ Luận du già sư địa), Câu xá luận thích, luận Đại thừa khởi tín v.v... Trong số này, Nhiếp đại thừa luận và Nhiếp đại thừa luận thích có ảnh hưởng lớn nhất, là căn cứ lí luận chủ yếu của học phái Nhiếp luận thời Nam triều, cũng do đó mà ngài Chân đế được tôn làm tổ của tông phái Nhiếp luận. [X. Tục cao tăng truyện Q.1 - Nhiếp đại thừa luận tự - Đại đường nội điển lục Q.4, Q.5].