Home > Khai Thị Phật Học > Ba-Tu-Luong-Tin-Nguyen-Hanh
Ba Tư Lương Tín Nguyện Hạnh
Hòa Thượng Thích Trí Thủ


Pháp môn Tịnh độ dễ tu nhưng khó tin. Trong kinh “Phật tuyết A Di Đà”, Đức Thế Tôn cũng thừa nhận như thế.

Đã thế rồi, pháp môn này lại còn nương tựa hoàn toàn vào lòng tin để thành tập, nương vào lòng tin để duy trì; có lòng tin rồi mới sanh khởi hành động, rồi mới đạt được nguyện vọng nhơn viên quả mãn. Nếu không có lòng tin vững chắc thì tuy cửa Phật rộng mở, cũng không thể vào được. Vì vậy nên Tín, Nguyện, Hạnh gọi là ba môn tư lương về Tịnh độ.

Nói tư lương cũng ví như nói người muốn đi xa cần phải có tiền của (tư) và lương thực (lương) nếu thiếu một trong hai thứ đó thì khó mà đạt mục đích mình muốn đến. Cũng thế, ba món tư lương cần có để lên đường về Tịnh độ cũng không thể thiếu một. Hơn nữa, ba món này liên hệ mật thiết với nhau theo thứ tự trước sau tiếp nối sanh khởi. Trước hết phải do có lòng tin thắm thiết mới có phát sanh nguyện cầu; do nguyện cầu thành khẩn mới hăng hái hành động. Nếu lòng tin không có thì quyết nhiên nguyện và hạnh không thành lập được.

TÍN là căn bản của người tu hành pháp môn Tịnh độ, phải:

Thứ nhứt, phải tin rằng ba bộ kinh nói về Tịnh độ là do Đức Thích Tôn vì lòng từ bi chân thật mà dạy cho chúng ta quyết không phải như sách ngụ ngôn giả thiết để khuyến tu.

Thứ hai, phải tin rằng ngoài thế giới ô uế mà chúng ta hiện sống, chắc thật có thế giới Tịnh độ trang nghiêm.

Thứ ba, phải tin rằng 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà cùng là những công hạnh kiến lập cõi Tịnh độ của Ngài là chơn thật, cũng như việc Ngài đăng ứng hóa độ sanh tại cảnh giới Tịnh độ ấy là chơn thặt.

Thứ tư, phải tin rằng sanh Tịnh độ hay uế độ là do trồng nhơn tịnh thì hoàn quả tịnh, trồng nhơn uế thì quả uế, tuyệt nhiên toàn do tự tâm ứng hiện. Hễ trồng nhơn tịnh thì được tinh không liên quan gì đến vấn đề thưởng phạt.

Thứ năm, phải tin rằng chánh niệm của ta cùng tâm niệm của Đức Phật A Di Đà chắc chắn cảm ứng với nhau, lâm chung thế nào cũng được Ngài tiếp dẫn vãng sanh.
Thứ sáu, phải tin rằng tuy ác nghiệp của chúng ta có nhiều, nhưng một khi sanh về Tịnh độ, nhờ có hoàn cảnh tốt đẹp thuận tiện, nhờ ơn giáo huấn thường xuyên của Phật và Bồ tát, ác niệm không thể sanh khởi lại và ác báo do đó sẽ lần lần tiêu trừ.

Thứ bảy, phải tin rằng sức mình và sức Phật, cả hai đều bất khả tư nghì. Trong hai sức cùng bất khả tư nghì ấy, sức Phật lại bất khả tư nghì, gấp trăm ngàn muôn ức lần hơn. Cho nên, một khi được tiếp dẫn, sức mình còn kém cõi thì với sức Phật cũng đủ giúp ta vãng sanh.

Thứ tám, phải tin rằng Phật có vô số Pháp môn giải thoát, Phật có công năng kiến lập thế giới trong một mảy trần. Giá như chúng sanh trong mười phương đều sanh ở trong mảy trần ấy, hết thảy phòng ốc dụng cụ đều trang nghiêm đầy đủ, không thiếu một thứ gì.

Thứ chín, phải tin rằng mình niệm một tiếng niệm Phật là tức thời Đức Phật liền nghe và liền thâu nhiếp.

Thứ mười, phải tin rằng hễ mình niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung được Phật và Thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực lạc, quyết không còn đọa lạc luân hồi trong sáu đường nữa.

Tóm lại, phải tin chắc rằng những lời Phật dạy trong kinh đều chơn thật, cần phải thâm tín, tuyệt đối không nên sanh tâm ngờ vực, lòng ngờ vực là chướng ngại vật không thể vượt qua trên con đường dẫn đến đạo quả. Có lòng ngờ vực rồi thì tất nhiên nguyện và hạnh sẽ không có cứ điểm để sanh khởi. Nếu lòng tin kiên cố, tự nhiên phát nguyện cầu sanh Cực lạc và đã phát tâm nguyện cầu, tự nhiên chuyên tâm tinh tấn, y pháp hành trì,không đợi ngoại duyên thúc đẩy.

Người đời nhơn vì căn khí bất đồng. Cho nên, kiến thức cũng bất đồng. có người cho rằng Tịnh độ là cõi hư vô không thật, nên không tin. Có người cho rằng chết là mất hẳn, không có đời sau, nên không tin. Có người cho rằng sanh đông sanh tây, chịu khổ hưởng vui đều là việc ngẫu nhiên, không có việc gây nhơn hưởng quả nên không tin. Có người cho rằng niệm Phật cầu sanh Tây phương là lối giả thiết để khuyên người làm lành lánh dữ, chứ không có cảnh Tây phương Tịnh độ, giả sử có thật thì không thể chỉ niệm ít lần danh hiệu Phật mà được vãng sanh, nên không tin. Có người cho rằng con người vốn đã nặng nghiệp tham, sân,si và ích kỷ, dù có sanh về Tịnh độ thì thói cũ vấn khó trừ, quyết không thể trong khoảnh khắc biến thành người hiền thiện được, nên không tin. Có người cho rằng con người ở thế gian này tạo nghiệp ác quá nhiều, đương nhiên phải theo từng nghiệp mà thọ quả báo, không thể nhờ vãng sanh mà tiêu trừ tất cả nghiệp dữ trong một lúc, như thế htì không hợp với nhân quả. Nên không tin. Có người cho rằng mỗi ngày chỉ cần niệm 10 lần danh hiệu Phật mà cũng được vãng sanh, đó là lời nói mơ hồ, giả như tất cả chúng sanh ai nấy đều làm y như thế thì địa ngục hẳn sẽ trống không, thế giới này hẳn không còn người ở, không thể có việc dễ dàng như thế, nên không tin. Có người cho rằng quốc độ Cực lạc, dù cho số phòng ốc dụng cụ có nhiều đến đâu vẫn có số lượng, trong khi ấy thì số chúng sanh được vãng sanh từ vô thỉ đến giờ, theo lời Phật dạy là vô lượng, thế mà không bị nạn nhân mãn thì thật là mâu thuẫn, vì thế mà không tin. Có người cho rằng sanh về Tịnh độ, nghĩ gì có nấy, muốn áo có áo, muốn ăn có ăn, khỏi nhọc công người tạo tác, thật không khác nào lời nói trong mộng, nói như thế chỉ phỉnh phờ được kẻ ngu phu, thất phu, vì vậy nên không tin. Có người cho rằng thế giới Cực lạc, đất vàng,hồ sen, lâu đài thảy đều bằng thất bảo, không cần kiến tạo mà tự n hiên thành tựu, đó là chuyện thần thoại của đời thượng cổ còn sót lại,không hợp với khoa học hiện đại,vì vậy nên không tin. v.v... và v.vv

Vì vậy, chúng ta chỉ nên tin lời Phật mà thực hành theo, quyết không bị lầm lạc và để khỏi bỏ phí thì giờ luống trôi qua không hí đàm. Nếu tự phụ là thông minh trí tuệ không chịu tin theo, chung quy sẽ trở lại thua những người thật thà chất phát mà có tín tâm mạnh mẽ. Sở dĩ sanh tâm tự phụ kiêu căng như thế, chẳng qua là vì phước đức thiểu bạc nên mới không thọ nạp được một pháp môn giản dị và rất khó gặp như pháp môn Tịnh độ. Thật cũng đáng tiếc lắm thay!

Trên đây, hoàn toàn đứng về phương diện Tín mà nói, chứ chưa đề cập đến hai phương diện Nguyện và Hạnh.Nhưng hễ Tín đã vững chắc thì Nguyện và Hạnh tự nhiên thành tựu, khỏi cần phải nhắc nhủ, khuyến hóa. Vì như khi đã tin chắc rằng trước sân nhà có hầm vàng thì tự nhiên không ai sai bảo, vẫn hăng hái đào bới tìm tòi. Còn nếu nghe nói có hầm vàng mà chưa chịu đi đào là vì lòng tin chưa vững chắc.
 
Trích từ: Toàn Tập Tâm Như Trí Thủ