(Trong Kinh Bi Hoa, về kiếp qúa khứ, thuở đời Phật Bảo Tạng, khi đức A Di Đà còn làm Luân Vương, thì Bồ Tát làm vị Thái tử thứ nhất của Ngài, hiệu là Bất Thuấn. Lúc Thái tử đối trước đức Bảo Tạng phát đại nguyện rồi, Phật liền ban cho danh hiệu là Quán Thế Âm. Hiện tại, Bồ Tát ở cõi Cực Lạc phụ giúp Phật A Di Đà mà hoằng hóa và tiếp dẫn chúng sanh. Về sau, Bồ Tát kế vị đức A Di Đà mà thành Phật, hiệu là Biến Xuất Nhất Thế Công Đức Sơn Vương Như Lai; thế giới Cực Lạc đổi tên lại là Nhất Thế Trân Bảo Sở Thành Tựu. Về phần nhân hạnh qủa đức cùng sự ứng hóa của Bồ Tát, trong kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, và Đại Bi có nói đến)
*
Kinh Đại Bi Đà La Ni nói: “Nếu chuyên xưng danh hiệu và cúng dường đức Bổn Sư ta là Phật A Di Đà, thì sẽ được vô lượng phước, tiêu trừ vô lượng tội, khi mạng chung lại được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Bấy giờ đức Như Lai đưa tay tiếp dẫn và xoa đầu kẻ ấy mà bảo rằng: “Người đừng sợ hãi, vì đã được sanh về nước ta”.
*
Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký nói: “Kẻ nào phát lòng vô thượng Bồ Đề, nguyện sanh về Cực Lạc, đều được thấy cõi ấy, lại thấy Phật A Di Đà cùng các hàng Bồ Tát và Thanh Văn. Người đó thấy như thế rồi, vui mừng khấp khởi, xướng lên rằng: “Nam Mô A Di Đà Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri!” Bấy giờ trong pháp hội có 84.000 chúng sanh đều phát lòng bồ đề, nguyện trồng căn lành để được vãng sanh về Cực Lạc.
Quán Thế Âm Bồ Tát Thập Nhị Đại Nguyện
1. Nam mô hiệu viên thông, danh tự tại, Quán Âm Như Lai quảng phát hoằng thệ nguyện.
2. Nam mô nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quán Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện.
3. Nam mô trụ Ta Bà, U Minh giới, Quán Âm Như Lai tầm thinh cứu khổ nguyện.
4. Nam mô hàng tà ma trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai năng trừ nguy hiểm nguyện.
5. Nam mô thanh tịnh bình, thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện.
6. Nam mô đại từ bi, năng hỷ xả, Quán Âm Như Lai thường hành bình đẳng nguyện.
7. Nam mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quán Âm Như Lai thệ diệt tam đồ nguyện.
8. Nam mô vọng Nam nham, cầu lễ bái, Quán Âm Như Lai già tỏa giải thoát nguyện.
9. Nam mô tạo Pháp thuyền, du khổ hải, Quán Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện.
10. Nam mô tiền tràng phan, hậu bảo cái Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện.
11. Nam mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như Lai Di Ðà thọ ký nguyện.
12. Nam mô đoan nghiêm thân, vô tỷ toại, Quán Âm Như Lai quả tu thập nhị nguyện.
Quán Thân Tướng Ðức Quán Thế Âm (Quán Thế Âm Quán)
Này A Nan, Vi Đề Hy! Khi đã thấy Phật Vô Lượng Thọ rõ ràng rồi, lại nên quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm. Vị Đại Sĩ này thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, sắc tử kim, đảnh có nhục kế. Viên quang nơi đầu của Bồ Tát, mỗi phía đều rộng trăm ngàn do tuần. Trong viên quang có năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Mỗi vị hóa Phật đều có năm trăm Hóa Bồ Tát và vô lượng chư thiên làm thị giả. Trong thân quang của Bồ Tát hiện tất cả sắc tướng của ngũ đạo chúng sanh.
Bồ Tát đầu đội thiên quan bằng chất báu Tỳ Lăng Già Ma Ni. Nơi thiên quan có một vị Hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do tuần. Quán Thế Âm Đại Sĩ mặt như sắc vàng Diêm Phù Ðàn, tướng bạch hào giữa đôi mi có đủ sắc thất bảo, chiếu ra tám muôn bốn ngàn thứ quang minh. Mỗi ánh quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật lại có vô số Hóa Bồ Tát làm thị giả. Các Hóa Bồ Tát này biến hiện tự tại đầy khắp mười phương thế giới.
Cánh tay của Bồ Tát như sắc hoa sen hồng, có tám mươi ức tia sáng nhiệm mầu dường như chuỗi anh lạc, trong ấy hiện ra tất cả việc trang nghiêm. Bàn tay Bồ Tát như năm trăm ức sắc tạp liên hoa, nơi đầu mỗi ngón tay có tám muôn bốn ngàn lằn chỉ đẹp dường như nét vẽ của chiếc ấn. Mỗi lằn chỉ đều có tám muôn bốn ngàn sắc, mỗi sắc lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng nhu nhuyễn soi khắp các nơi. Bồ Tát thường dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh các cõi.
Nơi lòng bàn chân của Quán Thế Âm Đại sĩ có tướng thiên bức luân. Khi Bồ Tát giở chân lên, từ nơi luân tướng ấy hóa hiện ra năm trăm ức đài quang minh. Lúc để chân xuống tự nhiên có vô số hoa kim cương ma ni tuôn rải tản mác khắp mọi nơi.
Ngoài ra, các tướng khác nơi thân bồ Tát đều đầy đủ và xinh đẹp như đức Vô Lượng Thọ Thế Tôn; duy trừ nhục kế và tướng Vô Kiến Ðảnh là không bằng Phật.
Đây là môn tưởng sắc thân chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm, thuộc về phép quán thứ mười.
Đoạn chánh văn trên đây đã diễn tả chơn thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu "năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai" là chỉ cho chư Hóa Phật đều cao một trượng sáu và có đủ ba mươi hai tướng như thân tướng của đức Thích Ca Mâu Ni. Những tướng lạ nơi tay của Bồ Tát, tiêu biểu cho năng dụng từ bi, sự hóa hiện nơi chân hiển thị về quả pháp công đức. "Thiên bức luân" là hình tướng bánh xe có ngàn cây căm. Câu "duy trừ nhục kế và tướng Vô Kiến Ðảnh là không bằng Phật" hiển minh phần quả nguyện của Bồ Tát chưa bằng Phật, nên hai tướng ấy phải kém hơn.
A Nan! Nếu chúng sanh nào muốn quán thân tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm, phải nên quán tưởng đúng như vậy. Kẻ tu thành môn quán nầy không còn gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng và tội lỗi trong vô số kiếp sanh tử. Chúng sanh chỉ nghe danh hiệu vị Bồ Tát ấy còn được vô lượng phước, huống nữa là quán kỹ sắc thân? Kẻ nào muốn quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, trước nên quán nhục kế trên đảnh, tiếp quán đến thiên quan, bao nhiêu tướng khác cũng lần lượt quán cho rõ ràng, như thấy các lằn chỉ trong bàn tay.
Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.
Đoạn văn trên, đức Phật đã nhấn rõ lại nghi thức tu quán. Quán Thế Âm Bồ Tát có bản nguyện tìm tiếng cứu khổ, chúng sanh nào chỉ thường xưng niệm danh hiệu cũng được trừ tội, sanh phước, khỏi các tai nạn, huống chi là quán đến sắc thân? Cho nên kẻ nào tu thành môn quán này, không những hiện đời được lợi ích, mà khi lâm chung cũng chắc chắn sẽ được sanh về Tây phương vậy.
Trích từ: Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ Sao - Việt dịch HT Thích Thiền Tâm