Người thế tục, từ trẻ đến già đều không rời được ba nhu cầu như ăn, mặc, chỗ ở. Vì chúng mà ai ai cũng bận bịu cho đến chết. Y phục che thân, tránh gió lạnh. Ăn uống ít thì đói khát. Không có nhà cửa thì không có chỗ để tránh mưa gió. Thiếu một trong ba nhu cầu này, thì không thể sống được. Loài người như thế, và năm loài khác cũng cần ba nhu cầu như vậy. Loài bay nhảy trên không dưới đất như hổ, sói, chim chóc, rắn chuột, đều muốn sống an thân, đều dùng lông mao làm y phục, đều cần thức ăn nước uống. Ba nhu cầu này vốn là gốc khổ, nhưng người xuất gia chớ để chúng xoay chuyển. Lúc đầu chế giới, đức Phật dạy chư tỳ kheo rằng chỉ được giữ ba y, một bình bát, cùng ăn mỗi ngày một buổi, ngủ mỗi đêm tại một gốc cây.
Tuy giảm thiểu sự phiền lụy rất nhiều, nhưng cũng chưa hẳn rời khỏi chúng. Hiện tại, thời thế đổi thay, người xuất gia gần giống như kẻ thế tục, tức vẫn bận rộn vì việc ăn mặc ngủ nghỉ. Từ sáng đến chiều, ngâm thân trong nước, cấy lúa làm ruộng rẫy. Nếu không làm thì chẳng có gạo mà ăn. Mùa xuân không gieo giống, thì mùa thu lấy lúa đâu mà thu hoạch? Thế nên, hạt lúa bát cơm không dễ dàng có được. Phải tốn hao công sức thời gian, lao tâm lao lực, mới có lúa để thu hoạch. Là người xuất gia, an nhiên khoanh tay ngồi hưởng, sao thành tựu đạo nghiệp được!
Người xưa bảo:
- Nếu hiểu rõ năm cách quán thì vàng tiêu cũng dễ. Ba tâm nếu chưa dứt thì nước uống cũng chẳng trôi.
Người xuất gia chớ nên hành như giống kẻ tại gia, tức ngày đêm bận rộn vì ba nhu cầu này. Phải nên vì đạo, cầu thoát ly sanh tử. Do mượn thân giả tạm để tu đạo chân thật, nên chưa có thể cắt đứt được việc ăn, mặc, chỗ ở. Lúc tu đạo, tạm thời phải tự xem như không có thân mình, giống như người đã chết. Người xưa bảo:
- Nếu là người tu đạo chân thật thì chẳng phút giây nào rời xa đạo.
Hành vi của bậc đạo nhân, nơi nơi chốn chốn chớ để cảnh chuyển. Tu đạo như làm ruộng. Đầu tiên gieo lúa. Lúa biến thành mạ. Mạ dần dần sanh trưởng trở thành cây lúa. Lúa chín thì thành thóc. Chà thóc ra thì thành gạo. Nấu gạo chín thì thành cơm.
Hạt lúa ví như Phật tánh. Bổn tánh của chúng sanh, vốn cùng Phật không khác. Tự tâm là Phật, nên gọi là Phật tánh. Tiến trình biến chuyển từ hạt lúa đến mạ, thóc, gạo, cơm thật rất xa. Song, chớ vì thế mà không tin rằng hạt lúa sẽ thành cơm. Thế nên, muốn thành Phật thì trước hết phải có tín tâm. Phải gieo hạt lúa xuống ruộng, rồi đợi nó phát mầm biến thành mạ. Khi ấy, vì sợ mầm héo giống khô, uổng phí thời gian, nên đức Phật dạy chúng ta phải phát tâm học pháp Đại Thừa, chớ lầm bước vào đường lộ của Tiểu Thừa. Lại nữa, lúc cấy mạ xong rồi phải nên nhổ cỏ. Nghĩa là người tu hành phải tẩy rửa thói quen tật xấu, tịnh trừ thất tình lục dục, mười triền sử, ba độc, mười việc ác, cùng tất cả phiền não vô minh vọng động. Giống trí mạ linh, trưởng thành thuận lợi, chắc chắn sẽ ra hoa kết quả.
Tu hành phải dụng công trong động. Không nhất định phải ngồi xuống, lim dim nhắm mắt mới bảo là tu hành. Trong bốn oai nghi, dùng ba môn học vô lậu giới định huệ, dẹp trừ ba độc tham sân si. Nhiếp thọ sáu căn như chăn trâu, chẳng để chúng phá hư ruộng đất của người. Khi cô gái đẹp đứng trước mặt, đối với người thế tục thì đó là một cành hoa tươi, còn đối với các thiền sư thì đó là ác quỶ cô hồn. Mắt phải như thế, chớ để cảnh chuyển. Năm căn kia cũng vậy, chớ để cảnh trần xoay chuyển.
Ngửi mùi hương thơm, chớ đắm đuối. Ngửi mùi hôi thúi, chớ sanh tâm ghét bỏ. Chớ để ý đến lông mi dài, răng ngắn, trương tam lý tứ, nhân ngã thị phi. Bồ Tát Di Lặc viết kệ bảo:
"Lão chuyết xuyên nạp áo
Đạm thực phục trung bão
Bổ phá hảo giá hàn
Vạn sự tùy duyên hảo
Hữu nhân mạ lão chuyết
Lão chuyết tự thuyết hảo
Hữu nhân đả lão chuyết
Lão chuyết tự thùy đảo
Thuế thóa tại thượng diện
Tùy tha tự kiền liễu
Ngã dã tỉnh khí lực
Tha dã vô phiền não
Giá dạng ba la mật
Tiện thị diệu trung bảo
Nhược tri giả hưu tức
Hà sầu đạo bất liễu.
Dịch:
Lão chuyết mặc áo vá
Cơm đạm bạc no lòng
Áo bố che giá lạnh
Muôn sự đều tùy duyên
Có ai mắng lão chuyết
Lão chuyết tự thuyết hảo
Có ai đánh lão chuyết
Lão chuyết tự xoay ngủ
Nhổ bọt trên mặt mũi
Để nó tự khô mất
Ta vẫn tự tỉnh khí
Họ chẳng sanh phiền não
Đây là ba la mật
Tức bảo vật vi diệu
Nếu biết tin tức này
Sao lo không hiểu đạo".
Không đàm luận thị phi, không lo biện hộ, không tranh nhân ngã, không làm kẻ anh hùng, chạy ra khỏi hầm lửa nóng, bèn đến sông Hán mát trong. Ngộ được lý trường sanh, nương mặt trời mặt trăng làm bạn lữ. Nơi nơi đều là chốn tu hành, chẳng hạn cuộc ngồi trên bồ đoàn mới tu đạo. Nếu chấp ngồi trên bồ đoàn mới tu đạo thì như Tứ Liệu Giản, bảo: "Ấm cảnh hiện tiền, chớp mắt liền theo chúng".
Người thế gian, chưa có thể đoạn dứt lời hay tiếng xấu. Nếu phá được cửa ải này thì không còn phiền não. Được khen thì vui mừng, tức bị ma hoan hỶ mê hoặc. Ba cái tốt, chấp giữ đến già. Song, ai chê mình, tức là bậc thiện tri thức. Họ khiến mình nhận rõ lỗi lầm, đoạn ác hành thiện. Phải nên sửa đổi.
Ăn mặc ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi, chớ rời xa đạo. Tám mươi bốn ngàn tế hạnh, không ngoài bốn oai nghi. Người xưa vì đạo, tu hành chẳng bỏ phí thời gian. Lúc ngủ, dùng miếng gỗ tròn làm gối, sợ mộng mê lâu không tỉnh, thì sẽ tu lầm lạc. Chẳng những ban ngày gặp cảnh tùy duyên, tự làm chủ được, mà lúc ngủ vẫn phải tự chủ được. Khi nằm phải theo thế kiết tường, tức thân như cung tên, dùng tay phải làm gối, tay trái để trên thân mình. Đó là nằm theo thế kiết tường. Khi vừa tỉnh mộng, liền dụng công tiếp tục. Chớ để tâm cuồn cuộn chảy về quá khứ, cuốn trôi đến vị lai, tán loạn khởi vọng tưởng từ sáng đến tối.
Ai ai cũng có vọng tưởng. Niệm Phật cũng là vọng tưởng. Người tu thiền nếu muốn trừ vọng tưởng, thì ma đến giết ma, Phật đến giết Phật, rồi lần lần bước tới nơi bảo địa. Chớ sợ niệm khởi, chỉ lo giác chậm. Dụng công như thế, lâu ngày tự nhiên thành thục. Trong bận rộn, thị phi, động tịnh, nơi đầu đường xó chợ, đều tu thiền được. Chẳng vì bận rộn cấy lúa mà quên đi sự tu hành.