Tiếng Phạn là “ma ha bồ đề chất đế tát đỏa”, dịch là “đại đạo tâm chúng sinh”(1) (người có tâm đạo lớn). Về sau gọi vắn tắt là “bồ đề tát đỏa”. “Bồ đề” là giác, “tát đỏa” là hữu tình(1); có nghĩa rằng, tuy có thể tự giác nhưng vẫn còn thuộc vào loài hữu tình; hoặc cũng có nghĩa rằng, chẳng những đã có thể tự giác, mà lại còn có khả năng giúp cho tất cả loài hữu tình đều được giác ngộ. Từ bốn chữ “bồ đề tát đỏa” ấy, lại nói vắn tắt một lần nữa, thành ra là “Bồ tát”; dịch nghĩa là Khai sĩ, Thỉ sĩ, Cao sĩ, Đại sĩ(2).
Ý nghĩa của từ “Bồ tát” rất rộng. Một cách tổng quát và ngắn gọn, có thể chia làm hai hạng Bồ tát: Một, các hành giả(3) trong đạo Phật, khi đã phát tâm thực hiện sự nghiệp hộ pháp(4), hoặc làm những điều đem lại lợi ích cho người khác, đều có thể được gọi là Bồ tát. Các vị Bồ tát thuộc loại này, tuy có phát tâm rộng lớn, nhưng vẫn chưa dứt sạch các hoặc nghiệp trong ba cõi, do đó, cũng chưa thoát khỏi phần đoạn sinh tử; cho nên trên thực tế, họ vẫn chỉ là phàm phu. Bởi vậy, họ được gọi là hạng “Bồ tát nhục thân(5) sinh tử”. Hai là các hành giả đã chứng nhập pháp tính vô sinh, giải thoát khỏi phần đoạn sinh tử, chỉ còn chịu bất tư nghị biến dịch sinh tử. Nếu luận về quả vị, các bậc thánh ở trên địa vị từ Sơ địa cho đến Đẳng giác đều thuộc vào hạng này; bởi vậy, các ngài được gọi là “Bồ tát sinh thân(6) pháp tính”.
Trong các kinh luận, theo sau từ “Bồ tát”, thường có kèm thêm từ “Ma ha tát”. “Ma ha” nghĩa là lớn, ý nói rằng, vị Bồ tát đó là một vị Bồ tát lớn. Tại vì Bồ tát được phân biệt một hạng là thánh giả và một hạng là phàm phu, cho nên phẩm vị của các ngài cũng có cao, vừa và thấp khác nhau. Các vị Bồ tát từ Sơ địa trở lên, đều có thể gọi là “Bồ tát lớn”; có ý nói rằng, nguyện, hạnh và sự độ sinh của các ngài đều rất lớn. Thực ra, bất luận là hạng Bồ tát nào, nếu đứng trên cương vị phàm phu và tiểu thừa mà nói, các ngài đều là những bậc thánh, vì các ngài đã phát tâm rộng lớn, có đầy đủ tự giác và giác tha, và hướng đến quả Phật. Nhưng, nếu đứng ở cương vị Phật mà nói, thì tất cả các ngài đều là phàm phu; vì vẫn chưa dứt sạch vô minh hoặc, cho nên thể tính giác ngộ vẫn chưa trọn vẹn.
Đa số người đời vẫn ngộ nhận, cho rằng quỉ thần là Bồ tát, rồi cứ hướng vào quỉ thần mà cúng dường lễ bái. Thực ra, đó chỉ là những hành vi mê tín(7), điên đảo(8); nếu đã là đệ tử Phật thì không nên bắt chước theo.
CHÚ THÍCH
01. “Phạn” nghĩa là trong sạch. Vì tiếng Ấn độ gần giống như tiếng nói Phạn thiên(9), cho nên cũng được gọi là tiếng Phạn.
02. Chữ “ma ha” dịch nghĩa là lớn; “bồ đề” là đạo; “chất đế” là tâm; “tát đỏa” là chúng sinh; hợp lại tức là chúng sinh có tâm đạo lớn – ý nói, những chúng sinh này có thể phát tâm tu hành đạo lớn.
03. Theo cách dịch cũ là chúng sinh, theo cách dịch mới(10) là hữu tình; hợp lại có nhiều nghĩa: 1) Nhiều người cùng sinh ra, nghĩa là, giống người ở kiếp ban sơ là do từ cõi trời Quang âm, cùng hạ giáng sinh ra ở thế gian, không có phân biệt tôn ti, nam nữ; 2) Do nhiều duyên mà sinh ra, nghĩa là, tất cả loài hữu tình đều do muôn pháp hòa hợp, nhiều điều kiện thành tựu mới sinh ra; 3) Rất nhiều sinh tử, nghĩa là, tất cả loài hữu tình từ vô thỉ đến nay, từng trải qua rất nhiều lần sinh tử; nhưng chỉ nói sinh mà không nói tử, là vì đã có sinh thì ắt phải có tử, cho nên chỉ cần nói sinh thì đã bao gồm có tử.
04. Tất cả động vật đều là loài có tình thức, có ái tình, cho nên chúng sinh cũng được dịch là hữu tình.
05. Phần đoạn sinh tử là một trong hai thứ sinh tử. Xin xem lại chú thích số 5 trong bài số 5.
06. Bản tính của các pháp tức là thật tướng chân như, vốn không sinh diệt, cho nên nói là “pháp tính vô sinh”.
07. Bất tư nghị biến dịch sinh tử là một trong hai thứ sinh tử. Đó là sự sinh tử của các bậc thánh từ A lahán trở lên, đã dứt trừ mọi kiến tư hoặc. Xin xem lại chú thích số 5 trong bài số 5.
08. Những bậc thang chứng đắc của hàng Bồ tát được chia làm mười Địa, trong đó, Sơ địa cũng gọi là Hoan hỉ địa. Khi vị Bồ tát đã tu tập hoàn tất kiếp a tăng kì đầu tiên, các kiến hoặc đều dứt, chứng nhập lí “nhị không”, tâm sinh niềm hoan hỉ lớn, cho nên gọi là Hoan hỉ địa.
09. Trong 52 bậc thang của đại thừa, bậc thang thứ 51 gọi là “Đẳng giác”; tức là, sau khi thành tựu được quả vị Thập địa và trước khi chứng nhập quả Phật, nhân vì cả trí tuệ và công đức của vị Bồ tát ở giai đoạn trung gian ấy đều tương đương với bậc Diệu giác, cho nên gọi là “Đẳng giác” – cũng gọi là “Nhất sinh bổ xứ”, hoặc “Kim cương tâm Bồ tát”.
10. “Phàm tiểu” tức là phàm phu và tiểu thừa.
PHỤ CHÚ
(01) Chúng sinh Hữu tình: “Tát đỏa” là tiếng dịch âm của tiếng Phạn “sattva”, tiếng Trung quốc dịch ý là “chúng sinh” hay “hữu tình”; có nhiều chỗ cũng gọi là “hàm thức”, “hàm sinh”, “hàm linh”, “quần sinh” v.v... Tuy hai danh từ chúng sinh và hữu tình đều dịch từ một tiếng Phạn là “tát đỏa”, nhưng các nhà Phật học cũng phân biệt ý nghĩa khác nhau giữa hai danh từ ấy. Có thuyết cho rằng, hữu tình là chỉ cho các loài có tình thức như trời, người, ngạ quỉ, súc sinh; còn chúng sinh là chỉ bao quát cả các loài có tình thức (hữu tình) và các loài không có tình thức (vô tình) như cây cỏ, đất đá, sông hồ. Trong khi đó thì có thuyết lại cho rằng, hữu tình chỉ là một tên gọi khác của chúng sinh, cả hai đều chỉ bao quát cho cả các loài có tình thức lẫn không có tình thức. Riêng từ “chúng sinh” có nhiều ý nghĩa: a) Các loài bị nhiễm trước triền miên trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức; b) Các loài cùng sinh trong thế gian, không phân biệt nam nữ, tôn ti trên dưới, cũng không có tên khác nhau; c) Các loài phải chịu nhiều sinh tử; d) Các loài đều do ngũ uẩn và các duyên giả hợp mà sinh ra; đ) Pháp thân bị phiền não ràng buộc nên phải trôi lăn trong sinh tử; e) Các loài bị phiền não che lấp mà phải lưu chuyển trong sinh tử.
(02) Khai sĩ Thỉ sĩ Cao sĩ Đại sĩ: Chữ “khai” nghĩa là mở ra con đường chân chính để hướng dẫn chúng sinh. Bồ tát thấy rõ chân lí, có thể dẫn dắt chúng sinh đến chỗ ngộ nhập tri kiến Phật; cho nên từ “Khai sĩ” được đặc biệt dùng để tôn xưng Bồ tát. Danh từ “Thỉ sĩ” cũng dùng để tôn xưng Bồ tát, vì Bồ Tát luôn luôn giữ vững tâm bồ đề phát khởi từ thuở ban đầu (thỉ), và tinh cần tu tập để cứu độ chúng sinh. Mặt khác, Bồ tát phát tâm cao thượng (cao), trên thì cầu đạo giác ngộ, dưới thì cứu độ chúng sinh, cho nên cũng được xưng là “Cao sĩ”. Lại nữa, Bồ tát là vị có nguyện lớn, hạnh lớn (đại), vừa làm lợi cho mình, vừa làm lợi cho người, cho nên cũng được tôn xưng là “Đại sĩ”.
(03) Hành giả: Ngày xưa, trong chốn thiền môn Trung quốc, chữ “hành giả” được dùng để chỉ cho những người chưa xuất gia nhưng cư trú tại chùa để công quả và tu học, có thể cạo tóc hoặc không cạo tóc; các chức vụ trong thiền môn cũng có chữ này kèm theo sau, như phương trượng hành giả, điển tọa hành giả, tri sự hành giả, v.v... Ngày nay nó được dùng để chỉ chung cho tất cả những người tu hành theo Phật pháp.
(04) Hộ pháp: nghĩa là bảo hộ và duy trì Phật pháp. Trong kinh điển thường nói, chư thiên, các vị thiện thần, quỉ vương, sau khi nghe kinh xong đều phát nguyện hộ trì chánh pháp; cho nên họ đều được gọi chung là “Hộ pháp thiện thần”. Ngoài ra, những người ở thế gian, từ hàng lãnh đạo quốc gia đến hàng dân dã, ai phát tâm quay về nương tựa Tam Bảo, ủng hộ Phật pháp, đóng góp của cải, khả năng, công sức và thì giờ vào việc bảo vệ, duy trì và phát triển Phật giáo, đều được gọi là “hộ pháp”. Thời Phật tại thế, các đức vua như Tần Bà Sa La, Ba Tư Nặc, các vị cư sĩ như Cấp Cô Độc, Kì Bà, Tì Xá Khư, v.v... đều là những vị hộ pháp lớn của Phật giáo. Theo như tinh thần của bài học này, tất cả những người phát tâm tu tập theo Phật pháp tức là đã có chí hướng bảo vệ, duy trì và phát triển Phật pháp, cho nên họ được gọi là “hộ pháp”.
(05) Nhục thân: tức là cái xác thân hiện có của con người, do tinh huyết của cha mẹ sinh ra, được hợp thành bởi bảy yếu tố: đất, nước, gió, lửa, không, kiến và thức. Hành giả, ngay ở nhục thân này mà tu tập hạnh Bồ tát thì gọi là “Bồ tát nhục thân”.
(06) Sinh thân: Nhục thân của Phật thì gọi là “sinh thân”, tức là cái thân do chư Phật tùy hạnh nguyện mà ứng hiện trong các loài để cứu độ chúng sinh; đối lại với “sinh thân” là “pháp thân”. Các vị Bồ tát khi đã tiến lên hàng Mười địa, chứng nhập pháp tính, hóa độ tự tại thì gọi là “Bồ tát sinh thân”.
(07) Mê tín: tin tưởng một cách mù quáng, tin mà không cần suy xét xem có đúng với chân lí hay không; như tin vào sự an bài của định mệnh, tin vào sự ban phước giáng họa của thượng đế hay thần linh, tin vào sự sống đời đời ở hỏa ngục hay thiên đàng sau khi chết, tin chết rồi là tất cả đều hư vô, không có nhân quả nghiệp báo, không có sinh tử luân hồi, v.v...
(08) Điên đảo: Trong Phật học, từ “điên đảo” được dùng để chỉ cho những tà kiến của kẻ phàm phu chưa giác ngộ, tức là do vô minh mà sinh ra những thấy biết sai lầm, trái ngược với thật tướng của vạn hữu; như vạn hữu là vô thường mà cho là thường, là vô ngã mà cho là ngã, là khổ mà cho là vui, là giả có mà cho là thật có, là dơ nhớp mà cho là trong sạch, là duyên sinh mà cho là do thượng đế sáng tạo, v.v...
(09) Theo truyền thuyết của Ấn độ, văn tự Ấn độ là do Phạn Thiên sáng chế, và tiếng Ấn độ thì giống như tiếng nói của Phạn Thiên, cho nên đã có các danh từ “Phạn tự” và “Phạn ngữ” (Sanskrit). Khoảng hai nghìn năm trước TL, giống người Aryans (Ấn Âu) từ miền Trung Á tiến vào vùng Ngũ hà (Punjab) ở Tây Bắc Ấn độ, đánh đuổi người bản xứ và định cư tại đó. Họ tiêu diệt nền văn hóa cũ của dân địa phương và sáng lập nền văn hóa mới, sùng bái Phạn Thiên, cho Phạn Thiên là gốc của vũ trụ; do đó, ngôn ngữ và văn tự Ấn độ, họ đều cho là từ Phạn Thiên.
(10) Cựu dịch và tân dịch: Đây là hai thuật ngữ chỉ cho hai thời kì dịch kinh từ Phạn ngữ sang Hán ngữ ở Trung quốc. Trong sách Xuất Tam Tạng Kí Tập, Tăng Hựu (445 518) gọi tất cả kinh điển được dịch từ đời Tây Tấn (265 316) trở về trước là “cựu kinh” (kinh dịch theo cách cũ), và từ đời Hậu Tần (tức DiêuTần, 384 417) trở về sau là “tân kinh” (kinh dịch theo cách mới). Sự phân biệt này của Tăng Hựu chỉ có ý so sánh những tiếng dịch khác nhau giữa hai thời kì trước và sau mà thôi. Đến Huyền Trang (602?664) thì sự phân biệt cũ mới đã trở nên gay gắt. Huyền Trang cực lực bài xích lối dịch cũ mà ngài cho là rất sai lầm, vì chỉ cốt đạt ý; và ngài chủ trương dịch thẳng, sát nghĩa theo nguyên bản. Chủ trương này của ngài, sau đó đã được các nhà dịch thuật hưởng ứng mạnh mẽ; và từ đó, người ta lấy Huyền Trang làm cái mốc để phân chia: trước đó là “cựu dịch”, từ đó về sau là “tân dịch”. Tiêu biểu cho phái “cựu dịch” có Cưu Ma La Thập (344 413, hoặc có thuyết nói 350 409) và Chân Đế (499 569); tiêu biểu cho phái “tân dịch” có Huyền Trang và Nghĩa Tịnh (635 713).
BÀI TẬP
1) Nhóm từ “ma ha bồ đề chất đế tát đỏa” có ý nghĩa gì?
“Ma ha bồ đề chất đế tát đỏa” là một nhóm từ được phiên âm từ tiếng Phạn. “Ma ha” nghĩa là lớn; “bồ đề” nghĩa là đạo, hay giác ngộ; “chất đế” nghĩa là tâm; “tát đỏa” nghĩa là chúng sinh, hay hữu tình. Hợp tất cả lại, nhóm từ tiếng Phạn nói trên có nghĩa là người có tâm đạo rộng lớn; hay nói cho thật rõ ràng là người phát tâm tu hành để đạt được quả vị giác ngộ trọn vẹn – tức quả vị Phật. Nhóm từ trên đã được giản lược đi để thành một danh từ ngắn gọn, hiện đang rất thông dụng là “Bồ tát”, mang một ý nghĩa thật quan trọng trong Phật giáo: Đó là một chúng sinh (một người) đã tự mình giác ngộ, và còn có khả năng hóa độ cho mọi người cùng được giác ngộ.
2) Vì sao gọi là “Bồ tát nhục thân sinh tử”?
Các hành giả tuy đã phát tâm thực hành hạnh Bồ tát, nhưng chưa bước vào Mười địa thì vẫn còn là phàm phu, các hoặc nghiệp trong ba cõi chưa dứt sạch, vẫn còn chịu phần đoạn sinh tử; bởi vậy mà họ được gọi là “Bồ tát nhục thân sinh tử”.
3) Vì sao gọi là “Bồ tát sinh thân pháp tính”?
Các vị Bồ tát đã vào hàng Mười địa, đã dứt hết các hoặc nghiệp trong ba cõi, thoát khỏi phần đoạn sinh tử, chứng nhập pháp tính vô sinh, cho nên các ngài được gọi là “Bồ tát sinh thân pháp tính”.
4) Theo sau từ “Bồ tát” lại có kèm thêm ba chữ “ma ha tát” là có ý gì?
Tên một vị Bồ tát mà có kèm thêm ba chữ “ma ha tát” theo sau là có ý nói rằng, đó là một vị Bồ tát lớn, đã đứng vào hàng thánh chứ không còn là phàm phu nữa.
5) Hạng Bồ tát nào mới được xưng là “ma ha tát”? Vì sao?
Các vị Bồ tát từ Sơ địa trở lên đến Đẳng giác (tức hàng Mười địa) đều được xưng là “ma ha tát”; vì cả nguyện, hạnh, và khả năng độ sinh của các ngài đều rộng lớn.