Đức Bồ tát họ là Di Lặc, dịch nghĩa là Từ thị(1); tên là A Dật Đa(2), dịch nghĩa là Vô Năng Thắng. Ngài sinh ở miền Nam nước Thiên trúc(3), trong một gia đình dòng Bà la môn. Ngài đã nhập diệt trước đức Phật Thích Ca, sinh lên nội viện cõi trời Đâu suất, trở thành vị Bồ tát “một đời thành Phật”(4). Trong tương lai, vào tiểu kiếp thứ mười của kiếp Trụ, lúc tuổi thọ của con người giảm đến tám vạn tuổi4, Ngài sẽ hạ sinh ở thế giới này, kế sau đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trở thành đức Phật chí tôn thứ năm trong Hiền kiếp(5).

Người nào nghe được danh hiệu của đức Bồ tát Di Lặc mà sinh lòng hoan hỉ, cung kính lễ bái, thì khi mạng chung liền được vãng sinh lên nội viện cõi trời Đâu suất. Nếu người nào đã phạm các giới cấm, tạo các nghiệp xấu, mà khi nghe được danh hiệu của đức Bồ tát này, liền lạy năm vóc chấm đất(6), thành tâm sám hối, thì những nghiệp xấu ấy sẽ chóng được trong sạch. Chúng sinh trong đời vị lai, khi nghe danh hiệu của đức Bồ tát này, liền tạo lập hình tượng, trưng bày hương hoa tranh lọng cờ phướn, lễ bái tưởng niệm, những người ấy lúc sắp mạng chung, được đức Bồ tát Di Lặc phóng hào quang ở khoảng giữa chân mày, cùng với thiên chúng, đến trước mặt nghênh đón, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh(7), được nghe Phật pháp, không còn bị thối lui trên con đường tiến đến đạo vô thượng; và trong đời vị lai sẽ được gặp vô số chư Phật.

Trong tương lai, đức Bồ tát này sẽ thành Phật dưới cội cây Long hoa. Ở pháp hội đầu tiên, Ngài sẽ hóa độ được chín mươi sáu ức người6. Ở pháp hội thứ hai, Ngài sẽ hóa độ được chín mươi bốn ức người. Ở pháp hội thứ ba, Ngài sẽ hóa độ được chín mươi hai ức người. Ngài sẽ thuyết pháp độ sinh cho đến sáu vạn tuổi mới nhập niết bàn. Chánh pháp(8) tồn tại ở đời lâu đến sáu vạn năm.

Mới bước vào cửa chùa, chúng ta thấy tượng một vị Bồ tát, đầu to bụng lớn, mặt hiện nét vui cười, tay cầm cái đãy vải, đó là tượng của đại sư Định Ứng, tức hóa thân của đức Bồ tát Di Lặc. Sư sinh vào đời Lương, thời Ngũ đại(9), ở huyện Phụng hóa, tỉnh Triết giang. Sư thường để hở bụng, nét mặt luôn lộ vẻ hoan hỉ, tay cầm đãy vải, thiền cơ(10) thâm mật, cho nên người ta thường gọi là Bố Đại hòa thượng.

Để biết những gì liên quan đến đức Bồ tát Di Lặc và sự thành Phật của Ngài, có thể tham khảo các kinh: Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Đà Thiên; Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật; Phật Thuyết Di Lặc Đại Thành Phật. Có kẻ ngoại đạo nói, “đức Bồ tát Di Lặc hiện đã hạ sinh sớm hơn hạn định, rõ ràng là trái ngược với kinh Phật”, đã là đệ tử trong cửa Phật thì không nên tin lời nói ấy.
CHÚ THÍCH

01. Vào thời cổ, nước Ấn độ được gọi là Thiên trúc.

02. Bà la môn là một trong bốn chủng tộc ở Ấn độ, chuyên phụng thờ Đại Phạm Thiên, tu hạnh trong sạch, đứng đầu trong bốn chủng tộc.

03. Đâu suất là tầng trời thứ tư của cõi Dục. Một ngày đêm ở cõi trời này dài bằng bốn trăm năm ở cõi người. Thiên chúng ở đó sống lâu bốn ngàn tuổi, bằng năm ức bảy ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian. Cõi trời này được chia làm hai khu vực: nội viện và ngoại viện. Chư thiên ở khu ngoại viện, còn nội viện là trú xứ của thân sau cùng của các vị Bồ tát “bổ xứ”. Các Ngài thường từ nơi đó mà hạ sinh thành Phật. Hiện nay, cõi trời này chính là cõi tịnh độ của đức Bồ tát Di Lặc.

04. Tuổi thọ của con người ban đầu từ tám vạn bốn ngàn, mỗi một trăm năm giảm đi một tuổi, giảm cho đến chỉ còn mười tuổi thì ngưng. Sau đó, mỗi một trăm năm lại tăng lên một tuổi, tăng cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi như thuở ban đầu thì ngưng. Cứ một lần giảm và một lần tăng như thế là một tiểu kiếp. Nếu tính theo cách thức của số học thì một tiểu kiếp bằng:

(84000 10) x 100 x 2, tức một ngàn sáu trăm bảy mươi chín vạn tám ngàn năm. Cứ hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Trải qua bốn trung kiếp (tức bốn thời kì: thành, trụ, hoại, không) là một đại kiếp; đó là số năm từ lúc sinh thành đến lúc hoại diệt của một thế giới.

05. “華” là chữ cổ của “花”. Trong tương lai đức Bồ tát Di Lặc sẽ ngồi nơi gốc cây Long hoa mà thành Phật. Vì hoa của cây ấy rất được loài rồng ưa chuộng, nên gọi là Long hoa. Cũng có thuyết nói, vì hoa của cây ấy giống như đầu rồng, cho nên gọi tên như vậy.

06. Sách Du Già Lược Toản ghi: “Về số ức, phương Tây có bốn cách tính: 1) mười vạn là một ức; 2) một trăm vạn là một ức; 3) một ngàn vạn là một ức; 4) một vạn vạn là một ức. Nay Du Già nêu rõ một trăm vạn là một ức, Hoa Nghiêm thì một ngàn vạn là một ức, và Trí Độ Luận thì mười vạn là một ức.” Có thể thấy, như kinh Di Lặc Hạ Sinh nói, pháp hội đầu tiên hóa độ được chín mươi sáu ức người, v.v..., không nhất định chỉ rằng một vạn vạn là một ức.

07. Hoặc dịch là nê hoàn, tịch diệt, diệt độ, diệt, viên tịch v.v..., nghĩa là giải thoát sinh tử, nhập vào cảnh giới an lạc tịch tĩnh. Cho nên, các bậc thánh khi xả bỏ sắc thân thì đều gọi là “nhập niết bàn”.
PHỤ CHÚ

(01) Từ thị: họ Từ. Chữ “thị” ở đây được dùng để chỉ cho những người được tôn quí trong nhân loại; đó là những vị giáo chủ, những triết gia, như “Thích thị” (đức Thích Ca Mâu Ni), “Lão thị” (đức Lão Tử), “Khổng thị” (đức Khổng Tử), v.v... Theo kinh chép, đức Bồ tát Di Lặc, vì lòng thương rộng lớn đối với chúng sinh, ngay từ buổi đầu phát tâm tu hành, đã không ăn thịt, do đó mà được gọi là “Từ thị”.

(02) Có vài kinh luận nói rằng, Di Lặc và A Dật Đa là hai nhân vật khác nhau, cùng là đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

(03) Trong sách sử Trung quốc, có rất nhiều danh xưng để gọi nước Ấn độ. Trước hết, trong Sử Kí, Ấnđộ được gọi là “Thân độc”; sau đó, Hậu Hán Thơ đã gọi Ấn độ là “Thiên trúc”. Các kinh sách Phật giáo từ đời Ngụy (220 265), Tấn (265 420) trở đi, phần nhiều gọi là “Thiên trúc”. Từ đời Đường (618907) về sau, danh xưng “Ấn độ” được dùng rất thường. Ngoài ra, trước kia, một số danh xưng khác cũng đã được dùng để gọi nước Ấn độ, như: Thiên đốc, Thiên độc, Càn đốc, Hiền đậu, Ấn đệ á, v.v... Vào thời trung cổ, nước Ấn độ chia làm năm khu vực: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương, gọi là “Ngũ Thiêntrúc” (gọi tắt là “Ngũ Trúc”), hay “Ngũ Ấn độ” (gọi tắt là “Ngũ Ấn”). Vậy, Nam Thiên trúc (hay NamTrúc) là một trong năm khu vực của nước Ấn độ.

(04) “Một đời thành Phật”: từ Phật học Hán Việt là “nhất sinh bổ xứ” (nói tắt là “bổ xứ”). Từ này nguyên có nghĩa là kiếp luân hồi cuối cùng; tức là, sau khi trải hết kiếp này, kiếp kế tiếp nhất định sẽ thành Phật ở thế gian. Đây là quả vị tối cao của hàng Bồ tát, tức là bậc “Đẳng giác Bồ tát” (đức Bồ tát được xem ngang hàng với đức Phật). Từ “nhất sinh bổ xứ” cũng có chỗ nói là “nhất sinh sở hệ”, có nghĩa là, chỉ còn một đời này bị trói buộc trong cõi mê mà thôi, đời sau chắc chắn sẽ thành Phật. Mọi người Phật tử đều tin tưởng rằng, đức Bồ tát Di Lặc chính là một vị Bồ tát “nhất sinh bổ xứ”, vì theo kinh điển, đức Di Lặc hiện ngự ở cung trời Đâu suất, chờ cho đến khi hết kiếp sống ở cõi trời ấy, ngài sẽ giáng trần và thành Phật để nối tiếp sự nghiệp hóa độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

(05) Hiền kiếp: gọi cho đủ là “hiện tại Hiền kiếp”. Kiếp Trụ của đại kiếp quá khứ gọi là Trang nghiêm kiếp; kiếp Trụ của đại kiếp vị lai gọi là Tinh tú kiếp; kiếp Trụ của đại kiếp hiện tại gọi là Hiền kiếp. Trong mỗi kiếp Trụ đều có một ngàn đức Phật ra đời hóa độ chúng sinh. Theo kinh điển, đức Phật đầu tiên của Hiền kiếp là Câu Lưu Tôn, kế đó là đức Câu Na Hàm, tiếp theo là đức Ca Diếp, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là thứ tư, và đức Phật thứ năm sẽ là Di Lặc; cuối cùng của Hiền kiếp sẽ là đức Phật Lâu Chí. Đức Phật đầu tiên của Trang nghiêm kiếp (quá khứ) là Hoa Quang, và cuối cùng (thứ một ngàn) là đức Phật Tì Xá Phù. Đức Phật đầu tiên của Tinh tú kiếp sẽ là Nhật Quang, và cuối cùng sẽ là đức Phật Tu Di Tướng.

(06) Năm vóc chấm đất (ngũ thể đầu địa): Đây là một cách lạy của Phật giáo. Năm vóc (ngũ thể, hay ngũ luân) là đầu, hai tay và hai đầu gối, đều chạm đất. Cách lạy “ngũ thể đầu địa” (cũng gọi là ngũ luân đầu địa, đầu địa lễ, tiếp túc lễ, đầu diện lễ, đảnh lễ) này nguyên được coi là cách lạy tôn kính nhất trong các cách lạy của người Ấn độ. Sau đó, Phật giáo cũng dùng cách lạy này để biểu lộ niềm tôn kính sâu xa nhất của mình đối với Tam Bảo. Cách lạy này có thể khiến cho người ta dứt bỏ tâm kiêu mạn mà tỏ lộ lòng thành kính đối với đối tượng mình đang lạy. Khi lạy, người Phật tử cần quán niệm năm ý nghĩa như sau: 1) Khi đầu gối phải chạm đất, quán niệm rằng, tất cả chúng sinh sẽ đạt đạo quả giác ngộ; 2) Khi đầu gối trái chạm đất, quán niệm rằng, tất cả ngoại đạo sẽ không còn khởi tà kiến, mà chắc chắn sẽ được đưa về con đường chánh; 3) Khi tay phải chạm đất, quán niệm rằng, nguyện được như đức Thế Tôn, ngồi trên tòa kim cương, hiện ra tướng lành, đại địa chấn động, chứng nhập quả vị đại giác; 4) Khi tay trái chạm đất, quán niệm rằng, mong cho mọi người rời xa ngoại đạo, nguyện dùng bốn cách điều phục (tứ nhiếp pháp) để khuyến hóa những kẻ ương ngạnh nhất, khiến cho tất cả đều trở về chánh đạo; 5) Khi đầu mặt chạm đất, quán niệm rằng, mong cho tất cả mọi người đều dứt trừ tâm kiêu mạn, và sẽ có được tướng quí ở đỉnh đầu mà mắt thường khó thấy (vô kiến đỉnh tướng).

(07) Về pháp môn Tịnh Độ ở Trung quốc, chủ yếu có hai loại: Tịnh Độ Di Lặc và Tịnh Độ A Di Đà. Tín ngưỡng về Tịnh Độ Di Lặc bắt nguồn từ ngài Đạo An (312? 385?), đời Tấn (265 420), với tác phẩm Tịnh Độ Luận, mong cầu vãng sinh về cõi trời Đâu suất, tức cảnh giới tịnh độ của đức Bồ tát Di Lặc. Sau đó, vào đời Đường (618 907), hai ngài Huyền Trang (602? 664) và Khuy Cơ (632 682) cũng hành trì pháp môn Tịnh Độ Di Lặc; nhưng từ đó về sau, số người tu theo pháp môn này ngày càng giảm thiểu, rồi mất dần. Thay vào đó, pháp môn Tịnh Độ A Di Đà ngày càng hưng thịnh.

(08) Chánh pháp: có hai ý nghĩa:

1. “Chánh pháp” là pháp chân chánh, cũng tức là giáo pháp của đức Phật. Nói rộng ra, tất cả những pháp gì phù hợp với chánh lí của Phật pháp đều là “chánh pháp”. Những lời dạy của đức Phật được gồm thâu trong ba tạng thánh điển (Kinh, Luật, Luận) được gọi là “thế tục chánh pháp”, hay “giáo chánh pháp”; còn những yếu tố làm thành đạo quả giác ngộ như năm khả năng (ngũ căn), năm sức mạnh (ngũ lực), bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi), tám sự hành trì chân chánh (bát chánh đạo), v.v..., được gọi là “thắng nghĩa chánh pháp”, hay “chứng chánh pháp”.

2. “Chánh pháp” là một trong ba thời kì biến đổi trong thời gian trụ thế của giáo pháp sau khi đức Phật nhập diệt. a) Sau khi đức Phật nhập diệt, giáo pháp còn tồn tại ở đời, nếu ai y theo giáo pháp ấy tu hành thì có thể chứng quả, gọi là thời “chánh pháp”; b) Tuy giáo pháp vẫn có đó, người tu hành theo giáo pháp vẫn có đó, nhưng ít người có thể chứng quả, gọi là thời “tượng pháp” (ý nói, trông giống thôi, chứ không đúng hẳn là chánh pháp); c) Thời kì giáo pháp suy tàn, tuy vẫn có người tuân theo giáo pháp, nhưng không thể tu hành chứng quả, gọi là thời “mạt pháp” (ý nói giáo pháp suy tàn, chỉ còn là ngọn ngành mà thôi).

(09) Đời Lương thời Ngũ đại: Lịch sử Trung quốc có hai thời kì được gọi là “Ngũ đại”: Sử sách nhà

Đường (618 907) gọi năm nhà Tiêu Lương (502 558), Trần (557 589), Bắc Tề (550 577), Bắc Chu (559581) và Tùy (581 619) là Ngũ đại – tức Tiền Ngũ đại (502 619); từ nhà Tống (960 1279) trở về sau thì gọi năm nhà Hậu Lương (907 923), Hậu Đường (923 936), Hậu Tấn (936 946), Hậu Hán (947 950) và Hậu Chu (951 960) là Ngũ đại – tức Hậu Ngũ đại (907 960). Ở đây tác giả đã không nói rõ là đại sư Định Ứng sinh vào đời Lương thời Tiền Ngũ đại hay đời Hậu Lương thời Hậu Ngũ đại. Phật Quang Đại Từ Điển (mục “Bố Đại Hòa Thượng”) có chép: “... Tháng 3 năm Trinh minh thứ 3 (917) đời Lương, lúc sắp thị tịch, sư ngồi ngay ngắn, vững vàng nơi tảng đá ở chái phía Đông chùa Nhạc lâm...” Như vậy có thể xác định, đời Lương ở đây tức là đời Lương (907 923) thời Hậu Ngũ đại (907 960). Có thể, phần đông người Trung hoa thường gọi thời Hậu Ngũ đại là “Ngũ đại” chăng?

(10) Thiền cơ: là một thuật ngữ trong thiền môn, chỉ cho cái trạng thái mẫn nhuệ của một thiền sinh khi tiếp nhận giáo pháp do thầy trao truyền. Để thu nhận đồ đệ hay khảo nghiệm trình độ tu chứng của môn đồ, thiền sư thường gửi ý tứ vào một hành vi bất chợt hay lời nói vu vơ, vô nghĩa nào đó, rồi quan sát phản ứng của đối tượng, từ đó mà biết được căn cơ của đối tượng. BÀI TẬP 1) Hãy giải thích tên gọi “Di Lặc A Dật Đa”.

A Dật Đa” là tên (phiên âm từ tiếng Phạn), tiếng Trung quốc dịch nghĩa là Vô Năng Thắng (không ai có thể hơn được). Đó là họ và tên của đức Bồ tát Di Lặc.

2) Nếu có người nghe danh hiệu đức Bồ tát Di Lặc mà tạo lập hình tượng, trưng bày hương hoa tranh lọng cờ phướn, lễ bái tưởng niệm, sẽ được hiệu quả như thế nào?

Nếu có người nghe được danh hiệu đức Bồ tát Di Lặc mà tạo lập hình tượng, trưng bày hương hoa tranh lọng cờ phướn, lễ bái tưởng niệm, thì người ấy trong giờ phút sắp lìa trần, sẽ được đức Bồ tát Di Lặc phóng hào quang, cùng với chư thiên chúng, đến ngay trước mặt đón rước, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh, được nghe pháp tu hành, tiến tới mãi trên đường giải thoát; về sau lại được phụng sự vô số chư Phật.

3) Trong tương lai, đức Bồ tát Di Lặc sẽ thành Phật dưới gốc cây gì?

Trong tương lai đức Bồ tát Di Lặc sẽ thành Phật dưới gốc cây Long hoa.

4) Trong tương lai, khi đức Bồ tát Di Lặc thành Phật, Ngài sẽ thuyết pháp ba hội, mỗi hội Ngài sẽ được bao nhiêu người?

Trong tương lai, sau khi thành Phật, đức Di Lặc sẽ thuyết pháp ba hội. Trong pháp hội thứ nhất, Ngài sẽ hóa độ được chín mươi sáu ức người. Trong pháp hội thứ hai, Ngài sẽ hóa độ được chín mươi bốn ức người. Trong pháp hội thứ ba, Ngài sẽ hóa độ được chín mươi hai ức người.

5) Bố Đại hòa thượng sinh vào thời nào? Ở địa phương nào? Pháp danh là gì?

Bố Đại hòa thượng pháp danh là Định Ứng, sinh vào đời Hậu Lương trong thời Hậu Ngũ đại, tại huyện Phụng hóa, tỉnh Triết giang.

6) Đức Thích Tôn đã từng nói ba bộ kinh liên quan đến sự tích của Bồ tát Di Lặc, tên của các kinh ấy là gì?

Ba bộ kinh có liên quan đến sự tích đức Bồ tát Di Lặc do đức Thích Tôn nói: Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Đà Thiên, Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật, và Phật Thuyết Di Lặc Đại Thành Phật.
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
4 Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Luân Quán Hội Nghĩa Phần 2, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
9 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
11 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
15 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về

Quy hướng Tịnh độ
Thượng Tọa Thích Tâm Hải

Sự lựa chọn Pháp tu
Thượng Tọa Thích Tâm Hải