Home > Khai Thị Phật Học > Huan-Luyen-Xuat-Gia
Huấn Luyện Xuất Gia
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Ðức Phật chế Cận Trụ Luật Nghi, mục đích để cho người tại gia có được phương pháp tu học xuất gia tạm thời. Như trong kinh Thập Thiện Giới dạy: “Bát Quan Trai Giới là do chư Phật quá khứ, hiện tại vì hàng tại gia chế pháp xuất gia”. Do đó, ta thấy rõ rằng: Chẳng riêng đức Thích Ca chỉ bày pháp xuất gia Bát Trai Giới này cho hàng tại gia, mà chư Phật quá khứ cũng đều chỉ dạy như vậy. Từ quá khứ, hiện tại, suy đến vị lai, tất nhiên chư Phật vị lai cũng có chế độ này. Vì vậy, Bát Trai Giới tuy có vẻ đơn giản, song rất ư trọng yếu, đáng cho Phật tử thường luôn thọ trì, học tập phát xuất gia Bát Quan Trai này, để từ từ tiến đến việc chánh thức xuất gia.

Ở đây, hẳn có người tự Hỏi: “Phật pháp đã có hai chúng xuất gia và tại gia. Hàng đệ tử tại gia có thể ở nhà tu học được rồi, cần gì phải chế pháp xuất gia tạm thời này?” Về điểm này, tôi xin minh xác cùng quý vị: Phật pháp tuy cũng nói có thế gian pháp, nhưng vẫn lấy xuất thế làm mục đích tối hậu, không hề coi thế gian pháp là trọng. Những người đắm nhiễm thế gian, dĩ nhiên muốn họ xuất thế không phải điều dễ, hơn nữa, sức họ cũng không làm nổi chuyện đó. Nhưng bất luận họ đủ sức hay không, để đạt được mục đích tối cao, chỉ cần trong đầu óc người học Phật luôn tâm niệm rằng đây là mục đích duy nhất của mình. Không những chỉ vậy mà còn phải luôn ghi nhớ không quên, mong mỏi sẽ có ngày thực hiện trọn vẹn được mục đích xuất thế. Ðó là căn bản của việc học Phật. Người học Phật nếu không có ý niệm này thì dẫu học hay tu hành môn nào, cũng vẫn không tương ưng với tinh thần chính yếu của Phật pháp.

Phật pháp đã coi xuất thế là mục đích cao nhất, xuất gia lại là con đường để đi tới mục đích này, nên tuy là hàng tại gia học Phật cũng cần tìm cách học tập đời sống xuất gia để sau này ắt có ngày chân chính xuất gia, dõng tiến trên con đường xuất thế giải thoát. Phật pháp dĩ nhiên chẳng kêu gọi hết cả mọi người phải xuất gia, chỉ có điều hoàn cảnh thanh tịnh và phương thức sinh hoạt của đời sống xuất gia thích hợp với những người tìm cầu xuất ly và tiến tu giải thoát, bởi họ nhận ra rằng đây là con đường thích hợp nhất để đạt được xuất thế giải thoát.

Tại sao trong Phật giáo lại coi trọng pháp xuất gia như vậy? Bất luận các Thánh Quả của hàng Ðại Thừa hay Tiểu Thừa, dù A La Hán Quả hay Vô Thượng Phật Quả, cũng đều do xuất gia mới hoàn thành. Như hỏi ba đời chư Phật thành Phật cách nào? Ðức Phật trả lời trong kinh, không có vị Phật nào không từ xuất gia mà thành Phật. Nếu đã như vậy, chúng ta học Phật, mong mỏi tương lai thành Phật, nếu không phát tâm xuất gia, làm sao thành tựu được mục đích thành Phật? Luận Bồ Tát Bổn Sanh nói: “Lợi ích của xuất gia cao hơn cả Tu Di, sâu hơn biển cả, rộng hơn hư không. Sở dĩ như vậy là do xuất gia mới thành Phật, ba đời chư Phật chưa có vị nào thành Phật mà không do nhờ xả gia, xuất gia cả”. Vì vậy, người hành Phật pháp, nếu muốn chứng thành Phật Quả, tất phải có ngày xả tục xuất gia. Muốn khỏi xuất gia mà thành Phật, cứ y theo kinh điển thì điều này không thể thành tựu được.

Chẳng những ba đời chư Phật như vậy, mà ngay cả đến A La Hán của Tiểu Thừa cũng thế. Cứ như thuở giờ vẫn thấy người xuất gia chứng Sơ Quả, tại gia cũng chứng Tu Ðà Hoàn, cho đến hàng xuất gia chứng Tam Quả, tại gia chúng cũng chứng quả Bất Hoàn (A Na Hàm), điều này chẳng có gì lạ từ thời Phật đến sau này, nên ba quả đầu, xuất gia, tại gia đều có thể chứng quả bình đẳng như nhau. Trừ ra A La Hán, tại gia không thể chứng được. Ðiều này không có nghĩa hàng cư sĩ học Phật không có khả năng chứng quả A La Hán, mà ngụ ý phải hiện tướng xuất gia trước khi chứng A La Hán quả. Như sắp chứng A La Hán quả mà vẫn xả không nổi mái tóc, xuất gia thì vẫn dừng ở Tam Quả. Vậy nên mới biết: Xuất gia mới đạt được quả vị cao nhất của cả Ðại Thừa lẫn Tiểu Thừa.

Nhưng vì đời sống xuất gia không đơn giản đến mức độ ai cũng làm được, nên đức Phật đại từ đại bi, vì hàng tại gia học Phật, chế ra Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm để huấn luyện cho người học Phật từ từ quen với đời sống xuất gia. Vì vậy, Thái Hư Ðại Sư nói: “Ðây là Phật vì cư sĩ tại gia chế ra giới điều để luyện tập ngắn hạn đời sống xuất gia”. Hoặc có người cho rằng: “Tôi đã thọ Ngũ Giới, hoặc đã thọ Bồ Tát Giới, cần gì phải thọ Bát Quan Trai Giới?” Phải biết thọ Bát Quan Trai Giới là thọ sự huấn luyện đời sống xuất gia, cũng như tân binh phải tập tác chiến, từ từ huấn luyện không ngừng sẽ trở thành thói quen, khác hẳn thọ Ngũ Giới hay tại gia Bồ Tát Giới sống đời thế tục. Ðây là điều chư vị phải nhận thức rõ ràng trước tiên.

Có người ngỡ đời sống xuất gia rất đơn giản, cho rằng xuất gia là chuyện dễ, thậm chí bảo rằng người xuất gia được hưởng phúc nhàn. Nào hay đời sống xuất gia rất mộc mạc, thanh bần, ngay đến nhu yếu trong đời sống như y phục, đồ ăn, chốn ở đều khác người thường. Trong Giới Luật đã dạy chúng ta: Hàng nam tử, nữ nhân xuất gia phải mặc áo hoại sắc, phải bỏ hết các món trang sức, phải ở phòng ốc giản lậu; y lời Phật dạy, xuất gia còn phải ôm bát đi khất thực. Các vị hiện tại thọ Bát Quan Trai Giới, bao nhiêu nữ trang, vàng ngọc đều rời bỏ, y phục hoa hòe đều được thay bằng áo hoại sắc, đó là tập đời sống thanh đạm của người xuất gia. Các vị đều nhất nhất làm tròn, chứng tỏ các vị đã nhận chân được trong lúc sống đời xuất gia, là đang quan sát để cải tiến đời sống vật chất hưởng thụ của ngày hôm nay. Các vị hẳn rất khó được như vậy.

Song thực sự xuất gia không chỉ có như vậy, trong Giới Luật dạy phải khéo nhẫn chịu mười việc:

1) Thứ nhất, trời lạnh phải chịu đựng được hàn khí xâm hại, chẳng nề mưa tuyết, gió sương.

2) Thứ hai, trời nóng phải kham nổi nắng thiêu gay gắt, chẳng quản khí trời oi ả như thiêu như đốt.

3) Thứ ba, phải chịu đựng được các thứ bức hại từ thiên nhiên, chẳng ngại một thứ nào cả.

4) Thứ tư, phải chịu được sấm sét rung trời, quyết không vì vậy mà sợ sệt rúc trốn.

5) Thứ năm, khi bụng đói cồn cào vẫn phải chịu đựng được cơn đói.

6) Thứ sáu, miệng khô, cổ rát vẫn nhẫn được cơn khát.

7) Thứ bảy, nghiêm cách tuân thủ không ăn quá ngọ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa đúng ngọ, hoặc hai bữa sáng và ngọ.

8) Thứ tám, nghiêm cách trì giữ các giới hạnh của đức Phật chế ra, cho dẫu lúc bị đe dọa tánh mạng, cũng không được làm trái giới luật.

9) Thứ chín, nhẫn chịu các ác ngữ khi nghe lời nhục mạ, chế giễu, nói bóng, nói gió, nói sàm, nói quấy của người khác, phải tảng lờ như không nghe, quyết không cho đó là điều ngang ngược.

10) Thứ mười, nhẫn chịu độc trùng làm hại. Bởi lẽ, Ấn Ðộ là xứ nhiệt đới, các vị Tỳ Kheo thường ngồi dưới gốc cây. Trong mười hai hạnh Ðầu Ðà, có pháp ngồi dưới gốc cây. Muỗi mòng và độc trùng đến bức hại, đức Phật chỉ cho phép đuổi loài độc đi, hoặc các vị Tỳ Kheo phải sắp xếp nơi chốn sạch sẽ, tránh làm chỗ sanh sản cho độc trùng, tuyệt đối cấm Tỳ Kheo không được giết hại độc trùng.

Như mười điều đã nói ở trên, nghe có vẻ giản đơn, song biết bao người nhẫn chịu không nổi mười điều này, nên trong Luật, đức Phật nói rằng: “Chỉ có đại trượng phu mới nhẫn nổi”. Xuất gia cho đúng pháp, thực là điều cao quý. Nếu chịu không nổi các sự bức hại của hoàn cảnh, sự đả kích của tha nhân, sự gây tổn hại của độc trùng, sự đạm bạc của đời sống, thì không bao giờ trở thành người xuất gia chân chính được. Vì vậy, thật tình mà nói, xuất gia không phải là chuyện dễ. Ðức Phật vì hàng tại gia học Phật, chế Cận Trụ Luật Nghi học tập đời sống xuất gia, phải nói đó là thiện xảo phương tiện, bởi lẽ đức Phật hiểu rõ căn lành giải thoát xuất thế không thể gieo trồng trong chốc lát, phải huân tập lâu dần mới thành tựu. Tuy vẫn có thể học Phật tại nhà, song hiềm bị quyến thuộc bao quanh, ân ái trói buộc thân tâm, điều này gây trở ngại không ít cho mặt tu trì, nên đức Phật phương tiện chế Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm, khiến hàng nhị chúng nam nữ học Phật tuy ở trong gia đình mà vẫn làm được như trong kinh Bát Ðại Nhân Giác: “Ngũ dục họa hoạn, không nhiễm thế duyên” để có thể làm nổi: “Thường niệm ba y, bình bát pháp khí, chí nguyện xuất gia”. Như vậy mới được nhân duyên thù thắng xả tục xuất gia, giải thoát ràng buộc. Cho nên Bát Quan Trai Giới chính là một trong những pháp môn phải tu của người học Phật tại gia muốn tiến lên con đường giải thoát.

Thọ trì Bát Quan Trai Giới đã là sự huấn luyện cho người tại gia tập đời sống xuất gia nên tôi rất mong trong số các vị thọ giới hôm nay, do sự huấn luyện này mà chân chánh phát tâm xuất gia. Phật giáo ngày nay mong mỏi có người, đặc biệt là nam nhân, phát tâm xuất gia. Ðiều này đã trở thành vấn đề cấp bách. Bởi vì trong nước cũng như hải ngoại, Tăng chúng càng ngày càng ít. Nếu không có những người mới xuất gia bù vào, chẳng những không người hoằng dương chánh pháp, mà ngay đến chùa chiền cũng thiếu Tăng trụ trì. Như thế há bảo vấn đề chưa đến nỗi nghiêm trọng ư? Sự kiện này há không khiến những người quan tâm đến sự tồn vong huệ mạng Phật giáo lo như lửa đốt sao? Há không tìm cách lôi kéo thanh niên đến chùa học Phật xuất gia sao? Há không vì mạng mạch của Tăng Già sắp đứt mà tìm cách cứu vớt sao?

Kinh, Luật dạy chúng ta: “Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khuyên người xuất gia, khen ngợi kẻ xuất gia, hoặc chính mình xuất gia, hoặc để người xuất gia, đều có đại công đức”. Như kinh Hiền Ngu Nhân Duyên thuyết: “Cho người xuất gia hoặc tự xuất gia, hoặc già hoặc trẻ, phúc đức vô cùng”. Nhưng tôi cho rằng: ngày nay Tăng chủng sắp đoạn tuyệt, nếu khéo khuyên người xuất gia, hoặc huấn luyện người xuất gia, thì được công đức cũng không thể nghĩ bàn.

Phật giáo sở dĩ có chế độ xuất gia, đức Phật sở dĩ lập Tăng đoàn, mục đích để cho chánh pháp mà Như Lai cần khổ chứng được được tiếp nối lâu bền ở thế gian. Cũng bởi lẽ này nên đức Phật đã trịnh trọng giao phó trụ trì Tam Bảo cho hàng Tăng chúng. Có Tăng chúng hành hóa, một số người mới biết có Phật, có Pháp. Giả sử nếu không có Tăng chúng, thử hỏi ai biết được chánh pháp của Như Lai, biết được bậc Ðại Giác? Vì thế, bất cứ ở thời đại nào, dầu là thời Chánh Pháp, Tượng Pháp hay Mạt Pháp đi nữa, Tăng Già, một trong Tam Bảo, vẫn không sao thiếu được. Nếu Tăng không có, Phật pháp ắt diệt vong. Phật Pháp lưu hành được ở thế gian hay không cũng tùy thuận nơi có Tăng Già hay không. Luật nói: “Tăng có thì Pháp có, Pháp có tức Phật có”. Ðây là nói rõ ý đó vậy.

Vì Tăng có, để Pháp có là do nơi có người xuất gia. Như nếu không người xuất gia, thử hỏi Tăng ở đâu mà có? Thế nên, xét đến tột gốc, việc thứ nhất vẫn là khuyên người xuất gia. Như tự mình không khuyên người xuất gia, người khác tự đến xuất gia, lý ra khuyến khích và tán thán. Giả như không làm như vậy, mà ngược lại chế giễu, khinh miệt, cản trở người xuất gia, khác gì diệt mất hạt giống Tăng Già, cũng đồng với diệt hạt giống Phật, lỗi này rất lớn vậy. Kinh Xuất Gia Công Ðức nói: “Nếu có người phá hoại nhân duyên xuất gia của người khác, tức là cướp đoạt kho báu vô tận phúc thiện, hủy hoại nhân của 37 phẩm Trợ Ðạo; ở nơi bốn đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhân), sanh ra thường đui, người này không có ngày giải thoát”. Như vậy, vào thời buổi Tăng chủng sắp diệt này, chúng ta sao đành nhẫn tâm phản đối người ta xuất gia.

Xuất gia trong đạo Phật là việc cao thượng, không như một số người tưởng tượng, không còn cách gì nữa mới xuất gia. Nhưng người Trung Quốc đối với xuất gia thuở giờ thường hay quan niệm cho rằng xuất gia rồi không được hoàn tục, làm cho nhiều người muốn xuất gia mà không dám, vì sợ xuất gia mà trở về thì rất khó coi. Kỳ thật, Phật Pháp không có quy định cứng ngắc “xuất gia không được hoàn tục”, mà vẫn cho phép trở về. Vào thời không người phát tâm xuất gia này, điều này càng cần phải nhấn mạnh. Như vậy, bất kể ai, chỉ cần phát tâm xuất gia, không cần quy định kỳ hạn xuất gia, xuất gia hai ba tuần cũng được, hai ba tháng cũng được, đôi ba năm cũng tốt, được trường kỳ càng tốt. Ðến lúc nào đó, muốn trở lại đời sống thế tục, cứ việc tự do rời đạo về thế.

Có điều hoàn tục cần có điều kiện, không được lén lút mà phải công khai trở về, phải trình bày rõ với một vị cao tăng. Như vậy, tuy hoàn tục vẫn là đệ tử Tam Bảo, vẫn thường lui tới chùa chiền. Ngày trước, những người xuất gia muốn hoàn tục phải lén lút trốn về. Tại vậy nên một khi hoàn tục là bỏ hết mọi quan hệ với Phật pháp, trong Phật pháp không còn thấy bóng dáng người đó nữa, chẳng những mất đi một vị Tăng, còn mất thêm một tín đồ, thật là mất mát cho Phật Giáo. Thái Hư Ðại Sư hiểu rõ việc này nên hô hào mọi người nên “tôn trọng Tăng nhân hoàn tục”. Do đó, chư vị như không thể trọn đời xuất gia, cũng không nên ngại xuất gia ngắn hạn thử. Ðược tinh thần này, xuất gia cứ xuất gia, hoàn tục cứ hoàn tục mà trôi chảy chẳng dừng, khiến Tăng chủng không dứt, chùa chiền trụ trì cũng không thành vấn đề!