Home > Khai Thị Phật Học
Luận Về Thần Thông
Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


* Đạo Tế thiền sư là bậc thánh nhân đại thần thông. Ngài muốn khiến cho hết thảy mọi người sanh tín tâm nên thường hiển hiện những sự chẳng thể nghĩ bàn. Ngài ăn thịt uống rượu để giấu kín cái đức của bậc thánh nhân, là vì muốn cho những kẻ ngu tưởng ngài là kẻ điên rồ, không pháp tắc; nhân đó, chẳng tin tưởng ngài. Nếu không làm thế, ngài sẽ chẳng thể trụ trong thế gian.

Phật, Bồ Tát hiện thân, nếu thị hiện giống như phàm phu thì các ngài chỉ dùng đạo đức để giáo hóa người, tuyệt đối chẳng hiển hiện thần thông. Nếu hiển hiện thần thông sẽ chẳng trụ trong thế gian được; còn nếu hiện làm kẻ điên rồ, dù có hiển thị thần thông cũng chẳng trở ngại gì. Chớ bảo người tu hành ai nấy đều nên uống rượu, ăn thịt! Người lành thế gian còn chẳng uống rượu, ăn thịt, huống hồ là đệ tử Phật! Muốn giáo hóa chúng sanh mà chính mình chẳng y giáo phụng hành thì chẳng những làm cho người khác chẳng tin, mà còn khiến họ thoái thất tín tâm nữa. Vì thế chẳng được học đòi uống rượu, ăn thịt.

Ngài (Đạo Tế) ăn những con vật chết, ói ra những con vật sống. Ông ăn con vật chết vào, còn chưa ói ra thịt còn nguyên hình dạng được nổi, làm sao học đòi ngài ăn thịt cho được? Ngài uống rượu vào bèn nhả ra vàng để thếp tượng Phật, khiến cho vô số cây gỗ lớn từ trong giếng trồi lên. Ông uống rượu vào, muốn cho nước từ dưới giếng trào lên còn không được, làm sao học đòi ngài [uống rượu] cho được?

Truyện về Tế Công có đến mấy loại, nhưng chuyện Túy Bồ Đề hay nhất. Gần đây có đến tám bản khác nhau lưu thông, đa phần là những bản do người đời sau thêm thắt vào. Chuyện Túy Bồ Đề cả văn lẫn nghĩa đều hay, những chuyện được kể trong ấy đều là những sự thực khi ấy. Thế nhân chẳng biết nguyên do, không bắt chước bừa theo thì cũng hủy báng xằng bậy. Học bừa theo đó sẽ quyết định phải đọa địa ngục. Hủy báng xằng bậy tức là dùng tri kiến phàm phu để suy lường thần thông của thánh nhân, cũng mắc lỗi, nhưng so với kẻ học bừa theo, tội còn nhẹ nhiều hơn lắm. Thấy những điều chẳng thể nghĩ bàn của ngài phải nên sanh lòng kính tin, thấy ngài uống rượu, ăn thịt, chẳng chịu bắt chước làm theo thì sẽ được lợi ích, chẳng bị tổn hại vậy.

* Người có thể hoằng đạo, chứ đạo chẳng thể hoằng người. Thế gian loạn lạc là do ác nghiệp của đồng phận chúng sanh cảm thành, các thuyết tà vạy cũng thế (cũng do cùng nguyên do ấy). Phong tục thế gian biến đổi, lúc thoạt đầu đều là do một hai kẻ phát khởi. Yên bình, loạn lạc, tà, chánh không gì đều chẳng như thế cả; sao chẳng xét đến sức người để chuyển biến, lại cứ quy vào sức thần thông của Phật, Bồ Tát để hòng chuyển biến vậy? Chẳng phải là Phật, Bồ Tát chẳng thể hiển thị thần thông biến hiện, khổ nỗi chúng sanh nghiệp nặng, nên [dù có biến hiện] cũng vẫn như không.

Ví như mây dầy, sương đậm, mờ mịt chẳng thấy được mặt trời giữa ban ngày, bèn bảo là chẳng có mặt trời ư? Con người cùng trời, đất gọi là Tam Tài; Tăng và Phật, Pháp gọi là Tam Bảo. Gọi như vậy là do căn cứ vào ý nghĩa hỗ trợ, tán dương công sanh trưởng [của trời đất], hoằng dương đạo pháp mà đặt tên. Ông cứ muốn bỏ nhân lực, bám vào sức của Phật, Bồ Tát, trời đất, có còn đáng bảo là biết đạo chăng?

Đời đại loạn, đại bi Bồ Tát thị hiện cứu hộ cũng chỉ cứu được kẻ hữu duyên; vì loạn lạc chính là đồng nghiệp, còn túc nhân, hiện duyên (duyên hiện tại) là biệt nghiệp. Có biệt nghiệp cảm được Bồ Tát thì sẽ được Bồ Tát gia bị, cứu hộ, há nên ngông nghênh bàn bạc ư? Những việc phương tiện thuận nghịch cứu hộ chúng sanh của Bồ Tát chẳng phải là chuyện kẻ hiểu biết lầm lạc, hẹp hòi có thể thấu hiểu được đâu!

Nay tôi vì ông nói một thí dụ để từ đó mà suy rồi đừng nói Bồ Tát thật là oan gia, cũng như để tạo thành nền tảng tốt đẹp hòng nhập đạo thành Phật. Chư Phật lấy tám khổ làm thầy để thành đạo Vô Thượng. Như vậy, Khổ là cái gốc để thành Phật. Thêm nữa, Phật dạy đệ tử lúc ban đầu phải tu Bất Tịnh Quán. Quán lâu ngày ắt có thể đoạn Hoặc, chứng Chân, thành A La Hán. Như vậy Bất Tịnh lại là cội gốc của Thanh Tịnh.

Người ở Bắc Câu Lô Châu hoàn toàn chẳng khổ, nên chẳng thể nhập đạo. Châu Nam Diêm Phù Đề sự khổ rất nhiều nên người nhập Phật đạo để liễu sanh tử không thể tính nổi số. Giả sử thế gian tuyệt chẳng có các khổ: sanh, lão, bệnh, tử, đao binh, thủy, hỏa v.v... thì ai nấy đều sống say chết ngủ trong lạc thú phóng dật, có ai chịu phát tâm xuất thế để liễu sanh tử đâu? Ngay cả kẻ thống lãnh quân mạnh, giữ địa vị cao, gây bao việc khổ não chúng sanh biết đâu là bậc đại bi thị hiện đó chăng? Nghĩa này chỉ có thể nói cùng người thông suốt, đừng nói với kẻ vô tri, vô thức. Nếu là người thông suốt, dù thật sự là ác ma, cũng có thể được lợi ích; còn người vô tri vô thức nếu biết đến nghĩa này ắt sẽ chẳng biết phát tâm tu hành, trái lại còn hủy báng Phật pháp.

Ví như dùng thuốc, trẻ nhỏ chẳng thể uống thuốc, bèn bôi thuốc lên vú thì nó dù không uống cũng thành uống. Ông toan làm bậc thông suốt, nhưng triển khai rộng lớn nghĩa này thì hại người rất nhiều, lợi người rất ít. Xin hãy thầm tâm niệm, đừng bàn nói ẩu. Cảnh giới của Phật, Bồ Tát, phàm phu chẳng thể suy lường được đâu!