Home > Khai Thị Phật Học
Trời Đã Xế Bóng Đường Về Còn Xa
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Cư Sĩ Diệu Hà, Việt Dịch


Tôn giả sư phụ Thượng Tịnh Hạ Không, Thượng nhân từ bi, chư vị thiện tri thức từ bi, A Di Đà Phật.

Đệ tử Tự Liễu xin mạo muội báo cáo chủ đề: Nhật Mộ Đồ Viễn (Trời đã xế bóng, đường về còn xa)

Người xưa có câu thành ngữ "Nhật Mộ Đồ Viễn".

Ngày xưa không có xe, ra đường đều nhờ đi bộ, muốn đến một nơi nào phải lội bộ cả ngày trời, mắt nhìn mặt trời xuống núi, hoàng hôn đã ló dạng thế mà cách nơi mục đích vẫn còn xa vời vợi, trong lòng cảm thấy bồn chồn nao nức.

Ấn Quang Đại sư thường dẫn dụ câu thành ngữ này tỷ dụ cho người già thời gian sống không còn nhiều nữa mà việc vãng sanh chưa thấy có tin tức, hy vọng gì! Ngài có một bài chuyên đề khai thị cho người già là "Pháp ngữ dành cho nữ cư sĩ Chu Dư Chí Liên". Mặc dù là khai thị đối với lão cư sĩ Chu, nhưng thực tế nó thích hợp cho mọi tầng lớp người trong xã hội của chúng ta, bao gồm cả người già lẫn người trẻ, bởi vì "Trên đường huỳnh tuyền không phân chia lão ấu, ngoài mộ lắm kẻ vẫn còn thơ". Vô thường muốn đến là đến ngay, không người trẻ tuổi nào có thể bảo đảm mình nhất định có thể sống đến già. Mỗi người chúng ta đều là "Nhật Mộ Đồ Viễn" thời gian không còn nhiều nữa, thế nhưng vi ệc lớn của sanh tử vẫn chưa giải quyết xong. Sau đây chúng ta hãy nghe đoạn nguyên văn khai thị của Ấn Tổ:

"Bạn đã hơn bảy mươi tuổi rồi, không bao lâu sẽ phải chết, ngay bây giờ phải sắp xếp xong tất cả mọi việc, trong tâm ngoài việc niệm Phật ra không nên vương vấn lo âu điều gì, được như vậy khi lâm chung mới không bị chướng ngại. Nếu hiện nay vẫn còn nhiều việc lo toan, việc gì cũng không chịu buông, ôm chấp một cách nặng nề, đến lúc lâm chung cái tâm tham luyến áo quần, nữ trang, nhà cửa, con cháu đều hiện ra, làm sao mà vãng sanh Tây Phương được chứ! Chẳng những không thể vãng sanh Tây Phương, một đời thủ tiết niệm Phật, làm mọi thứ phước thiện hoàn toàn trở thành phước báo.

Bạn hiện nay chưa có trí huệ, tuy thường tinh tấn niệm Phật nếu trong tâm không quyết định cầu sanh Tây Phương, qua đời sau được hưởng phước, nhất định sẽ bị phước nó làm mê mờ rồi tạo đủ thứ ác nghiệp, một khi tạo ác nghiệp chắc chắn phải đọa xuống địa ngục hoặc làm ngạ quỷ, hoặc làm súc sanh để chịu khổ, cái khổ to lớn này đều do đời này niệm Phật, không biết cầu sanh Tây Phương mà cảm chiêu lấy. Quang tôi (Ấn Tổ tự xưng) thấy tội nghiệp bạn, e bạn sau này bị lâm vào những cảnh trên nên bày ra phương pháp cứu giải, nếu bạn chịu làm theo lời nói của tôi, sẽ không bị phước nó gây nên họa.

Hiện nay tuy vẫn còn khỏe mạnh, cũng phải nghĩ mình sắp chết rồi. Những áo quần cần thiết thì để lại mặc, còn những y phục đắt giá như gấm lụa hoặc bằng da nên chia đều cho dâu, cho cháu. Riêng đồ trang sức như vòng, xuyến, bông tai, vàng bạc, cẩm thạch nên đem hết ra cứu trợ người hoạn nạn, xong đem công đức hồi hướng vãng sanh. Nếu tâm thức còn hẹp chưa mở rộng, còn luyến tiếc cho người khác thì nên đem những thứ đó chia đều cho con cái, dâu, cháu, v.v ... Trong người quyết định không lưu giữ những đồ vật khiến mình khởi tâm tham luyến, tất cả tiền dưỡng già, ruộng đất cũng nên giao cho con cháu, giao hết một cách triệt để.

Trong tâm của bạn ngoài câu Phật hiệu ra, không để một chút ý niệm nào khác, ngay cả cái thân này cũng không cần tính toán sau khi chết phải an trí như thế nào. Ngay đến cháu chắt đều xem họ như người xa lạ, không bận tâm chuyện xấu, chuyện tốt của chúng nó, chỉ lo niệm Phật, niệm ông Phật của chính mình, một lòng trông chờ Phật đến tiếp dẫn mình vãng sanh Tây Phương. Bạn có thể y theo lời nói của tôi mà làm, tất cả mọi sự đều buông hết, đến lúc lâm chung, tự nhiên sẽ cảm đến Phật đích thân Ngài đến đón bạn về Tây Phương.

Nếu như cứ mãi tham luyến mọi thứ đồ tốt và tiền bạc, ruộng đất, nhà cửa, nữ trang, áo quần, con cái cháu chắt, v.v ... sẽ không bao giờ vãng sanh Tây Phương được, một khi không vãng sanh Tây Phương, đời sau chắc quyết được hưởng si phước (phước báu si mê) rồi nhân hưởng phước mà tạo nghiệp, khi hơi thở không còn, chắc quyết đọa tam đồ. Do ác nghiệp mà mê mờ, chướng ngại tâm thức không sáng suốt, cho dù có Phật sống đến cứu bạn cũng không cứu nổi. Như thế có phải tội nghiệp quá không? Mong bạn tin lời tôi nói thật là không gì hân hạnh bằng.

Những bạn đồng tu lớn tuổi của chúng ta nên suy nghĩ kỹ về đại sự sanh tử của chính mình! Thời gian trôi nhanh không biết chừng trong vài năm nữa thôi vô thường đến với ta. Đến khi chết chẳng có tin tức gì về việc vãng sanh Tây Phương. Thật nên suy nghĩ kỹ càng!

Giả như lúc bình thường không nương tựa A DI ĐÀ PHẬT, không có tập luyện, khi chết không có chủ trương đi về đâu, như vậy vẫn phải tiếp tục luân hồi. Nếu như nghiệp ác nó phát động dẫn xuống tam đồ thì phải chịu khổ đến ngàn vạn kiếp trong ác đạo!

Hãy xem trong thành phố mà chúng ta ở, một ngày có bao nhiêu người chết, đừng nói chi đến việc sanh Tây Phương, ngay cả sanh thiên, trăm ngàn người chưa được một người, lại trong những người tu hành nếu có cầu sanh Tây Phương, có bao nhiêu người được liễu sanh thoát tử. Hiện giờ bạn đã có hy vọng chắc chắn chưa? Đã chuẩn bị khi lâm chung làm thế nào để thông qua?

Đời người đa phần thời gian cứ thế mà trôi qua, phải biết tính kỹ cho bài toán này! Trong một đời này tu hành tiến độ được bao nhiêu? Phiền não giảm bớt được bao phần? Nghiệp chướng đã tiêu được mấy phần rồi? Cứ đặt kế hoạch năm năm mà tính, năm năm trước tiến bộ được bao nhiêu phần? Từ nay trở đi chỉ còn lại năm năm hoặc hai lần năm năm, thể lực tinh lực mỗi năm mỗi lúc suy yếu dần, cái bệnh khổ của tuổi già thì mỗi năm mỗi nhiều, càng lúc càng nặng. Nếu không nắm chặt thời gian này để dốc lòng tích lũy đầy đủ tư lương mà vãng sanh, e là một bước sai lầm sẽ tạo thành sự sai lầm to lớn cả ngàn vạn lần!

Xin nghĩ cho kỹ, đến giây phút lâm chung, tự mình chưa đạt được cảnh giới sanh tử tự tại. Lại nghĩ nếu hiện giờ bị một trận bệnh nặng trong tâm có thể không loạn chăng? Lúc còn sống bị bệnh nặng, đã hoảng hốt mê hoặc, trong tâm không tự làm chủ được huống hồ khi chết? Lâm chung tứ đại phân rã, đau đớn như con bò sống bị lột da, nếu không phải là người đại tu hành, làm sao có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng, thư thái? Lại nghĩ trong cả một đời này ta dám bảo đảm chỉ có thiện nghiệp không có ác nghiệp chăng? Hãy xem trong đời sống hàng ngày tâm nghĩ, miệng nói, thân làm đã tạo nên biết bao nhiêu nghiệp rồi. Khi lâm chung nếu như ác nghiệp phát động, liền dẫn tâm ta kéo xuống tam ác đạo, một khi đầu thai vào ngàn vạn kiếp khó mà thoát thân. Nên biết đọa vào ác đạo nhận lãnh quả báo đau khổ sẽ tiếp tục khởi dậy cái tâm xấu ác (Trả thù), như thế nghiệp cũ chưa trả dứt lại chồng thêm nghiệp mới, cứ thế luân chuyển không có ngày dứt, thật đáng sợ quá phải không?

Trong kinh có câu: "Thất Phật dĩ lai, do thị nghi tử, bát vạn kiếp lai, mạt thoát cáp thân", nghĩa là: bảy Phật ra đời, vẫn còn thân kiến, tám vạn kiếp rồi, chưa thoát thân bồ câu. Nghĩ đến những việc này thật sợ đến toát cả mồ hôi, dựng đứng cả lông tóc, làm sao mà không nóng lòng nôn ruột chứ?

Khi cái chết nó đến, cha mẹ không thể cứu bạn, con cái cũng không thể cứu bạn, bạn dùng mắt nhìn những người xung quanh đứng bên cạnh mình ai là người mà bạn có thể nương tựa! Nương nhờ đây?

Chỉ có A DI ĐÀ PHẬT mới có thể cứu độ bạn, nhiếp thọ bạn, bảo vệ và thành tựu cho bạn. Điều này chẳng phải đã rõ ràng lắm rồi sao? Sanh tử đại sự không ai có thể giúp mình, chỉ có thể nương nhờ A DI ĐÀ PHẬT giúp ta vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Khi đã hiểu rõ điều này và đã lựa chọn rồi thì phải nhất tâm nhất ý (một lòng một dạ) niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Thật sự là không còn con đường thứ hai nào khác cho chúng ta! Không còn địa điểm thứ hai nào khác cho chúng ta nương về! Muôn ngàn lần hãy trân quý trong lúc mắt ta còn sáng, chân ta còn bước đi được, tinh lực vẫn còn, thể lực đang khỏe mạnh, gấp rút đem hết thân tâm nương tựa vào A DI ĐÀ PHẬT, khẩn cầu Phật thương xót, từ sáng đến tối tha thiết cầu nguyện với Ngài một cách liên tục không bỏ phí một giây phút nào.

Nếu như không trân quý Pháp môn này, không nương tựa một cách vững chắc, khó mà tránh được sự sai lầm một cách hồ đồ, suốt ngày từ sáng đến tối sống qua loa qua ngày, chớp mắt là mấy năm qua mau, đến sau cùng bệnh tật giày vò tấm thân, nằm liệt trên giường miệng muốn niệm Phật thì không ra tiếng nổi, muốn nghe theo tiếng Phật hiệu nghe không rõ, lúc này hối hận thì đã muộn rồi, cơ hội đã vụt mất rồi.

Nên thường xuyên suy nghĩ, thời gian còn lại của mình không còn nhiều nữa, giống như ngọn đèn tàn trước gió, có thể bị dập tắt lúc nào không hay, lại như hạt sương trên cỏ, mặt trời vừa ló dạng, sương mù liền tan, liền bốc hơi hoặc như bọt bóng trên mặt nước, gió vừa thổi liền bị vỡ tan hoặc như tia lửa của cục đá mài vừa xẹt ra thì biến mất ngay, cái thân thể hư giả này về tuổi xế chiều, tùy thời có thể bị hủy hoại, không sáng thì tối! Không thể không nóng lòng chột dạ hay sao?

Đời người nhiều lắm chỉ một trăm năm. Nay đã đến tuổi già rồi, phải mở rộng tâm ra, nhìn thấu thế gian này như một vở tuồng, có gì là thật đâu chứ! Trên sân khấu có thể đóng nhiều vai trò khác nhau, có vai nào là thật? Toàn là giả tạm mà.

Cuộc đời chúng ta cũng vậy, cũng đang diễn kịch, đóng vai vợ chồng, vai mẹ con, vai trò gia đình, các loại sự nghiệp! Nay đã già rồi nên biết mọi thứ trên đời đều như một vở tuồng, không thật chút nào, chớ có cố chấp.

Thời gian của tuổi già không còn nhiều nữa, có thể chỉ năm năm, ba năm, với thời gian ngắn ngủi này phải sống như thế nào? Phải lấy câu A DI ĐÀ PHẬT tiêu khiển thời gian, lấy Thế Giới Cực Lạc làm quê hương để ta nương về. Ngày nay niệm Phật mai sau vãng sanh Tây Phương, đây là việc vui sướng biết bao! Hạnh phúc biết bao! Nghĩ như vậy thường sanh tâm hoan hỷ, không nên sanh phiền não.

Nếu như gặp việc gì không vừa ý tâm phiền não khởi lên lập tức chuyển tâm qua cầu A DI ĐÀ PHẬT, nhanh chóng niệm lên câu Phật hiệu, xong tự phản chiếu và nghĩ: ta là người trong thế giới của A DI ĐÀ PHẬT, sao lại có thể giống như người thế gian? Nghĩ như vậy ta có thể chuyển giận thành vui, vui vui vẻ vẻ niệm A DI ĐÀ PHẬT, A DI ĐÀ PHẬT! Chuyện đời chớ có xen vào, lo âu nhiều quá, chớ tranh đua hơn thua với người, làm được như vậy mới là người có trí huệ! Tự mình được hưởng an lạc, tự tại.

Hiện nay con cái đa phần không biết hiếu thuận, nếu con cái trong nhà đối xử với bạn không tốt, đôi lúc bị nàng dâu la mắng hoặc ở ngôi nhà quá sụp xệ, hoặc phải làm việc nhà quá nhiều, những thứ này đều không nên quá để ý, phải nhất tâm niệm A DI ĐÀ PHẬT, nếu không bạn càng nghĩ sẽ càng giận, càng cảm thấy tủi thân. Muốn tâm không khổ thì phải nhất tâm niệm A DI ĐÀ PHẬT, nghĩ như vậy rồi sẽ càng niệm càng hoan hỷ, sau khi biết được đạo lý này, phải luôn luôn nương câu Phật hiệu không lìa bỏ.

Chỉ cần trong tâm bạn có Phật, mọi thứ đều sẽ biến thành tốt trong một ngôi nhà nhỏ niệm Phật, niệm đến ngôi nhà trở nên hương quang trang nghiêm, thành ngôi nhà tốt nhất, lúc làm việc nhà vừa làm vừa niệm làm việc nhà cũng là việc rất vui vẻ. Do đó chỉ cần nhất tâm niệm Phật, không nghĩ ngợi những chuyện khác sẽ thoát ly được các khổ nhỏ của đời người, chẳng những thế, ngay đến cái đại khổ cả sanh tử vẫn có thể thoát ly. Đến lúc lâm chung A DI ĐÀ PHẬT đón bạn về thế giới Cực Lạc tốt biết bao! Cho nên phải buông xả để nhất tâm niệm Phật, không cần đợi sau khi vãng sanh, ngay bây giờ thường được hưởng niềm vui an lạc.

Thời Dân Quốc tại Chiết Giang có một phụ nữ lớn tuổi, gia cảnh nghèo khổ, con trai lại bất hiếu, có một hôm bà bị con trai chửi mắng, bà rất đau lòng, xong bà đi tìm vị thầy xuất gia để than thở.

Thầy nói:

Bà biết thân mình mang nỗi khổ, vì sao không bán nó đi?

Bà hỏi:

Làm cách nào để bán?

Thầy nói:

Bà chuyên niệm A DI ĐÀ PHẬT cầu sanh Tây Phương, lâm chung Phật đến đón bà về Tây Phương, sẽ đoạn dứt mọi thứ khổ, chỉ hưởng niềm an vui, như vậy là đem cái khổ bán đi rồi.

Bà nói:

Hai mẹ con chúng con ở chung một căn nhà, trong đó vừa có giường lại thờ ông Táo, dưới giường là chuồng heo bê bối như vậy làm sao mà niệm Phật được.

Thầy nói:

Đều không sao cả, bà chỉ lo niệm thường xuyên không gián đoạn, lúc rỗi rảnh thì vào chùa lạy Phật.

Bà lão sau khi về nhà y giáo phụng hành, một lòng cầu thoát khổ niệm Phật không hề gián đoạn.

Ba năm trôi qua trước vài tháng lâm chung, bà nói với con trai là:

Tháng mấy, ngày mấy mẹ đi Tây Phương con đừng ra ngoài, ở nhà lo hậu sự cho mẹ xem như tận hiếu của người làm con.

Con trai của bà không hề tin chuyện này, qua một thời gian bà nhắc lại một lần nữa, con trai bà vẫn không tin.

Đến trước vài ngày lâm chung con bà bỗng dưng ngửi được mùi thơm kỳ lạ, đi tìm khắp nơi cũng không biết từ đâu bay tới. Lúc đó mới tin lời của mẹ là thật, vào đúng ngày đó con bà ở nhà trông chừng, chỉ thấy mẹ tắm rửa thay quần áo ngồi đoan trang niệm Phật rồi vãng sanh.

Như bà lão này gia đình nghèo khổ con lại bất hiếu, theo thường lệ, tuổi già mà gặp hoàn cảnh như thế thật là đau khổ vô cùng. Thế nhưng bà biết mình khổ, một lòng muốn thoát khổ nên hết lòng nương tựa A DI ĐÀ PHẬT, kết quả được giải tỏa hết mọi thứ đau khổ.

Thưa các bác lớn tuổi, chỉ cần một lòng một dạ niệm câu Phật hiệu không lúc nào bỏ quên, cho dù phải làm nhiều việc nhà cũng sẽ không thấy khổ cực, khi niệm Phật tâm ta hoan hỷ thì làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy vui, nhìn thấy ai cũng vui, mỗi ngày mỗi đêm, không việc gì mà không vui. Cho nên, tuổi già muốn được an vui thì không nên rời câu Phật hiệu, vừa rời khỏi Phật, trong tâm khởi lên vô minh phiền não liền rơi vào cái khổ ngay.

Nếu như có thể chuyên nhất, có thể kiên trì mà niệm, không cần thời gian lâu lắm là có thể đạt đến chỗ vừa làm vừa niệm không gián đoạn, được như vậy nỗi khổ trong tâm sẽ càng lúc càng ít, nhất định càng ngày càng an lạc hơn.

Cho nên cần phải suy nghĩ kỹ, nên dùng câu Phật hiệu để sống qua tuổi già hay không?

Bây giờ chúng ta nói đến việc làm thế nào giải quyết vấn đề của tuổi già?

Ngay trong câu Phật hiệu mà giải quyết. Hiện nay người già khắp nơi rất cô đơn, nếu có thể đặt trọn tâm tư vào câu Phật hiệu, để tâm mình tương ưng với tâm Phật thì liền được thoát khổ, giải sầu. Con cái không được như ý muốn, làm thế nào để không khổ não, chính là niệm A DI ĐÀ PHẬT, niệm quen rồi sẽ không nghĩ đến chuyện thế gian nữa, như vậy sẽ hết khổ ngay. Ngược lại, không niệm A DI ĐÀ PHẬT, tâm không chỗ nương tựa, luôn duyên theo chuyện con cái như thế sẽ rất khổ. Do đó cần phải đổi tâm trở lại để không ngừng niệm Phật, được sự gia trì của Phật rót vào trong tâm, tâm trạng trở nên rất tốt, rất vui vì có chỗ nương tựa.

Rất nhiều những người già quanh năm niệm Phật, tai thính mắt sáng, sự suy tư rất minh mẫn sáng suốt, và lại cuộc sống có niềm hy vọng, không bị tuyệt vọng bởi cái chết. Cho nên niệm Phật là một pháp môn đại an lạc! Vừa nghĩ đến lúc lâm chung có A DI ĐÀ PHẬT tới đón, nghĩ đến việc siêng tu của mình chắc chắn được vãng sanh, trong tâm liền tràn đầy niềm tin và với tất cả niềm vui ở trong lòng. Người khi về già trong tâm không còn buồn khổ, tuy thân thể khó tránh một số bệnh khổ, nhưng có câu Phật hiệu rồi sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Có thể niệm A DI ĐÀ PHẬT thì có tương lai, có hy vọng. Nếu không niệm Phật, khó mà tránh khỏi những thứ khổ từ các phương diện đưa tới, đặc biệt là sự buồn tẻ cô đơn, sự tuyệt vọng sợ hãi, làm cách nào để trực diện, để giải quyết.

Xã hội ngày nay khác với xã hội ngày xưa. Ngày xưa còn có mấy đời từ ông cố đến cháu ở cùng với nhau, thời đại ngày nay người già càng lúc càng cô độc, con cái đa phần là bất hiếu rất ít sống chung, qua lại thăm viếng người già. Tuy nhiên chúng ta có câu Phật hiệu thì không sợ, vì từng ý niệm của chúng ta đều ở với Phật, những thứ vừa nói sẽ không thành vấn đề nữa, người già sở dĩ cảm thấy đơn chiếc là do tư tưởng của chúng ta không mở rộng, không có điểm tựa, lại nhìn thấy con cái bất hiếu không đến thăm viếng, không nói chuyện với mình, trong tâm cảm thấy lạnh lẽo trống vắng! Nếu có thể đặt hết tâm tư ở nơi Phật, một lòng một dạ nương tựa Phật, Phật sẽ không chê bỏ chúng ta, như thế tâm ta sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ, trong sáng, niềm vui này không cần điều kiện bên ngoài ban cho, chỉ cần trong tâm luôn giữ câu Phật hiệu, đây chính là linh đơn hoan hỷ.

Có người lúc về già đạt được niềm an vui mà suốt trong mấy mươi năm qua không đạt được. Niềm vui này không phải do con biết hiếu thảo hoặc được món ăn ngon, cũng chẳng phải do quần áo mặc đẹp hay được ở nhà sang trọng mà có. Niềm an vui này không có niềm vui nào cả thế gian có thể sánh bằng. Cho nên phải biết làm người già có trí huệ, phải biết đặt tâm ở câu A DI ĐÀ PHẬT, tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết.

Lại nữa người già có thể mắc những bệnh mãn tính, bệnh lãng trí, tai biến mạch máu não, làm cách nào để đề phòng? Vẫn là một lòng một dạ niệm A DI ĐÀ PHẬT, cầu nguyện A DI ĐÀ PHẬT, cầu Phật gia hộ, nếu hết lòng nương tựa Phật tuổi già của mình sẽ thuận lợi rất nhiều. A DI ĐÀ PHẬT từ bi, khi lâm chung có thể khiến bạn chánh niệm phân minh, đương nhiên trước lúc lâm chung cũng có thể giúp bạn tránh được những bệnh tật trên, thế nhưng bạn phải tự mình chịu làm mới được.

Cho nên tuổi già rồi chớ có lo chuyện thế gian nhiều quá. Ấn Tổ khai thị là: "Phàm chuyện sanh kế của gia đình, chuyện con cháu nên để qua một bên. Tỷ như: Nếu ta lúc 60 tuổi qua đời, thì con cháu đến nay nó vẫn tiếp tục làm người phải không? Bây giờ ta chỉ lo niệm Phật liễu sanh tử, vốn chúng không thể giúp ta giải quyết việc sanh tử, há gì ta lại vì chúng mà ảnh hưởng đến việc đại sự của mình? Nếu bạn nghĩ được như vậy, tự nhiên sẽ nhất tâm mà niệm Phật.

Đời nhà Đường có một nhà thơ Bạch Cư Dị để lại vài câu nói: Ta đã 71 tuổi rồi, không còn làm thơ nữa, mắt đã mờ xem kinh rất khó, muốn làm phước, cái thân suy yếu này không thể bôn ba tới lui dễ dàng được. Tâm trạng của tuổi già này làm sao để sống qua ngày? Đem tâm ký thác nơi nào đây? Chính là một câu A Di Đà Phật, đi cũng A Di Đà Phật, ngồi cũng A Di Đà Phật, dù bận rộn cỡ nào vẫn không bỏ câu A DI ĐÀ PHẬT.

Trời đã bắt đầu tối rồi, con đường về nhà (con đường giải thoát) vẫn còn xa xôi trường viễn, đời này của ta đã luống qua rồi. Bắt đầu bây giờ từ sáng đến tối chỉ lấy tâm thanh tịnh để niệm A DI ĐÀ PHẬT.

Câu Phật hiệu là bảo vật như ý không thể nghĩ bàn, có thể cho ta đạt thành mọi thứ lợi ích của thế gian lẫn xuất thế gian. Nó có thể giải trừ mọi nguy nan của thế gian, có thể trừ độc, trị bệnh và còn có thể giải trừ sanh tử khổ đau, cứu vớt con người từ trong sanh tử luân hồi chuyển phàm thành thánh, tóm lại tất cả mọi sự việc đều có thể dùng câu Phật hiệu để giải quyết. Vấn đề then chốt là chúng ta phải có niềm tin chân thật.

Vì sao phải nói như vậy? Bởi người già dễ gặp bệnh khổ, gặp những chuyện xảy ra bất ngờ, lúc đó phản ứng đầu tiên nên đề khởi câu Phật hiệu lên. Thí dụ khi gặp nguy nan phải làm sao? Liền buông xả vạn duyên, nhất tâm nhất ý niệm A DI ĐÀ PHẬT, cầu Phật từ bi tiếp dẫn mình vãng sanh, điều này trong lúc bình thường cần phải luyện tập cho thuần thục.

Một số người không có nhận thức sâu sắc đối với câu danh hiệu, thường hay mê tín với những khoa học kỹ thuật về y liệu, dược liệu, họ không biết Phật hiệu có một sức mạnh cực kỳ không thể nghĩ bàn, trong tất cả những thứ không thể nghĩ bàn, lực lượng của A Di Đà Phật là không thể nghĩ bàn tột cùng. Vả lại Phật hiệu là cảnh giới quả địa của Phật, cho nên cần phải sanh niềm tin cực đại đối với danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT, dùng tâm hoan hỷ, kiền thành để trì niệm, nếu có tín tâm một cách trọn vẹn thì được gia trì cũng trọn vẹn, hơn thế sự gia trì này thật sự cực kỳ không thể nghĩ bàn.

Hiện nay ai cũng biết có tiền thì có thể mua xe, mua nhà, có cuộc sống thoải mái nên rất có niềm tin đối với tiền bạc rồi dốc sức đi kiếm tiền. Thật ra chúng ta nên tin tưởng vào tác dụng và lợi ích bất khả tư nghì của câu Phật hiệu, nếu chúng ta dốc lòng nương tựa, toàn tâm toàn lực trì niệm, nhất định sẽ được lợi ích chân thật không hư vọng, đó là lợi ích ngay trong đời này được giải thoát, thật là đơn giản, dễ dàng, tiện lợi, không cần bất cứ điều kiện ngoại tại nào, chỉ cần người nào chịu trì niệm thì người đó liền được lợi ích bất khả tư nghì. Vì đây là vô thượng diệu bảo mà A DI ĐÀ PHẬT dùng để cứu độ tất cả chúng sanh. Vấn đề then chốt là chúng ta có niềm tin chắc quyết đối với câu danh hiệu và có thể kiên trì hay không? Nếu được thì mọi thứ sẽ đều trở nên thuận lợi cộng thêm vào đó sự thề nguyện quyết chí vãng sanh, nhất định sẽ được vãng sanh Tây Phương.

Những người già chúng ta nay đã khá lớn tuổi rồi, thời gian không còn nhiều nữa, phải biết khéo sử dụng một chút thời gian còn lại này, nếu trong tâm mình tin tưởng A DI ĐÀ PHẬT, nhất tâm muốn đi Thế Giới Cực Lạc, là từ sáng đến tối bỏ hết thời gian ra niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sanh.

Nếu không biết khéo sử dụng thời gian, chỉ lo chạy đông chạy tây điều gì cũng muốn học muốn thử, tâm không chuyên nhất, không có phương hướng cố định, đến lúc lâm chung tâm bấn loạn không tự chủ được, như thế thì rất nguy hiểm.

Do đó cho dù thế nào, tuổi đã cao rồi, tốt nhất lấy Tây Phương Cực Lạc làm chỗ nương về. Chỉ còn vài năm sống ở thế gian nữa thôi, nhất định phải phân chia rõ ràng cái nào là chính, cái nào là phụ. Phải đem việc vãng sanh Tịnh Độ làm trọng trong việc tu hành, khiến cho lực lượng niệm Phật càng thêm sức mạnh. Sau cùng chỉ một tâm tư duy nhất là niệm A DI ĐÀ PHẬT, một phương hướng duy nhất là về Thế Giới Cực Lạc, như vậy nhất định sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. 

Ngài Hải Hiền lão Hòa Thượng nói với chúng ta rằng: "Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ tâm không chuyên”.

Phật nói: "Định tâm ở một nơi, không việc gì là không thành".

Ấn Quang Đại sư nói một cách trực chỉ hơn: "Nhất tâm niệm Phật, làm việc gì cũng thành".

Hôm nay xin báo cáo đến đây, trong quá trình báo cáo, e không tránh khỏi những điểm sai sót, cúi xin sư phụ thượng nhân cùng các vị thiện tri thức phê bình chỉ chính, không ngại thứ giáo. A Di Đà Phật!

Trích từ: Nhật Mộ Đồ Viễn


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Thiện Tương Khuyến | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Bổ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Trọn Bộ 4 Quyển, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
8.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên Tập 1, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch