Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tai-sao-nguoi-tu-khong-tuy-y-niem-mot-Duc-Phat...?

Tại sao người tu không tùy ý niệm một Đức Phật...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Mười phương đều có chư Phật và Tịnh Độ. Nếu vì lẽ chúng sanh ở cõi nầy tâm tánh trược loạn, niệm nhiều vị Phật e Tam Muội khó thành, tại sao người tu không tùy ý niệm một Đức Phật, tùy nguyện cầu sanh về một Tịnh Độ nào khác, hà tất phải riêng niệm Đức A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc?

Đáp:- Phàm phu vô trí phải theo lời Phật dạy, chẳng nên tự chuyên, vì thế xưa nay những người tu Tịnh Độ đều chuyên niệm Phật A Di Đà. Theo lời Phật dạy là thế nào? Đức Thích Ca Thế Tôn một đời thuyết pháp, hằng khuyên chúng sanh niệm Phật A Di Đà cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Như trong các Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật Thuyết A Di Đà, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm... có đến mấy mươi bộ, Phật đều ân cần khuyên sanh về Tây Phương. Chẳng những riêng các Kinh, mà trong các luận, chư Bồ Tát, Tổ Sư đều bảo nên cầu sanh về Cực Lạc.

Lại nữa, Đức Phật A Di Đà có bốn mươi tám điều đại bi nguyện lực để tiếp độ chúng sanh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: 'Phật A Di Đà có tám mươi bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám mươi bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, mỗi vẻ đẹp phóng ra tám mươi bốn ngàn tia sáng soi khắp pháp giới nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật không rời bỏ. Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu ngài, thì cơ cảm tương ưng, quyết định sẽ được vãng sanh.' Các Kinh Phật Thuyết A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Cổ Âm Vương Đà La Ni đều nói: 'Khi Đức Thích Ca thuyết Kinh, hằng hà sa chư Phật ở mười phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp cõi đại thiên để chứng thật rằng nếu chúng sanh nào niệm Phật A Di Đà, tất sẽ nương nhờ đại bi nguyện lực của ngài, quyết định được sanh về thế giới Cực Lạc.'

Nên biết Phật A Di Đà đối với cõi nầy có nhân duyên lớn. Như Kinh Vô Lượng Thọ nói: 'Trong thời mạt, khi các Kinh khác đã diệt hết, chỉ còn Kinh nầy lưu trú ở đời một trăm năm để tiếp độ loài hữu tình vãng sanh về cõi kia.' Đây là điểm chứng minh Phật A Di Đà đối với chúng sanh ở cõi trược nầy có đại nhân duyên.

Về các Tịnh Độ khác, tuy một hai bộ Kinh có lược khuyên vãng sanh, song chẳng bằng cõi Cực Lạc là tiêu điểm mà các Kinh Luận đều ân cần khuyến hướng.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


(Luận) Đệ tứ nghi, vấn: Đẳng thị niệm cầu sanh nhất Phật Tịnh Độ, hà bất thập phương Phật độ trung, tùy niệm nhất Phật Tịnh Độ, tùy đắc vãng sanh, hà tu thiên niệm Tây Phương Di Đà Phật da?
          ()第四疑。問:等是念求生一佛淨土,何不十方佛土中,隨念一佛淨土隨得往生,何須偏念西方彌陀佛耶?
          (Luận: Điều nghi thứ tư, hỏi: Đã đều là niệm Phật cầu sanh về Tịnh Độ của một vị Phật, sao chẳng từ trong các cõi Phật ở mười phương, tùy ý niệm Tịnh Độ của một vị Phật để tùy ý được sanh [về cõi đó], sao cứ khăng khăng niệm Phật Di Đà ở Tây Phương vậy?)
 
          Kế đó, lại nêu câu hỏi: Cùng niệm Phật, cầu sanh về Tịnh Độ của một vị Phật giống hệt như nhau, vì sao chẳng tùy tiện niệm Tịnh Độ của một vị Phật trong trong mười phương cõi Phật để tùy ý vãng sanh, cớ gì cứ nhất định phải khăng khăng niệm A Di Đà Phật vậy? Có nghĩa là mười phương đều có cõi Phật thanh tịnh, chúng ta tùy tiện chọn một cõi Phật để vãng sanh là được rồi, vì sao cứ khăng khăng chọn Tây Phương Cực Lạc thế giới, khăng khăng niệm A Di Đà Phật vậy?
          Trả lời: Ở đây có khá nhiều nhân duyên, dùng năm nguyên nhân để nói rõ:    a) Do nghe lời đức Phật dạy bảo.
          b) Do bi nguyện nhiếp thọ chúng sanh của Phật Di Đà.
          c) Do chư Phật đã chứng thực.
          d) Do Phật Di Đà đặc biệt có duyên với cõi này.
          e) Do các cõi Phật khác đều chẳng bằng cõi Phật Di Đà là nơi được kinh luận ân cần dặn dò, khuyên nhủ vãng sanh.
 
          (Luận) Đáp: Phàm phu vô trí, bất cảm tự chuyên, chuyên dụng Phật ngữ, cố năng thiên niệm A Di Đà Phật.
          ()答:凡夫無智,不敢自專。專用佛語,故能偏念阿彌陀佛。     
          (Luận: Đáp: Phàm phu vô trí, chẳng dám tự chuyên, chuyên nương theo lời Phật; vì thế, đặc biệt niệm A Di Đà Phật).
 
          Trả lời: Phàm phu chẳng có trí huệ như Phật, tự mình phán đoán thường không chánh xác, chẳng thích đáng. Vì thế, chẳng dám dùng ý thức của chính mình để quyết định, cần phải nhất tâm nghe theo lời đức Phật chỉ dạy. Do trong kinh, đức Phật đã chỉ dạy duyên cớ, chúng ta có thể xác định “cần phải đặc biệt niệm A Di Đà Phật”.
 
4.1. Do nghe lời đức Phật dạy bảo
 
          (Luận) Vân hà dụng Phật ngữ? Thích Ca đại sư nhất đại thuyết pháp, xứ xứ thánh giáo, duy khuyến chúng sanh chuyên tâm thiên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Như Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Kinh, Vãng Sanh Luận đẳng, sổ thập dư bộ kinh luận văn đẳng, ân cần chỉ thọ, khuyến sanh Tây Phương, cố thiên niệm dã.
          ()云何用佛語?釋迦大師一代說法,處處聖教,唯勸眾生,專心偏念阿彌陀佛,求生西方極樂世界。如無量壽經、觀經、往生論等,數十餘部經論文等,殷勤指授,勸生西方,故偏念也。
          (Luận: Vì sao vâng theo lời Phật? Thích Ca đại sư một đời thuyết pháp, trong mọi thánh giáo, chỉ khuyên chúng sanh chuyên tâm riêng niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Như kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, Vãng Sanh Luận v.v… hơn mấy chục bộ kinh, luận đều ân cần chỉ dạy, khuyên sanh Tây Phương. Vì thế, riêng niệm [A Di Đà Phật]).
 
          Vì sao dựa theo lời chỉ dạy do chính miệng đức Phật đã nói mà lựa chọn riêng niệm A Di Đà Phật? Đấy là vì thấy Phật Thích Ca là bậc đại đạo sư của chúng sanh trong giai đoạn này, suốt một đời Ngài thuyết pháp, mọi nơi mọi chốn trong thánh giáo chỉ một mực khuyên bảo chúng sanh chuyên tâm riêng niệm A Di Đà Phật, cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Như trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, Vãng Sanh Luận v.v… hơn mấy chục bộ kinh, luận đều ân cần chỉ bảo, truyền dạy, khuyên bảo pháp môn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Chúng ta chẳng có trí huệ, chẳng biết vì sao phải hành như vậy, nhưng do đức Phật dùng Nhất Thiết Chủng Trí thấy như vậy, đã xếp đặt cho chúng ta như vậy, cho nên chúng ta tin tưởng lời đức Phật dạy bảo. Vì lẽ đó, [chúng ta] riêng niệm A Di Đà Phật.
 
4.2. Do bi nguyện nhiếp thọ chúng sanh vãng sanh của Phật Di Đà
 
          (Luận) Hựu A Di Đà Phật biệt hữu đại bi tứ thập bát nguyện, tiếp dẫn chúng sanh. Hựu Quán Kinh vân: “A Di Đà Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng, nhất nhất tướng hữu bát vạn tứ thiên hảo, nhất nhất hảo phóng bát vạn tứ thiên quang minh, biến chiếu pháp giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả. Nhược hữu niệm giả, cơ cảm tương ứng, quyết định đắc sanh”.
   ()又阿彌陀佛別有大悲四十八願,接引眾生。又觀經云:「阿彌陀佛有八萬四千相,一一相有八萬四千好。一一好放八萬四千光明,遍照法界。念佛眾生,攝取不捨。若有念者,機感相應,決定得生。」
   (Luận: Lại nữa, A Di Đà Phật có riêng bốn mươi tám nguyện đại bi tiếp dẫn chúng sanh. Lại nữa, Quán Kinh nói: “A Di Đà Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn hảo, mỗi một hảo tỏa ra tám vạn bốn ngàn quang minh, chiếu trọn khắp chúng sanh niệm Phật trong pháp giới, nhiếp thủ chẳng bỏ. Nếu có kẻ niệm Ngài, cơ cảm tương ứng, chắc chắn sẽ được vãng sanh”).
 
          Lại nữa, nói theo bổn nguyện của A Di Đà Phật, Ngài đặc biệt do lòng đại bi mà phát khởi bốn mươi tám nguyện để tiếp dẫn chúng sanh. Quán Kinh cũng nói: A Di Đà Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn hảo, mỗi một hảo tỏa ra tám vạn bốn ngàn quang minh. Quang minh ấy chiếu trọn khắp cả một khu vực to lớn là pháp giới, chiếu đến chúng sanh niệm Phật, một mực nhiếp thủ chẳng bỏ. Chỉ cần niệm A Di Đà Phật, cơ cảm của chính mình hễ tương ứng với bi nguyện của Phật thì sẽ chắc chắn được vãng sanh.
          Nguyện của A Di Đà Phật chân thật, chẳng hư giả, chiếu vào tâm ta. Do vậy, chúng ta riêng niệm A Di Đà Phật, quyết định vãng sanh thế giới Cực Lạc. Bi nguyện của A Di Đà Phật chẳng có nguyện nào hư dối, ta tin tưởng điều này, lại tin tưởng sự chỉ dạy của Phật Thích Ca, cho nên riêng niệm A Di Đà Phật.
 
4.3. Vì chư Phật đã chứng thực
 
          (Luận) Hựu A Di Đà Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh, Cổ Âm Vương Đà La Ni Kinh đẳng vân: “Thích Ca Phật thuyết kinh thời, giai hữu thập phương hằng sa chư Phật, thư kỳ thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, chứng thành nhất thiết chúng sanh niệm A Di Đà Phật, thừa Phật đại bi bổn nguyện lực cố, quyết định đắc sanh Cực Lạc thế giới”.
   ()又阿彌陀經、大無量壽經、鼓音王陀羅尼經等云:「釋迦佛說經時,皆有十方恒沙諸佛,舒其舌相,遍覆三千大千世界,證成一切眾生念阿彌陀佛,乘佛大悲本願力故,決定得生極樂世界。」      
   (Luận: Lại nữa, kinh A Di Đà, kinh Đại Vô Lượng Thọ, kinh Cổ Âm Vương Đà La Ni v.v… đều nói: “Khi đức Phật Thích Ca thuyết pháp, đều có chư Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương thè lưỡi che khắp tam thiên đại thiên thế giới, chứng thực hết thảy chúng sanh niệm A Di Đà Phật, nương vào sức bổn nguyện đại bi của Phật, quyết định được sanh về thế giới Cực Lạc”).
 
          Lại nữa, mười phương hằng hà sa số chư Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài cùng chứng minh điều này: Niệm A Di Đà Phật, sanh vào quốc độ của Ngài, chắc chắn là sẽ đạt được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Ta tin tưởng mười phương chư Phật chẳng nói lời dối gạt. Do vậy, nghe đức Phật dạy riêng niệm A Di Đà Phật thì [tin tưởng lời đức Phật dạy] chắc chắn là đúng. Trong các kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Cổ Âm Vương Đà La Ni v.v… đều nói: Khi đức Phật nói những kinh ấy, đều có chư Phật trong mười phương thế giới nhiều như số cát sông Hằng cùng nhau hiện tướng lưỡi rộng dài, bao trùm trọn khắp phạm vi tam thiên đại thiên thế giới, chứng thực hết thảy chúng sanh niệm A Di Đà Phật, do nương vào sức bổn nguyện đại bi của A Di Đà Phật, sẽ chắc chắn có thể sanh vào thế giới Cực Lạc.
          Người đời đều biết, hễ nói dối thì lưỡi sẽ ngắn, thè ra, ngay cả chót mũi cũng chẳng chạm tới, nhưng chư Phật thè lưỡi che khắp tam thiên đại thiên thế giới, làm sao có chút vọng ngữ nào cho được? Các Ngài muốn chứng minh: Dùng pháp môn đơn giản, dễ dàng như thế này, sẽ có thể đạt được lợi ích tột cùng thù thắng. Tuy chúng ta là nhục nhãn phàm thai, chẳng thấy duyên khởi, sức Pháp Tánh v.v… của chuyện hiếm hoi, lạ lùng này, thật sự là quá sâu, quá mầu nhiệm, quá hết sức chẳng thể nghĩ bàn, nhưng chúng ta tin tưởng chư Phật chẳng nói dối gạt người khác, đặc biệt tin tưởng Thánh Ngôn Lượng, tin lời đức Phật chỉ dạy, chỉ cần riêng niệm A Di Đà Phật, nhất định sẽ đạt được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, chúng ta riêng niệm A Di Đà Phật, chẳng có mảy may do dự!
 
4.4. Do Phật Di Đà đặc biệt hữu duyên với cõi này
 
          (Luận) Đương tri A Di Đà Phật dữ thử thế giới, thiên hữu nhân duyên. Hà dĩ đắc tri? Vô Lượng Thọ kinh vân: “Mạt thế pháp diệt chi thời, đặc trụ thử kinh bách niên tại thế, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh bỉ quốc”. Cố tri A Di Đà Phật, dữ thử thế giới cực ác chúng sanh, thiên hữu nhân duyên.
          ()當知阿彌陀佛與此世界,偏有因緣。何以得知?無量壽經云:「末世法滅之時,特駐此經,百年在世,接引眾生往生彼國。」故知阿彌陀佛與此世界極惡眾生,偏有因緣。
          (Luận: Hãy nên biết A Di Đà Phật và thế giới này riêng có nhân duyên, vì sao biết? Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Thời Mạt khi pháp diệt, đặc biệt lưu lại kinh này một trăm năm trên cõi đời để tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh cõi ấy”. Vì thế, biết A Di Đà Phật và chúng sanh cực ác trong thế giới này riêng có nhân duyên).
 
          Phải biết A Di Đà Phật có nhân duyên đặc biệt với chúng sanh trong thế giới này. Vì sao biết? Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca đã nói: “Trong đời Mạt, khi pháp diệt, đức Phật đặc biệt dùng sức từ bi lưu lại kinh này một trăm năm trên cõi đời hòng tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh cõi nước của A Di Đà Phật”. Do vậy biết: A Di Đà Phật có nhân duyên đặc biệt với chúng sanh cực ác trong thế giới này, cũng vì vậy mà chúng sanh có thể nương cậy Ngài. Dẫu thế giới trược ác cách mấy, thậm chí tới thời kỳ Phật pháp bị diệt mất, pháp này vẫn có thể độ sanh. Bởi lẽ đó, Phật Thích Ca dùng sức từ bi đặc biệt lưu pháp này lại trụ thế một trăm năm.
          Chúng sanh trong cõi này và A Di Đà Phật đặc biệt hữu duyên, đặc biệt dễ dàng dùng pháp môn Di Đà để đắc độ. Tới khi những pháp môn khác đều chẳng thể cứu, chúng sanh chỉ cần nhất tâm niệm A Di Đà Phật thì sẽ có thể được tiếp dẫn sang Tây Phương quốc độ. Nếu chẳng có duyên, lại ở trong thời kỳ trược ác như vậy, lẽ nào có thể vượt thoát luân hồi cho được? Chỉ vì hết sức hữu duyên, tâm chúng sanh bèn hướng về nơi đó, giống như con nhớ mẹ. Mẹ con có thiên tánh tương quan, do được Phật lực nhiếp trì mà sanh về thế giới Cực Lạc. Giống như trên cõi đời, hễ có duyên bèn thành mẹ con. Do hữu duyên bèn nhất tâm niệm “mẹ ơi”, cầu mẹ đến giúp đỡ, chẳng cầu ai khác! Duyên phận mỏng manh sẽ chẳng quan tâm tới, hoặc là chẳng dấy lên tác dụng thân thiết. Nếu duyên rất sâu, rất gần, sẽ có thể lập tức khởi tác dụng, nhất định sẽ kéo chúng sanh ra khỏi luân hồi.
 
4.5. Vì các cõi Phật khác đều chẳng bằng cõi Phật Di Đà là nơi được kinh luận luôn ân cần dặn dò, khuyên nhủ vãng sanh
 
          (Luận) Kỳ dư chư Phật, nhất thiết Tịnh Độ, tuy nhất kinh, lưỡng kinh lược khuyến vãng sanh, bất như Di Đà Phật quốc, xứ xứ kinh luận, ân cần đinh ninh, khuyến vãng sanh dã.
          ()其餘諸佛,一切淨土,雖一經兩經,略勸往生。不如彌陀佛國,處處經論,殷勤叮嚀,勸往生也。
          (Luận: Hết thảy các Tịnh Độ của những vị Phật khác tuy được một hai kinh đại lược khuyên vãng sanh, chẳng bằng cõi của đức Phật Di Đà, kinh luận nào cũng đều ân cần căn dặn, khuyên nhủ vãng sanh).
 
          Thích Ca Mâu Ni Phật quán chiếu toàn thể thế giới Sa Bà, [nhận thấy] phàm phu trong đời Mạt trược ác càng cần phải trông cậy A Di Đà Phật cứu độ. Vì thế, trong các kinh, đức Phật Thích Ca luôn ân cần căn dặn, khuyên lơn chúng sanh vãng sanh Di Đà Phật quốc. Chẳng như những cõi Phật khác chỉ được khuyên bảo vãng sanh đại lược trong một hai bộ kinh. Chúng ta phải thấy dụng ý của đức Phật ở nơi đâu!
 
* Nêu bày điều tâm yếu
         
          Bản thể của Phật Di Đà và hết thảy chư Phật chẳng hai, lại do Ngài có duyên với chúng ta nhất, cho nên đặc biệt niệm A Di Đà Phật.
          Từ hai câu hỏi như thế trở đi, chúng ta thấy rõ chân tướng của duyên khởi. Ở đây, phải nêu ra một câu hỏi: Hết thảy các Tịnh Độ của chư Phật đều rất thù thắng, vì sao đối với các Tịnh Độ khác, đức Phật chỉ nói đơn giản trong một, hai bộ kinh? Nhưng đối với Di Đà Tịnh Độ, sao lại trong các kinh nhiều ngần ấy Ngài luôn ân cần căn dặn, khuyên dạy vãng sanh?
          Phật Thích Ca trông thấy đại duyên khởi ở chỗ nào, có những chúng sanh hữu duyên với Tịnh Độ của các vị Phật ấy, muốn sanh về đó. Vì thế, đức Phật cũng nhắc đến, nhưng những cõi ấy hoàn toàn chẳng mang tánh chất phổ biến. Do đó, Ngài chỉ nói trong một hai bộ kinh là được rồi. Nhưng pháp môn Tây Phương Tịnh Độ khác hẳn, nó và các chúng sanh trong giáo pháp suốt một đời đức Phật có mối quan hệ đặc biệt to lớn, chủ yếu là hai điều:
          1) Thứ nhất, trong thế giới Sa Bà, mãi cho đến lúc Phật pháp diệt mất, có hết sức nhiều chúng sanh hữu duyên với A Di Đà Phật, giống như người trong thế gian lập gia đình, hoặc là người với người sống chung với nhau, có duyên thì mới có thể ở chung một chỗ được. Lại giống như sư phụ trong quá khứ, thâu nhận đồ đệ đều phải xem xét nhân duyên. Vị ấy chẳng có tâm riêng tư, nếu duyên phận [của trò] với thầy chẳng sâu, thầy sẽ chỉ dạy quý vị: “Ngươi hữu duyên với vị sư phụ ở nơi nào đó, ngươi hãy tới đó”. Hữu duyên thì sẽ có thể đắc độ, thành công hết sức dễ dàng. Vì thế, đức Phật cũng phải xem xét cái duyên. Từ điều này, có thể thấy: Phần đông chúng sanh trong thế giới Sa Bà có duyên cùng A Di Đà Phật.
          2) Chúng sanh trong cõi này chẳng tương ứng với các Tịnh Độ khác, chỉ có Tịnh Độ của A Di Đà Phật là dễ sanh về nhất. Một mai đã tin nhận, chân tâm mong mỏi được vãng sanh, cậy vào phép Trì Danh đơn giản là đã có thể sanh về đó. Từ lúc đức Phật xuất thế cho đến một trăm năm trước khi Phật pháp hoàn toàn diệt mất, trong khoảng thời gian dài như vậy, chúng sanh nhiều ngần ấy thảy đều trông cậy A Di Đà Phật mà giải thoát, mà thành Phật. Chuyện này khá trọng đại. Do vậy, trong kinh đức Phật mới ân cần căn dặn, đặc biệt nhấn mạnh, trong ấy có duyên cớ đại duyên khởi rất lớn.
          Chúng ta không có trí huệ, chẳng biết nhân duyên bao đời nhiều kiếp và mối quan hệ với A Di Đà Phật, chính mình cần phải cậy vào pháp môn nào hữu duyên, phải đi theo con đường nào để được độ thoát, nhưng Phật Thích Ca đã biết hoàn toàn. Chúng ta chỉ cần tin sâu lời đức Phật chỉ dạy, nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật, nhất tâm nhất ý cầu sanh về thế giới Cực Lạc, như vậy thì chắc chắn sẽ ở chung với Phật. Quyết định giống như lãng tử đã phiêu bạt nhiều đời, rốt cuộc tìm được mẹ, tìm được quê nhà, tìm được con đường của chính mình. Sau khi đã nhận định như vậy, bèn nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật, cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Phải lãnh hội giống như thế đó!
          Những kẻ bình phàm thường cho rằng phổ niệm đặc biệt thù thắng, nhưng qua chọn lựa như vậy, sẽ thấy vẫn là chuyên niệm tốt hơn. [Chuyên niệm] khế cơ, xác suất thành công cao, cuối cùng lại còn có thể đạt tới phổ niệm. Như thế thì sẽ chọn lựa chuyên niệm một vị Phật. Hơn nữa, trong chuyên niệm, lại chọn vị tốt nhất là A Di Đà Phật, Ngài và chúng ta hữu duyên nhất, đặc biệt dễ thành công! Do điều này bèn biết, pháp môn Tịnh Độ đặc biệt tốt đẹp, do Phật Thích Ca đã chọn lựa chắc chắn cho chúng ta, chẳng phải do là chủ trương của người nào khác. Đức Phật trụ thế tám mươi năm rồi ra đi rất nhanh, nhưng Ngài đã sắp xếp tốt đẹp ngàn thu muôn đời cho con người. Nếu chẳng nói ra một pháp có thể nhiếp trọn khắp đại chúng, thực hiện dễ dàng, lại đặc biệt tột bậc thù thắng, người đời sau biết làm như thế nào đây? Cậy vào ai để được độ thoát? Đã chẳng thấy Phật, lại chẳng có duyên y chỉ, làm sao có thể ngay trong đời này vượt thoát luân hồi, hoàn thành chuyện thành Phật cho được? Gần như là chẳng thể nào được!
          Phật Thích Ca lòng Từ sâu xa, tâm Bi to lớn, hoàn toàn thấy duyên khởi, thấy chiếc bè Từ khiến cho chúng sanh đắc độ là pháp môn Di Đà. Vì thế, trong rất nhiều kinh giáo, đức Phật đều đặc biệt chỉ bày Tây Phương Tịnh Độ. Có thể nói là đây là chuyện được căn dặn đi, căn dặn lại, ủy thác, giao phó trọng yếu nhất, có thể suy ra mà biết tầm quan trọng của chuyện này. Sau khi đã hiểu rõ như vậy, chúng ta sẽ nhất tâm nhất ý chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Cực Lạc Tịnh Độ, chẳng còn có cách nghĩ nào khác!
 

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
9 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
11 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
15 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về