Trong tập “Nhân Sanh Chi Tối Hậu” (Phút lâm chung của đời người), Đại Sư Hoằng Nhất(1) ghi:
“… Khi bị bệnh nhẹ thì có thể dùng thuốc, nhưng việc quan trọng là phải tinh tấn niệm Phật, đừng ỷ lại vào thuốc men có thể chữa khỏi bệnh mà không cần niệm Phật. Khi lâm bệnh nặng thì có thể không cần dùng thuốc men mà việc thiết yếu là cần xả bỏ tất cả những việc trong gia đình và việc của bản thân, để chí thành tha thiết niệm Phật cầu nguyện vãng sanh về Tịnh Độ Cực Lạc. Người nào thực hiện được như vậy, giả như thọ mạng của họ đã hết thì chắc chắn sẽ được vãng sanh, nếu thọ mạng chưa hết thì sẽ sớm bình phục, đó là kết quả do nhất tâm niệm Phật mà nghiệp ác các đời trước được tiêu trừ. Trường hợp bệnh tình trở nên nguy kịch, điều quan trọng là bệnh nhân không nên sợ hãi âu lo mà cần hiểu rằng, những nghiệp ác mình đã làm các đời trước đáng lý các đời sau phải bị đọa vào Ba đường ác dữ, nhưng do hiện tại chí thành niệm Phật, nhờ công đức này các nghiệp ác đó đa phần được tiêu trừ, chỉ còn sót lại một phần nhỏ là phải chịu đau đớn thể xác khi kết thúc đời này mà thôi. Nếu tinh thần bệnh nhân vẫn sáng suốt thì người nhà nên mời Thiện tri thức đến để thuyết Pháp, sách tấn bệnh nhân, những việc hiền thiện mà suốt đời bệnh nhân đã làm cần nên nhắc lại và hết lời khen ngợi giúp bệnh nhân khởi tâm hoan hỷ không còn lo nghĩ nghi ngờ, để tự biết rằng những công đức mình đã làm, sau khi lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sanh.
Về vấn đề di chúc thì nên lo liệu khi còn khỏe mạnh, những gì cần thiết phải giao cho ai thì nên viết trước, chứ giờ phút lâm chung điều thiết yếu là không nên hỏi han nói phô về việc di chúc cũng như tất cả mọi chuyện khác, để tránh khơi dậy lòng thương mến lưu luyến thế gian, gây trở ngại việc vãng sanh. Mặt khác, bệnh nhân thích ngồi hay nằm thì người nhà nên tùy thuận theo, nếu bệnh nhân cảm thấy sức lực suy kiệt chỉ nằm mà thôi, thì điểm căn bản là cần nằm nghiêng xoay mặt về hướng Tây, đầu gối lên tay phải, tay trái duỗi thẳng theo hông trái, giả như nằm với tư thế ấy bệnh nhân quá đau đớn thì không nên miễn cưỡng, nằm tư thế nào cũng được. Ngoài ra, nếu bệnh nhân yêu cầu lau chùi thân thể hay thay đổi y phục thì người nhà nên tùy thuận thực hiện theo ý kiến của bệnh nhân; ngược lại, nếu bệnh nhân không yêu cầu thì người nhà không nên tùy tiện làm, để tránh đụng chạm thân thể gây thêm đau đớn và làm mất Chánh niệm khiến bệnh nhân khó được vãng sanh. Bên cạnh, khi đại chúng niệm Phật trợ niệm thì cần thiết trí hình ảnh “đức Phật A-Di-Đà tiếp dẫn”(2)tại phòng của bệnh nhân để đương sự chiêm ngưỡng. Theo kinh nghiệm của tôi, vào giờ phút lâm chung thần kinh của bệnh nhân đã suy kiệt, nếu sử dụng khánh hay mõ nhỏ để trợ niệm, âm thanh của hai Pháp khí này rất sắc nhọn sẽ chấn động thần kinh bệnh nhân làm tinh thần đương sự bất an, ổn thỏa nhất là chỉ niệm Phật trợ niệm mà không dùng một loại Pháp khí gì cả. Hoặc là, có thể dùng chuông lớn, khánh lớn hay mõ lớn, âm thanh của ba Pháp khí này rất hùng tráng sẽ giúp bệnh nhân khởi tâm kính ngưỡng. Về việc niệm Phật, có thể niệm sáu chữ hay bốn chữ, có thể niệm nhanh hay niệm chậm. Tuy nhiên, các điểm vừa đề cập nên hỏi bệnh nhân, để biết hằng ngày đương sự đã có thói quen sử dụng như thế nào, rồi theo đó để áp dụng hộ niệm, giả như bệnh nhân không có thói quen gì thì những người trợ niệm tùy duyên hành sự để có kết quả tốt đẹp, không nên chấp thủ điều này điều nọ.
Trước và sau giờ phút lâm chung, trăm vạn lần người nhà bệnh nhân không nên khóc than, mà cần chí tâm niệm Phật trợ niệm thì sẽ đem đến lợi ích cho vong linh. Nếu muốn khóc thì nên đợi đến Tám tiếng đồng hồ sau khi tắt thở và cũng sau Tám tiếng mới có thể tắm rửa thay đổi y phục, nếu tay chân cong cứng thì không nên bẻ uốn mà dùng khăn nhúng vào nước nóng đắp vào các chỗ cứng đó, sau một lát thì tay chân sẽ mềm mại như khi đang sống. Về liệm áo quần thì nên liệm đồ cũ, áo quần mới nên đem bố thí cho người khác thì sẽ tạo thêm phước đức cho vong linh. Không nên sử dụng quan (hòm) quá tốt, xây lăng mộ quá lớn và sang trọng, những việc làm này đều không có lợi cho vong linh. Trong vòng 49 ngày nên thỉnh Chư Tăng cầu siêu cho vong linh, cần áp dụng nghi thức niệm Phật làm chủ yếu, về việc tụng Kinh, Bái sám hay Bạt độ, Chẩn tế… tuy có công đức bất khả tư nghị, nhưng Tăng chúng hiện giờ nếu xét kỹ thì sự tu tập của họ rất hời hợt, nên sự ứng phó đạo tràng của họ cũng chỉ làm cho xong việc, không đúng với Chánh pháp, và hiếm có lợi ích thiết thực. Trong bản “Văn sao” của Đại Sư Ấn Quang, Ngài đã cảnh báo hàng Phật tử nhiều lần là hãy luôn luôn chú ý điểm này.
Vấn đề lo tang lễ, về ăn uống thì nên dùng thực phẩm chay, ngàn vạn lần không nên sát sanh ăn mặn, chẳng lợi ích gì cho vong linh. Về nghi thức tổ chức, không nên phô trương để cầu tiếng khen của xóm làng, mà cần chú tâm làm những gì tăng thêm phước đức cho vong linh. Sau 49 ngày, hằng ngày người nhà cũng cần niệm Phật cầu nguyện cho vong linh, có như thế mới gọi là người Đại hiếu chân thật.
Tóm lại, giờ phút lâm chung là giờ phút sau cùng của một đời người, nếu chưa dự bị ổn thỏa tư lương để vãng sanh, khi ấy tất cả những nghiệp ác đã làm cùng lúc xuất hiện thì làm sao được giải thoát? – Dù có thể dựa vào sự trợ niệm đúng Pháp của Thiện hữu cũng không bằng tự mình hằng ngày tu tập dự bị tư lương vãng sanh cho mình, để đến giờ phút lâm chung sẽ được an nhàn tự tại. Xin khuyên quý Phật tử hãy dự bị trước “Tư lương vãng sanh” cho mình!”
_______________________
[1] Đại Sư Hoằng Nhất: Thời cận đại, sau Đại Sư Ấn Quang.
[2] Ảnh đức Phật A-Di-Đà tiếp dẫn: Là ảnh diễn tả tay trái của đức Phật nâng đài hoa sen, tay phải duỗi ra để tiếp dẫn.
Trích từ: Lợi Ích Thù Thắng Của Khai Thị Trợ Niệm