Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tai-sao-khi-lam-chung-muoi-niem-thanh-tuu-lien-duoc-vang-sanh...?

Tại sao khi lâm chung mười niệm thành tựu liền được vãng sanh...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi:- Chúng sanh từ vô thỉ đến giờ tạo vô lượng tội; đời nay lúc bé đến già, do không gặp thiện tri thức, lại gây thêm nhiều nghiệp ác. Như thế làm sao lại bảo: 'Khi lâm chung mười niệm thành tựu liền được vãng sanh?' Và cái lý 'vượt qua kiết nghiệp ba cõi' làm sao giải thích cho thông?

Đáp:- Những nghiệp chủng lành dữ của chúng sanh từ kiếp vô thỉ đến nay, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc yếu hoặc mạnh thật ra vẫn khó biết. Nhưng nếu người nào khi lâm chung gặp thiện tri thức và thành tựu mười niệm, tất kẻ ấy đã có túc thiện nghiệp. Nếu chẳng thế thì thiện tri thức còn không được gặp, huống chi là thành tựu mười niệm? Như ông cho rằng ác nghiệp từ vô thỉ là nặng, mười niệm khi lâm chung là nhẹ; tôi xin đem ba đạo lý để giải thích sự vãng sanh ấy không thuộc về trường hợp khinh trọng, không phải tại công hạnh nhiều ít hay thời gian lâu mau. Ba đạo ấy là: Do bởi tâm, do bởi duyên, và do bởi quyết định.

Do bởi tâm, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi vọng niệm điên đảo mà sanh, còn lúc niệm Phật lại từ nơi nghe danh hiệu công đức chân thật của Phật A Di Đà mà khởi; một bên hư một bên thật đâu thể sánh nhau! Ví như một gian thạch thất đóng kín để tối muôn năm, nếu được người mở ra cho ánh sáng mặt trời soi vào, sự tối ấy liền mất; đâu phải vì do tối tăm đã lâu mà không được sáng ư? Người tạo ra tội nhiều kiếp, khi lâm chung thành tựu mười niệm được vãng sanh cũng lại như vậy.

Do bởi duyên, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi vọng niệm tối tăm điên đảo, duyên theo cảnh giới hư huyễn mà sanh; lúc niệm Phật lại từ nơi nghe danh hiệu công đức chân thật thanh tịnh của Phật Di Đà duyên theo Bồ Đề tâm mà khởi. Như thế, một bên chân một bên ngụy, đâu thể sánh nhau! Ví như có người bị trúng tên độc, tên ghim sâu sức độc mạnh, xương thịt nhiễm trọng thương, nếu được nghe được tiếng trống thần dược, thì tên tự bắn ra, độc tiêu tan hết; đâu phải vì do tên sâu độc nặng, mà không được an lành ư? Người tạo tội nhiều kiếp, khi lâm chung thành tựu mười niệm mà được vãng sanh cũng lại như vậy.

Do bởi quyết định, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi gián tâm hoặc hậu tâm; lúc lâm chung niệm Phật lại không có hai tâm đó, mà từ nơi một niệm mãnh liệt trì danh rồi xả mạng, nên được siêu thoát. Ví như sợi dây cực to, cả ngàn người bứt không đứt, nếu có đứa bé cầm gươm Thái A mà chém, dây liền đứt đoạn. Lại như đống củi rất lớn chứa góp từ cả ngàn năm, nếu có người dùng một đốm lửa mà đốt, củi liền cháy hết. Và như có người trọn đời tu mười nghiệp lành ưng được sanh về cõi trời, nhưng khi lâm chung kẻ ấy khởi một niệm tà kiến mạnh mẽ, liền vị đọa vào A Tỳ địa ngục. Nghiệp ác vẫn hư vọng, mà do bởi tâm niệm quyết liệt, còn có thể lấn lướt nghiệp lành một đời, khiến cho chúng sanh bị đọa vào ác đạo; huống chi sự niệm Phật là nghiệp lành chân thật, có người khi lâm chung dùng tâm mãnh liệt trì danh, lại không thể lấn áp ác nghiệp từ vô thỉ ư? Cho nên người tạo tội nhiều kiếp, khi lâm chung dùng tâm mãnh liệt thành tựu mười niệm mà không được vãng sanh, quyết không có lý đó!

Kinh nói: 'Chí tâm niệm một câu A Di Đà, sẽ tiêu diệt được tội nặng nơi đường sanh tử trong tám mươi ức kiếp.' Sỡ dĩ có sự kiện đó, vì hành giả niệm Phật dùng tâm mãnh liệt nên mới phục diệt được ác nghiệp; nếu khi lâm chung dùng tâm ấy niệm Phật, quyết định sẽ vãng sanh, không còn nghi ngờ chi nữa! Cổ truyền phán định mười niệm khi lâm chung hoàn toàn thuộc về biệt thời ý ( ý nói túc nhân). Lý ấy không đúng. Tại sao thế? -Vì trong Nhiếp Luận nói: 'Nếu chỉ là biệt thời, thì duy phát nguyện, toàn không có hạnh.' Tạp Tập Luận nói: 'Nếu nguyện vãng sanh về Cực Lạc liền được vãng sanh, nếu nghe danh hiệu Phật Vô Cấu liền chứng được quả Vô Thượng chánh giác, đó mới là biệt thời nhân.' Riêng về người khi lâm chung thành tựu mười niệm, là do duyên lành nên được gặp thiện tri thức dạy bảo, lại cũng do tự mình chí tâm thật hành pháp niệm Phật, mới có kết quả; nếu chỉ định cho hoàn toàn thuộc về túc nhân, thật đã sai lầm! Nguyện các hành giả nghĩ sâu lý nầy tự sanh lòng kiên cố đừng tin theo dị kiến ma để lạc lối mê.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


 (Luận) Đệ bát nghi, vấn: - Chúng sanh vô thỉ dĩ lai, tạo vô lượng nghiệp. Kim sanh nhất kỳ bất phùng thiện tri thức, hựu phục tác nhất thiết tội nghiệp, vô ác bất tạo. Vân hà lâm chung thập niệm thành tựu, tức đắc vãng sanh, xuất quá tam giới? Kết nghiệp chi sự, vân hà khả thông?
   ()第八疑。問:眾生無始已來,造無量業。今生一期不逢善知識,又復作一切罪業。無惡不造,云何臨終十念成就,即得往生出過三界,結業之事云何可通?
          (Luận: Mối nghi thứ tám, hỏi: - Chúng sanh từ vô thỉ đến nay đã tạo vô lượng nghiệp. Suốt cả đời này, chẳng gặp thiện tri thức, lại còn tạo hết thảy tội nghiệp, không điều ác nào chẳng tạo. Lẽ nào lâm chung mười niệm thành tựu liền được vãng sanh, vượt khỏi tam giới? Đối với các nghiệp đã kết, làm sao nói cho suông được?)
 
          Ở đây là nghi ngờ, chất vấn: Vì sao kẻ suốt đời tạo ác do mười niệm vãng sanh bèn vượt thoát tam giới? Nhân quả chẳng tương ứng! Cũng giống như vậy, chúng sanh từ vô thỉ đến nay đã tạo vô lượng nghiệp; đời này, trong khi chẳng gặp gỡ thiện tri thức, lại tạo hết thảy tội nghiệp, không chuyện ác nào chẳng làm, tội nghiệp rất nặng, đáng phải theo nghiệp nặng mà chuyển sanh vào trong các đường sanh tử cực ác! Lẽ nào lâm chung trọn đủ mười niệm “A Di Đà Phật” sẽ vượt thoát tam giới, vãng sanh Tịnh Độ? Định luật “thuận theo nghiệp mà kết thành cái quả [sẽ sanh trong đường nào]” làm sao dung thông cho được? Khi lâm chung, tùy theo nghiệp nặng hay nhẹ để quyết định chốn thọ sanh trong đời kế tiếp; đã là tội nghiệp nặng nề, mười niệm niệm Phật nhẹ bẫng, làm sao có thể ngay lập tức sanh về Tịnh Độ, vượt thoát tam giới cho được? Nhân quả chẳng phù hợp quá mức!
          Đối với nghi vấn ấy, bèn trả lời như thế này:
          1) Một là suốt đời tạo ác hoàn toàn chẳng thể phán định sức túc thiện [của kẻ ác ấy] yếu kém. Trái lại, do khi lâm chung, gặp thiện tri thức, mười niệm bèn thành tựu, cho thấy sức túc thiện mạnh mẽ.
          2) Hai là chẳng quyết định coi vô thỉ ác nghiệp là nặng, xem mười niệm lâm chung là nhẹ.
 
8.1. Suốt đời tạo ác hoàn toàn chẳng thể phán định sức túc thiện [của kẻ ác ấy] yếu kém. Trái lại, do khi lâm chung, gặp thiện tri thức, mười niệm bèn thành tựu cho thấy sức túc thiện mạnh mẽ
 
          (Luận) Đáp: - Chúng sanh vô thỉ dĩ lai, thiện ác nghiệp chủng đa thiểu cường nhược tịnh bất đắc tri. Đản năng lâm chung ngộ thiện tri thức, thập niệm thành tựu giả, giai thị túc thiện nghiệp cường, thỉ đắc ngộ thiện tri thức, thập niệm thành tựu. Nhược ác nghiệp đa giả, thiện tri thức thượng bất khả phùng, hà khả luận thập niệm thành tựu?
   ():眾生無始以來,善惡業種多少強弱並不得知,但能臨終遇善知識十念成就者,皆是宿善業強,始得遇善知識十念成就。若惡業多者,善知識尚不可逢,何可論十念成就?
(Luận: Đáp: - Chúng sanh từ vô thỉ đến nay, nghiệp chủng thiện, ác, nhiều, ít, mạnh, yếu, hoàn toàn chẳng biết. Chỉ là kẻ có thể khi lâm chung gặp thiện tri thức, mười niệm thành tựu thì đều là do có túc thiện nghiệp mạnh mẽ, cho nên mới được gặp gỡ thiện tri thức, mười niệm thành tựu. Nếu là kẻ ác nghiệp nhiều, thiện tri thức còn chẳng thể gặp, há có thể bàn đến chuyện mười niệm thành tựu chi nữa?)
 
          Chúng sanh từ vô thỉ tới nay, tình huống nhân duyên đặc biệt phức tạp! Nghiệp chủng thiện ác tích tập trong tâm mỗi loại nhiều hay ít, mạnh hay yếu, cũng chẳng có cách nào dựa theo biểu hiện nhất thời để luận đoán cho được! Một chúng sanh tạo tác rất nhiều ác nghiệp trong đời này, trong tâm điền của người ấy, nghiệp chủng thiện ác mỗi thứ nhiều hay ít, mạnh hay yếu, chúng ta chẳng có Túc Mạng Thông và Vi Tế Trí, cho nên hoàn toàn chẳng biết. Nhưng dùng cái quả để suy ra cái nhân, khi hạng người này lâm chung có thể gặp gỡ thiện tri thức, lại còn vừa được khuyên bảo bèn phát tâm dũng mãnh, bén nhạy, mười niệm bèn thành tựu, vượt khỏi tam giới. Đấy là biểu hiện của sức túc thiện nghiệp mạnh mẽ! Vì thế mới gặp thiện tri thức, lại còn mười niệm thành tựu. Nếu ác nghiệp nhiều, còn chẳng gặp được thiện tri thức, huống hồ mười niệm thành tựu ư?
          Loại người này đều là hạng căn tánh mạnh mẽ, nhạy bén, bất quá đời này vì tập khí vọng động, lập tức mê hoặc, một mực tạo ác, nhưng thiện căn của người ấy rất sâu, hễ gặp thiện tri thức bèn có thể hoàn toàn tỉnh ngộ, có thể chuyển biến rất nhanh, tâm có thể dấy khởi [ý nguyện vượt thoát tam giới, cầu sanh Tịnh Độ], hiển nhiên là thiện chủng tử từ đời trước mạnh mẽ. Nếu không, do căn tánh chậm lụt, kém cỏi, sẽ chẳng thể dấy khởi cái tâm. Dẫu được thiện tri thức khuyên lơn, vẫn chẳng có cách nào niệm được! Giả sử có niệm thì vẫn chẳng có cách nào dũng mãnh, bén nhạy. Trong cửa ải lâm chung khẩn yếu, thế mà có thể [thành tựu] dễ dàng như vậy, thật sự là bậc đại trượng phu! Hạng người này thuộc loại người có thiện chủng đời trước mạnh mẽ!
 
8.2. Chẳng quyết định coi vô thỉ ác nghiệp là nặng, xem mười niệm lâm chung là nhẹ
         
          [Phần này được] chia thành hai phần:
          1. Dùng đạo lý để chứng thực.
          2. Dùng thí dụ và thánh giáo để chứng thực.
 
8.2.1. Dùng đạo lý để chứng thực
 
          (Luận) Hựu nhữ dĩ vô thỉ dĩ lai ác nghiệp vi trọng, lâm chung thập niệm vi khinh giả, kim dĩ đạo lý tam chủng giảo lượng khinh trọng bất định, bất tại thời tiết cửu cận, đa thiểu. Vân hà vi tam? Nhất giả tại tâm, nhị giả tại duyên, tam giả tại quyết định.
          ()又汝以無始已來惡業為重,臨終十念為輕者。今以道理三種校量輕重不定,不在時節久近多少。云何為三?一者在心,二者在緣,三者在決定。
          (Luận: Lại vì ông coi ác nghiệp từ vô thỉ đến nay là nặng, mười niệm lúc lâm chung là nhẹ, nay dùng ba loại đạo lý để so sánh nhẹ nặng không nhất định, chẳng do thời gian lâu hay mau, ít hay nhiều. Những gì là ba? Một là tại tâm, hai là tại duyên, ba là tại quyết định).
 
          Quý vị lại cho rằng ác nghiệp đã tạo nhiều ngần ấy từ vô thỉ tới nay là nặng, lâm chung mười niệm niệm Phật là nhẹ, chuyện này không nhất định! Lý do của quý vị là thời gian từ vô thỉ đến nay đặc biệt dài, số lượng ác nghiệp đã tạo đặc biệt nhiều, còn thời gian mười niệm khi lâm chung đặc biệt ngắn ngủi, số lượng đặc biệt ít ỏi, [tức là] dùng thời gian lâu hay mau, số lượng nhiều hay ít để luận đoán nghiệp nặng hay nhẹ; thế nhưng điều này không nhất định. Do nguyên nhân nào? Vì nghiệp lực là tại tâm, tại duyên, tại quyết định. Nay dùng ba cái nhân ấy để cân nhắc, [sẽ thấy] mười niệm khi lâm chung chưa chắc đã là nhẹ.
 
          (Luận) Tại tâm giả, tạo tội chi thời, tùng tự hư vọng điên đảo sanh. Niệm Phật giả, tùng thiện tri thức, văn thuyết A Di Đà Phật chân thật công đức danh hiệu sanh. Nhất hư, nhất thật, khởi đắc tương tỷ? Thí như vạn niên ám thất, nhật quang tạm chí, nhi ám đốn diệt, khởi dĩ cửu lai chi ám bất khẳng diệt da?
          ()在心者,造罪之時,從自虛妄顛倒生。念佛者,從善知識聞說阿彌陀佛真實功德名號生。一虛一實豈得相比?譬如萬年暗室,日光暫至而暗頓滅,豈以久來之不肯滅耶?
          (Luận: Tại tâm: Khi tạo tội là từ hư vọng, điên đảo mà sanh. Niệm Phật thì là từ thiện tri thức nghe nói danh hiệu công đức chân thật của A Di Đà Phật mà sanh. Một đằng hư, một đằng thật, há so sánh được ư? Ví như nhà tối ngàn năm, ánh nắng mặt trời vừa tạm chiếu vào, tối tăm nhanh chóng diệt mất, há vì tối tăm đã lâu mà chẳng chịu diệt ư?)
 
          Trước hết, hãy nhìn vào trạng huống của nội tâm khi tạo nghiệp. Khi tạo tội là từ sự điên đảo hư vọng của chính mình mà sanh. Ví như chấp trước có ta, có sự vui sướng, vì để ta đạt được sự vui sướng mà chẳng nề hà thủ đoạn, tạo các ác nghiệp giết, trộm, dâm v.v… Đấy là từ chấp trước điên đảo, mê hoặc, phân biệt hư vọng mà sanh. Từ vô thỉ kiếp cho đến nay, chúng sanh một mực hãm trong trạng thái mê hoặc, điên đảo, giống như đang mơ một giấc mộng điên đảo. Nay đến lúc lâm chung, bỗng từ thiện tri thức được nghe danh hiệu công đức chân thật của A Di Đà Phật, ngay khi đó, người ấy khởi tâm giác ngộ. Giống như nhà tối ngàn năm, bỗng dưng xuất hiện ánh đèn sáng, chẳng vì tối tăm ngàn năm, nay quang minh trong sát-na sẽ chẳng thể phá trừ tối tăm! Dẫu u tối một ngàn năm, chỉ cần ánh đèn hiển hiện trong sát-na, sẽ ngay lập tức phá tan sự tối tăm chất chứa cả ngàn năm. Hoặc là ngủ say cả ngàn năm, bỗng dưng thức giấc, sẽ nhanh chóng diệt trừ giấc mê mộng cả ngàn năm! Giống như thế đó, lẽ nào cái tâm giác ngộ chẳng thể diệt trừ sự tối tăm si ám ư?

          (Luận) Tại duyên giả, tạo tội chi thời, tùng hư vọng si ám tâm, duyên hư vọng cảnh giới điên đảo sanh. Niệm Phật chi tâm, tùng văn Phật thanh tịnh chân thật công đức danh hiệu, duyên Vô Thượng Bồ Đề tâm sanh. Nhất chân, nhất ngụy, khởi đắc tương tỷ? Thí như hữu nhân bị độc tiễn trúng, tiễn thâm, độc sấm, thương cơ, phá cốt, nhất văn Diệt Trừ dược cổ, tức tiễn xuất, độc trừ, khởi dĩ tiễn thâm độc sấm nhi bất khẳng xuất dã?
          ()在緣者,造罪之時,從虛妄癡心,緣虛妄境界顛倒生。念佛之心,從聞佛清淨真實功德名號,緣無上菩提心生。一真一偽豈得相比?譬如有人被毒箭中,箭深毒滲傷肌破骨。一聞滅除藥鼓,即箭出毒除,豈以箭深毒滲而不肯出也?
          (Luận: Tại duyên là khi tạo tội, từ cái tâm si mê, tối tăm, hư vọng, duyên theo cảnh giới hư vọng điên đảo mà sanh. Cái tâm niệm Phật do nghe danh hiệu có công đức chân thật thanh tịnh của Phật, duyên theo tâm Vô Thượng Bồ Đề mà sanh. Một đằng chân, một đằng ngụy, há so sánh được ư? Ví như có người bị trúng tên độc, mũi tên cắm sâu, chất độc thấm đẫm, hư thịt, vỡ xương, vừa nghe tiếng trống thuốc Diệt Trừ, mũi tên liền rơi ra, chất độc trừ diệt, há vì tên cắm sâu, chất độc thấm đẫm mà mũi tên chẳng chịu rớt ra ư?)
 
          Lại xem sự sai biệt giữa tạo nghiệp và sở duyên của hai bên. Sở duyên có sức tác dụng. Khi tạo tội, bên trong là cái tâm hư vọng, điên đảo, si ám, bên ngoài thì duyên theo cảnh giới hư vọng, sanh khởi tâm thức tạo tác điên đảo. Còn cái tâm niệm Phật là do nghe danh hiệu có công đức thanh tịnh chân thật của Phật, dùng vạn đức hồng danh làm sở duyên mà sanh. Nhưng vạn đức hồng danh chính là tâm Vô Thượng Bồ Đề của Phật, mà cũng là cái tâm quang minh vô thượng, hóa thành tướng biểu thị là danh hiệu. Ngẫu Ích đại sư nói: “Danh hiệu Di Đà lấy pháp giới làm Thể. Quang thì theo chiều ngang trọn khắp mười phương, Thọ thì theo chiều dọc tột cùng ba đời. Ngang và dọc thấu triệt lẫn nhau chính là Pháp Giới Thể. Nêu lên cái Thể này làm thành danh hiệu Di Đà. Vì thế, danh hiệu Di Đà chính là Bổn Giác lý tánh của chúng sanh”. Sở duyên là “nam-mô A Di Đà Phật”, là tâm Vô Thượng Bồ Đề, là chân thật. Một đằng chân, một đằng ngụy, làm sao có thể so sánh cho được?
          Giống như có người bị trúng tên độc, tên xuyên thấu thịt xương, trúng độc rất sâu, nhưng vừa được nghe âm thanh của cái trống thuốc Diệt Trừ, ngay lập tức, mũi tên rớt ra, chất độc trừ diệt. Lẽ đâu vì mũi tên cắm sâu, trúng độc nghiêm trọng, mà chẳng thể trừ khử ư? Điều này cho thấy cái trống thuốc Diệt Trừ có sức nhổ tên, trừ độc. Người trúng độc duyên theo âm thanh đặc biệt ấy bèn có thể nhổ tên, trừ độc. Cũng giống như vậy, tuy hành giả từ vô thỉ đến nay duyên theo cảnh giới điên đảo, dấy lên rất nhiều nghiệp chướng độc tố, nhưng vừa nghe danh hiệu chân thật Vô Thượng Bồ Đề tâm của Như Lai, ngay lập tức có thể dẹp trừ, khiến cho tâm [người ấy] thoát khỏi tội chướng. Đây là sự khác biệt nơi sở duyên.
         
          (Luận) Tại quyết định giả, tạo tội chi thời, dĩ hữu gián tâm, hữu hậu tâm dã, niệm Phật chi thời, dĩ vô gián tâm, vô hậu tâm, toại tức xả mạng, thiện tâm mãnh lợi, thị dĩ tức sanh.
          ()在決定者,造罪之時。以有間心有後心也。念佛之時,以無間心無後心,遂即捨命,善心猛利是以即生。
          (Luận: Tại quyết định là khi tạo tội thì dùng cái tâm hữu gián, tâm hữu hậu. Khi niệm Phật, sử dụng cái tâm vô gián, tâm vô hậu, liền xả mạng, thiện tâm mạnh mẽ, nhạy bén, do vậy liền sanh).
 
          Thứ ba, nhìn theo xu thế quyết định. Lúc bình thường tạo tội, có cái tâm hữu gián, tức là có những cái tâm trái nghịch v.v… gây gián đoạn. Chẳng hạn như sau khi đã tạo [ác nghiệp] bèn hối hận, hoặc là do dự trong khi tạo, có hậu tâm, [tức là] khởi tâm sẽ tiếp tục tạo [cái nghiệp ấy] trong mai sau. Còn lâm chung mười niệm niệm Phật thì chẳng có các tâm khác gây gián đoạn, mà cũng chẳng có tâm tiếp tục tạo tác hành vi ấy trong mai sau. Trong khi ấy, [chỉ là] một niệm tâm mạnh mẽ, nhạy bén niệm Phật hòng vãng sanh, biểu lộ xu thế quyết định vậy.
 
8.2.2. Dùng thí dụ và thánh giáo để chứng thực
 
          (Luận) Thí như thập vi chi sách, thiên phu bất chế. Đồng tử huy kiếm, tu du lưỡng phân. Hựu như thiên niên tích sài, dĩ nhất đậu hỏa phần, thiểu thời tức tận.      
          ()譬如十圍之索千夫不制,童子揮劍須臾兩分。又如千年積柴,以一豆火焚,少時即盡。
          (Luận: Ví như sợi dây thừng to mười vòng ôm, ngàn người đàn ông chẳng thể bứt đứt được. Đứa trẻ vung gươm, khoảnh khắc thừng bèn đứt làm đôi. Lại như củi tích tụ ngàn năm, dùng một đốm lửa bé tí để đốt, trong một thời gian ngắn đã cháy sạch).
 
          Một là thí dụ về đứa bé trai phá vòng vây, tức là dây thừng to mười vòng ôm, ngàn người đều chẳng có cách nào bứt đứt được. Đứa bé trai vung lưỡi đao bén, trong giây lát, thừng đã bị đứt thành hai đoạn. “Dây thừng” ví như ác nghiệp đã tạo từ vô thỉ, “to mười vòng ôm” chỉ số lượng nhiều, “ngàn người chẳng thể bứt đứt được” là nói phàm phu chẳng thể chế phục. “Đồng tử” (Bé trai) là sánh ví hành giả sơ phát tâm niệm Phật. “Vung gươm” là nói mười niệm niệm Phật thành tựu. “Khoảnh khắc đứt làm đôi”: Trong khoảng co duỗi cánh tay, bèn xả cõi này, sanh sang cõi kia. Có nghĩa là đồng tử phát tâm dũng mãnh, nhạy bén, cầm đao bén, tức là trì niệm danh hiệu Di Đà, cho nên trong nháy mắt có thể thoát khỏi nghiệp chướng, tập khí, một đao chặt đứt phăng nghiệp chướng và tập khí từ quá khứ, ngay lập tức bỏ phương này, sanh sang phương kia.
          Hai là thí dụ một đốm lửa đốt rụi củi chất ngàn năm. “Ngàn năm” ý nói từ vô thỉ đến nay. “Củi tích tụ” là nói chất chứa rất nhiều phiền não. “Lửa” là sánh ví trí huệ. “Một đốm lửa” nhằm nói rất ít. Trong khi đó, nghe thiện hữu (thiện tri thức) tuyên nói pháp môn Di Đà, khởi lòng tin tưởng sâu xa, dùng đốm lửa tâm trí huệ trong khoảng thời gian ngắn ngủi bèn nhanh chóng đốt rụi phiền não để vãng sanh. Điều này cũng cho thấy: Do sức quyết định trong khi ấy mà có thể từ đó vượt thoát.
 
          (Luận) Hựu như hữu nhân, nhất sanh dĩ lai, tu Thập Thiện nghiệp, ưng đắc sanh thiên, lâm chung chi thời, khởi nhất niệm quyết định tà kiến, tức đọa A Tỳ địa ngục. Ác nghiệp hư vọng, dĩ mãnh lợi cố, thượng năng bài nhất sanh chi thiện nghiệp, linh đọa ác đạo. Khởi huống lâm chung mãnh tâm niệm Phật, chân thật, vô gián thiện nghiệp, bất năng bài vô thỉ ác nghiệp, đắc sanh Tịnh Độ, vô hữu thị xứ!
          ()又如有人一生已來,修十善業應得生天。臨終之時起一念決定邪見,即墮阿鼻地獄。惡業虛妄以猛利故,尚能排一生之善業令墮惡道。豈況臨終猛心念佛,真實無間善業,不能排無始惡業,得生淨土,無有是處。
          (Luận: Lại như có người suốt đời tu Thập Thiện nghiệp, đáng được sanh lên trời, khi lâm chung, dấy lên một niệm quyết định tà kiến, liền đọa vào địa ngục A Tỳ. Ác nghiệp hư vọng, do mạnh mẽ, sắc bén, mà còn có thể gạt phăng thiện nghiệp suốt một đời, khiến cho người ấy đọa vào ác đạo. Huống chi thiện nghiệp khi lâm chung, tâm dũng mãnh niệm Phật, chân thật, chẳng gián đoạn, mà lại chẳng thể dẹp trừ ác nghiệp từ vô thỉ, khiến cho người ấy được sanh về Tịnh Độ, chẳng thể nào có chuyện đó!)
 
          Kế đó, lại dùng ác nghiệp để suy luận tình hình của thiện nghiệp. Ví như có người suốt một đời này tu rất nhiều nghiệp Thập Thiện, hẳn là sẽ sanh lên trời, nhưng lúc lâm chung, dấy lên một niệm quyết định tà kiến, ngay lập tức đọa vào địa ngục A Tỳ. Ác nghiệp hư vọng, nhưng vì nó dũng mãnh, nhạy bén, còn có thể gạt phăng thiện nghiệp suốt cả một đời, khiến cho người ấy đọa vào ác đạo. Huống hồ lâm chung, tâm dũng mãnh niệm Phật, đấy là thiện nghiệp chân thật, chẳng gián đoạn, lẽ nào chẳng thể dẹp phăng các ác nghiệp từ vô thỉ, được sanh vào Tịnh Độ ư? Kiểu cật vấn ấy chẳng thể thành lập được!
 
          (Luận) Hựu vân: “Nhất niệm niệm Phật, diệt bát thập ức kiếp sanh tử chi tội”, vị niệm Phật thời, tâm mãnh lợi cố, phục diệt ác nghiệp, quyết định đắc sanh, bất tu nghi dã.
          ()又云,一念念佛,滅八十億劫生死之罪。為念佛時心猛利故,伏滅惡業決定得生,不須疑也。
          (Luận: Lại nói: “Một niệm niệm Phật diệt tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp”, vì khi niệm Phật, do cái tâm mạnh mẽ, sắc bén bèn chế phục, diệt trừ ác nghiệp, quyết định được vãng sanh, chớ nên nghi ngờ).
 
          Trong kinh lại nói: “Một niệm niệm Phật diệt tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp”. Bởi lẽ, khi niệm Phật, do cái tâm dũng mãnh, nhạy bén, bèn có thể chế phục, diệt trừ ác nghiệp phiền não. Do đó, chớ nên hoài nghi, quyết định có thể vãng sanh.     
          Trên đây đã dùng ba lý do là “tâm, duyên, quyết định” cùng với các thí dụ tương cận cũng như kinh giáo để chứng minh kẻ ác nghịch khi lâm chung chí tâm mười niệm sẽ quyết định có thể vãng sanh.
 
8.3. Đừng tin vào những kiến giải quái lạ
         
          (Luận) Thượng cổ tương truyền, phán thập niệm thành tựu, tác Biệt Thời Ý giả, thử định bất khả. Hà dĩ đắc tri? Nhiếp Luận vân: “Do duy phát nguyện cố, toàn vô hữu hạnh”. Tạp Tập Luận vân: “Nhược nguyện sanh An Lạc quốc độ, tức đắc vãng sanh. Nhược văn Vô Cấu Phật danh, tức đắc A Nậu Bồ Đề giả”, tịnh thị biệt thời chi nhân, toàn vô hữu hạnh. Nhược tương lâm chung vô gián thập niệm mãnh lợi thiện hạnh thị Biệt Thời Ý giả, kỷ hứa ngộ tai! Nguyện hành giả thâm tư thử lý, tự lao kỳ tâm, mạc tín dị kiến, tự đọa hãm dã.
          ()上古相傳判十念成就,作別時意者,此定不可。何以得知?攝論云:「由唯發願故,全無有行。」雜集論云:「若願生安樂國土即得往生,若聞無垢佛名即得阿耨菩提者。」並是別時之因,全無有行。若將臨終,無間十念猛利善行是別時意者,幾許誤哉。願諸行者深思此理,自牢其心莫信異見,自墮陷也。
          (Luận: Từ thuở xưa đã truyền tụng, phán định mười niệm thành tựu là Biệt Thời Ý[3], điều này nhất quyết không thể nói như vậy được. Do đâu mà biết? Nhiếp Luận nói: “Do chỉ phát nguyện, hoàn toàn chẳng có Hạnh”. Tạp Tập Luận[4] chép: “Nếu nguyện sanh về cõi nước An Lạc, sẽ liền được sanh về. Nếu nghe danh hiệu Vô Cấu Phật, sẽ liền đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, [những điều vừa nói đó] đều là cái nhân của biệt thời, do hoàn toàn chẳng có hành. Nếu nghĩ thiện hạnh mười niệm mạnh mẽ bén nhạy chẳng gián đoạn là Biệt Thời Ý thì sai lầm lắm thay! Nguyện hành giả suy nghĩ sâu xa lý này, tự kiên định cái tâm của chính mình, đừng tin theo những kiến giải quái lạ, để rồi tự đọa lạc vậy).
 
          Từ thượng cổ đã lưu truyền thuyết phán định mười niệm Phật thành tựu là ý thú Biệt Thời! Nói như vậy chẳng đúng! Vì sao biết? Vì tình huống được Nhiếp Luận và Tạp Tập Luận phán định là Biệt Thời Ý chính là như thế này: Nếu chỉ phát nguyện mà chẳng hành chút nào, đó là ý thú Biệt Thời. Hoặc là như phát nguyện sanh về cõi An Lạc liền có thể vãng sanh, nghe danh hiệu của Vô Cấu Phật sẽ đắc Vô Thượng Bồ Đề, do những điều đó đều là tạo cái nhân để cảm cái quả trong lúc khác, chẳng có chút hạnh thật sự nào. Đấy là nói theo kiểu Biệt Thời Ý. Nhưng nếu phán định thiện hạnh mười niệm mạnh mẽ nhạy bén không gián đoạn khi lâm chung là Biệt Thời Ý thì đã hiểu lầm rất lớn. Bởi lẽ, lâm chung đã có thiện hạnh mười niệm nhạy bén, dũng mãnh, chẳng gián đoạn; đấy chính là Hạnh. Đã có Nguyện và Hạnh, lẽ đâu chẳng thể vãng sanh? Nguyện các hành giả hãy suy nghĩ sâu xa ý nghĩa này, kiên định tín tâm của chính mình, đừng tin theo những cách nói khác để rồi thoái thất tín tâm, chẳng còn cầu sanh [Cực Lạc] nữa, sẽ bị đọa lạc trong luân hồi, chẳng đạt được lợi ích vãng sanh to lớn.

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
9 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
11 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
15 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về

Phàm Phu Nghịch Ác Khi Lâm Chung Cũng Có Thể Vãng Sanh
Đời Dao Tần, Duy Tắc Thiền sư Thiên Như

Niệm Phật Phải Dự Bị Lúc Lâm Chung
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Ba Điều Tối Quan Trọng Lúc Lâm Chung
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang