Home > Khai Thị Phật Học
Theo Đuổi Niềm Hạnh Phúc Ở Tầng Lớp Cao Hơn
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Sở dĩ gọi “thú vui của ngũ dục” là vì do sự kích động của thế giới bên ngoài nên cảm nhận được niềm hạnh phúc trong chốc lát. Song, niềm ham muốn khoái lạc cũng có phân cấp bậc thứ lớp. Ví như, niềm ham muốn khoái lạc của cõi người và cõi trời không giống nhau; đồng thời niềm ham muốn khoái lạc của loài động vật và niềm ham muốn khoái lạc của loài người cũng hoàn toàn khác nhau. Cho dù cùng là cõi người đi nữa nhưng vì môi trường sống, trình độ văn hóa, kiến thức nông cạn và phạm vi rộng hẹp của ý chí hoài bão mà có niềm ham muốn khoái lạc với cấp bậc thứ lớp khác nhau chứ không thể nói một cách khái quát được.

Chúng ta thử lấy niềm ham muốn khoái lạc của cõi trời để ví dụ. Nam nữ ở cõi trời không cần phải xúc chạm thân thể, chỉ cần hai bên nói chuyện với nhau, nắm tay nhau hoặc nhìn nhau bằng ánh mắt, bấy giờ sự trao đổi tâm linh của hai bên nảy sinh điều vô cùng kỳ diệu. Sở dĩ có điều kỳ diệu đó là vì con người ở cõi trời tuy có thân thể nhưng không giống với nhục thể của loài người, mà đó là một thân thể mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng. Ví như, khi con người bài tiết ra mồ hôi, nếu trong một thời gian không chịu tắm rửa sạch sẽ, thì da thịt thân thể cảm thấy ngứa ngáy vô cùng khó chịu; thế nhưng trái lại, thân thể của người cõi trời vô cùng thoải mái nhẹ nhàng, sạch sẽ không có vấn đề này. Cho nên sự hưởng thụ vật chất của cõi trời và hưởng thụ vật chất của loài người hoàn toàn khác nhau, cấp bậc hưởng thụ niềm ham muốn dục lạc cũng không giống nhau.

Tuy nhiên, niềm ham muốn dục lạc của loài người và loài động vật cũng khác biệt, đối với loài động vật thì ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu bản năng ra chẳng có niềm ham muốn khoái lạc nào khác; song, đối với loài người thì khác, ngoài sự ham muốn của bản năng ra, con người còn có niềm hạnh phúc vui vẻ do trình độ văn hóa mang lại.

Vì thế, cùng là niềm vui hạnh phúc, thế nhưng có một số người theo đuổi nó là do sự kích động, lại có một số người theo đuổi vì muốn thưởng thức nó. Thử lấy ví dụ việc cắm hoa, người cắm hoa nghệ thuật sau khi suy nghĩ họ đã tạo thành một bình hoa tuyệt đẹp như một bức tranh. Thực ra, loài hoa trong thiên nhiên nhìn đâu cũng thấy chứ chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì, thế nhưng khi đã qua tay người khéo léo, người có tâm hồn biết thưởng thức thì chúng trở nên xinh đẹp lạ thường. Nhưng nếu không hiểu nghệ thuật cắm hoa là gì hoặc đặt sai vị trí thì bình hoa đó sẽ trở nên kệch cỡm và khó coi.

Có thể thấy rằng, đối với việc thưởng thức, cảm nhận cái đẹp cũng có phân thứ lớp cấp bậc, nếu người thật sự biết thưởng thức cái đẹp thì họ không chỉ thẩm thấu bằng mắt thường, mà còn thẩm thấu bằng cả nội tâm mình. Thế nhưng nội tâm cần phải có trình độ nhận thức, nếu không có trình độ nhận thức thì không dễ gì lãnh hội được cái đẹp này. Tuy nhiên trình độ nhận thức này không nhất định phải có học vấn hay kiến thức gì cả, người không có học vấn, không có kiến thức cũng có thể thông qua nội tâm để nhìn thế giới này, chỉ cần dùng tâm để nhìn cẩn thận tỉ mỉ, nếu chúng ta nhìn thế giới này với tâm hồn lương thiện, tốt đẹp, vui vẻ thì thế giới này sẽ tốt đẹp và thánh thiện biết bao.

Thế nhưng, niềm vui của ngũ dục chỉ là niềm vui tạm thời kể cả khi chúng ta ngắm nhìn một bức tranh đẹp, thưởng thức một ca khúc hay đọc một cuốn sách hay cũng thế, tất cả những thứ đó đều thuộc về niềm ham muốn khoái lạc tạm thời, chỉ là khi niềm vui do thẩm thấu bằng sự thưởng thức thì cấp bậc ấy tương đối cao, nó có thể để lại trong đầu chúng ta ấn tượng sâu sắc hơn, lâu dài hơn.

Cổ nhân có câu: “Nhiễu lương tam nhật”, có nghĩa là khi chúng ta thưởng thức một ca khúc hay, âm luật trầm bổng du dương vẫn còn đọng lại trong đầu chúng ta, sau khi nghe qua vẫn có thể lưu lại mãi trong lòng không dứt; hoặc là khi ngắm nhìn phong cảnh đẹp, mặc dù trải qua thời gian dài suốt mấy tháng, thậm chí là suốt cả cuộc đời, thế nhưng trong đầu vẫn còn đọng mãi ấn tượng tốt đẹp. Cảm nhận hưởng thụ cấp bậc cao này có khi nó có thể vượt hẳn niềm ham muốn khoái lạc đơn thuần, nhưng lại gần gũi sâu sắc, thậm chí đạt đến thứ lớp cấp bậc tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên, nếu chúng ta muốn theo đuổi niềm hạnh phúc cũng phải theo đuổi niềm hạnh phúc có tầng lớp cao và phẩm chất cao thượng. Nếu niềm vui đó có thể lên đến cấp bậc triết học hoặc tín ngưỡng tôn giáo thì càng tốt hơn.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Theo Đuổi Niềm Hạnh Phúc Ở Tầng Lớp Cao Hơn