Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hang-pham-phu-lam-sao-vang-sanh...?

Hỏi:- Hàng cụ phược phàm phu nghiệp ác sâu dày, đầy đủ tất cả phiền não, dù có chút ít công đức tu hành, hoặc chướng vẫn chưa vơi được trong muôn một. Cõi Cực Lạc rất thanh tịnh trang nghiêm, còn siêu việt hơn tam giới. Thế thì hạng phàm phu ấy làm sao vãng sanh?

Đáp:- Có hai duyên: tự lực và tha lực. Về tự lực, hàng cụ phược phàm phu ở thế giới nầy tuy có đôi chút tu hành, thật ra chưa có thể sanh về Tịnh Độ và xứng đáng được ở Tịnh Độ. Kinh Anh Lạc nói: 'Từ địa vị cụ phược phàm phu chưa biết Tam Bảo và nhân quả thiện ác, trước tiên mới phát tâm Bồ Đề phải lấy tín làm gốc, đến khi vào Đạo Phật lại lấy giới làm nền tảng. Hạng phàm phu nầy khi mới thọ giới Bồ Tát, nếu mỗi đời cứ tiếp tục giữ giới như thế không cho khuyết phạm, trải qua ba kiếp mới đến địa vị Sơ Phát Tâm Trụ. Lại cứ như thế mà tu Thập Tín, Thập Ba La Mật cùng vô lượng hạnh nguyện, nối nhau không gián đoạn, mãn một vạn kiếp, mới đến ngôi đệ lục Chánh Tâm Trụ. Khi tiến lên đệ thất Bất Thối Trụ tức là đã vào Chủng Tánh Vị, nhưng địa vị nầy cũng chưa được sanh về Tịnh Độ. Đây là ước về tự lực.

Về tha lực, nếu kẻ nào tin nơi nguyện lực đại bi nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật của Đức A Di Đà, rồi phát lòng Bồ Đề tu môn Niệm Phật Tam Muội, chán thân hữu lậu trong ba cõi, thực hành bố thí, trì giới cùng các phước nghiệp, mỗi hạnh đều hồi hướng nguyện sanh Tây Phương thì cơ cảm hợp nhau, nương nhờ Phật lực liền được vãng sanh. Cho nên Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận nói: 'Có hai lối tu: Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo. Nan Hành Đạo là chúng sanh ở cõi ngũ trược trải qua vô lượng đời chư Phật, cầu ngôi A Bệ Bạt Trí, thật rất khó được. Nỗi khó nầy nhiều vô số như cát bụi, nói không thể xiết. Nay chỉ kể sơ lược năm điều:

Ngoại đạo dẫy đầy, làm loạn Bồ Tát Pháp.

Bị người ác, kẻ vô lại phá hư thắng đức của mình.

Dễ bị phước báo làm điên đảo, có thể khiến hoại mất phạm hạnh.

Dễ bị lạc vào lối tự lợi của Thanh Văn, làm chướng ngại lòng đại từ.

Bởi duy có tự lực không tha lực hộ trì, nên sự tu hành rất khó khăn, ví như người què yếu đi bộ một mình tuy rất khó nhọc, một ngày chẳng qua chỉ được vài dặm.

Dị Hành Đạo là chúng sanh ở cõi nầy nếu tin lời Phật, tu môn Niệm Phật nguyện về Tịnh Độ, tất sẽ nhờ nguyện lực của Phật nhiếp trì, quyết định được vãng sanh không còn nghi. Ví như người nương nhờ sức thuyền xuôi theo dòng nước, tuy đường xa ngàn dặm cũng đến nơi không mấy chốc. Lại ví như người tầm thường nương theo luân bảo của Thánh Vương, trong một ngày đêm có thể du hành khắp bốn châu thiên hạ. Đây không phải do sức mình, mà chính là nhờ thế lực của Chuyển Luân Vương.'

Cũng có kẻ suy theo lý mà cho rằng hạng phàm phu hữu lậu không thể sanh về Tịnh Độ và không thể thấy thân Phật. Nhưng công đức niệm Phật thuộc về vô lậu thiện căn, hạng hữu lậu phàm phu do phát tâm Bồ Đề cầu sanh Tịnh Độ và thường niệm Phật, nên có thể phục diệt phiền não, được vãng sanh, và tùy phần thấy thô tướng của Phật. Còn bậc Bồ Tát thì cố nhiên được vãng sanh, lại thấy tướng vi diệu của Phật, điều ấy không còn nghi ngờ chi nữa. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm nói: 'Tất cả các cõi Phật, đều bình đẳng nghiêm tịnh, chúng sanh hạnh nghiệp khác, chỗ thấy chẳng đồng nhau.' Đây là chỉ cho ý nghĩa trên vậy.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


 (Luận) Đệ ngũ nghi, vấn: Cụ phược phàm phu, ác nghiệp hậu trọng, nhất thiết phiền não nhất hào vị đoạn, Tây Phương Tịnh Độ xuất quá tam giới, cụ phược phàm phu vân hà đắc sanh?
   ()第五疑問:具縛凡夫惡業厚重,一切煩惱一毫未斷,西方淨土出過三界,具縛凡夫云何得生?
          (Luận: Mối nghi thứ năm, hỏi: Phàm phu đầy dẫy triền phược, ác nghiệp sâu nặng, hết thảy phiền não chưa đoạn mảy may, Tây Phương Tịnh Độ vượt khỏi tam giới, phàm phu đầy dẫy triền phược làm sao sanh về đó cho được?)
         
          Nêu câu hỏi: Phàm phu đầy dẫy triền phược, ác nghiệp rất sâu nặng, hết thảy phiền não chưa đoạn mảy may nào, nhưng Tây Phương Tịnh Độ là cõi thánh vượt khỏi tam giới, phàm phu đầy dẫy triền phược làm sao có thể sanh về đó cho được?
          Đây là nêu ra nghi ngờ chất vấn [về vấn đề] nhân và quả chẳng phù hợp: Chỉ cần có Hoặc Nghiệp chừng bằng mảy tóc, sẽ thọ sanh trong tam giới, chẳng có cách nào sanh vào Tịnh Độ ở ngoài tam giới được. Hiện thời, ác nghiệp sâu dầy dường ấy, phiền não chẳng đoạn tí nào, làm sao có thể sanh về cõi Tịnh Độ ở ngoài tam giới cho được? Đơn giản là chuyện viễn vông!
          Khi giải trừ [nghi vấn] này, trước hết sẽ chỉ ra, nhận thức của quý vị đối với luật nhân quả hãy còn rất hẹp hòi. Luật nhân quả không chỉ giới hạn trong nhân quả thuộc về tự lực, mà còn có nhân quả do tha lực thêm vào đó. Hơn nữa, xét theo tha lực, Phật lực đã đạt tới mức tối cao vô thượng. Nếu chỉ nói theo tự lực, đương nhiên là nhân quả chẳng phù hợp, nhưng nói theo [phương diện được] tha lực thêm vào, sẽ hết sức hợp lý. Giống như kẻ mù tịt về kiến thức khoa học, chỉ cậy vào sức mình mà toan phát minh máy bay, computer v.v… làm các chuyện thuộc về khoa học kỹ thuật, đương nhiên là nhân quả chẳng phù hợp. Kẻ đó ngay cả định luật vật lý đơn giản còn chẳng hiểu, làm sao có thể nắm vững nguyên lý khoa học phức tạp, tiến tới phát minh, khai phá cho được? Thế nhưng, dựa vào tha lực làm Tăng Thượng Duyên, kẻ mù tịt về kiến thức khoa học cũng có thể ngồi phi cơ bay lên trời xanh, có thể nghe điện thoại vượt ngoài biển thẳm và đại dương, có thể dùng computer tốc độ cao để tính toán, hoàn toàn có thể lý giải được. Cũng giống như thế, phàm phu đầy dẫy triền phược có thể phối hợp sức tín nguyện với sức oai thần của Phật mà có thể vãng sanh Tịnh Độ.
          Đối với nghi vấn này, [Trí Giả đại sư] đã chia thành ba đoạn để giải thích:
          a) Trong tình hình như vậy, chỉ cậy vào tự lực sẽ chẳng thể vãng sanh, kiêm nhờ vào tha lực thì sẽ có thể vãng sanh.
          b) Dựa theo luận Tỳ Bà Sa để nhận định Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo.
          c) Dùng thí dụ để chứng thực.
 
5.1. Trong tình hình như vậy, chỉ cậy vào tự lực sẽ chẳng thể vãng sanh, kiêm nhờ vào tha lực thì sẽ có thể vãng sanh
 
          Đối với tình hình như thế này, phải chia ra hai loại tình huống là tự lực và tha lực. Chỉ cậy vào tự lực, sẽ chẳng thể sanh về Tịnh Độ; cậy thêm tha lực thì sẽ có thể sanh về Tịnh Độ.
 
          (Luận) Đáp: Hữu nhị chủng duyên, nhất giả tự lực, nhị giả tha lực. Tự lực giả, thử thế giới tu đạo, thật vị đắc sanh Tịnh Độ. Thị cố, Anh Lạc kinh vân: “Thỉ tùng cụ phược phàm phu vị thức Tam Bảo, bất tri thiện ác nhân chi dữ quả. Sơ phát Bồ Đề tâm, dĩ tín vi bổn. Trụ tại Phật gia, dĩ giới vi bổn, thọ Bồ Tát giới, thân thân tương tục, giới hạnh bất khuyết, kinh nhất kiếp, nhị kiếp, tam kiếp, thỉ chí Sơ Phát Tâm Trụ. Như thị tu hành Thập Tín, Thập Ba La Mật đẳng, vô lượng hạnh nguyện, tương tục vô gián, mãn nhất vạn kiếp, phương thỉ chí đệ lục Chánh Tâm Trụ. Nhược cánh tăng tấn chí đệ thất Bất Thoái Trụ, tức chủng tánh vị”. Thử ước tự lực, tốt vị đắc sanh Tịnh Độ.
          ()答:有二種緣,一者自力,二者他力。自力者,此世界修道,實未得生淨土。是故瓔珞經云:「始從具縛凡夫,未識三寶,不知善惡因之與果,初發菩提心。以信為本住在佛家,以戒為本受菩薩戒。身身相續戒行不闕,經一劫二劫三劫,始至初發心住。如是修行十信十波羅蜜等無量行願,相續無間滿一萬劫,方始至第六正心住。若更增進,至第七不退住,即種性位。」此約自力,卒未得生淨土。
          (Luận: Đáp: Có hai thứ duyên, một là tự lực, hai là tha lực. Tự lực là tu đạo trong thế giới này thì quả thật chưa thể sanh về Tịnh Độ được! Do đó, kinh Anh Lạc nói: “Thoạt đầu từ địa vị phàm phu đầy dẫy triền phược, chưa hiểu biết Tam Bảo, chẳng biết nhân và quả thiện ác, mới phát Bồ Đề tâm, lấy tín làm gốc, trụ trong nhà Phật, lấy giới làm gốc, thọ giới Bồ Tát, đời này liên tiếp sang đời kia, giới hạnh chẳng khuyết, trải qua một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, mới đạt đến Sơ Phát Tâm Trụ. Tu hành Thập Tín, Thập Ba La Mật v.v… vô lượng hạnh nguyện như thế liên tục, chẳng gián đoạn, trọn đủ một vạn kiếp thì mới đạt đến địa vị thứ sáu là Chánh Tâm Trụ. Nếu tăng tấn hơn, đạt tới địa vị thứ bảy là Bất Thoát Trụ, tức địa vị thuộc vào chủng tánh”. Đấy là xét theo tự lực, rốt cuộc chưa sanh về Tịnh Độ được).
 
          Nhân duyên thành tựu Tịnh Độ có hai loại là tự lực và tha lực. Xét theo tự lực, tu đạo trong thế giới này, [chúng sanh] ở mức độ này chẳng thể nào sanh về Tịnh Độ. Vì thế, kinh Anh Lạc đã miêu tả cụ thể tiến trình tu đạo. Tịnh Độ là quả vị xuất tam giới đặc biệt cao, nhưng phàm phu do thuộc tình trạng trọn đủ triền phược (phiền não), cậy vào sức của chính mình để phát triển từng bước, sẽ là một quá trình phải tốn thời gian rất lâu dài, đạt tới trình độ tu chứng đặc biệt cao mới vượt thoát tam giới, sanh vào Tịnh Độ. Nói cụ thể, sẽ là như thế này:
          Một phàm phu đầy đủ phiền não triền phược, thoạt đầu từ chẳng nhận biết Tam Bảo, chẳng biết thiện ác, nhân quả, sau khi gặp gỡ thiện duyên, bắt đầu quy y, tin nhân quả. Đấy là phàm phu khởi sự nhập đạo. Nhưng phải biết: Trong tâm thật sự kiến lập [niềm tin để] quy y và [thấu hiểu] nhân quả, đặc biệt khó khăn! Phải là sau khi [đã kiến lập tín tâm và sự hiểu biết] như vậy thì mới có thể phát Bồ Đề tâm, dùng tín tâm làm căn bản, mà cũng là đã chân thật phát khởi đạo tâm, tiến nhập Đại Thừa đạo. Sau đó, thọ Bồ Tát giới làm căn bản, trụ trong nhà Phật, từ đời này tiếp nối sang đời khác, giới hạnh chẳng khuyết, trải qua một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, mới đạt tới địa vị Sơ Phát Tâm Trụ. Quá trình chuyển từ cái tâm phàm phu thành cái tâm của bậc Sơ Phát Tâm Trụ rất lâu dài. Sau đấy, tu tập Thập Tín, Thập Ba La Mật v.v… vô lượng hạnh nguyện, liên tục, chẳng gián đoạn, trọn hết một vạn kiếp, mới đạt tới địa vị thứ sáu là Chánh Tâm Trụ. Lại tăng tấn đến địa vị thứ bảy là Bất Thoái Trụ. Tới đây mới được coi là “chủng tánh vị” (địa vị thuộc vào chủng tánh Phật). Có thể thấy rằng, xét theo phương diện cậy vào tự lực, rốt cuộc chẳng thể do trạng huống kém cỏi như thế mà sanh vào Tịnh Độ được! Nhìn từ trạng huống trước mắt của phàm phu, ác nghiệp rất nặng, chẳng đoạn một mảy phiền não, thậm chí còn chưa thể đè nén [phiền não] nổi. Trong tình huống này, tất nhiên là sẽ tiếp tục luân hồi, ngay cả thân người còn khó thể giữ được, làm sao có thể sanh về Tịnh Độ cho nổi?
          Xem tiếp, tuy chưa đoạn một mảy phiền não, nhưng nếu cậy thêm tha lực, tức nguyện lực đại bi của A Di Đà Phật, sẽ có thể ngay trong một đời vượt khỏi khổ luân, sanh vào Tịnh Độ ở ngoài tam giới.
 
          (Luận) Tha lực giả, nhược tín A Di Đà Phật đại bi nguyện lực, nhiếp thủ niệm Phật chúng sanh, tức năng phát Bồ Đề tâm, hành Niệm Phật tam-muội, yếm ly tam giới thân, khởi hành Thí, Giới, tu phước, ư nhất nhất hạnh trung, hồi nguyện sanh bỉ Di Đà Tịnh Độ, thừa Phật nguyện lực, cơ cảm tương ứng, tức đắc vãng sanh.
          ()他力者,若信阿彌陀佛大悲願力攝取念佛眾生,即能發菩提心行念佛三昧,厭離三界身。起行施戒修福,於一一行中,回願生彼彌陀淨土,乘佛願力機感相應即得往生。
          (Luận: Tha lực là nếu tin vào đại bi nguyện lực của A Di Đà Phật nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật, liền có thể phát Bồ Đề tâm, hành Niệm Phật tam-muội, chán lìa cái thân trong tam giới, thực hành Thí, Giới, tu phước, trong mỗi một hạnh, đều hồi hướng nguyện sanh về cõi Di Đà Tịnh Độ kia, nương vào nguyện lực của Phật, cơ cảm tương ứng, liền được vãng sanh).
 
          Xét theo trạng huống của tha lực, dẫu là phàm phu đầy dẫy triền phược, nhưng do có đủ nội hàm Tín, Nguyện, Hạnh, tương ứng với Phật lực, thì sẽ được vãng sanh. Nói đến Tín thì chủ yếu là tin tưởng vào đại bi nguyện lực của A Di Đà Phật có thể nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật. Vì thế, một dạ gieo mình vào biển nguyện của Phật Di Đà. “Nguyện” là tùy sức phát tâm xuất ly, Bồ Đề tâm dẫn về Tịnh Độ. Cũng là phát khởi cái tâm “ta muốn thành Phật”, chán lìa cái thân trong tam giới, mong sanh về Tịnh Độ ở ngoài tam giới. Đối với mỗi loại thiện hạnh đã hành như Thí, Giới, tu tam phước, đều hồi hướng nguyện vãng sanh Di Đà Tịnh Độ. Đấy là nội dung của Nguyện. Hành Niệm Phật tam-muội, vì để vãng sanh thành Phật mà nhất tâm niệm A Di Đà Phật. Đã có nội hàm ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh, sẽ có thể cảm ứng Phật, được Phật lực nhiếp trì, bèn sanh vào thế giới Cực Lạc. Đấy là tình hình nơi tha lực.
 
5.2. Dựa theo luận Tỳ Bà Sa để nhận định Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo
 
          (Luận) Thị cố Thập Trụ Bà Sa Luận vân: “Ư thử thế giới tu đạo, hữu nhị chủng, nhất giả Nan Hành Đạo, nhị giả Dị Hành Đạo. Nan Hành giả, tại ư ngũ trược ác thế, ư vô Phật thời cầu A Bệ Bạt Trí, thậm nan khả đắc. Thử nan vô số trần sa, thuyết bất khả tận. Lược trần hữu ngũ”.
()是故十住婆沙論云:「於此世界修道有二種,一者難行道,二者易行道。難行者,在於五濁惡世,於無佛時,求阿裨跋致甚難可得。此難無數塵沙說不可盡,略陈有
          (Luận: Do vậy, Thập Trụ Bà Sa Luận viết: “Tu đạo trong thế giới này có hai loại, một là đạo khó hành, hai là đạo dễ hành. Khó hành là ở trong đời ác ngũ trược, nhằm lúc không có Phật mà cầu Bất Thoái Chuyển, rất khó thể đạt được. Sự khó khăn này [dẫu sánh ví nhiều] như vô số bụi cát, vẫn chẳng thể nói trọn hết được. Trần thuật đại lược thì có năm điều”).
 
          Như trong phần trên đã nói, có hai phương thức tu hành là chỉ cậy vào tự lực và [tự lực] cậy thêm Phật lực! Vì thế, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận có nói: Tu đạo trong thế giới này hòng đạt Bất Thoái Chuyển thì có hai loại là Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo. “Nan hành” (Khó hành) là nói trong đời ác ngũ trược, nhằm thời kỳ không có Phật, cầu Bất Thoái Chuyển đặc biệt khó thể thành tựu. Những chỗ khó khăn nhiều lắm, dẫu dùng số lượng lớn như vô số trần sa [để sánh ví] vẫn chẳng thể nói trọn hết được. Nếu với mỗi điều đều nêu cặn kẽ sự khó khăn này, sự khó khăn nọ, đúng là ngàn muôn nỗi khó khăn, có vô số khó khăn. Ở đây, trần thuật giản yếu năm chỗ khó khăn:
 
(Luận) Nhất giả, ngoại đạo tương thiện, loạn Bồ Tát pháp.
(論)一者外道相善,亂菩薩法
(Luận: Một là ngoại đạo đem những “điều lành” làm loạn pháp Bồ Tát).
 
          Một là trong chánh pháp của đức Phật, Tiểu Thừa có ba pháp ấn là Vô Thường, Vô Ngã, Tịch Diệt, Đại Thừa có một pháp ấn là Thật Tướng, một mực tu hành, ắt đều đạt được thánh quả. Ngoại đạo chẳng vậy, mê hoặc, tà kiến. Những điều họ nói là tương tự thiện, chẳng phải là thiện chân thật, dùng tà loạn chánh. Ai chẳng thể phân biệt, biện định, sẽ trở thành nhân duyên chướng đạo rất sâu, phá hoại Bồ Tát pháp của người ta.
 
          (Luận) Nhị giả, vô lại ác nhân, phá tha thắng đức.
          ()二者無賴惡人,破他勝德。
          (Luận: Hai là kẻ ác vô lại phá hoại đức thù thắng của người khác).
 
          Hai là trong đời ô trược, kẻ ác trông thấy người tu đạo sẽ chẳng giúp cho họ thành tựu, mà ngược ngạo tuyên nói những lời gièm chê, báng bổ, phá hoại, hủy báng, [đấy] cũng là [người tu đạo] bị kẻ ác nhiễu loạn.
 
          (Luận) Tam giả, điên đảo thiện quả, năng hoại phạm hạnh.
                ()三者顛倒善果,能壞梵行。
          (Luận: Ba là điên đảo thiện quả có thể phá hoại phạm hạnh).
 
          Chữ “thiện quả” chỉ quả báo nhân thiên, hoàn toàn chẳng phải là vô lậu thiện. Tạm thời hưởng vui, rốt cuộc rơi vào khổ thì gọi là “điên đảo”. Trong thế gian này, thường có những kẻ chấp lấy phước báo nhân thiên, phá hỏng pháp hạnh xuất thế tiến hướng Niết Bàn tịch tĩnh!
 
          (Luận) Tứ giả, Thanh Văn tự lợi, chướng ư đại từ.
          ()四者聲聞自利,障於大慈。
          (Luận: Bốn là Thanh Văn do tự lợi mà chướng ngại lòng đại từ).
 
          Thường bị rơi vào tự lợi, đấy chính là sự tác ý chủ yếu của hàng Tiểu Thừa, chướng ngại tâm đại từ bi dấy khởi.
 
          (Luận) Ngũ giả, duy hữu tự lực, vô tha lực trì.
   ()者唯有自力,無他力持。
   (Luận: Năm là chỉ có tự lực, chẳng có tha lực nhiếp trì).
 
          Dẫu tiến nhập hạnh Đại Thừa, nhưng vì khuyết thiếu tha lực, chỉ cậy vào tự lực, lại có rất nhiều chỗ khó khăn, chính mình chẳng thể làm chủ, có thể đi vào ngõ rẽ, chẳng có sức giúp đỡ, khó thể khai phát v.v…
 
          (Luận) Thí như bả nhân bộ hành, nhất nhật bất quá sổ lý, cực đại tân khổ, vị tự lực dã.
          ()譬如跛人步行,一日不過數,極大辛苦,謂自力也。
          (Luận: Ví như người thọt chân đi bộ, một ngày bất quá được vài dặm, tột cùng khó nhọc, đó là nói đến tự lực vậy).
         
          Cũng giống như vậy, sẽ gặp phải ngoại đạo chướng, phàm phu chướng, Tiểu Thừa chướng, duy tự lực chướng (chướng ngại do chỉ cậy vào tự lực). Giống như một người thọt chân tập tễnh muốn đi đường rất xa, một ngày chẳng đi được mấy dặm, đặc biệt vất vả. Đó gọi là “tự lực”.
 
          (Luận) Dị Hành Đạo giả, vị tín Phật ngữ, giáo Niệm Phật tam-muội, nguyện sanh Tịnh Độ, thừa Di Đà Phật nguyện lực nhiếp trì, quyết định vãng sanh bất nghi dã. Như nhân thủy lộ hành, tạ thuyền lực cố, tu du tức chí thiên lý, vị “tha lực” dã. Thí như liệt phu tùng Chuyển Luân Vương, nhất nhật nhất dạ, châu hành Tứ Thiên Hạ, phi thị tự lực, Chuyển Luân Vương lực dã.
          ()易行道者,謂信佛語,教念佛三昧,願生淨土。乘彌陀佛願力攝持,決定往生不疑也。如人水路行,藉船力故須臾即至千里,謂他力也。譬如劣夫從轉輪王,一日一夜周行四天下,非是自力,轉輪王力也。
          (Luận: Đạo dễ hành tức là tin tưởng lời đức Phật dạy Niệm Phật tam-muội, nguyện sanh về Tịnh Độ, nương vào nguyện lực của Phật Di Đà nhiếp trì, quyết định vãng sanh, chẳng ngờ chi. Như người đi đường thủy, nhờ vào sức thuyền, nên trong khoảnh khắc có thể đến ngàn dặm, đấy gọi là “tha lực”. Ví như kẻ kém cỏi, do theo Chuyển Luân Vương, trong một ngày một đêm có thể đi trọn khắp Tứ Thiên Hạ, chẳng phải là tự lực, mà là do sức của Chuyển Luân Vương).
 
           “Dị Hành Đạo” là nói tới chuyện tin nhận pháp môn Niệm Phật tam-muội do đức Phật đã dạy, nguyện sanh về Tịnh Độ, nương vào nguyện lực của A Di Đà Phật nhiếp trì, quyết định vãng sanh, chẳng ngờ chi nữa! Trong đó, “tin lời Phật” là nói đã trọn đủ Tín, “nguyện sanh” là trọn đủ Nguyện, “thừa Di Đà Phật nguyện lực nhiếp trì” chính là sức tín nguyện kết hợp với Phật lực, “quyết định vãng sanh” là nói tới cái quả sanh vào Tịnh Độ. Đây là chỉ dạy rành rẽ hành tướng của Dị Hành Đạo: Bản thân chỉ cần có đủ tín nguyện, do Phật lực gia bị, chắc chắn sẽ đạt được cái quả sanh về cõi Tịnh Độ thù thắng nhiệm mầu, có thể thấy chỗ sai khác vời vợi so với Nan Hành Đạo. Giống như người theo đường thủy, do mượn dùng sức thuyền, cho nên trong giây lát có thể đi được ngàn dặm. Đấy là tha lực.
          Dùng thí dụ để nói thì ví như có một người hết sức gầy gò, yếu ớt, chẳng có một tí năng lực gì, nhưng người ấy đi theo Chuyển Luân Vương, vì Ngài có đủ đức tướng tín, nguyện v.v… Người ấy bằng lòng quy phục, theo hầu Chuyển Luân Vương. Chuyển Luân Vương do lòng từ bi có thể dẫn người ấy theo. Nếu người ấy đã không tin, lại chẳng nguyện, dẫu có năng lực to lớn như chư thiên, Chuyển Luân Vương cũng chẳng dẫn người ấy theo. Nếu năng lực nhỏ yếu, chỉ cần có lòng tín thuận, có đức phát nguyện, mong muốn, sẽ được Chuyển Luân Vương nhiếp thọ, được dẫn lên Luân Bảo, trong một ngày, một đêm, có thể dạo trọn khắp Tứ Thiên Hạ. Đấy chẳng phải là sức mình, mà là do sức của Chuyển Luân Vương. Điều này hiển thị tướng trạng của tha lực.
 
5.3. Dùng thí dụ để chứng thực
 
          (Luận) Nhược ngôn hữu lậu phàm phu bất đắc sanh Tịnh Độ giả, diệc khả hữu lậu phàm phu ưng bất đắc kiến Phật thân. Nhiên Niệm Phật tam-muội, tịnh vô lậu thiện căn sở khởi. Hữu lậu phàm phu, tùy phần đắc kiến Phật thân thô tướng dã, Bồ Tát kiến vi tế tướng, Tịnh Độ diệc nhĩ, tuy thị vô lậu thiện căn sở khởi, hữu lậu phàm phu phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, cầu sanh Tịnh Độ, thường niệm Phật cố, phục diệt phiền não, đắc sanh Tịnh Độ, tùy phần đắc kiến thô tướng, Bồ Tát kiến vi diệu tướng, thử hà sở nghi? Cố Hoa Nghiêm kinh thuyết: “Nhất thiết chư Phật sát, bình đẳng phổ nghiêm tịnh, chúng sanh nghiệp hạnh dị, sở kiến các bất đồng”, tức kỳ nghĩa dã.
          ()若言有漏凡夫不得生淨土者,亦可有漏凡夫應不得見佛身。然念佛三昧並無漏善根所起,有漏凡夫隨分得見佛身相也,菩薩見微細相。淨土亦爾,雖是無漏善根起,有漏凡夫發無上菩提心,求生淨土,常念佛故伏滅煩惱,得生淨土,隨分得見相,菩薩見微妙相,此何所疑?故華嚴經說:「一切諸佛剎,平等普嚴淨,眾生業行異,所見各不同。」即其義也。
          (Luận: Nếu nói phàm phu hữu lậu chẳng được sanh vào Tịnh Độ, lẽ ra phàm phu hữu lậu cũng sẽ chẳng trông thấy thân Phật. Nhưng Niệm Phật tam-muội hoàn toàn do vô lậu thiện căn dấy lên. Phàm phu hữu lậu tùy phần được thấy thô tướng nơi thân Phật, Bồ Tát thấy tướng vi tế. Tịnh Độ cũng thế, tuy do vô lậu thiện căn dấy khởi, nhưng phàm phu hữu lậu phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cầu sanh Tịnh Độ, do thường niệm Phật, chế phục, diệt trừ phiền não, được sanh về Tịnh Độ, tùy phần được thấy thô tướng, Bồ Tát thấy tướng vi diệu, chuyện này có gì đáng nghi? Do đó, kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết các cõi Phật bình đẳng, trang nghiêm, thanh tịnh trọn khắp, do nghiệp hạnh của chúng sanh sai khác mà mỗi người thấy mỗi khác”, chính là nói về ý nghĩa này vậy).
 
          Đây là dùng chánh báo để suy ra y báo. Nếu nói phàm phu hữu lậu chẳng thể sanh vào Tịnh Độ, vậy thì nói theo cùng một lý, lẽ ra phàm phu hữu lậu cũng sẽ chẳng thể thấy thân Phật! Thế nhưng, tuy Niệm Phật tam-muội do thiện căn vô lậu dấy khởi, nhưng phàm phu hữu lậu có thể tùy phần trông thấy thô tướng nơi thân Phật, còn Bồ Tát có thể thấy tế tướng nơi thân Phật. Cùng một lý mà suy, tuy Tịnh Độ do thiện căn vô lậu dấy khởi, nhưng phàm phu hữu lậu phát tâm Vô Thượng Bồ Đề cầu sanh Tịnh Độ, do thường niệm Phật, có thể chế phục, diệt trừ phiền não, được sanh về Tịnh Độ, sẽ tùy phần thấy thô tướng của Tịnh Độ, Bồ Tát thấy tướng vi tế; chuyện này có gì đáng để hoài nghi? Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy các cõi Phật bình đẳng, thanh tịnh, trang nghiêm, chúng sanh do nghiệp hạnh khác biệt mà mỗi người thấy khác nhau”. Phàm phu vãng sanh thấy thô tướng, Bồ Tát vãng sanh sẽ thấy tế tướng. Do được Phật lực gia bị, hữu lậu phàm phu cũng có thể sanh về Tịnh Độ.
          Tóm lại, nếu chỉ nhìn theo tự lực, phàm phu đầy dẫy triền phược sẽ chẳng thể sanh về Tịnh Độ ở ngoài tam giới vì chưa đoạn Hoặc nghiệp. Nhưng do pháp môn này kiêm cậy vào tha lực, do thần lực của Phật chẳng thể nghĩ bàn, kẻ có đủ tín nguyện niệm Phật chắc chắn sẽ có thể vãng sanh.
 

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
9 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
11 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
15 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về