Home > Khai Thị Phật Học > Muoi-Hieu-Nhu-Lai
Mười Hiệu Như Lai
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Mỗi ứng thân của chư Phật mười phương ở khắp ba đời đều có danh hiệu. Mỗi đức Phật đều có tên riêng, mà ý nghĩa thì tùy theo đức Phật ấy chú trọng đến nhân, quả, hay tánh, tướng, hạnh, nguyện. Cho nên, những tên ấy chính là biệt hiệu của các đức Phật. Ngoài biệt hiệu đó ra, tất cả chư Phật cùng có đầy đủ mười tôn hiệu chung, xin nêu tên và ý nghĩa như sau:

1) Như Lai. “Như” nghĩa là đạo như thật, tức là tất cả pháp tánh. Pháp thân của Phật từ nơi đạo như thật mà đến, cho nên Phật có tôn hiệu là “Như Lai”. 2) Ứng Cúng. Phật đã đoạn trừ trọn vẹn ba loại hoặc, vĩnh viễn thoát khỏi hai loại sinh tử, muôn đức tôn nghiêm, phước tuệ đầy đủ, xứng đáng với sự cúng dường của khắp chín cõi, – mà người cúng dường lại còn được phước, cho nên Phật có tôn hiệu là “Ứng Cúng”. 3) Chánh Biến Tri. Ngoại đạo chấp trước vào hai cái thấy đoạn diệt và thường hằng, sự hiểu biết của họ chỉ là tà vạy chứ không chính đáng; hàng nhị thừa(1) thì đam trước vào “không”; hàng Bồ tát(2) thì chưa đạt đến tận cùng nguồn gốc. Các hạng trên tuy có thấy biết nhưng không biến khắp, chỉ có cây đưốc trí tuệ của Phật mới chiếu soi tất cả các pháp, không những chân chánh mà còn biến khắp, cho nên Phật có tôn hiệu là “Chánh Biến Tri”. 4) Minh Hạnh Túc. “Minh” là “ba minh”, tức thiên nhãn minh 7, túc mạng minh, và lậu(3) tận minh; “hạnh” là “năm hạnh”, tức thánh hạnh, phạm hạnh, thiên hạnh, anh nhi hạnh, và bệnh hạnh. Ba minh thuộc về tuệ, năm hạnh thuộc về phước. Phật có phước tuệ đầy đủ, cho nên có tôn hiệu là “Minh Hạnh Túc”. 5) Thiện Thệ. “Thiện” là tốt, “thệ” là đi. Phật tu tập theo con đường chân chánh để rồi vào cõi niết bàn; tức là Ngài đã hướng đến nơi tốt đẹp để đi tới, cho nên có tôn hiệu là “Thiện Thệ.” 6) Thế Gian Giải. Đức Phật hiểu rõ tất cả mọi tình huống của thế gian cũng như xuất thế gian, cho nên Ngài có tôn hiệu là “Thế Gian Giải”. 7) Vô Thượng Sĩ. Trong tất cả các pháp thì niết bàn là vô thượng; trong loài người thì Phật là vô thượng; trong các thành quả thì chánh giác là vô thượng; chúng sinh trong chín cõi đều không so sánh được với Phật, cho nên Ngài có tôn hiệu là “Vô Thượng Sĩ”. 8) Điều Ngự Trượng Phu. Phật là đấng đại trượng phu(4), có khả năng điều phục, chế ngự mọi ma chướng trong khi tu hành chánh đạo, cho nên Ngài có tôn hiệu là “Điều Ngự Trượng Phu”. 9) Thiên Nhân Sư. Phật là bậc đạo sư của cả trời và người, cho nên có tôn hiệu là “Thiên Nhân Sư”. 10) Phật. Phật là bậc giác ngộ, đầy đủ cả tự giác, giác tha và giác mãn, cho nên có tôn hiệu là “Phật”. 11) Thế Tôn. Phật là bậc giác ngộ trọn vẹn, phước đức hoàn toàn, bậc tam thừa(5) xuất thế gian và sáu loài phàm phu(6) trong thế gian đều cùng tôn kính, cho nên có tôn hiệu là “Thế Tôn”.

Với mười một tôn hiệu trên đây, các bộ luận Thành Thật v.v... đã ghép Vô Thượng Sĩ với Điều Ngự Trượng Phu vào làm một, còn luận Đại Trí Độ thì lại cho rằng Thế Tôn là một tôn hiệu riêng ở ngoài mười hiệu, có ý nói rằng: vì Phật có đầy đủ mười tôn hiệu ở trên cho nên được xưng là “Thế Tôn”.


CHÚ THÍCH

01. “Ứng thân” là một trong ba thân của Phật. Đó là cái thân do Phật ứng theo cơ duyên mà hóa hiện ra.

02. “Như thật” là thật tánh chân như, vì cái thể của chân như là bình đẳng, xa lìa mọi hư vọng, cho nên nói là “như thật”.

03. “Pháp thân” là một trong ba thân của Phật. Đó là cái thân chân thật của Phật, lấy chánh pháp làm thể, cho nên gọi là “pháp thân”.

04. “Hoặc” và phiền não, lậu, cấu, kết, đều là những tên gọi khác nhau của cùng một thể tính. Ba hoặc: 1) Kiến tư hoặc: do kiến giải không chính xác mà sinh ra sai lầm, gọi là “kiến hoặc”; do mê muội đối với các sự vật ở thế gian mà sinh ra sai lầm, gọi là “tư hoặc”; các hành giả hàng Thanh văn, Duyên giác, khi đoạn trừ hết hai loại hoặc này thì tức khắc giải thoát khỏi ba cõi. 2) Trần sa hoặc: hàng Bồ tát giáo hóa chúng sinh, tất phải thông đạt số lượng pháp môn nhiều như cát bụi (trần sa); nhưng nếu công phu chưa thâm hậu thì không thể thông đạt được số lượng pháp môn nhiều như cát bụi, đó là “trần sa hoặc” của hàng Bồ tát. 3) Vô minh hoặc: đó là các loại hoặc làm che lấp lí tướng chân thật, ngăn trở con đường trung đạo; khi đoạn trừ sạch hết thì tức khắc thành Phật.

05. Tất cả chúng sinh trong ba cõi sáu đường, do chiêu cảm các nghiệp lành dữ mà mạng sống đều có phần hạn (phần), thân hình đều có kích thước (đoạn) khác nhau, cho nên sự sinh tử của chúng sinh được gọi là “phần đoạn sinh tử”. Các bậc thánh trong tam thừa đã đoạn trừ kiến tư hoặc, thoát khỏi phần đoạn sinh tử, nhưng vì kết quả của việc tu đạo, những tư tưởng mê lầm chỉ tiêu diệt dần dần, việc chứng ngộ thì tăng trưởng dần dần, sự chuyển đổi giữa mê và ngộ này ở mỗi thời kì không giống nhau, trong đó, từ thời kì trước chuyển nhập vào thời kì sau thật giống như một lần sinh tử, nó biến hóa thần diệu khó lường, không thể nghĩ bàn, gọi đó là “bất tư nghị biến dịch sinh tử”.

06. Ba pháp giới xuất thế gian gồm có Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác; sáu pháp giới thế gian gồm có Trời, Người, A tu la, Súc sinh, Ngạ quỉ, Địa ngục;cộng tất cả là chín pháp giới, cũng gọi là chín cõi (cửu giới).

07. “Thiên nhãn” là con mắt của chư thiên, có thể thấy biết tất cả mọi hình sắc lớn, nhỏ, xa, gần, cả đến các tướng trạng sinh tử của chúng sinh đời vị lai. Có hai loại thiên nhãn: loại do quả báo mà có được và loại do tu tập mà có được. Các bậc thánh từ A la hán trở lên là do tu tập mà có được thiên nhãn, nhưng so với con mắt chư thiên thì các ngài còn sáng tỏ hơn nhiều, cho nên đặc biệt gọi là “thiên nhãn thông”, cũng có tên gọi khác là “thiên nhãn minh”.

08. Biết rõ tướng sinh tử bao đời trước của thân mạng mình cùng thân mạng người khác, gọi là “túc mạng minh”. Phàm phu mà biết được như vậy thì gọi là “thông”, nhưng từ bậc A la hán trở lên thì gọi là “minh”.

09. “Lậu” là một tên gọi khác của phiền não. Người tu hành dùng thánh trí để tận diệt phiền não, gọi là “lậu tận thông”, hay “lậu tận minh”.

10. Hàng Bồ tát tu tập ba nghiệp vô lậu giới định tuệ, đó là “thánh hạnh”. “Phạm” là trong sạch, lấy tâm trong sạch mà vận dụng từ bi, đem an vui và trừ đau khổ cho chúng sinh, đó là “phạm hạnh”. “Thiên” tức là lí lẽ của thiên nhiên, hàng Bồ tát thuận theo lí lẽ của thiên nhiên mà nên hạnh nhiệm mầu, đó là “thiên hạnh”. “Anh nhi” (trẻ con) ví dụ cho người, trời và hàng tiểu thừa. Bồ tát dùng tâm từ bi, thị hiện làm người, trời và hàng tiểu thừa để chỉ thực hành những việc thiện nhỏ, đó là “anh nhi hạnh”. Bồ Tát dùng tâm từ bi ở lẫn lộn trong các loài chúng sinh, thị hiện có phiền não đồng như họ, bệnh tật khổ đau đồng như họ, đó là “bệnh hạnh”.

11. Cái tên “Thành Thật” có ý nói: bộ luận này được làm ra là để thành lập cái nghĩa chân thật trong khế kinh. Toàn bộ luận gồm 16 quyển, do Ha Lê Bạt Ma soạn, và Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần dịch.

12. Luận Đại Trí Độ được làm ra để giải thích kinh Đại Phẩm Bát Nhã, toàn bộ gồm 100 quyển, do Bồ Tát Long Thọ soạn, và Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần dịch.


PHỤ CHÚ

(01) Nhị thừa: Chữ “thừa” nghĩa là cỗ xe, tức là phương tiện chuyên chở; ở đây là chỉ cho giáo pháp của Phật, có khả năng chở chúng sinh qua khỏi biển sinh tử. Có hai loại xe (giáo pháp) khác nhau, cho nên gọi là “nhị thừa”. Và có ba loại “nhị thừa”:

1) Tiểu thừa và đại thừa: Giáo pháp dành cho các hàng Thanh văn và Duyên giác, gọi là “tiểu thừa”; giáo pháp dành cho hàng Bồ tát, gọi là “đại thừa”.

2) Nhất thừa và tam thừa: Kinh Pháp Hoa gọi Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát là “tam thừa”, giáo pháp dành cho ba thừa này chỉ là giáo pháp phương tiện. Mục đích giáo hóa của Phật là muốn tất cả chúng sinh đạt được quả Phật, cho nên cả ba thừa trên phải vượt qua giáo pháp phương tiện để tu tập giáo pháp rốt ráo vi diệu, gọi là “nhất thừa” (giáo pháp duy nhất) hay “Phật thừa”.

3) Thanh văn thừa và Duyên giác thừa: Các hành giả được trực tiếp nghe Phật nói pháp, tu tập theo pháp Tứ Đế mà giải thoát giác ngộ, gọi là “Thanh văn”; các hành giả không trực tiếp nghe Phật nói pháp, chỉ tự mình quán sát pháp Duyên Sinh (Mười Hai Nhân Duyên) mà giác ngộ giải thoát, gọi là “Duyên giác”. Đây chính là loại “nhị thừa” mà tác giả muốn nói tới trong bài học này.

(02) Bồ tát: Từ “Bồ tát” nguyên được dùng để chỉ cho các tiền thân của Phật, trong thời kì còn tu tập, chưa đạt được quả vị Phật đà. Trong khoảng hơn một trăm năm trước kỉ nguyên TL, Phật giáo ở Ấn độ, ngoài giáo đoàn Tì kheo ra, tại các địa phương còn có các đoàn thể Phật tử tại gia được thành lập. Họ dốc lòng tín ngưỡng và phụng thờ Tam Bảo, đồng thời tự tin mọi người đều có khả năng thành Phật; nhân đó họ tự xưng là “bồ tát” (có nghĩa là người cầu đạo giác ngộ), và đoàn thể của họ được gọi là “Bồ tát đoàn” (đoàn thể của những người cầu đạo giác ngộ). Từ đó mà nền Phật giáo “Đại thừa” được hình thành, và Đại thừa cũng được gọi là “Bồ tát thừa”. Vì vậy, bất cứ bộ kinh nào trong hệ thống “Đại thừa” cũng ca ngợi hạnh nguyện độ sinh và trí tuệ rộng lớn của hàng Bồ tát, khuyến khích hành giả thực hành đầy đủ “tự giác” và “giác tha” để đạt đến quả vị giác ngộ trọn vẹn là Phật đà. Các giáo pháp được gọi là “tiểu thừa”, đối với các hành giả “Đại thừa” vẫn có giá trị, nhưng chỉ được coi là giáo pháp phương tiện.

(03) Lậu: Chữ “lậu” nghĩa là lọt, rỉ ra, nhỏ xuống, có ý chỉ cho các loại phiền não làm cho chúng sinh bị lọt vào dòng sông sinh tử; do đó, “lậu” cũng là một tên khác của phiền não. Các loại phiền não ở cõi Dục gọi là “dục lậu”; phiền não ở cõi Sắc và Vô sắc gọi là “hữu lậu”; chỉ chung cho vô minh khắp ba cõi thì gọi là “vô minh lậu”. Vạn pháp trong vũ trụ, các pháp có thể diệt trừ được phiền não vô minh, các pháp hoàn toàn thanh tịnh, chân thật, không sinh diệt, không biến đổi (chân như, niết bàn, v.v...), gọi là “pháp vô lậu” (cũng gọi là “vô vi”); trái lại, các pháp sinh diệt, vô thường, biến đổi, phiền não, vô minh, gọi là “pháp hữu lậu” (cũng gọi là “hữu vi”). Các nghiệp nhân đưa đến các quả báo trong ba cõi (như tạo nghiệp ác bị đọa vào các cảnh khổ, tu ngũ giới, thập thiện được sinh vào cõi người, cõi trời) thì gọi là “nhân hữu lậu” và “quả hữu lậu”; các nghiệp nhân (như tu tập các pháp tứ đế, giới, định, tuệ, v.v...) đưa đến các quả báo thoát li ba cõi, chứng nhập cảnh giới niết bàn tịch tịnh, gọi là “nhân vô lậu” và “quả vô lậu”. Khi tất cả mọi vô minh phiền não đều bị diệt trừ sạch hết, gọi là “lậu tận”.

(04) Trượng phu: Người Trung quốc dùng tiếng “trượng phu” để chỉ cho người con trai thành niên và các bộ phận của thân thể đều đầy đủ, lành lặn (không bị khuyết tật). Người đàn bà Trung quốc cũng gọi chồng của họ là “trượng phu”. Trong kinh luận Phật giáo, tiếng “trượng phu” dùng để chỉ cho người có tư cách hoàn hảo nhất trong loài người; đó là hạng người tự làm cho mình chân chính, giáo huấn cho người khác trở nên chân chính, có thể giải đáp thỏa mãn mọi vấn đề, và hiểu rõ lẽ nhân duyên của vạn pháp. Đặc biệt, đức Phật có đầy đủ 32 tướng quí, là một bậc đại hùng lực trong loài người, cho nên Ngài được tôn xưng là bậc “đại trượng phu”.

(05) Tam thừa: là ba loại giáo pháp cao thấp khác nhau tùy trình độ, nhưng đều có khả năng đưa chúng sinh vượt qua biển sinh tử để đến bờ giải thoát giác ngộ:

1) Hàng Thanh văn nghe Phật dạy, biết rõ sinh tử là khổ (KHỔ), tinh cần dứt trừ nguyên nhân của khổ (TẬP) bằng cách tu tập tám sự hành trì chân chính (ĐẠO), tiến đến giải thoát giác ngộ, chứng nhập niết bàn (DIỆT). Đó là giáo pháp TỨ ĐẾ của Thanh văn thừa.

2) Hàng Duyên giác tự mình quán sát 12 nhân duyên, trước tiên là quán sát từ VÔ MINH cho đến LÃO TỬ, sau đó lại quán từ sự CHẤM DỨT VÔ MINH cho đến sự CHẤM DỨT LÃO TỬ; do quán sự sinh diệt của nhân duyên mà ngộ được lí lẽ chẳng phải sinh cũng chẳng phải diệt (tức đạo lí chân đế), chứng đạt quả vị Độc giác (tức Bích chi Phật). Đó là giáo pháp MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN của Duyêngiác thừa.

3) Hàng Bồ tát tu tập lục độ vạn hạnh, cầu chứng quả vị vô thượng bồ đề (Phật quả), nguyện cứu độ tất cả chúng sinh cùng thành Phật. Cho nên LỤC ĐỘ là giáo pháp của Bồ tát thừa.

Các vị thánh thuộc Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa, được gọi chung là “bậc tham thừa”.

(06) Sáu loài phàm phu tức sáu loài Trời, Người, A tu la, Bàng sinh, Ngạ quỉ, và Địa ngục.


BÀI TẬP

1) Tại sao gọi là “ứng thân”?

“Ứng thân” là một trong ba thân của Phật. Đó là cái thân do Phật tùy theo cơ duyên mà thị hiện ra để cứu độ chúng sinh.

2) Mười hiệu của Như Lai là gì?

Mười hiệu của đức Như Lai là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, và Phật Thế Tôn.

3) Tại sao gọi là “bất tư nghị biến dịch sinh tử”?

Các vị A la hán, Bích chi Phật và Đại Bồ tát, tuy đã thoát khỏi “phần đoạn sinh tử” của ba cõi, nhưng quí ngài dùng cái thân vi diệu ở ngoài ba cõi để trở lại trong ba cõi, tiếp tục tu tập hạnh Bồ tát cho đến khi thành Phật. Trong thời gian tu tập này, khi những tư tưởng vô minh tiêu diệt dần thì trí tuệ giác ngộ sẽ tăng trưởng dần; sự chuyển đổi giữa mê và ngộ ở mỗi thời kì không giống nhau, biến hóa thần diệu không thể nghĩ bàn, và sự chuyển nhập từ thời kì trước sang thời kì sau thật giống như một lần sinh tử; cho nên gọi là “bất tư nghị biến dịch sinh tử”.

4) Những gì là “ba minh”?

Ba “minh” là thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh.

5) Mười hiệu của đức Như Lai, trên thực tế là 11 hiệu. Chủ trương của các bộ luận Thành Thật và Đại Trí Độ về vấn đề này như thế nào?

Thông thường nói đức Như Lai có 10 hiệu, nhưng thực tế thì có đến 11 hiệu. Để giữ đúng con số “10 hiệu” này, bộ luận Thành Thật đã ghép hai hiệu Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu làm một, thành ra là “Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu”. Trong khi đó, bộ luận Đại Trí Độ lại chủ trương rằng: Thế Tôn là một tôn hiệu bao trùm của 10 hiệu kia; nói cách khác, vì đức Phật có đầy đủ 10 hiệu (Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, và Phật), cho nên Ngài được tôn xưng là “Thế Tôn”. Vậy, theo luận Đại Trí Độ thì “Thế Tôn” không phải là một hiệu của Phật, mà chỉ là một tiếng tôn quí mà người đời dành đặc biệt chỉ để tôn xưng đức Phật.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Mười Hiệu Như Lai

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Kinh Thần Chú Bát Cát Tường, Khuyết Danh | Thích Nguyên Lộc, Việt Dịch
3.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
4.    Phật Giáo Và Cuộc Sống, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch
5.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Lưu Thừa Phù | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Tam Tạng Cương Lương Da Xá Gốc Người Tây Vực | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
8.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Lão cư sĩ Từ Tỉnh Dân | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Pháp Sư Thích Khoan Nghiêm Ghi | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
15.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
17.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
18.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
19.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
20.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch