Có một vị đồng tu niệm Phật suốt bốn ngày bốn đêm chẳng ngủ, niệm suốt ngày lẫn đêm. Sau đó, người ta hỏi vì sao có thể tinh tấn như vậy? Người đó nói: “Vì muốn cho hộ khẩu của con gái được dời đến Quảng Châu”. Những chuyện giống như vậy rất nhiều! Niệm Phật cầu thân thể khoẻ mạnh, cầu thăng quan phát tài, cầu phước báo thế gian; tốt hơn nữa là cầu khai ngộ, cầu công phu thành phiến, cầu nhất tâm bất loạn.
Chúng ta niệm Phật nhằm cầu việc gì? Ấn Quang Đại sư đã luận định một cách thẳng thừng: “Phàm tu tịnh nghiệp, phải lấy quyết chí cầu sanh Tây Phương làm mục đích chính”. Đạo lý căn bản của sự niệm Phật là mong người niệm Phật khởi sanh lòng tin, phát nguyện cầu sanh Tây Phương, liễu thoát sanh tử. Đừng chỉ cầu sự giàu sang vui sướng ở thế gian, mà không cầu sanh Tây Phương. Khi nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, cũng có thể tiêu diệt tai nạn thế gian. Chẳng phải là niệm Phật không thể tiêu diệt tai nạn đâu nhé!”Niệm Phật phải lấy “mong cầu vãng sanh”làm mục đích chính. Nhiều người niệm Phật suốt cả đời, nhưng vẫn u mê, mù mờ. Hôm nay, chúng ta sẽ đọc lời dạy của Ấn Quang Đại sư để giải quyết vấn đề này.
Nay chỉ đối với người niệm Phật ở nơi Sự, phân làm ba hạng:
Hạng thứ nhất: Lòng tin chân thật thiết tha, chân chân thật thật, nhất tâm niệm Phật.
Tuy cùng mặc áo, ăn cơm, làm việc, buôn bán bình thường nhưng chỉ tin một việc này, đi cũng A Di Đà, ngồi cũng A Di Đà, dù bận rộn như tên bắn cũng không rời A Di Đà, tinh tấn chẳng lùi. Hôm nay cũng như thế, ngày mai cũng như thế, năm nay cũng như thế, năm sau cũng như thế.
Hạng người này, Đức Phật nhất định hộ niệm, lúc mạng chung người ấy nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Hạng thứ hai: Hoặc tâm không chuyên nhất, họ cũng biết sự lợi ích của niệm Phật nhưng tục niệm nặng nề, chánh niệm, cạn mỏng, vừa mới niệm Phật thì trong tâm lại nghĩ việc khác, một nóng mười lạnh, niệm một ngày lại bỏ mười ngày.
Niệm Phật giống như hạng người này, dù niệm đến già cũng không được gì, chẳng qua chỉ là gieo trồng căn lành mà thôi. Đời sau có duyên chạm đến điểm căn lành này thì bắt đầu mới chân thật tu hành một phen mới mong có được thành tựu.
Hạng thứ ba: Miệng niệm, tâm không niệm. Người này vốn chẳng biết sự lợi ích của niệm Phật mà chỉ hâm mộ danh tu hành. Hôm nay ở trong hội Phật này đi theo một người niệm một ngày, ngày mai ở trong hội Phật kia đi theo người niệm một ngày, tuy là có danh niệm Phật một ngày nhưng kỳ thật chỉ là qua suông. Thời gian nói chuyện phiếm thì nhiều, thời giờ niệm Phật thì ít. Ở trong Phật đường vốn đã có tham sân si ái, ra khỏi Phật đường tất tránh không khỏi việc tham sân si ái.
Người này so với hạng thứ hai kém hơn nhiều. Ba hạng người nói trên, hạng thứ nhất rất ít, hạng thứ ba cũng không nhiều lắm, chỉ có hạng thứ hai mọi người dễ phạm vào. Do chúng sanh cõi Ta Bà bị vật dục che lấp, vọng niệm khó trừ cho nên mới như thế.
Ấn Quang Đại sư quy định không vượt qua hai mươi người, vậy là đúng rồi. Đó là đạo tràng tu hành thực sự của chúng ta. Cho nên xây dựng đạo tràng mà xây lớn thì lòng người thay đổi, vốn vẫn còn một chút đạo tâm. Đạo tràng khi lớn lên rồi, đạo tâm đó liền trở thành tâm danh lợi. Bây giờ đạo là gì? Tiền là đạo, danh lợi là đạo. Họ đi trên con đường danh lợi, đạo đó chính là đạo ngạ quỷ, đạo súc sanh, đạo địa ngục. Họ là kiểu đạo tràng đó, chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Còn nữa đạo tràng lớn quá, xây dựng huy hoàng quá, rất nhiều người phát tâm đến đó để xuất gia. Mục đích xuất gia ở đâu? Đi hưởng phước. Thế gian này cuộc sống khổ quá. Phòng ốc lớn như vậy ở thì thoải mái biết bao! Họ không phải là vì tu hành, họ vì hưởng phước, vì tạo nghiệp, còn có những tâm không tốt, tương lai muốn chiếm lấy đạo tràng này, đạo tràng đấu tranh, tranh danh đoạt lợi, sự việc này lúc tôi còn trẻ đã thấy qua rồi. Thời đó ở Đài Loan tôi thường đi ra ngoài giảng kinh, có một chùa nọ mời tôi giảng kinh. Tôi ở đó giảng khoảng nửa tháng, cảm thấy không đúng lắm, đạo tràng này mới xây dựng là đạo tràng của nữ chúng, người xuất gia ở trong đó tôi cũng quen biết, rất quen thân với tôi, cho nên họ đến mời tôi giảng kinh, giảng nửa tháng sau trong họ cãi vả nhau. Cãi vã những gì? Phân phối chức vụ không đồng đều. Bởi vì xây đạo tràng, những đồ đệ nhỏ hơn vị tỳ kheo ni lớn tuổi, ra ngoài hóa duyên, hóa duyên đương nhiên có người hóa duyên được nhiều, có người hóa duyên được ít, khi trở về, người hóa duyên được nhiều họ tranh thủ, họ muốn làm quản lý, họ muốn làm duy na, muốn làm tri khách, muốn giành những điều này. Lúc giành còn đánh nhau. Tôi về đến Đài Trung đem sự việc này nói với thầy giáo, thầy giáo nói, thôi được rồi, đừng đi nữa. Tôi nói, kinh còn chưa giảng xong. Không sao, kinh giảng chưa xong cũng là việc thường thấy thôi. Chỉ cần đạo tràng không như pháp thì nhanh chóng rời đi. Tôi liền đi khỏi. Bộ kinh đó tôi giảng được khoảng một phần ba. Chúng ta tin rằng hiện tại đạo tràng phần lớn đều là tình hình như vậy. Họ không phải đang làm việc đạo, đấu đá lẫn nhau, tranh quyền đoạt lợi, lừa gạt tín đồ, lừa gạt Phật Bồ Tát. Quí vị nói xem có nguy quá không? Cho nên Tịnh nghiệp tam phước sau khi phát tâm bồ đề phải nhanh chóng tin sâu nhân quả. Họ không tin nhân quả. Họ tin nhân quả thì sẽ giống như tôi vậy rồi, không dám xây đạo tràng. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta nghĩ đến 20 người sống cùng nhau, cũng sẽ tranh danh đoạt lợi. Vậy thì phiền phức lớn lắm! Bản thân được thanh tịnh vẫn là học theo Phật Thích Ca Mâu Ni là tốt, sống được thanh tịnh, không quản việc gì. Cho nên các đồng học phải nhớ kỹ, tôi một đời chưa từng ngửa tay xin người khác tiền bao giờ, tự động đưa đến cúng dường.
Thực sự hiểu được nghiệp nhân quả báo, không dám làm việc xấu, nhân sinh khổ đoản, mấy mươi năm cái khảy móng tay đã qua mất rồi, tạo tác những ác nghiệp này tương lai phải chịu khổ báo là điều không đáng. Quí vị thực sự hiểu rồi, thực sự rõ ràng rồi, không những việc ác không dám làm, ác niệm cũng không sanh khởi. Khởi ý niệm vì sao không niệm Phật A Di Đà? Phật A Di Đà phước báo vô lượng. Quí vị niệm ngũ dục lục trần là tội nghiệp vô lượng, sự việc như vậy làm sao mà dám làm được? Chúng ta phải học pháp sư Ấn Quang, pháp sư Ấn Quang mỗi ngày đem chữ tử đội trước trán, Ngài đóng cửa, mỗi ngày lạy Phật, niệm Phật. Ngẩng đầu nhìn thấy chữ tử rất lớn. Núi Linh Nham tôi đã từng thấy phòng nhập thất của Ngài, một cái bàn vuông thờ một tượng Phật nhỏ. Tượng Phật A Di Đà, phía sau viết một chữ lớn, ngày ngày nghĩ đến việc ta sắp chết rồi, lúc này quí vị nghĩ xem mình nên làm những việc gì? Còn có những vướng bận sao? Còn có những âu lo gì sao? Thực sự vạn duyên buông bỏ, Phật hiệu đó liền đắc lực thôi. Phật hiệu đó là chánh định tụ.
Người có thiện căn chín muồi, 1 câu A Di Đà Phật niệm đến cùng, kiểu người giống như ngài Hải Hiền, 1 đời là có thể thành tựu viên mãn.