Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Huong-Que-Cuc-Lac

Lời Nói Đầu


Đương thời giảm kiếp, trình độ đạo đức của nhân loại mỗi ngày một kém, trái lại tội ác mỗi ngày một thêm. 

Do sức nghiệp của đa số người chiêu cảm, nên khắp thế giới nổi lên những hiện tượng: động đất, bão, lụt, núi lửa, nắng hạn, thời tiết bất thường. So với mấy mươi năm về trước, những chuyện chém giết trộm cướp, dâm loàn, lường gạt giữa ngày nay, đã khiến cho người có lòng với thế đạo nhân tâm phải bàng hoàng lo sợ! Kinh Phật nói: “Tất cả sự khổ vui đều do tâm tạo”. Vậy muốn cải thiện con người, tạo hoàn cảnh tốt, phải tìm sửa đổi từ chỗ phát nguyên. — đây, tôi muốn nói là mọi người phải dứt trừ tâm niệm xấu ác, ví như muốn được dòng nước trong, đừng để cho nguồn vẩn đục.

Trong khi xem bộ Tư Quy Tập, tôi thấy nó có lợi ích cho sự hướng thiện, đường giải thoát của người đời, nên ngoài giờ niệm Phật, lần lượt phiên dịch thành ra quyển Hương Quê Cực Lạc này. Trong đây tuy sự khuyến hóa không ngoài làm lành, niệm Phật, song đó lại chính là phương tiện khéo đưa mọi người đi sâu vào thật hạnh, âm thầm hoán cải từ người đến cảnh một cách mầu nhiệm. Vì đối với người thâm hiểu Phật pháp, thì toàn sự là lý, sự trì tức là lý trì. Trái lại, nếu chỉ chuộng lý thuyết không quan tâm đến thật hành, đó chỉ là lý thuyết suông, không đem lại kết quả.

Thuở xưa, có một vị sư đi thuyết pháp nơi nào cũng chỉ nói về quy y Tam Bảo. Có người hỏi sao không giảng pháp chi khác. Sư đáp: “Thử nghĩ có pháp nào ngoài phạm vi Tam Bảo không?”. — nước ta, sự tu hành phổ thông của hàng Phật tử xuất gia và tại gia tóm lại cũng không ngoài: giữ quy giới, biết nhân quả, làm lành, niệm Phật. Cho đến nhiều bậc học Phật uyên thâm, kết cuộc cũng đi về điểm ấy. Vậy một câu Niệm Phật, nếu chuyên, thiết tưởng không phải là thiếu. Xem quyển này, chư vị sẽ được lãnh thọ lời vàng của Phật Tổ, chỗ kinh nghiệm về tu trì của các bậc thiện tri thức, không khác nào có thầy hay bạn tốt. Nếu thật hành y theo lời dạy trong đây, sẽ được ba điều lợi ích lớn:

1. Nhờ sức Phật hộ trì, sức công đức của câu Niệm Phật, sức tâm niệm lành của mình, riêng hành nhơn sẽ được tiêu tội chướng, thêm phước huệ, giảm trừ những nguy hiểm tai nạn trong thời mạt kiếp.

2. Cũng do ba năng lực trên, cảnh huống khổ đau chung của nhân loại có thể giảm bớt, nếu nhiều người biết ăn chay niệm Phật. Cho nên tuy tu Tây phương tịnh độ, mà thật ra đồng thời đã tu nhơn gian tịnh độ ở ngay cõi đời này.

3. Chuyên niệm Phật, hành nhơn sẽ được sanh về Cực Lạc, thoát hẳn ra nỗi khổ luân hồi, hưởng sự an vui vô cùng vô tận, lần lượt sẽ chứng đạo quả, độ chúng sanh. Vậy đây là phương pháp lợi mình lợi người một cách viên mãn chắc chắn.

Quyển này, theo bản Hán Văn, đã được tăng bổ, in ra nhiều lần. Cho nên phần tựa do ngài „n Quang làm năm Dân Quốc thứ 28 (1938), mà đọan sau lại có thêm lời dạy, tiểu sử của Ngài (tịch năm 1940) và Hoằng Nhất Đại Sư (tịch năm 1942). Vậy xin độc giả, thể hội, đừng lấy làm nghi.

Dịch ra quyển này, tôi cảm vì cõi đời khổ nặng, chánh giáo suy vi, nghĩ mình tội chướng chi mà sanh nhằm mạt thế, duyên phước gì mà nghe được pháp âm, nên không nỡ thọ phần lợi ích riêng, tùy sức tùy phần tuyên dương đạo giải thoát ra để tỏ lòng báo đáp bốn ân, lợi vui đồng loại trong muôn một thế thôi.

“Đã từng trôi nổi riêng thương khách Muốn nhủ đồng nhơn lại cố hương!”

Xin mượn hai câu thơ trên để bày tỏ tâm sự tôi vậỵ

Mùa an cư năm Căn Tý (1960)

Dịch giả: Liên Du kính ghi