Home > Khai Thị Niệm Phật > Khai-Thi-Tai-Phat-That-Chua-Linh-Son-Nam-Quy-Hoi
Khai Thị Tại Phật Thất Chùa Linh Sơn Năm Quý Hợi
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Nhân thân bất dị đắc,
Tam đồ chân khả phạ.
Cực Lạc nhân nhân khứ,
Tam độc tâm phóng hạ
Niệm Phật bất cải tâm
Ðẳng như thuyết không ngữ
Tâm khẩu nhược tương ứng
Lập kiến Phật Bồ Tát
(Thân người chẳng dễ được
Tam đồ thật đáng sợ
Cực Lạc người người đến
Buông xuống tâm tam độc.
Niệm Phật chẳng sửa tâm
Cũng như nói suông thôi
Nếu tâm miệng tương ứng
Liền thấy Phật, Bồ Tát)

Chư vị lão sư, chư vị đồng tu:

Hôm nay chùa Linh Sơn tổ chức mừng Thánh Ðản đức Phật A Di Ðà, bắt đầu đả Phật Thất. Bản thân tôi mỗi năm đều đến đây cùng quý vị nói vài lời, không dám nói là giảng khai thị. Hai chữ Khai Thị này bản thân tôi gánh vác không nổi. Tôi đã nói chuyện ở đây ba chục năm, lúc trước trong Phật Thất đều đến nói chuyện ba bốn lần, sau đó cảm thấy quá phức tạp nên chỉ nói hai lần, đến bây giờ bận quá nhiều chuyện nên chỉ nói một lần, trước tiên xin thanh minh chuyện này.

Nói chuyện trong Phật Thất và giảng kinh khác nhau, chẳng nói đạo lý, mà chuyên nói về vấn đề quan trọng là làm thế nào để đạt được nhất tâm bất loạn. Những lời nói trong vòng ba mươi năm nay đều chẳng giống nhau, có thể nói là đã đem những điều quan trọng nói hết trơn rồi. Ðây là vì bản thân tôi chẳng có học vấn. Nếu là người có học vấn, dù chuyên nói về một pháp môn nói thêm ba mươi năm nữa cũng chẳng hết.

Đối với pháp môn Tịnh Ðộ, trong những năm gần đây cũng chẳng tránh có chỗ nói huyền thuyết diệu. Tại Ðài Trung trong ba mươi năm qua, tôi đã giảng kinh không gián đoạn, còn giảng các kinh lớn, chư vị đồng tu cũng thường nghe kinh, nghe về pháp môn Tịnh Ðộ chẳng ít, giáo lý cũng nghe chẳng ít, đáng lẽ chư vị phải có thành tựu mới đúng. Nhưng xem lại trong vòng ba mươi năm, mười năm sau chẳng sánh bằng mười năm trước, mười năm trước lại chẳng bằng mười năm đầu, có thể nói là càng ngày càng tụt lùi, đến hôm nay thì càng không lạc quan cho lắm. Hôm nay tôi nói chuyện xin quý vị thứ lỗi! Chư vị đến đây là mong đạt được nhất tâm bất loạn, nếu người đến nói chuyện chỉ nói những lời khách sáo, tâng bốc mọi người thì chẳng có ích lợi gì cho quý vị, chỉ có thể nói về lỗi lầm, sửa đổi lỗi lầm trở lại thì mới thành công, tại sao vậy? Vì lúc trước hoàn cảnh học Phật đơn giản, hiện thời rất phức tạp, phức tạp như thế nào? Ở ngoại quốc, có nhiều người chưa hiểu chữ nghĩa là mấy mà to gan làm càn, dám sửa kinh Phật, lại còn in cho người khác coi, mọi người vừa coi liền loạn lên, tâm loạn thì làm sao đạt được nhất tâm? Chuyện này cũng chẳng trách người khác được! Họ nói lời xằng bậy gây rối loạn, chư vị đã nghe giảng những bộ kinh lớn và nghe khai thị trong Phật Thất, nếu chẳng thể phân biệt tà chánh tức là chẳng có đủ lòng tin đối với Phật. Kinh là do Phật nói ra, ai dám sửa đổi kinh? Văn Thù Bồ Tát cũng không dám sửa, sửa kinh là đại nghịch bất đạo, đó chẳng phải là đệ tử Phật.

Pháp môn Tịnh Ðộ lấy vãng sanh làm nguyên tắc [và mục đích], trong vòng ba mươi năm qua, mười năm đầu có được vài người, lúc vãng sanh hiện tướng rất tốt đẹp. Mười năm thứ hai thì số người này ít đi, đến mười năm thứ ba hiện nay thì chỉ có lác đác vài vị mà thôi, công phu đã chẳng khá lắm. Không những công phu tu hành [kém hơn trước] mà ngay đến làm người trong cuộc sống hằng ngày cũng kém cỏi. Tín đồ Phật giáo bất luận là xuất gia hay tại gia đều phải lấy Giới làm nền tảng. Trong Tam Học Giới Ðịnh Huệ, nếu chẳng coi trọng Giới thì làm sao có thể thành công cho được? Vấn đề căn bản của việc học Phật là Giới. Nói đến chuyện này, hôm nay chẳng đàm huyền thuyết diệu, chỉ nói đôi lời về pháp môn Tịnh Ðộ.

Pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn đặc biệt. Tổ sư và kinh điển đều đã nói qua. Pháp môn Tịnh Ðộ là pháp khó tin, dễ thực hành, nếu tu pháp môn khác thì phiền phức rất nhiều, nhất định phải đoạn Kiến Tư Hoặc. Người hiểu về Kiến Tư Hoặc đã rất ít, chỉ nói hiểu thôi mà còn chưa hiểu thì làm sao đoạn nổi? Chẳng phải thành ra nói suông hay sao? Pháp môn Tịnh Ðộ chẳng cần đoạn Hoặc, nhưng xin mọi người đừng hiểu lầm, lời nói này chẳng dễ. Nếu quý vị có thể đoạn thì rất tốt, đương nhiên sẽ là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Nếu chẳng thể đoạn Hoặc, ngay cả Hoặc cũng chẳng hiểu, bảo quý vị đoạn Hoặc chẳng phải là đã làm khó quý vị hay sao? Ðây là một trong những điều khó tin.

Ðiều “dễ hành” thứ hai là điều gì cũng chẳng cần biết, quý vị chỉ cần niệm Nam mô A Di Ðà Phật là sẽ thành công, nhưng quý vị lại chẳng chịu tin. Tam Tạng mười hai bộ, pháp môn nào cũng tốt, nếu chân đạp trên hai chiếc thuyền, khi thuyền vừa rời bến thì quý vị rớt ngay xuống nước. Nếu quý vị đạp tới bốn chiếc thuyền cùng một lúc, sẽ chẳng đi đâu được! Ðó là “dễ hành”. Những kẻ phàm phu lè tè sát đất như chúng ta chẳng tin câu nói này là chuyện đương nhiên! Vì ngay đến Bát Ðịa Bồ Tát còn chưa dám nói là đã tin, nhưng chúng ta phải gượng tin. Mỗi pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn được nói trong kinh đều có nhân, đều là pháp môn phương tiện, đúng như câu “phương tiện có nhiều cửa”, nhưng chỉ có cái nhân tu hành trong Tịnh Ðộ Tông là chẳng cần phương tiện. “Vạn pháp duy tâm, tâm niệm Phật, tâm tức là Phật, Phật tức là tâm”, điều này vô cùng chính xác. Chúng ta niệm Phật chẳng qua là lấy tâm Phật làm tâm mình. Trừ Phật ra bèn chẳng có gì khác, chỉ cần chuyên tâm là thành công, vô cùng đơn giản!

Kinh A Di Ðà có nói một câu quan trọng là niệm đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm là gì? Nếu trong tâm của quý vị ngoài A Di Ðà Phật ra còn có Phật Dược Sư sẽ chẳng gọi là nhất tâm, mà gọi là “nhị tâm”, chẳng chuyên nhất. Người nhất tâm thì trong lòng trống trơn thanh tịnh, tức là chỉ có chuyện này. Niệm đến nhất tâm thì quý vị mới vãng sanh, chưa đạt đến nhất tâm sẽ không vãng sanh. Nếu chư vị nói ngoài A Di Ðà Phật ra thì chư vị chẳng niệm gì khác có được hay không? Như vậy thì tốt lắm, nhưng trong hai mươi bốn giờ, hãy tự xét xem thời gian niệm A Di Ðà Phật được bao nhiêu? Nếu mỗi ngày có thể niệm Phật một giờ đồng hồ thì cũng khá lắm rồi, hai mươi ba giờ đồng hồ còn lại thì làm gì vậy?

Chư vị lại nói: “Đâu có ai rảnh rỗi để suốt từ sáng đến tối đều niệm Phật!” Lời này không sai, chẳng bảo quý vị niệm một mạch như vậy! Trong kinh nói rất rõ: Có niệm Phật và cũng có nhớ (ức) Phật. Quý vị đều đã đọc Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, niệm Phật và nhớ Phật có hai cách giải thích khác nhau. Niệm Phật là miệng và tâm đều niệm, Nhớ Phật thì miệng có thể không niệm, nhưng tâm luôn tưởng nhớ, chẳng quên mất. Thí dụ trên tay tôi cầm cái khăn, tôi cầm cái khăn vì ai? Vì A Di Ðà Phật. Tại sao tôi uống nước? Cũng vì A Di Ðà Phật. Hết thảy mọi sự việc đều chẳng quên A Di Ðà Phật, giữ chặt A Di Ðà Phật trong tâm. Chuyện này có quá khó lắm không? Thật ra chẳng khó! Trong tâm mọi người đều chẳng quên ăn cơm, dù bận hay mệt đến đâu, dù chẳng đói, đến giờ ăn cũng phải ăn, chẳng bao giờ quên ăn cơm, nhưng lại quên niệm Phật! Nói tóm lại, bất luận việc gì cũng đều chẳng quên chính mình muốn vãng sanh Tây Phương, hết thảy đều vì A Di Ðà Phật. Như vậy thì sẽ tịnh niệm tiếp nối, trong tâm mới không xen tạp thứ khác, như vậy thì mới đạt được nhất tâm.

Ðạt được nhất tâm là công phu rất cao. Phải gạt bỏ hết những tâm niệm lộn xộn, loạn xạ, làm thế nào để gạt bỏ? Nói cho chư vị nghe thử. Phàm phu chúng ta dễ gì thấu hiểu Phật lý! Trong kinh nói nhất tâm có Lý nhất tâm và Sự nhất tâm. Lý nhất tâm là Thật Tướng Niệm Phật, chuyện này đa số chẳng biết. Sự nhất tâm cũng khó biết. Ngay cả Lý nhất tâm và Sự nhất tâm quý vị đều chẳng biết thì quý vị đạt được nhất tâm ở chỗ nào? Chỉ cần đạt tới Sự nhất tâm hoặc Lý nhất tâm thì sẽ đoạn Hoặc, kinh Di Đà có nói chuyện này, nhưng phàm phu chúng ta không biết. Nếu chư vị đạt được nhất tâm sẽ chẳng khởi vọng tưởng nữa. Trong tâm quý vị nghĩ đông, nghĩ tây, nghĩ nhà nào tốt, nhà nào xấu, thị thị phi phi, khởi vọng tưởng là một căn bệnh rất trầm trọng. Nhà Thiền nói “một niệm chẳng khởi”, chẳng khởi vọng tưởng bèn sẽ thành công, đó là một câu nói tổng quát.

Nhưng mọi người chẳng thể không khởi vọng tưởng, nói thật ra, mọi người công phu đều chưa đạt đến mức ấy. Có câu nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Chẳng sợ khởi vọng tưởng, vừa khởi vọng tưởng liền hỏi: “Tôi đã khởi vọng tưởng rồi, làm thế nào đây?”, phải mau chóng giác ngộ. Nếu có thể chế ngự phiền não, đến lúc lâm chung được người khác trợ niệm mới có kết quả. Nếu quý vị chẳng biết chế ngự phiền não, lúc lâm chung dẫu được người khác trợ niệm, nhưng chẳng nghe theo họ, công phu là phải tập luyện trong lúc thường ngày. Vừa biết mình đã khởi vọng tưởng liền A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật, đánh đuổi vọng tưởng đi, đó là “chế ngự phiền não”.

Nói đến đây, khởi vọng tưởng là lục đạo luân hồi, là hạt giống của ba đường ác. Nếu quý vị tin câu này, sẽ được lợi ích. Nếu quý vị không tin thì cũng chẳng có cách chi khác, sự thật đã phơi bày rõ ràng như vậy. Thông thường, các vị đồng tu thường có một cái tật rất lớn, đó là thị thị phi phi, tranh danh đoạt lợi. Cho dù quý vị được xứng tâm vừa ý, đến lúc chết cũng không mang theo được! [Những gì] mang theo được chỉ là nghiệp tội, như vậy mà còn chưa hiểu thấu hay sao? [Đã biết như vậy tại sao còn không chịu buông xuống?] Cho nên cũng là niệm Phật quan trọng nhất.

Niệm Phật nhằm mong đạt được nhất tâm, Phật Thất còn ba ngày nữa, bốn ngày trước tôi chẳng đến đây, tốt xấu gì tôi không biết. Hôm nay đến đây quan sát ít nhiều, tôi cũng biết đôi chút. Tôi đã giảng hơn ba mươi mấy năm tại Ðài Loan, thời gian giảng ở Ðại Lục tạm thời chẳng nhắc đến, tôi có thể nói ít nhất là đã giảng bảy mươi năm, có thể ít nhiều gì tôi cũng nhìn thấy chút đỉnh. Lúc trước người ta nói “lúc đả thất tại chùa Linh Sơn, khi một cây kim rớt xuống đất mọi người đều nghe rõ”, bây giờ còn có thể được như vậy không? Ở nhà thì lôi Đông kéo Tây’, bàn chuyện nhà họ Trương tốt, nhà họ Lý xấu, cả ngày đều chỉ lăng xăng những chuyện này. Ðến đạo tràng mà vẫn còn làm những chuyện như vậy, các bạn đến để nhất tâm niệm Phật hay là đến để kiếm chuyện? Như vậy thì làm sao thành công cho được? Than ôi! Nói đến đây tôi kết thúc bằng một bài kệ, mọi người phải đạt nhất tâm. Nếu không đạt được nhất tâm, đến lúc mạng người kết thúc sẽ phải đọa vào ba đường ác đó nghe!

Nhân thân bất dị đắc (Thân người chẳng dễ được)

Mọi cõi trong lục đạo đều có thể niệm Phật vãng sanh, nhưng cõi người vãng sanh dễ dàng nhất. Ngoài cõi người ra, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ sẽ khó hơn. Cõi trời cũng khó, vẫn chẳng bằng cõi người, vì cõi trời hưởng phước quá lớn, trong lòng họ chỉ nghĩ đến chuyện hưởng phước, cũng chẳng màng đến vãng sanh Tây Phương làm chi! Do đó, chỉ có cõi người là dễ tu hành nhất. Câu đầu bài kệ liền nói ý này: “Thân người chẳng dễ được”. Câu này trong các kinh đều nhắc đến, chẳng phải chỉ có tôi nói như vậy mà thôi! “Thân người khó được”: Trong kinh có thí dụ, từ trên đỉnh núi cao thả một sợi chỉ xuống, phía dưới chân núi đặt một cây kim. Thả sợi chỉ từ đỉnh núi xuống mà xỏ ngay vào cây kim ở chân núi, gió vừa thổi nhẹ thì sợi chỉ này chẳng biết sẽ bay đến phương nào rồi! Ðừng nói là chỉ có một sợi, dù có một ngàn sợi, mười ngàn sợi, có sợi nào may mắn xỏ trúng vào lỗ kim, xác suất xảy ra vô cùng khó khăn, thân người khó được cũng giống như vậy. Hiện thời, mọi người đều được thân người, phải nên quý trọng, vì được thân người mới có cơ hội được nghe pháp môn niệm Phật, mới có cơ hội niệm Phật, mới có cơ hội được giải thoát.

Tam đồ chân khả phạ (tam đồ thật đáng sợ)

Phải biết thân người khó được nhưng dễ mất, rất dễ hư hoại. Người Trung Quốc thích nói lời cát tường, lúc sanh con, ai nấy đều chúc mừng sống lâu trăm tuổi, nhưng rốt cuộc có mấy ai sống đến một trăm tuổi? Tuy ở Ðài Loan có, nhưng rất hiếm. Tục ngữ nói: “Diêm Vương bắt bạn canh ba chết, bạn chẳng ở lại được đến sáng mai”. Trong kinh kể chuyện đức Phật hỏi đệ tử: “Mạng người dài bao lâu?” Có đệ tử trả lời: “Mạng người trong hơi thở”. Đức Phật nói: “Ðúng lắm”. Hơi này thở ra, chưa chắc đã hít vào được, đúng là như vậy! Ai cũng không dám bảo đảm quý vị sẽ sống được bao lâu? Thân người mất rồi thì sao? Mọi người hãy lắng nghe, muốn được thân người trở lại vô cùng khó khăn, không lấy được thân người trở lại thì phải đi về đâu? Biến thành súc sanh, biến thành ngạ quỷ, đọa địa ngục. Ðến ba cõi ấy, thọ mạng dài vô cùng. Địa ngục có tám vạn bốn ngàn năm, thời gian chịu khổ dài đăng đẳng, nếu sanh về đó, sự khổ không có ai chịu nổi. Nói cho các quý vị biết: Nếu chẳng dụng công niệm Phật, chớp mắt sẽ vào tam đồ, tam đồ rất đáng sợ!

Cực Lạc nhân nhân khứ (Cực Lạc người người đến)

Niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới có dễ hay không? Trong kinh đã nói: “Vạn người tu, vạn người đến”, ai niệm đến nhất tâm bất loạn đều đến được, chẳng phải rất dễ hay sao? Nhưng phải ngay trong đời này, đời này đi không được thì sẽ đọa vào tam đồ, thế là rồi đời! Hoàn toàn trong đời này, đến thế giới Cực Lạc bèn vĩnh viễn chẳng sanh chẳng diệt.

Tam độc tâm phóng hạ (Buông xuống tâm tam độc)

Ði đến thế giới Cực Lạc là tâm đi, tâm trống trơn thanh tịnh thì mới tương ứng với A Di Ðà Phật. Tâm không sạch, không tịnh giống như soi gương, tuy gương sáng nhưng bị vật che đậy nên không chiếu được (tức là không cảm ứng). Tam Độc là tham, sân, si. Người có tâm tham vừa nhìn vật gì liền muốn chiếm giữ, Tây Phương Cực Lạc thế giới đều do thất bảo trang nghiêm làm thành mà họ lại chẳng muốn. Chỉ thấy trước mắt, chỉ tham vật ở trước mắt. Phải mở rộng tầm mắt, tâm tham luyến Sa Bà phải buông xuống hết. Tâm sân hận độc hại nhất, người nào có lỗi với mình? Cớ sao họ có lỗi với quý vị? Nếu họ không có lỗi với quý vị thì quý vị đã vãng sanh rồi phải không? Họ càng có lỗi với quý vị thì càng tốt. Có lỗi với quý vị thì quý vị sẽ tránh xa họ, ít bận tâm hơn, quý vị tu phần của chính mình mà thôi. Si là ngu si, tà tri, tà kiến. Nói nhân quả thì quý vị chẳng chịu nghe, chỉ thấy danh lợi, chỉ thấy thị phi, những thứ này làm cho quý vị chẳng cảm ứng với A Di Ðà Phật. Niệm Phật nhất định phải buông xả hết thảy tam độc tham, sân, si. Buông xả thì tâm được thong dong, tự tại, cảm ứng đạo giao, mới về thế giới Cực Lạc được.

Niệm Phật bất cải tâm,
Đẳng như thuyết không ngữ
(Niệm Phật mà chẳng sửa tâm,
Khác nào chỉ nói suông).

Hai câu này hợp chung lại, mọi người lúc bình thường chẳng chuyên tâm niệm Phật, đến đạo tràng này vẫn nói chuyện thị phi, vẫn lộn xộn; đạo tràng là nơi để quý vị cầu đắc nhất tâm. Nếu ở đây cũng chẳng nhất tâm niệm Phật thì ở nhà khỏi nói cũng biết rồi. Bởi vậy, “niệm Phật chẳng sửa tâm, khác nào chỉ nói suông”. Nếu chẳng sửa tâm, miệng niệm A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật là lừa dối Phật, có ích gì đâu? Như vậy cũng giống như nói suông mà thôi!

Tâm khẩu nhược tương ưng
Lập kiến Phật Bồ Tát
(Nếu tâm miệng tương ứng,
Liền thấy Phật, Bồ Tát).

Nếu tâm và khẩu tương ứng thì cũng giống như phóng điện đến A Di Ðà Phật, cảm ứng cũng như phóng điện, tâm và khẩu tương ứng mãi, sẽ thấy Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến tiếp dẫn, chuyện này ai cũng biết. Nếu quý vị không đến được là vì quý vị chẳng biết đường. Khi Phật đến tiếp dẫn, quý vị chẳng đi được, Phật ở ngay trước mắt nhưng quý vị bị tham sân si che đậy, chẳng thể truyền điện đến Phật. Nếu có thể buông tam độc xuống, tâm và khẩu tương ứng, quý vị sẽ lập tức thấy Phật, Bồ Tát.

Niệm Phật rất quan trọng, bây giờ mọi người hãy buông xả hết những tâm niệm lăng xăng, lộn xộn. Một câu Di Ðà cứ niệm riết không ngừng!

TUYẾT LƯ LÃO NHÂN TỊNH ÐỘ TUYỂN TẬP CHUNG

Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ,
Trên đền bốn ân trọng,
Dưới cứu khổ tam đồ.
Nếu có ai thấy nghe,
Đều phát Bồ Đề tâm,
Hết một báo thân này,
Vãng sanh cõi Cực Lạc.

[1] Ý nói: Sau khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch thua mất Hoa Lục vào tay Mao Trạch Ðông, phải chạy ra Ðài Loan, nỗ lực xây dựng Ðài Loan thành một tiền đồn Trung Hoa tự do.

[2] Kiền chùy (Ghanta): còn gọi là Kiền Trì, Kiền Trĩ, Kiền Ðể, là các khí cụ dùng để đánh báo hiệu trong tự viện như chuông, khánh, linh, bảng, mõ v.v... Ở đây ý nói, chuông, trống và địa chung dùng để tán Phật và niệm Phật trong Phật Thất

[3] Tuyết Tăng: Tuyết Tăng là một trong những biệt hiệu của cụ Lý Bỉnh Nam.

[4] Đa tài quỷ là loài quỷ ít bị đói khát trong số các ngoại quỷ, hoặc các loại đại lực quỷ thần.

[5] Cửu giới: Chín giới bao gồm nhân, thiên, a tu la, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát.

[6] Môn dư đại đạo nghĩa là con đường rộng lớn ở ngoài những con đường khác.

[7] Thế giới Cực Lạc do nguyện lực, do tự tánh thanh tịnh lưu lộ thành cảnh giới tương ứng với tâm thanh tịnh chứ không phải do nghiệp lực của chúng sanh cảm thành như uế độ nên gọi là không có nhân mà có quả

[8] Hàm nghĩa: Khổng Tử xử sự không dựa theo ý kiến ức đoán, không độc đoán mọi chuyện phải làm theo ý mình, mọi chuyện xử sự linh hoạt, không chết cứng, không coi ta là nhất, ai cũng không bằng mình. Đây là một câu nói trong thiên Khổng Tử Thế Gia của Sử Ký nhằm khen ngợi đức hạnh của Ngài.

[9] Thất khiếu chính là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng

[10] Thánh Ngôn Lượng là dùng lời dạy của chư Phật, Bồ Tát, thánh tăng để khảo chứng, biện định sự việc. Chẳng hạn như khi tu quán Phật theo Quán Kinh, nếu thấy những cảnh được hiện trong khi quán thân Phật không phù hợp với những điều được Quán Kinh mô tả thì biết là cảnh ấy là do ma hiện.

[11] 1. Hiện Lượng là sự nhận biết bằng trực giác, tức là khi các căn tiếp xúc cảnh giới, tâm thức nhận biết sự vật, thấu hiểu đúng như lý. Cái nhận biết đó không bị cong vạy bởi lăng kính ý thức, phân biệt, chấp trước.

2. Tỷ Lượng: Do so sánh mà nhận biết, chẳng hạn như nhìn đằng xa có khói bốc lên biết chỗ đó có lửa. Nghe tiếng nói cách tường biết bên ngoài có người v.v...

3. Thánh Ngôn Lượng: Phán định sự việc dựa theo giáo huấn của Phật, Bồ Tát, chư Tổ.

[12] Tức là khi niệm Phật phải nhận biết chính mình là Phật; nói là “gánh vác” vì dám trực tiếp chấp nhận chính mình là Phật, dám đảm đương sự nghiệp của chư Phật. Nói cách khác, đây là Tín Tự như trong A Di Đà Kinh Yếu Giải đã nói.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch