Home > Khai Thị Phật Học > Tinh-Tan-Ba-La-Mat
Tinh Tấn Ba La Mật
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Học Phật không ai không biết ý nghĩa quan trọng của việc tinh tấn; nhưng thực hành tinh tấn đúng theo chân tinh thần Bồ Tát Đạo, lại là vấn đề thử thách lớn khó thể làm được. Tuy nhiên trước sau gì người Phật tử cũng phải trải qua con đường Bồ Tát đạo, nếu tự nhận mình là đệ tử của Như Lai. Và con đường đầu tiên của hạnh Bồ Tát, đó là Tinh tấn Ba La Mật.

Sau đây thử tìm hiểu, hạnh tinh tấn theo dấu chân của Bồ Tát.

Bồ Tát Thế Thân dạy, tinh tấn có hai môn:

Vì cầu vô thượng Bồ Đề

Vì muốn cứu độ chúng sanh rộng khắp

Do hai lý do đó mà khởi tâm tu pháp Tinh tấn Ba la mật vậy.

Chúng ta thấy hai việc mà Bồ Tát Thế Thân dạy, đánh động nơi tâm của người học Phật, khiến tâm hành giả khởi phát đại bi, cầu đạo giải thoát. Cầu đạo giải thoát là cầu vô thượng Bồ Đề; cầu vô thượng Bồ Đề cũng có nghĩa khởi đại bi tâm rộng độ khắp chúng sanh.

Đương nhiên muốn cầu vô thượng Bồ Đề, tất phải hiểu biết ý nghĩa nhân duyên, nhân quả của Vô thượng Bồ Đề; và chắc chắn rằng phải hiểu cả thế giới đau khổ đang vây bủa chúng sanh. Nói cách khác phải hiểu quả vị Bồ Đề vô thượng, là đối lại sự sinh diệt trong ba cõi, Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nhưng Bồ Tát Thế Thân lại dạy thêm, cần phải có mười niệm mới giúp chư Bồ Tát thành tựu trọn vẹn việc hành tinh tấn Ba La Mật.

Mười niệm là:

1. Tưởng niệm vô lượng công đức của chư Phật

2. Tưởng niệm công đức Chánh pháp bất tư nghì giải thoát

3. Tưởng niệm công đức Tăng già thanh tịnh vô nhiễm

4. Tưởng niệm tu hành tâm Đại từ, để an vui chúng sanh

5. Tưởng niệm thực hành tâm Đại bi cứu khổ chúng sanh

6. Tưởng niệm chánh định, khuyến cần chúng sanh an vui tu tập thiện pháp

7. Ghi nhớ các tà định của chúng sanh để cứu giúp họ trở về chánh định.

8 Tưởng niệm đến cảnh nhiệt não, cơ khát của loài quỷ mà cứu tế

9. Tưởng niệm khổ cảnh nơi địa ngục chúng sanh chịu sự thiêu đốt bức não mà cứu tế

10. Tưởng niệm đến cảnh khổ đau triền miên của loài súc sanh mà cứu giúp.

Sau đây xin được tìm hiểu sơ lược nội dung mười niệm như sau:

1. Tưởng niệm vô lượng công đức của chư Phật.

Công đức của chư Phật không thể nghĩ bàn, cho nên người học Phật không thể không tưởng niệm. Nếu hỏi công đức đó thế nào? Xin thưa, công đức trước khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác các Ngài đã phải hành vô số thiện nghiệp Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, mới thành tựu Phật quả. Và từ quả vị Phật, chư Phật vẫn tiếp tục hoằng hóa chúng sanh khắp ba cõi. Chỉ có thể nêu bấy nhiêu công đức như vậy thật ra chính cả hàng Bồ Tát lớn cũng không thể nói hết được; do đó hàng Bồ Tát lớn mới luôn luôn tưởng niệm công đức chư Phật. Lại đơn thuần tóm lược mà nói, sự xuất hiện của chư Phật đã đưa vô số chúng sanh đang sống trong vô minh ngu si, tạo được nhân duyên thoát khỏi sanh tử thành tựu giải thoát; rồi từ quả giải thoát quay lại cứu độ chúng sanh khác, cứ tiếp tục tạo duyên nối tiếp như vậy mãi, đó là công đức vô thượng không thể nghĩ bàn.

2. Tưởng niệm công đức Chánh pháp bất tư nghì giải thoát.

Phật xuất hiện đã độ vô lượng chúng sanh, rồi sau khi nhập diệt vẫn còn độ vô số chúng sanh; đó là nhờ giáo pháp vi diệu mà Ngài tìm ra. Giáo pháp đó là Chánh pháp bất khả tư nghị vượt không gian thời gian không gian là ba cõi, thời gian là quá khứ, hiện tại đến vị lai. Ngay thời đại này được xem là duy vật, nguyên tử, nhưng chánh pháp giải thoát vẫn còn lan rộng khắp nơi, đem lại an lạc hạnh phúc cho muôn người. Và tương lai bao giờ chúng sanh còn nhắc đến chánh pháp, thì việc thành tựu duyên giải thoát sẽ trụ mãi khắp nơi trong ba cõi.

3. Tưởng niệm công đức Tăng già thanh tịnh vô nhiễm.

Phật nhập diệt, chánh pháp vẫn còn lưu trụ thế gian; nhưng nếu hàng đệ tử không tu, không thanh tịnh giáo đoàn, tức giáo pháp Như Lai chỉ còn là lý thuyết để thờ, chẳng khác tôn giáo thờ thần mê tín. Điểm này mà Phật dạy, sau khi Ngài vắng bóng, đệ tử hãy lấy giới luật làm Thầy, lấy giới luật thay thế hình bóng Như Lai. Cho nên đệ tử Phật không giữ lời Phật dạy, dù có thờ lạy Ngài cũng chỉ là gieo duyên, chứ không có kết quả lợi ích gì cho việc chứng đạo. Thành ra một giáo đoàn, một Tăng già thanh tịnh vô nhiễm có vô lượng công đức, vì gìn giữ được đạo giải thoát không biến thành thần quyền mê tín. Bồ Tát biết được điều này nên tưởng niệm công đức đó.

4. Tưởng niệm tu hành tâm Đại từ, để an vui chúng sanh.

Bồ Tát khi liễu đạo, liền phát Bồ đề tâm, tức tâm Đại từ nhắm vào đối tượng chúng sanh; và phải biết tâm Đại từ không thể học được ở thế gian, nếu không có giáo pháp giải thoát xuất hiện. Thế gian ngộ nhận thương người giúp người thoát nạn, thoát chết là từ ái là đại nhân; đây chỉ là phước đức hữu lậu, chỉ tạm cứu khổ một đời, rồi đâu vào đấy. Bởi vì tâm tham sân si là nguồn đau khổ, là gốc luân hồi, nên chưa hiểu đạo giải thoát, có sống bao nhiêu đời cũng không thoát khổ. Phải dùng tâm Đại từ là tâm làm cho chúng sanh tỉnh ngộ giáo lý giải thoát, mới đem lại hạnh phúc chân thật cho chúng sanh; như thế mới thấy tâm Đại từ là con đường duy nhất giúp cho chúng sanh an vui hạnh phúc; và Bồ Tát tưởng niệm tâm Đại từ, mới dễ thành tựu giải thoát.

5. Tưởng niệm thực hành tâm Đại bi cứu khổ chúng sanh.

Cũng giống như tâm Đại từ, và cả hai tâm Đại từ Đại bi đều đầy đủ trí huệ đưa chúng sanh qua bờ giải thoát, hoàn toàn khác với tâm thương yêu tình ái thế gian.

Bồ Tát luôn tưởng niệm cả hai tâm như vậy mới khởi tinh tấn Ba La Mật, vượt khỏi hết thảy chướng ngại thế gian. Chúng sanh thường do tâm phàm phu, tâm tình ái, nên sống vị ngã riêng mình, không thể khởi tâm đại bi, đại từ, do đó không thể tinh tấn học đạo; nếu có tinh tấn cũng không thể đạt được Ba La Mật tinh tấn. Phải thấy rằng việc hành tâm Đại từ Đại bi, chỉ là việc phải làm để thành đạo nghiệp chứ không phải vị ngã tự thân. Cho nên Bồ Tát luôn tưởng niệm thực hành tâm Từ Bi mới khởi được tinh tấn bất thoái chuyển.

6. Tưởng niệm chánh định, khuyến cần chúng sanh an vui tu tập thiện pháp.

Hành Bồ Tát đạo duy nhất mong đạt đến giải thoát, mong cứu khổ chúng sanh; ngoài niệm này ra chẳng một niệm nào khác, đó gọi là chánh định, cũng gọi là thực hành chánh pháp. Thân tâm Bồ Tát thường qua lại vô số cảnh giới chẳng lìa khỏi bồ đề tâm, lấy giới làm Thầy, lấy huệ làm sinh mạng; và dùng vô số phương tiện để lợi ích chúng sanh phát sanh thiện pháp. Như thế Bồ Tát luôn giữ chánh định chánh pháp để phát khởi tinh tấn không thối chuyển.

7. Ghi nhớ các tà định của chúng sanh để cứu giúp họ trở về chánh định.

Xem thấy thế gian chìm đắm vô minh, sinh ra vô số tà định, tức tâm không sanh thiện pháp; hết đời sống này đến đời sống khác gây tạo ác nghiệp, nên tà định dẫy đầy không gian, và thời gian vô định. Bồ Tát phát đại bi tâm thường luôn nhớ nghĩ cứu độ chúng sanh, nên phát khởi tinh tấn Ba La Mật, nguyện thành chánh giác cứu vớt chúng sanh.

8. Tưởng niệm đến cảnh nhiệt não, cơ khát của loài quỷ mà cứu tế.

Cảnh khổ chúng sanh ở cõi người, đủ khiến Bồ Tát phát khởi bi thương, nay còn thấy cảnh khổ chúng sanh đọa vào loài quỷ, nên Bồ đề tâm còn phát mạnh hơn nữa; do đó Bồ Tát luôn tưởng niệm đến cảnh khổ này, mà phát sinh tinh tấn cứu độ không ngừng nghỉ.

9. Tưởng niệm khổ cảnh nơi điạ ngục chúng sanh chịu sự thiêu đốt bức não mà cứu tế.

So với cảnh ngạ quỷ, cảnh địa ngục còn đau khổ hơn, Bồ Tát không thể không luôn tưởng niệm ghi nhớ, do đó con đường hành đạo càng thêm tinh tấn cứu độ chúng sanh.

Cuối cùng là,

10. Tưởng niệm đến cảnh khổ đau triền miên của loài súc sanh mà cứu giúp.

Súc sanh mang đủ hình tướng, khắp nơi vô số, nên cảnh khổ cũng không thể nghĩ bàn, Bồ Tát phải thường tưởng niệm, và càng tưởng niệm càng tinh tấn tu đạo giải thoát cứu độ chúng sanh.

Đó là mười niệm mà vị Bồ Tát muốn phát được tinh tấn Ba La Mật, không thể không thực hành.

Xét lại lời dạy của Bồ Tát Thế Thân, trên đường hành Bồ Tát Đạo nếu không phải vì đạo nghiệp giải thoát, hành giả không thể nào thành tựu, và đối tượng tạo nhân thành tựu đạo nghiệp không ngoài chúng sanh trong ba đường đau khổ. Nhưng làm sao ta có thể cứu độ chúng sanh trong khi đạo giải thoát tự mình chưa liễu đạo? Chỉ một điều phải thường tư duy sự khổ của chúng sanh; sự khổ vậy cũng đang có mặt chính ta trong đó. Ngày nào chúng ta còn ở cõi Ta Bà đau khổ, ngày đó còn nếm đủ mọi khổ đau của kiếp người chưa giác ngộ.

Ta càng khổ bao nhiêu, thì vô số chúng sanh khác còn đau khổ hơn ta gấp vạn lần. Và dù đau khổ nhưng ta còn biết đạo giải thoát, như thế chưa gọi là khổ, nếu không nói là đại phước; ngược lại vô số người khác vừa đau khổ thân tâm, vừa chưa hề biết đạo giải thoát, đó mới thật khổ.

Bồ Tát dạy rằng phải luôn tinh tấn, đó là con đường cơ bản phát sinh chánh pháp, tiến gần đến quả giải thoát; nếu không như vậy thiện pháp sẽ không sinh, mà vọng niệm càng thêm tăng trưởng.

Lịch sử xưa nay, chưa có Thánh Tăng Bồ Tát nào không hành tinh tấn mà thành được đạo quả. Dù các Ngài có hành đạo trong rừng sâu hay ngoài phố thị, việc tinh tấn chẳng bao giờ thiếu được.

Tóm lại tinh tấn Ba La Mật, là con đường phải đi qua của một hành giả cầu giải thoát; và thực hành được tinh tấn này, phải ghi nhớ qua mười điều tưởng niệm. Nhưng thiết nghĩ rằng, mười điều tưởng niệm, phải đến từ việc tu học không ngừng qua các việc làm Phật sự, và đọc tụng kinh điển Như Lai; như vậy mới giữ được niềm tin chánh pháp, liễu nghĩa Đại thừa, tinh tấn mà không thấy mình tinh tấn mới thật đúng là tinh tấn Ba La Mật.

Cầu nguyện tất cả chúng ta, những người sơ cơ hạ căn học Phật trong đời sống này, phát khởi thiện tâm thực hành chánh tinh tấn đúng theo chánh pháp.

Chúng con xin thành tâm đảnh lễ Bồ Tát Thế Thân.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

2007