Home > Khai Thị Niệm Phật
Trạng Thái Chết Của Con Người
Thích Nguyên Liên


A. DẪN NHẬP :

Cổ thi có câu:

“Ta nay thấy người chết
Trong lòng nóng xót xa
Chẳng xót vì kẻ chết
Vì phải đến phiên ta”.

Bài thơ nói lên tâm trạng lo âu đầy sợ hãi của con người khi đối diện với cái chết, rồi một ngày nào đó cũng phải đến phiên mình. Cuộc sống thì quá mong manh cái chết lại chắc chắn. Do vậy, sống chết là vấn đề lớn, chúng ta dù cố né tránh cũng không thể thoát khỏi. Có chăng, chúng ta hãy can đảm đối diện với cái chết để tìm hiểu quá trình chết của con người như thế nào? Sau khi chết con người đi về đâu? Ngõ hầu trong cuộc sống hiện tại chúng ta có sự định hướng và chuẩn bị tư lương trước một cuộc sắp đi xa này.

B. CHÁNH ĐỀ :

I. QUAN ĐIỂM CHẾT CỦA ĐẠO PHẬT VÀ CÁC TÔN GIÁO KHÁC :

Trạng thái chết và sau khi chết con người còn hay mất, nếu còn con người sẽ có sự tái sanh như thế nào luôn là vấn đề nóng bỏng của các nhà tôn giáo, các nhà khoa học cũng như của đạo Phật. Có rất nhiều quan điểm được trình bày xoay quanh chủ đề này. Mỗi quan điểm đưa ra ít nhiều đều có sự biện minh cho quan điểm của mình là chính xác. Tựu trung, chúng ta có thể phân biệt thành ba quan điểm nổi bật trình bày trạng thái chết và sau khi chết như sau:

1. Quan điểm của các nhà khoa học (Duy vật):

Các nhà khoa học cho rằng con người là một dạng vật chất do tinh cha huyết mẹ tạo thành. Thân mạng này sau khi chết là hết, cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Như thế các nhà khoa học chủ trương chỉ có đời hiện tại không có đời sau. Quan điểm này đạo Phật gọi là “Đoạn kiến ngoại đạo”.

2. Quan điểm của các nhà tôn giáo (Duy tâm):

Các nhà tôn giáo chủ trương con người sau khi chết thân thể tan rã và linh hồn sẽ đầu thai sang kiếp khác. Quá trình đầu thai theo họ, con người nếu sau khi chết sẽ đầu thai tiếp tục làm người, loài trời sau khi chết sẽ tiếp tục đầu thai làm trời... Quan điểm hiện đời làm loại gì đời sau sẽ đầu thai tiếp tục đầu thai làm loài đó của các nhà tôn giáo chủ trương, đạo Phật gọi là “Thường kiến ngoại đạo”.

3. Quan điểm của đạo Phật:

Đối với vấn đề trạng thái chết và sau khi chết như thế nào đạo Phật hoàn toàn không chấp nhận hai quan điểm trinh bày trên. Đạo Phật cho rằng con người (chúng sanh) là một hợp thể của năm uẩn. Do vậy, khi con người chấm dứt thân mạng phần sắc thân sẽ tan rã, tứ đại trả về với tứ đại nhưng phần tinh thần (thần thức) thì không hoại diệt. Thần thức đó sẽ tùy theo nghiệp thiện hay ác đã tạo trong quá khứ mà thác sanh một trong sáu cảnh giới luân hồi.

Như thế, đạo Phật chủ trương chết chỉ là một quá trình vận động và thay đổi con người từ xác thân loài này xác thân loài khác, dưới sự chủ đạo của nghiệp và nghiệp lực. Chỉ khi nào con người tự chấm dứt được nghiệp, tức sẽ đạt đến cảnh giới Niết bàn giải thoát thì không còn luẩn quẩn trong vòng sống và chết đầy bi ai khổ lụy này.

II. TRẠNG THÁI CHẾT:

Tìm hiểu về trạng thái chết và sau khi chết là một vấn đề khó lý giải, nếu không nói là việc làm không tưởng đối với hạng người chưa chứng ngộ như chúng tôi. Do vậy, tất cả những vấn đề được đặt ra và trình bày trong bài viết này chúng tôi đều y cứ theo kinh điển.

1. Các nguyên nhân dẫn đến cái chết:

Theo đạo Phật có bốn nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt thân mạng của một con người (chúng sanh).

a. Sự kiệt lực của nghiệp tái tạo: Thân mạng con người sở dĩ tồn tại là do nghiệp, khi năng lực nghiệp (làm người) từ quá khứ đã hết thì những sanh hoạt của nguồn cơ thể ở trong đó cũng chấm dứt.

b. Tuổi thọ hết : Tuổi thọ dài hay ngắn tùy theo phước báo của mỗi cảnh giới. Khi tuổi thọ con người đã hết (ví như tuổi thọ của con người trong giai đoạn hiện nay trung bình là bảy mươi lăm tuổi), dù nghiệp lực chưa chấm dứt con người cũng phải  chết.

c. Nghiệp tái tạo và tuổi thọ đồng chấm  dứt: Khi nghiệp tái tạo và tuổi thọ đồng một lúc chấm dứt con người phải chết.

d. Một nghiệp lực ngược chiều ngăn chặn nghiệp tái tạo: Trường hợp nghiệp tái tạo chưa hết tuổi thọ chưa chấm dứt, nhưng do một nghiệp lực ngược chiều thật mạnh ngăn chặn nghiệp tái tạo làm cho con người phải chết. Những cái chết đột ngột, bất đắc kỳ tử... đều rơi vào tình huống này.

Sự chấm dứt thân mạng của con người không thoát ra ngoài một trong bốn trường hợp kể trên. Do vậy, chúng ta dễ cảm nhận được thân phận mong manh đèn treo trước gió của đời người. Chỉ có việc xả ly huyễn thân chứng đắc pháp thân chúng ta mới có thể an tâm yên nghỉ, mới là làm xong việc lớn. Nào ai là bạn tri âm!

2. Tiến trình chết của sắc thân :

Sắc thân con người (chúng sanh) vốn do tứ đại (đất nước gió lửa) giả hợp mà thành. Do vậy, khi thân này hoại chung tứ đại sẽ trở về cho tứ đại. Nói cách khác, tiến trình chết của con người là tiến trình  phân tán của tứ đại. Tiến trình chết nơi sắc thân con người lần lượt diễn bày như sau.

a. Địa đại lấn áp thủy đại: Đầu tiên người bệnh cảm thấy cơ thể nặng nề, mệt mỏi, các đốt xương trong thân nhức mỗi vô ngần. Thế nên bịnh nhân có các hiện tượng như tay chân co rút, gân mạch run rãy… Đây là trạng thái địa đại lấn áp thủy đại.

b. Thủy đại lấn áp hỏa đại: Tiếp theo bệnh nhân cảm thấy như có một luồng hơi lạnh từ ngoài xâm nhập vào cơ thể, khiến toàn thân lạnh cóng tợ như nằm trên băng tuyết... Thế nên bệnh nhân có các hiện tượng hơi thở buốt lạnh tứ chi lóng cóng... Đây là trạng thái thủy đại lấn áp hỏa đại.

c. Hỏa đại lấn áp phong đại: Giai đoạn này mạng sống chỉ còn một nửa. Bấy giờ người hấp hối cảm như một luồng hơi cực nóng từ bên ngoài thổi vào thiêu đốt cơ thể, sự nóng bức còn hơn ngồi trên hố lửa... Thế nên bệnh nhân có hiện tượng sắc mặt ửng đỏ, ngực ran nóng, tinh thần tối tăm. Đây là trạng thái hỏa đại lấn áp phong đại.

d. Phong đại phân ly: Sau cùng bệnh nhân cảm nhận như có một luồng gió cực mạnh thổi bạt làm cho cơ thể tan nát như vi trần, đau đớn rã rời. Đến giai đoạn này xác thân đã chết, bốn đại đều phân tán, các giác quan đều bại hoại, chỉ còn thần thức chuẩn bị lìa khỏi thân để tùy theo nghiệp duyên đã tạo trong quá khứ và hiện tại mà tái sanh vào các cảnh giới tương ưng.

Sự chấm dứt thân mạng của con người quả thật là vô cùng đau đớn. Nỗi đau đớn khi tứ đại phân tán trong kinh đức Phật đã dùng rất nhiều ví dụ để diễn bày. Đại để Ngài dạy rằng, nỗi khổ cùa con rùa bị đem đốt trên đống lửa cũng không thể sánh bằng nỗi khổ đau của con người khi tứ đại phân ly. Trong sự đau đớn tột cùng của xác thân ấy mấy ai là người có thể làm chủ có thể an lòng nhớ Phật niệm Phật. Nếu chúng ta suốt đời không nỗ lực dụng công tu hành thì làm sao thoát ra khỏi cảnh “Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn. Địa ngục vô môn hữu khách tầm”.

3. Tiến trình chết của tâm thức:

Sau khi Tứ đại phân ly, tâm thức người chết rơi vào trạng thái hôn muội mà không có chiêm bao. Bấy giờ minh liễu ý thức không có tác dụng hiện khởi, không thể biết được cảnh sở duyên của sáu chuyển thức. Tâm thức của con người sẽ tùy theo sự chỉ đạo của Nghiệp đã tạo, từ đó diễn tiến Hiện tượng của nghiệp và Biểu hiện lâm chung có đau khổ hay hạnh phúc dẫn dắt thần thức đi tái sanh.

Theo Phật giáo, có ba giai doạn xuất hiện cho con người thấy khi sắp lâm chung, đó là Nghiệp, Hiện tượng của nghiệp và Biểu hiện lâm chung.

Nghiệp là những hành động thường ngày huân tập, đến khi lâm chung tâm thức sẽ nhớ lại rõ ràng. Hiện tượng của nghiệp là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức người lâm chung dưới hình thức sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Biểu hiện lâm chung là dấu hiệu có tương quan đến cảnh giới mà người chết sắp tái sanh, khiến họ có những biểu lộ lo âu hoặc vui mừng.

Ví như một người lâm chung và tái sanh vào cảnh người. Đối tượng của phần tư tưởng cuối cùng là nghiệp lành. Hiện tượng của nghiệp này là họ thấy mình đang lễ Phật làm việc bố thí... Biểu hiện lâm chung là thân không bệnh khổ, sanh lòng chánh tín, quy y Tam bảo...

Tâm thức tái sanh đó gọi là Tán hữu tâm hay Sanh tử tâm. Tâm này vô cùng nhạy cảm có công năng dẫn dắt thần thức đi tái sanh vào các cảnh giới tương ưng. Cảnh giới thác sanh khổ đau hay hạnh phúc hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp lực hiện tiền mà mỗi người đã tác tạo và những sự trợ duyên hộ niệm của Tăng ni cùng Phật tử lúc thần thức chuẩn bị tái sanh.

III. XÁC ĐỊNH CẢNH GIỚI TÁI SANH

Con người lúc sắp chết do sự diễn tiến của Nghiệp và Hiện tượng của nghiệp mà có Biểu hiện lâm chung mỗi người mỗi khác. Cũng như khi sắp chết, xác thân sẽ có những chỗ nóng ấm sau cùng. Tìm hiểu biểu hiện lâm chung và hơi nóng đi ra cuối cùng trên xác thân người chết, chúng ta có thể biết được cảnh giới họ đang chuẩn bị tái sanh.

1. Xác định dựa vào hơi nóng sắc thân

Con người khi chết toàn thân lạnh dần, chỗ nào trên cơ thể còn hơi nóng sót lại là nơi đó thần thức xuất ra khỏi thân. Chỗ nóng sau cùng trên cơ thể người chết giúp chúng ta xác định được cảnh giới tái sanh của họ. Bài kệ trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận đã chỉ rõ cho chúng ta vấn đề này.

Đảnh sanh cõi Thánh, mắt sanh Trời
Bụng nóng Ngạ quỷ, tim nóng Người
Bàng sanh nóng ở nơi đầu gối
Nóng ở bàn chân Địa ngục thôi.

Ví như chúng ta sờ vào cơ thể người mới chết, nếu thấy toàn thân lạnh hết chỉ còn hơi nóng ở đỉnh đầu, tất biết người đó được vãng sanh Tịnh độ. Hoặc như toàn thân lạnh hết nhưng còn hơi nóng giữa hai con mắt tức biết người đó sẽ tái sanh về cảnh trời... Các cảnh giới còn lại chúng ta có thể xác biết qua hơi nóng còn sót lại nơi nào trên cơ thể người mới chết như bài kệ trên đã trình bày.

Có điều, chúng ta cần nên tránh sự hiếu kỳ quá đáng tìm kiếm hơi nóng làm động chạm cơ thể người chết, khiến họ phát sanh phiền não rất dễ đoạ lạc. Việc này nên để những vị tu cao, các Ngài có năng lực vận chuyển hơi nóng đi lên, xác định cảnh giới sắp tái sanh của người mới chết để tìm phương cứu độ.

2. Xác định theo biểu hiện lâm chung

Con người sau khi chết tùy nghiệp mà tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Do thần thức cảm nhận cảnh giới tái sanh khổ đau hay hạnh phúc mà tâm thức có lo âu hay sung sướng, biểu hiện qua hình thức trước khi chết. Cho nên, nhìn vào biểu hiện lâm chung của người sắp chết chúng ta có thể đoán định được cảnh giới tái sanh của họ.

Đại để người nào sắp tái sanh về cõi trời… thì biểu hiện sung sướng, thân tâm thơ thới, miệng mỉm cười… Người nào sắp đọa vào tứ ác thú biểu hiện có sự run sợ, thân thể xú uế, tay chân quờ quạng… Chung quy, do cảnh giới tái sanh có khác, mà người chết có những biểu hiện lâm chung không giống nhau (Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày kỹ nơi tiết ba: “Các cảnh giới tái sanh”)

C. KẾT LUẬN.

Trong kinh Pháp cú câu 253, Đức Phật dạy: “ Thân ông bây giờ như lá héo! Sứ giả thần chết đang chờ ông! Ông đang đứng trước ngưỡng cửa tử vong! Ông sắp phải làm cuộc lữ hành trên đường trường của cái chết. Vậy mà sao ông chưa chuẩn bị lương thực gì cả?” Chúng ta đang sống và chuẩn bị làm lữ khách trên đường trường của cái chết. Sống và chết luôn là hai việc lớn nhất của đời người, chúng ta dầu muốn dầu không cũng không thể tránh khỏi cái chết. Ai là người có chút lo xa chẳng thể dững dưng qua ngày, buông thả đời mình trong nhục dục, mà ngay bây giờ hãy chuẩn bị lương thực Tín, Hạnh, Nguyện đừng để phải rơi vào cảnh: “Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng” (Quy sơn cảnh sách).