Home > Khai Thị Niệm Phật
Người Học Đạo Như Kẻ Chèo Thuyền Ngược Nước
Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Thích Tâm An, Việt Dịch


Người tu đạo thuận duyên không có, thế nhưng chướng duyên lại nhiều. Đơn giản nói về thân thể thôi, nếu không được khỏe một tí, công phu tu hành đã bỏ bê, ngồi thiền một chút đã không chịu được, hà huống là làm công việc gì lớn, đó là do nghiệp chướng của chúng ta từ vô thỉ đến nay. Nghiệp chướng thì dày, trong khi thiện căn lại mỏng. Chúng ta đã tạo tác nghiệp chướng rất nhiều. Song, người có thiện căn, tuy biết dụng công tu hành là khổ nhọc, biết nghiệp chướng tuy nặng, thế nhưng họ lại không sợ chướng ngại mà lại còn phát tâm tu hành, để tiêu trừ nghiệp chướng, hạng người này rất có hy vọng. Ngược lại, người biết nghiệp chướng của mình đã nặng rồi, thấy tu hành khó khăn, lại nản chí, dù có gặp được thiện duyên đi chăng nữa, cũng khó phát tâm tu hành. Do đó, chúng ta phải xét lại mình là người có thiện căn hay không, phải dùng trí tuệ chiếu soi lại chính mình. Đã biết mình là người có nghiệp dày phước mỏng, nếu không phát tâm tu hành nghiệp chướng khó mà tiêu trừ được, nghiệp chướng không tiêu trừ làm sao dám nói đến việc liễu sinh thoát tử. Chư vị! Cần phải nỗ lực tinh tấn quyết tâm hạ thủ công phu, thì không có việc gì khó. Trong thế gian không có việc gì là khó, mà sợ lòng người không có quyết tâm. Cho nên tục ngữ có câu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Giống như học sinh, cùng học một bài văn, thế nhưng đứa có trí thông minh, đọc hai, ba lần, thậm chí nghe qua liền thuộc. Còn đứa không có thông minh thì phải đọc đi đọc lại ba bốn mươi lần mới có thể thuộc. Người dụng công niệm Phật cũng như thế.

Phật pháp giảng nói ba đời nhân quả. Nếu đời trước chư vị là người nghe pháp nhiều, tu hành nhiều, thiện căn dày, tu hành phước báo nhiều, mà đời nay không gặp được Phật pháp, thậm chí sinh ra một xứ sở hoàn toàn không có Phật pháp thì thiện căn của các bạn cũng không bao giờ bị thối chuyển, cũng không tạo tác việc ác. Các bạn chỉ cần nhìn cảnh mùa Xuân trăm hoa đua nở, mùa Thu lá vàng rơi lả tả, thấy được cảnh sinh diệt vô thường của vạn vật, các bạn có thể khai ngộ, hay minh tâm kiến tính liền. Giống như thời Phật còn tại thế, các vị nghe Phật giảng pháp, rồi y theo pháp thập nhị nhân duyên mà ngộ được đạo, gọi là “Duyên Giác”. Còn có một số vị sinh ra đời không gặp Phật, không được nghe pháp, thế nhưng họ nhờ vào việc quán sát sự thay đổi vô thường của vạn vật mà ngộ được, gọi là “Độc Giác”, những người này có thiện căn không thể nghĩ bàn mới được như thế.

Người có thiện nghiệp dày, ác nghiệp mỏng, tu hành rất thuận lợi. Thế nhưng, chúng ta ở đây toàn là những người có phước mỏng nghiệp dày, cho nên con đường tu của chúng ta, như khách lữ hành chèo thuyền ngược nước, nếu chúng ta không vững tay chèo, không có nỗ lực tinh tấn, chắc chắn bị nước cuốn trôi. Vì thế, cổ đức có nói: “Người tu đạo như người chèo thuyền ngược dòng, không tiến sẽ bị lùi”. Chúng ta phải dụng công hết mình, thậm chí phải dùng hết sức mình họa may mới không bị trôi theo dòng sông sinh tử. Người thế gian, đa phần là buông mình theo dòng sinh tử, nên đối với họ không còn gì phải nói. Chúng ta là người tu đạo, là người đang lội ngược lại dòng sinh tử, cho nên khó khăn rất nhiều, do đó xin chư vị hãy dụng công, vào đây niệm Phật rồi không nên lãng phí thời giờ.