Home > Khai Thị Niệm Phật
Khai Thị Cho Đại Chúng Trước Lúc Bắt Đầu Niệm Phật Trường Kỳ Suốt Ba Năm
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Phàm ai muốn công hạnh chẳng uổng trong thời gian định kỳ niệm Phật thì hãy nên phát ba thứ tâm để làm phương tiện:

Thứ nhất là sanh lòng đau tiếc quang âm dù thời gian ba năm chẳng mấy. Cổ nhân đã ví:   “Như bệnh sốt rét mỗi ngày đều lên cơn, cứ ba lượt nóng lạnh là xong”.   Nếu chẳng siêng gắng, đốc thúc thân tâm đua tranh với từng phút giây, sẽ chẳng khỏi thấy [thời gian ba năm] là dài. Nếu thấy là dài thì năm tháng dằng dặc, tâm sự ngổn ngang, dễ sanh mệt chán, công phu tịnh nghiệp chẳng đạt, chẳng tiếc lắm ư? Huống hồ mạng trong hơi thở, nào bảo đảm sống được ba năm? Dù sống hơn được ba năm, nào phải là trường cửu? Như thường nói:   “Như tù bị dắt ra chợ, như dê bị đưa đến lò mổ, cứ mỗi bước tiến đến trước là một bước đến gần cái chết”.   Ngày đêm đăm đắm, nóng lạnh chẳng sờn, một câu hồng danh không lúc nào gián đoạn; lẽ nào Di Đà chẳng tiếp dẫn, chẳng quyết định sanh về Tịnh Độ sao? Những người đồng hạnh với tôi hãy dè chừng: chớ lúc đầu tinh chuyên, về sau biếng nhác. Hãy xem ba năm như một ngày, như một sát na thì mới nên.

Thứ hai là phải phát tâm chuyên cầu xuất ly. Công hạnh ba năm chẳng những không cầu những phước báo thấp thỏi của thế gian, mà cũng chẳng nên mong cầu công đức, trí huệ, biện tài, ngộ giải hoặc cầu đời đời làm tăng để hưng hiển Phật pháp v.v... Chỉ mong khi chết được sanh sang cõi kia, thoát khổ sanh tử. Nguyện ấy phải hiện hữu trong từng khắc, như xưa có người nọ bị vùi trong cái giếng khô sâu cả ngàn thước, được con cáo dạy cho khẩu quyết theo lỗ hổng mà thoát ra. Do nhất tâm muốn thoát ra, người ấy nhìn vào lỗ hổng [tụng khẩu quyết] một lúc lâu, lỗ chẳng lớn thêm, thân chẳng nhỏ đi mà tùy ý bay thoát ra.

Niệm Phật cũng thế, chuyên niệm đức Phật ấy, nhất tâm cầu sanh. Niệm đã đến mức khẩn thiết, Phật thật sự chẳng đến, ta chẳng đi qua đó mà tự nhiên được sanh. Được thỏa nguyện sẽ thấy Phật, nghe pháp, đoạn Hoặc, chứng quả, chẳng nhọc phương tiện tự được tâm khai, trăm ngàn tam muội nghĩ đến liền hiện hữu, bất khả thuyết bất khả thuyết vi trần số đại nguyện đồng thời đầy đủ. Cốt sao lòng tin chắc chắn, tận lực hành trì, chuyên tinh duy nhất ắt được thành tựu.

Thứ ba là phát tâm hòa thuận, tuân thủ, kiềm chế. Trong điện đường đã không có đông chúng, sáng tối ở chung với nhau, xưng là “đồng hạnh thiện tri thức”, ai nấy phải phòng thân giữ miệng, khiêm cung, nhường nhịn, nhu thuận, giúp nhau rèn giũa, làm gương cho nhau.

Trong vòng ba năm hệt như bế quan cấm túc, lấy sơn môn làm giới hạn, chẳng được đi ra ngoài, dù chuyện lớn như người thân, bè bạn bệnh tật, chết đi cũng chẳng được phá lệ đi ra, tạo thành đầu mối khiến người khác tự tiện bắt chước theo. Đối với hằng khóa mỗi ngày chẳng được biếng nhác, bỏ qua hay thiếu sót, chỉ trừ khi bệnh hoạn chẳng ăn uống được. Dù ngồi hay nằm đều phải âm thầm niệm Phật; nhất là trong lúc bệnh hoạn càng phải cấp thiết niệm Phật.

Ngoài những thời hằng khóa, nếu mắc lỗi gì phải tự kiểm điểm, đừng buông lung thân tâm. Khi rảnh rỗi chẳng được chuyện gẫu nói năng tạp nhạp, phóng dật, cười giỡn, vừa hại mình vừa khiến người bị trở ngại. Chẳng được đọc các sách ngoài đời, ngâm vịnh thi kệ. [Làm vậy thì] chẳng những uổng phí thời gian, mà còn là cô phụ đàn việt (thí chủ).

Trong đường, chọn ra một người làm giám trực, cứ năm ngày lại đổi phiên thay nhau lãnh trách nhiệm. Ai chẳng ước thúc, tuân thủ, chẳng đúng pháp thì giám trực sư liền khuyên can. Vừa khuyên can liền nghe thì tốt, nếu can đến ba lượt vẫn chẳng nghe thì bạch chúng bàn cách trị phạt. Nếu giám trực sư vị tình giấu diếm, chẳng can gián, chẳng cử tội sẽ bị phạt tùy theo mức tội. Nếu các thầy tự nghiêm, tự trọng, ai nấy tinh tấn chẳng phóng dật, chẳng cần phải dùng đến quy ước này thì tốt quá. Gắng lên, gắng lên!