Home > Khai Thị Niệm Phật > Khai-Thi-Tai-Phat-That-Chua-Linh-Son-Nam-At-Suu
Khai Thị Tại Phật Thất Chùa Linh Sơn Năm Ất Sửu
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


* Dốc lòng trừ mạn chướng, thiết tha cầu Nhất Tâm

Thưa các vị lão sư, các vị đồng tu.

Hôm nay tôi đến đây giảng, trước hết thanh minh một điều: Tôi hoàn toàn không đến đây để giảng khai thị. Hai chữ “khai thị” tôi đảm đương chẳng nổi, tôi chỉ đem những kinh nghiệm của chính mình ra bàn bạc để người này, người kia tham khảo mà thôi.

Tiếp đến, thanh minh một câu nữa: trong lúc ngồi giảng ở đây, xin miễn hết thảy những khách sáo thế tục, chỉ nghiên cứu “Nhất Tâm Bất Loạn”. Người giảng, người nghe đều lấy “Nhất Tâm Bất Loạn” làm mục tiêu. Nếu không, bị phân tâm một phần thì chẳng phù hợp với Phật Thất vậy. Xin quý vị nhiếp tâm, tâm không nghĩ gì khác lắng nghe!

Luận về “Nhất Tâm” thì đây là một đạo tràng đã lâu, hẳn quý vị hiểu rồi. Ðã hiểu rồi thì xin hỏi một câu: “Quý vị đạt được hay chưa?” Hơn ba mươi năm qua, có vị nào đạt được Nhất Tâm Bất Loạn chưa? Nếu như năm nào cũng dự Phật Thất nhưng năm nào cũng tán loạn thì có phải là dự Phật Thất trở thành chuyện phù phiếm hay sao? Thế nhưng, người học Phật làm gì cũng phải chân thật. Bài kệ khai kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Việc hư dối thì có làm cũng vô ích. Ðã vậy thì quý vị ắt sẽ tự hỏi: “Niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn trọn chẳng hề có ư?”

Tôi chẳng rõ là trong số quý vị, hoàn toàn không có một ai làm được chăng? Ngược lại, tự hỏi mình trước. Với tôi thì Nhất Tâm Bất Loạn có thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian ngắn sẽ đạt Nhất Tâm Bất Loạn. Nói như vậy ít nhiều đã có “cống cao, ngã mạn”, tự mình khoa trương. Tiếp đây, chúng ta sẽ bàn về “cống cao, ngã mạn”. Trong ba mươi năm qua, tại nơi đây, dự Phật Thất, tôi giảng qua vấn đề này chẳng biết là đã bao nhiêu lần, nhưng giảng rất nông cạn. Quý vị trong tâm ngầm coi thường, nghĩ rằng: “Ông không cần phải nói, những chuyện đó tôi từng nghe qua rồi!” Quý vị ơi! Khó biết được chuyện nào mình đã thật sự nghe qua lắm đấy! Nếu còn giữ tâm như vậy thì chẳng đắc Nhất Tâm, mà là được cống cao, ngã mạn, vẫn còn là phiền não. Nói như vậy nghĩa là sao?

Quý vị nghe kinh cũng nhiều, xem kinh chẳng ít, đáng coi là bậc đa văn, nhưng chỉ hiểu được về mặt văn tự, chứ xét về mặt công phu chân thực thì chẳng đáng bàn tới. Luận đến chân lý “tâm, Phật, chúng sanh bình đẳng bất nhị”, quý vị đã hiểu được đạo lý này hay chưa? Nói đến Phật thì chưa từng thấy qua. Nói đến chúng sanh thì mọi người đều nghĩ là mình đã từng thấy qua chỉ vì trong tâm nghĩ như thế này: “Người khác là chúng sanh, còn mình chẳng phải”. Ðấy là cống cao, ngã mạn. Học như vậy bèn chỉ học được phiền não, làm sao chúng ta luôn thấy “Phật, tâm, chúng sanh là bình đẳng” cho được? Quý vị bề ngoài bình đẳng nhưng đa số là trong tâm chẳng bình đẳng. Ðấy chính là đại phiền não!

Bàn đến phiền não thì trong trăm pháp, Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Bất Chánh Kiến thuộc về căn bản phiền não. Ngoài ra còn có trần sa phiền não, căn bản vô minh. Ba loại này đều là bệnh ai nấy đều có, ai nấy chẳng tự hay. Càng học Phật, niệm kinh chẳng tự biết, phiền não càng nặng đều là do quan niệm “tôi xem sách hoặc nghiên cứu kinh chẳng ít”. Nhưng kinh giống như thuốc. Nếu như uống lầm thuốc chẳng đúng bệnh, rốt cuộc có lợi ích chi? Vì thế, chúng ta chẳng thể thành tựu chính là do cống cao, ngã mạn. Tôi chẳng nói đến những việc khác bởi chính cống cao, ngã mạn khiến cho mọi người sau này thoái chuyển, làm sao còn bàn đến chuyện đắc Nhất Tâm Bất Loạn được nữa?

Nói như vậy thì phải trừ khử cách nào mới nên? Phải “trong tâm thật sự trống không, một niệm chẳng khởi”. Ðấy là chân lý. Nguyên lai bổn tánh là bất động, hễ động thì gọi tên khác là Tâm. Chúng ta chẳng thường hay nói là “khởi tâm động niệm” đó sao? Khởi tâm chính là khởi lên ý niệm. Một ý niệm vừa khởi lên bèn có mục tiêu nên sẽ tạo nghiệp. Tạo nghiệp sẽ phải lãnh quả báo. Thiện nghiệp thì thiện báo, ác nghiệp thì ác báo. Các báo thiện, ác lại chẳng thể triệt tiêu lẫn nhau, làm gì phải chịu báo nấy. Giống như nay chúng ta được báo ứng, so với ba ác đạo thì vẫn còn khá hơn. Tuy vậy, chúng sanh gồm có cửu giới[5], nhân loại chỉ là một trong chín giới đó, vẫn chỉ là tạm thời ngoi đầu lên trên biển khổ mà thôi. Vẫn là nhiều đời, nhiều kiếp đến nay, chẳng biết mấy khi làm lành, tạm hưởng được thiện báo.

Nói đến thiện báo thì phải có được thân người thì mới có thể giải thoát. Nếu chẳng được thân người thì đừng nói chi đến chuyện hiểu Phật pháp, ngay cả chuyện hiểu thông suốt những ngôn ngữ bình thường đã khó khăn rồi: Chim có tiếng chim, thú có tiếng thú. Nói đến thiện báo được làm thân người thì xét đến cùng là do tạo nghiệp nào mà được, chỉ sợ chúng ta đều chẳng tự biết vậy.

Nói chung, từ vô thỉ kiếp cho đến hiện tại, chúng ta tạo nghiệp, lãnh báo, một bề biến hóa không ngừng, vậy thì hiện tại chúng ta phải nên làm gì? Trước khi xét đoán phương pháp, chúng tôi xin minh định trước: Hễ có thân là phải có khổ. Nếu không có cái thân tứ đại giả hợp này thì không có chỗ nào để thọ khổ cả. Muốn tiêu tội nghiệp thì phải bắt đầu từ đầu nguồn. Ðầu nguồn chính là Tâm. Tâm không có hình dáng nhưng lại chính là nguyên động lực lôi kéo chúng ta luân lạc sanh tử. Chúng ta khởi tâm động niệm bèn tạo nghiệp, nhiều đời nhiều kiếp chồng chất chẳng biết là bao nhiêu.

Trong kinh dạy: “Nếu như ác nghiệp có thể tướng thì trọn cõi hư không chẳng thể chứa đựng nổi”. Nghiệp nhiều như thế đấy. Chẳng cần nói đến kẻ không siêng niệm Phật; đối với người khéo niệm Phật, có phải là sẽ tiêu sạch được ác nghiệp từ trần sa kiếp chăng? Chỉ e rằng chẳng đơn giản như vậy. Ví như vầng Thái Dương chiếu xuống tuyết, tuyết tan thành nước. Thế sao tuyết đọng trên Tuyết Sơn suốt năm chẳng tan? Há có phải là mặt trời chẳng rọi xuống Tuyết Sơn đâu! Lời tục nói: “Băng đóng ba thước, chẳng phải là trời lạnh một ngày”. Chỉ đơn độc cậy vào sức mình, làm sao đạt được “tâm không?” Làm sao tiêu trừ tội nghiệp cho được? Nói như thế thì nhất định phải nhờ cậy [sức Phật]. Ðấy chính là Nhị Lực.

Ðiều thứ hai là chữ Nhị Lực chẳng phải chỉ nói về hai lực ấy, mà còn hàm chỉ nhiều thứ. Chẳng hạn như trong đạo tràng này có rất nhiều người, nhưng ta cũng có thể nói là có hai loại người. Một là giảng, hai là nghe. Vì thế chỉ nói “hai” nhưng đã bao gồm người giảng, người phiên dịch, người nghe, người lo liệu công việc... biết bao là thứ. Vì thế chữ “Nhị” còn hàm ý “rất nhiều”.

Trong kinh A Di Ðà, mười phương chư Phật đều nói: “Chúng sanh các người đều nên tin vào kinh Khen Ngợi Công Ðức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Ðược Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này”. Phật nói với Bồ Tát, Bồ Tát lại đem lời ấy tuyên thuyết, lần lượt lan truyền rộng rãi như thế trùng trùng vô tận, rốt ráo chẳng hề có kết thúc. Quý vị nghĩ xem, nghĩ đến cùng là nhiều hay không nhiều vậy? Vì thế, sức của ác nghiệp cố nhiên là to, nhưng sức của mười phương chư Phật cũng rất to. Do mười phương Phật đến giúp ta tiêu nghiệp thì sợ gì chẳng thành tựu cơ chứ?

Kinh A Di Ðà dạy: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này mà thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm”. “Niệm” có nghĩa là trong tâm Phật có mình. Tâm Ngài đã có mình thì nếu mình có chuyện gì, các Ngài sẽ đến giúp cho. Ðấy là “Hộ”. Nói như vậy có phải là chúng ta cứ ngồi chờ Phật đến rước chăng?

Phật giáo Nhật Bản có một tông phái mệnh danh là Chân Tông chuyên giảng về nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện của A Di Ðà Phật, cho rằng chỉ cần tin vào Phật thì Phật sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Thật ra làm gì tiện lợi như vậy! Cầu Phật đến tiếp dẫn phải có đủ Tín Nguyện Hạnh thì mới cảm ứng được!

Thế nào là Cảm Ứng? Giống như quý vị niệm Phật ở nơi đây (không phải là xướng Phật) thì Niệm chính là Tâm của quý vị, tâm quý vị khởi niệm nơi Phật thì Phật hộ niệm quý vị. Hai bên hòa hợp, đó là Cảm Ứng. Nhưng niệm Ðức Phật nào? Niệm A Di Ðà Phật. Nếu một mặt vừa niệm Phật A Di Ðà, một mặt lại niệm Phật Dược Sư, tự cho rằng “đằng nào cũng là niệm Phật” thì lại là lầm mất rồi, sẽ chẳng được cảm ứng.

Quý vị xem đây: Hai bàn tay tôi vỗ vào nhau phát ra tiếng. Ðấy là một loại âm thanh. Dùng tay vỗ lên bàn thì lại là một loại âm thanh khác. Hai loại khác nhau. Vì thế, đức Thích Ca Mâu Ni Phật dạy quý vị niệm A Di Ðà Phật thì quý vị niệm A Di Ðà Phật, chỉ nên tuân theo Thánh Lượng thì mới được lợi ích!

Tiếp đây, tôi đem các phương pháp dạy niệm Phật của chư Tổ Sư tặng cho quý vị. Nếu thật có thể hành đúng như pháp thì sẽ có thể chế phục Hoặc, đạt được Giả Nhất Tâm (Nhất Tâm có hai loại: Lý Nhất Tâm là chân lý, Sự Nhất Tâm thuộc về tướng trạng bên ngoài, là phương tiện. Vì thế, Sự Nhất Tâm còn được gọi là Giả Nhất Tâm), sau rồi sẽ được vãng sanh.

“Niệm Phật bất tất cầu đa niệm”: Niệm Phật chẳng cần phải niệm cho thật nhiều.

“Ðản niệm bát bách tâm bất loạn”: Niệm một xâu chuỗi một trăm lẻ tám tiếng sao cho dù một chữ cũng chẳng loạn.

“Kỳ trung trước hữu nhất niệm sai”: Trong một trăm lẻ tám câu niệm ấy, nếu như có một câu niệm lầm lẫn.

“Trạo chuyển châu đầu đô bất toán”: Những câu niệm từ đầu xâu chuỗi tính đến câu sai ấy đều không tính nữa. Câu này rất khẩn thiết. Có một điểm cần phải chú ý là “tự niệm, tự nghe”. Lúc niệm phải niệm sao cho rõ ràng, tách bạch. Lúc nghe cũng phải nghe sao cho phân minh, rành rẽ. Hễ niệm sai một câu thì phải niệm lại từ đầu. Lúc quý vị thực hành công khóa chánh, nên làm theo đúng phương pháp đã dạy trong bài kệ này để hòng cầu được Nhất Tâm Bất Loạn. Còn như lúc tán niệm (niệm Phật ngoài thời công khóa chánh) thì có thể tùy duyên.

Hiểu rõ những điều trên đây rồi thì không cần phải mất công nói nhiều nữa, cứ chiếu theo đó mà làm là được. Tiếp đây, tôi dùng một bài kệ để tổng kết lại:

“Vạn pháp tinh hoa lục tự bao,
Thánh ngôn chân lượng bạt tâm mao,
Trì danh dung dị nan trừ mạn,
Vô giá bảo châu tùng thử phao

“Vạn pháp tinh hoa lục tự bao” (tinh hoa của vạn pháp được bao gồm trong sáu chữ): Phật pháp vô biên, Trung Quốc gọi là Tam Tạng (nhưng thật ra còn rất nhiều kinh chưa được phiên dịch [sang tiếng Hán]), gọi chung là “vạn pháp”. Chữ “tinh hoa” chỉ tinh thần chân chánh [của vạn pháp], cũng có nghĩa là những lời trọng yếu. Chỉ niệm sáu chữ là đã bao quát cả Tam Tạng mười hai bộ kinh, cũng có thể nói là đã hiểu được Tam Tạng mười hai bộ kinh rồi thì mới hiểu được sáu chữ “nam mô A Di Ðà Phật”. Nếu chẳng thể niệm hết toàn bộ kinh tạng thì niệm sáu chữ cũng giống như niệm hết toàn bộ kinh tạng vậy.

“Thánh ngôn chân lượng bạt tâm mao” (Dùng thánh ngôn làm Chân Lượng để nhổ trừ cỏ tranh trong tâm): Vì sao nói là sáu chữ bao gồm trọn vẹn Tam Tạng? Quý vị phải chân chánh dốc lòng niệm sáu chữ này, tâm chẳng chạy theo bên ngoài thì sẽ mau chóng được khai ngộ. Thế nhưng, quý vị đã khai ngộ chưa? Chưa. Vì sao chưa? Là vì tâm nhãn quý vị bị cỏ tranh (mao thảo) che lấp cho nên chẳng thể mở ra được. Hiện tại, ta tuân theo Thánh Ngôn niệm sáu chữ này chính là nhổ bật cỏ tranh che lấp để tâm nhãn được rộng mở.

“Trì danh dung dị, nan trừ mạn”: (Trì danh khá dễ, nhưng mạn vẫn khó trừ): Chữ “danh” chỉ danh hiệu A Di Ðà Phật. “Trì” là nắm giữ, chẳng buông bỏ, mà cũng là niệm. So với niệm kinh, trì danh dễ dàng hơn, nhưng vẫn có chỗ khó khăn. Tức là còn cống cao, ngã mạn, tự cho rằng: “Tôi làm rồi, tôi hiểu rồi”. Hễ có cái căn bản phiền não này thì sẽ chẳng thành tựu. Học Phật thì bước thứ nhất là Vô Ngã. Có Ngã thì cũng vãng sanh, nhưng tiếc là vãng sanh trong lục đạo, vĩnh viễn chẳng giải thoát. Vì thế, muốn được giải thoát thì trước hết phải trừ Ngã Mạn. Trừ bằng cách nào? Nhà Phật có nói đến Lục Hòa Hợp, hết thảy đều bình đẳng. Nhưng Ngã Mạn rất khó trừ.

“Vô giá bảo châu tùng thử phao” (bảo châu vô giá do đây mà bị ném đi): Nếu chẳng trừ Ngã Mạn thì khác nào xem thường ném bảo châu vô giá Tam Bảo đi.

Ở nơi này, chư vị hãy thử thí nghiệm phương pháp vừa nói trên đây, hết thảy đều buông xuống hết, chỉ cầu Nhất Tâm thôi!

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch