“Tăng” là tiếng gọi tắt của tiếng “tăng già”, có nghĩa là đông người. Tập hợp ba hoặc bốn vị tì kheo đã thọ giới cụ túc mới được xưng là Tăng. Như vậy thì tăng là danh hiệu của đoàn thể, chứ không phải chỉ riêng cho một cá nhân nào. Đời sau, một người cũng xưng là tăng, có ý nói rằng, người đó là một phần tử của tăng đoàn; ví như thời xưa, 12.500 lính mới là một quân (theo quân số Trung quốc – HC), nhưng một người lính cũng được gọi là quân, về lí lẽ thì hơi giống nhau, nhưng, nếu chiếu theo định nghĩa mà nói, thì một người phải xưng là “tì kheo”, còn nhiều người thì xưng là “tăng”, mới là hợp lí.
Lại nữa, một nghĩa khác của chữ “tăng” là hòa hợp. Điều được gọi là “hòa hợp” ấy, lại có hai nghĩa: 1) Hòa hợp về lí, tức “chứng trạch diệt”(1), nghĩa là cùng chứng nhập cái mục đích niết bàn mà đoàn thể đồng chọn lựa. 2) Hòa hợp về sự, gồm sáu điều: 1 Thân hòa hợp cùng ở, tức là thân thể cùng ở chung với nhau một cách hòa bình. 2 Miệng hòa hợp không tranh cãi, tức là không tranh cãi với nhau trong lúc nói năng. 3 Ý hòa hợp cùng vui, tức là tâm ý mọi người cùng hòa thuận vui vẻ với nhau. 4 Giới luật hòa hợp cùng tu, tức là mọi người cùng nhau tuân thủ một thứ giới luật. 5 Cùng hiểu biết kiến thức của nhau, tức là kiến giải của mọi người đều hoàn toàn nhất trí. 6 Phúc lợi cùng chia đều, tức là các phúc lợi được chia sẻ đồng đều cho tất cả. Xem đó thì biết rằng, số tì kheo từ ba vị trở lên, lại thực hành đầy đủ sáu pháp hòa kính, thì ý nghĩa của chữ “tăng” mới thực là trọn vẹn. Nay xin đem những điều kiện mà tăng hòa hợp phải có đầy đủ, trình bày thành biểu đồ dưới đây:
Chứng trạch diệt
Thân hòa hợp cùng ở
Miệng hòa hợp không tranh cãi
Ý hòa hợp cùng vui
Giới luật hòa hợp cùng tu
Cùng hiểu biết kiến thức của nhau
Phúc lợi cùng chia đều
Luận Đại Trí Độ, quyển 34, phân chia tăng làm hai loại: Thanh văn và Bồ tát. Sự thật, các hành giả trong nhà Phật, khi đã thành chánh giác thì đều gọi là Phật, khi chưa thành chánh giác thì đều gọi là tăng; cho nên tất cả quí vị Thanh văn và Bồ tát đều ở trong số tăng già. Có điều, Bồ tát có phân biệt xuất gia và tại gia, cho nên tăng Bồ tát cũng có hai loại xuất gia và tại gia. Nhưng, nhân vì tăng tại gia còn ẩn chứa dấu vết trần tục, giới hạn mơ hồ, cho nên không phải là nơi để quay về nương tựa(2).
CHÚ THÍCH
01. Luận Đại Trí Độ gồm 100 quyển, do Bồ tát Long Thọ soạn để giải thích kinh Đại Bát Nhã.
PHỤ CHÚ
(01) Chứng trạch diệt tức là chứng quả niết bàn. “Trạch diệt” là một tên khác của niết bàn, là một trong sáu pháp vô vi (trong một trăm pháp), theo giáo lí tông Duy Thức. “Trạch” nghĩa là lựa chọn, phán đoán; “diệt” nghĩa là dứt trừ cả phiền não chướng lẫn sở tri chướng, thoát li sinh tử, chứng nhập cảnh giới niết bàn tịch tịnh (tức là diệt đế trong tứ đế). “Trạch diệt” nghĩa là dùng sức phán đoán, lựa chọn chính xác của trí tuệ để loại trừ phiền não, thoát khỏi mọi trói buộc, chứng đạt giải thoát trọn vẹn.
(02) Theo ý tứ của tác giả trong bài này thì “tăng” là đoàn thể của những người cùng sống chung trong sự hòa hợp và nguyện tu tập theo giáo pháp của Phật để chứng đạt đạo quả cao tột cuối cùng là giải thoát, niết bàn, tức quả Phật. Tăng không phải chỉ có một đoàn thể, mà có nhiều đoàn thể – có thể gọi là “chúng”. Tổng quát thì có hai chúng: xuất gia và tại gia. Xuất gia lại có hai chúng: Bồ tát (đã thọ xuất gia bồ tát giới) và Thanh văn (đã thọ cụ túc giới); tại gia chỉ có một chúng là Bồ tát (đã thọ tại gia bồ tát giới).
Quan niệm về “tăng” như trên của tác giả vẫn chưa đầy đủ. Từ khi Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên ở vườn Lộc dã cho đến khi thu nạp hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tại thành Vương xá hơn một năm sau đó, số đệ tử xuất gia của Phật kể có trên 1.300 vị, tất cả đều đã xuất gia làm “sa môn” từ trước, và bây giờ đều trở thành “tì kheo” – mà tuyệt nhiên chưa hề có “giới tì kheo” (hay “giới cụ túc”). Chữ “tăng” lúc đó là chỉ cho tăng đoàn của Phật; và cả hơn 1.300 vị tì kheo đó đều đã chứng thánh quả A lahán, nên “tăng” cũng là tiếng để chỉ cho một trong Ba Viên Ngọc Quí (Tam Bảo): Phật, Pháp, Tăng. Sau đó, khi hoàng tôn La Hầu La theo Phật xuất gia thì trong tăng đoàn của Phật có thêm chúng Sa di. Từ đó, tăng đoàn của Phật có hai chúng xuất gia: Tì kheo và Sa di. Đến khi thái hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng nhiều công nương thành Ca tì la vệ được Phật cho phép xuất gia thì tăng đoàn của Phật xuất hiện thêm một chúng nữa, là chúng Tì kheo ni. Chấp nhận hành trì “bát kính pháp” là điều kiện tiên quyết để Phật cho phép phái nữ xuất gia. Ngay trong “bát kính pháp” này, từ “thức xoa ma na” (hai năm tập sự trước khi được chính thức thọ giới tì kheo ni) đã được đề cập; cho nên chúng Thức xoa ma na cũng đã có từ lúc chúng Tì kheo ni được thành lập. Chúng tôi chưa tra cứu được để biết vị sa di ni đầu tiên là ai và có vào lúc nào, nhưng rõ ràng là tăng đoàn thời Phật đã gồm có năm chúng xuất gia: Tì kheo, Sa di, Tì kheo ni, Thức xoa ma na và Sa di ni. Giới luật tì kheo chắc chắn là đã được đức Phật chế ra về sau, khi tăng đoàn đã trở nên quá đông đảo và có xen lẫn những phần tử mất phẩm hạnh. – Theo Luật Tì Kheo Giới Bổn Sớ Nghĩa (tì kheo Thích Đỗng Minh dịch, in năm 1996), mãi đến năm thứ 13 sau ngày thành đạo, đức Phật mới chính thức chế giới luật; trước đó Ngài và chư tăng chỉ lược nói đến giới luật mà thôi. Điều đó cho thấy, trước khi giới luật được chính thức chế ra, không nhất thiết phải thọ giới cụ túc mới được gọi là “tăng”. Sau nữa, khoảng một trăm năm trước sau kỉ nguyên Tây lịch, ý niệm và danh từ “bồ tát” được xuất hiện; trước tiên là phát xuất từ các đoàn Phật tử cư sĩ, và sau đó được các vị xuất gia ủng hộ. Từ đó mà các kinh điển đại thừa dần dần được kết tập và hình thành. Dĩ nhiên, sự kiện này đã làm cho tăng đoàn Phật giáo có thêm hai chúng mới: chúng Bồ tát xuất gia và chúng Bồ tát tại gia. Ngày nay, theo định nghĩa của danh từ “tăng” như trên, chúng ta thấy, TĂNG không phải chỉ có bấy nhiêu chúng như tác giả vừa nêu, mà còn có cả chúng Cư sĩ tại gia nam và nữ, dù mới chỉ thọ trì năm giới. Vậy, nếu kể đầy đủ, TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO gồm có chín chúng sau đây: Bồ tát xuất gia, Tì kheo, Tì kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na (ni), Bồ tát tại gia, Cận sự nam và Cận sự nữ. Theo ý nghĩa này, tất cả các chúng đều bao gồm trong TĂNG BẢO. Và “qui y Tăng Bảo” có nghĩa là: nếu chưa là Phật tử thì xin quay về nương tựa chư tăng để trở thành Phật tử; nếu đã là Phật tử thì vừa quay về nương tựa nơi chính mình, vừa quay về nương tựa nơi đoàn thể tăng chúng (cũng có thể gọi là “tăng thân”). Riêng về việc truyền giới (kể cả truyền tam qui ngũ giới), theo thiển kiến của chúng tôi, sứ mạng này chỉ dành cho chư vị tì kheo và bồ tát xuất gia mà thôi. Chúng tôi nói lên điều này vì hiện thời đã có người chủ trương cho phép cư sĩ được quyền truyền thọ tam qui ngũ giới cho những người muốn qui y Tam Bảo để trở thành Phật tử.
BÀI TẬP
1) Hãy nêu lên hai ý nghĩa của danh từ “tăng”.
Chữ “tăng” có hai ý nghĩa: a) Đông người, tức là phải có từ ba hay bốn vị tì kheo trở lên cùng sống chung một chỗ. b) Hòa hợp, tức là cùng sống chung hòa thuận.
2) Hai ý nghĩa của từ “hòa hợp” là gì?
Từ “hòa hợp” có hai ý nghĩa: a) Hòa hợp về lí, tức là mọi phần tử trong tăng đoàn đều nguyện chứng đạt đạo quả niết bàn tịch diệt, là cái mục đích tối thượng mà mọi người đã cùng chung lựa chọn – thuật ngữ Phật học gọi là “chứng trạch diệt”. b) Hòa hợp về sự, tức là trong khi sống chung, mọi người cùng thực hành sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp.
3) Sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp là những gì?
Sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp là: 1 Thân thể cùng ở chung một nơi một cách hòa hợp (thân hòa đồng trú); 2 Nói năng với nhau một cách ôn hòa, không to tiếng, tranh cãi (khẩu hòa vô tránh); 3 Tâm ý tỏ với nhau luôn luôn trong niềm hoan hỉ, vui vẻ (ý hòa đồng duyệt); 4 Cùng nhau tuân thủ và hành trì một thứ giới luật (giới hòa đồng tu); 5 Chia sẻ cho nhau những kiến thức hấp thụ được để cùng hiểu biết (kiến hòa đồng giải); 6 Các phúc lợi có được đều cùng nhau san sẻ đồng đều (lợi hòa đồng quân).
4) Hãy đem những điều kiện tất yếu phải có đầy đủ của tăng hòa hợp, liệt kê thành đồ biểu.
Tăng hòa hợp Hòa hợp lí Chứng trạch diệt
Hòa hợp sự Thân hòa đồng trú
Khẩu hòa vô tránh
Ý hòa đồng duyệt
Giới hòa đồng tu
Kiến hòa đồng giải
Lợi hòa đồng quân
5) Vì sao tăng tại gia không phải là nơi để quay về nương tựa?
Vì tăng tại gia (cư sĩ) vẫn còn ẩn chứa dấu vết trần tục, giới hạn không rõ ràng, nên không phải là nơi để quay về nương tựa.