Home > Khai Thị Phật Học
Bảy Chúng Và Giới Luật(1)
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Các vị hành giả nhà Phật đều không nằm ngoài bảy chúng. Bảy chúng là: 1) Tì kheo; 2) Tì kheo ni; 3) Thức xoa ma na; 4) Sa di; 5) Sa di ni; 6) Ưu bà tắc; 7) Ưu bà di.

“Tì kheo”(2) là tiếng gọi những vị xuất gia phái nam đã thọ giới cụ túc; gồm có ba nghĩa: 1) Khất sĩ, nghĩa là, trên thì theo đức Như Lai cầu xin giáo pháp để nuôi dưỡng huệ mạng; dưới thì xin ăn nơi người thế tục để duy trì mạng sống. 2) Phá ác(3), nghĩa là tu tập đạo thánh, phá trừ phiền não. 3) Bố ma(4), nghĩa là đạo Phật ngày càng thịnh thì đạo ma ngày càng suy, làm cho ma rất sợ sệt. “Tì kheo ni” là tiếng gọi những vị xuất gia phái nữ đã thọ giới cụ túc, ý nghĩa cũng giống như “tì kheo”; nhưng giới tướng của tì kheo thì gồm 250 điều, còn giới tướng của tì kheo ni thì gồm 348 điều, đó là chỗ khác nhau.

“Sa di” dịch là “tức từ”, nghĩa là dứt bỏ việc ác, làm các việc lành; lại cũng dịch là “cần sách nam”, có ý nói, đó là đối tượng mà đại tăng ân cần sách lệ. Phái nữ thì gọi là “sa di ni”. Sa di có ba loại: Từ 7 cho đến 13 tuổi, gọi là “khu ô sa di”, nghĩa là ở tuổi này chỉ có thể đuổi những con quạ đậu trên sân phơi đồ ăn mà thôi. Từ 14 đến 19 tuổi, gọi là “ứng pháp sa di”, tức là đúng với địa vị của một vị sa di. Từ 20 đến 70 tuổi, gọi là “danh tự sa di”, có ý nói, trong hạng tuổi này, đáng lẽ phải là ở địa vị tì kheo, nhưng vì cơ duyên chưa đủ, cho nên vẫn còn xưng cái danh tự là “sa di”. Cả sa di và sa di ni đều phải thọ mười giới: không sát sinh; không trộm cắp; không dâm dục; không nói dối; không uống rượu; không đeo đồ trang sức và xức dầu thơm vào mình; không ca hát nhảy múa và không đi xem nghe múa hát; không ngồi trên giường cao rộng lớn; không ăn phi thời; không cất giữ tiền, vàng, bạc và các vật quí.

“Thức xoa ma na” dịch là “học pháp nữ”, hay “chánh học nữ”. Sa di ni muốn thọ giới cụ túc làm tì kheo ni, trước tiên phải học sáu pháp trong thời gian hai năm, một là để nghiệm xem trong thời gian đó có thai hay không, hai là cũng để xét xem ý chí và đức hạnh có kiên trinh vững chắc không. Sáu pháp đó là: không sát sinh; không trộm cắp; không dâm dục; không nói dối; không uống rượu; không ăn phi thời. Qua khỏi hai năm đó rồi, nếu tình trạng tốt đẹp, mới được thọ giới cụ túc.

“Ưu bà tắc”(5) dịch là “cận sự nam”, “ưu bà di”(6) dịch là “cận sự nữ”, nghĩa là thân cận và phụng sự Tam Bảo. Hai chúng này phải thọ năm giới: không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu.

Trong bảy chúng kể trên, năm chúng trước là xuất gia, hai chúng sau là tại gia. Các đệ tử nhà Phật đều không ra ngoài bảy chúng. Và bảy chúng này đều lấy việc thọ giới làm tiêu chuẩn. Những người chưa thọ giới, dù hay làm Phật sự, nhưng nếu luận về thân phận, vẫn là không rõ ràng; nếu luận về sự tu trì, vẫn bị ngờ là rỗng tuếch. Cho nên, các hành giả sau khi đã qui y thì phải tiến tới thọ giới, đó quả thật là điều tất yếu.


CHÚ THÍCH

01. Giới đầy đủ gọi là “cụ túc giới”, nói tắt là “cụ giới”, tức là 250 giới của tì kheo và 348 giới của tì kheo ni.

02. Pháp thân lấy trí tuệ làm mạng sống. Hành giả tu đạo là để chứng pháp thân, cho nên mới nói là cầu xin giáo pháp để nuôi dưỡng tuệ mạng.

03. Các tướng trạng khác nhau của giới gọi là “giới tướng”.

04. Ăn quá giữa ngày là ăn phi thời, trong luật chế đó là giới pháp.


PHỤ CHÚ

(01) Giới luật: Đây là một thuật ngữ Phật học, chỉ cho những qui luật của giới pháp Phật giáo, dùng để phòng ngừa và ngăn chận các hành động sai trái của Phật giáo đồ, trong cả ba lãnh vực thân, miệng và ý. Trong Hán ngữ, chữ “giới” nghĩa là khuyên răn, phòng bị; “luật” là những qui tắc nhất định được chế ra để áp dụng chung cho mọi người trong một tổ chức, một đoàn thể, một cộng đồng, hay một quốc gia – mọi người đều phải tuân hành những điều luật ấy như nhau, ai phạm luật sẽ bị trừng phạt.

a) Trong Phật điển, chữ “GIỚI” được dùng tương đương với từ tiếng Phạn “sila” (thi la), chỉ cho mọi hành vi, tập quán, tư cách, đạo đức. Tất cả những tập quán thiện ác đều gọi là “giới”: tập quán tốt gọi là “thiện giới”; tập quán xấu gọi là “ác giới”. Nhưng thường thì nó được dùng giới hạn trong ý nghĩa lành (thiện giới) và thanh tịnh (tịnh giới); đặc biệt dùng để chỉ cho các qui giới có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn lầm lỗi, được chế định cho toàn thể Phật giáo đồ – xuất gia cũng như tại gia. Bản văn (sách) kết tập tất cả các điều mục cấm giới để tì kheo, tì kheo ni thọ trì, gọi là “giới bản” (dịch từ Phạn ngữ “pratimoksa” (ba la đề mộc xoa), nghĩa là cụ túc giới). GIỚI là cơ sở thực tiễn của đạo Phật, cùng với Định và Tuệ, gọi chung là “ba phép học” (tam học); lại là một trong “sáu pháp qua bờ” (lục độ lục ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) của Bồ tát hạnh. Khi Phật còn tại thế, mỗi khi xét thấy các tu sĩ ngoại đạo có những hành động sai trái, Ngài đem những điều ấy răn dạy chúng đệ tử để phòng ngừa, không hành động như ngoại đạo. Sự hành trì những điều răn này là hoàn toàn do nỗ lực tự nguyện của mỗi người, đức phật đã không qui định các hình thức xử phạt nào khi đưa ra các điều răn ấy. Đó là tính đặc trưng, mà cũng là nguyên ủy của “giới” (khác với “luật”, sẽ xin nói sau). Phật giáo Nguyên thỉ, tùy theo tại gia hay xuất gia mà chế định có năm giới, tám giới, mười giới và giới cụ túc (từ “cụ túc giới” nguyên thỉ có ý nói được gần gũi dưới chân đức Phật, về sau ý nghĩa được biến hóa để nói lên sự viên mãn, hoàn toàn của giới luật – so với năm giới, mười giới); Phật giáo Phát triển cũng hành trì những giới ấy, nhưng có thêm giới Bồ tát. Giới do Phật chế định, nếu từ bản chất đã mang tính tội ác (như giết hại, trộm cắp, dâm dục hay tà dâm, nói dối), gọi là “tánh giới”; nếu từ bản chất không mang tính tội ác, nhưng vì để tránh sự cười chê của người đời, hoặc chính những hành động đó có thể dẫn đến phạm tánh giới (như uống rượu chẳng hạn), gọi là “già giới”. Giới gồm có bốn yếu nghĩa: giới pháp (các phép tắc, luật lệ do Phật chế), giới thể (thể tánh của giới, do nghi thức thọ giới mà hành giả có được), giới hạnh (luôn luôn kiểm soát oai nghi, điều phục tâm ý để tiến tu đạo nghiệp), và giới tướng (tướng trạng khác nhau của từng giới).

b) Trong Phật điển, chữ “LUẬT” được dùng tương đương với từ tiếng Phạn “vinaya” (tì nại da, hay tì ni), có nghĩa là điều phục, diệt; tức là chế phục, diệt trừ các lầm lỗi. Đây là những giới cấm do Phật chế định mà chư vị tì kheo, tì kheo ni phải tuân thủ để xây dựng một nếp sống qui phạm cho tăng đoàn. Những giới cấm này được chế định nhằm đúng vào những nhu yếu cụ thể và thực tế, cho nên Luật gọi là “tùy phạm tùy chế” (phạm lỗi gì thì chế luật ngay cho lỗi ấy), hoặc “tùy duyên chế giới” (tùy theo trường hợp mà chế định điều luật). Khi có một đệ tử làm lỗi, đức Phật dạy: Từ nay về sau không được tái phạm lỗi ấy; nếu tái phạm sẽ bị xử phạt. Lời dạy ấy, về sau trở thành qui định của tăng chúng, hễ một điều luật được chế ra, tất có kèm theo một qui định về xử phạt. LUẬT, vì vậy, có tính cách bị động, khác với GIỚI. Luật là một trong ba tạng Phật điển, gọi là Luật tạng. Nội dung tổng quát của tạng Luật gồm có hai bộ: Ba la đề mộc xoa (pratimoksa – ghi các giới điều mà tì kheo và tì kheo ni phải tuân thủ, cùng các cách xử phạt tùy theo lỗi nặng nhẹ) và Kiền độ (skandha – ghi những cách thức tác pháp, những lễ nghi, phép tắc trong nếp sống tăng đoàn). Luật tạng do các bộ phái truyền thừa, đại thể thì giống nhau, nhưng vẫn có một ít tiểu dị giữa các bộ phái đó; ngay cả số của các điều luật cũng có tăng giảm khác nhau. Có 20 bộ phái, nhưng Tứ Phần Luật của Pháp Tạng Bộ (tức Đàm Vô Đức Bộ), Thập Tụng Luật của Hữu Bộ (tức Tát Bà Đa Bộ), Ngũ Phần Luật của Hóa Địa Bộ (tức Di Sa Tắc Bộ), Giải Thoát Luật của Ẩm Quang Bộ (tức Ca Diếp Di Bộ), và Ma Ha Tăng Kì Luật của Đại Chúng Bộ (tức Ma Ha Tăng Kì Bộ) –được gọi chung là “Ngũ Bộ Luật”– là tiêu biểu hơn cả.

Như vậy, xét về nguyên ủy, tính chất của GIỚI và LUẬT không giống nhau, nhưng xét về nội dung tu tập, công dụng hành trì thì chúng cùng một phẩm loại, cùng nương nhau và bổ túc cho nhau, có Giới tức là có Luật, có Luật tức là có Giới, cho nên người đời sau đã gộp hai danh xưng “Giới” và “Luật” lại, làm thành một danh xưng chung, gọi là “GIỚI LUẬT”.

(02) Tì kheo: Đây là tiếng phiên âm từ chữ “bhiksu” (Phạn), hoặc “bhikkhu” (Pali); những tiếng phiên âm khác là bí sô, bật sô, phức sô, tì hô, v.v...; dịch nghĩa là khất sĩ (người ăn xin), trừ sĩ (người diệt nghiệp ác), huân sĩ (người huân tập nghiệp lành), phá phiền não, bố ma, v.v... Danh từ “tì kheo”, trong truyền thống văn hóa Ấn độ thời cổ, có nghĩa là người không có vật sở hữu, chỉ sống bằng khất thực; được dùng để chỉ cho những tu sĩ từ bỏ gia đình, họ hàng thân thuộc, ở ẩn trong chốn núi rừng, lang thang không nhà cửa, không tài sản, sống bằng các vật thực xin được của người đời. Vào thời Phật tại thế, Ấn độ có rất nhiều đoàn tu khất sĩ của rất nhiều giáo phái, thuộc Bà la môn truyền thống hay các trào lưu tư tưởng cấp tiến. Họ quan niệm: Những người biết đến và sùng kính Phạm Thiên, từ bỏ sự ham muốn về con cái, nhà cửa, của cải, sống lang thang, khổ hạnh, thì được coi là “tì kheo”. Mỗi lần triều đình hay các nhà vọng tộc mở hội cúng dường cơm trưa, rất nhiều các đoàn tì kheo của đủ mọi giáo phái tới thọ dụng. Sau khi đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật và thành lập giáo đoàn Phật giáo, Ngài đã gọi các vị đệ tử xuất gia của Ngài là “tì kheo”; đoàn tì kheo này được chính thức gọi là “Tăng già Tì kheo”, hay “Giáo đoàn Tì kheo”. Do sự hành hóa thật tích cực của Phật và các vị đệ tử, chỉ trong một thời gian ngắn, giáo đoàn của Phật đã trở thành một giáo đoàn lớn nhất, nổi tiếng nhất, bề thế nhất về phẩm cũng như về lượng, lấn át hẳn các giáo phái khác đương thời; vì vậy mà từ đó, hầu như nói đến “tì kheo” là người ta nghĩ ngay đến các vị đệ tử của Phật; trải qua đã hơn 2.500 năm, danh xưng ấy vẫn còn dùng cho tới hôm nay. Trong thực chất, từ khi có “Giáo đoàn Tì kheo” thì danh từ “tì kheo” trong đạo Phật mang ý nghĩa cao thượng hơn ý nghĩa thông thường rất nhiều. Trong đạo Phật, danh từ này, ngoài ý nghĩa là “khất sĩ”, còn có hai ý nghĩa đặc biệt khác là “phá ác” (hay “phá phiền não”: dứt sạch vô minh phiền não để đạt quả giác ngộ), và “bố ma” (xiển dương chân lí, phá đổ tà thuyết, khai mở trí tuệ cho mọi người, làm cho các thế lực vô minh phải run sợ). Ngay như từ “khất sĩ”, ngoài cái ý nghĩa là người đi xin ăn thông thường, cũng còn hàm ý nghĩa đặc biệt: cầu xin giáo pháp nơi đức Phật để tu tập, phát triển trí tuệ, dứt hết khổ đau, đạt quả giải thoát giác ngộ, và cứu độ chúng sinh. Như thế có nghĩa, trong đạo Phật, tì kheo là nhân, và giác ngộ giải thoát là quả.

(03) Ác: Thông thường, chữ “ÁC” có nghĩa là tính tình hiểm độc, hung dữ, tàn bạo. Trong Phật học, nó là một thuật ngữ có ý nghĩa rất rộng, tạm dịch là xấu, tương đương với từ “bất thiện”. Mọi pháp (tâm và sắc) trong thế gian đều thuộc một trong ba tính chất: thiện, ác hay vô kí (không thiện cũng không ác). “Ác” là chỉ cho tất cả những ý nghĩ, lời nói và hành động tương ưng với phiền não (tham, sân, si, v.v...), trái ngược với phép tắc, lí lẽ, phá hoại nhân luân, trật tự, gây đau khổ, hại mình hại người, làm trở ngại cho con đường đi đến giác ngộ giải thoát. Một cách tổng quát, những gì gọi là “ác”, đều không ra ngoài mười hành động (nghiệp) sau đây: giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thêu dệt bịa đặt, nói lời độc ác, tham lam, sân hận, và tà kiến. Diệt trừ hết mười điều ác này, gọi là “phá ác”.

(04) Ma: “Ma” cũng gọi là “ác ma”, có nghĩa là giết hại, phá hoại, chướng ngại, cướp đoạt mạng sống; dùng để chỉ cho những loài quỉ thần hung ác, chuyên cản trở các việc lành. Kinh điển thường nói, thiên ma (hay thiên ma ba tuần) ở cõi trời Tha hóa tự tại là loại thần hay phá hoại chánh giáo. Ma là một thế lực mạnh, nên cũng được gọi là “ma vương”, hay “ma quân”. Kinh Phật Bổn Hạnh Tập liệt kê có 20 loại ma quân: ma ham muốn, ma không hoan hỉ, ma đói khát nóng lạnh, ma mê đắm, ma ham ngủ, ma sợ sệt, ma nghi hoặc, ma sân hận, ma tranh danh đoạt lợi, ma ngu si, ma kiêu căng ngạo mạn, và ma hại người. Nói chung, tất cả những phiền não, nghi ngờ, mê luyến, v.v... thường nhiễu hại chúng sinh, đều gọi là “ma”. Những thứ nhiễu loạn ấy, nếu từ trong tâm mình phát sinh thì gọi là “nội ma”; nếu từ ngoại giới vướng vào thì gọi là “ngoại ma”. Luận Đại Trí Độ cho rằng, tất cả những gì không phải là thật tướng của các pháp thì đều là “ma”. Luận Du Già Sư Địa phân “ma” làm bốn loại: ma ngũ ấm, ma phiền não, ma chết, và ma trời (thiên ma làm chướng ngại đạo giải thoát). Phiền não chướng và sở tri chướng cũng được coi là hai loại ma. Có thể nói tóm tắt một câu: “Ma là tất cả các thế lực vô minh, luôn luôn tìm mọi cách ngăn trở con đường tiến đến giác ngộ giải thoát”. Vì vậy, từ “bố ma” có nghĩa là hùng lực của hành giả làm cho tất cả các thế lực vô minh phải khiếp sợ. Cho nên, đã là đệ tử Phật thì nhất định không vì danh vị, lợi dưỡng mà tán đồng, dua nịnh, thậm chí còn khiếp sợ, phải tự nguyện sống nương nhờ vào các thế lực ác ma.

(05) Ưu bà tắc: “Ưu bà tắc” là tiếng dịch âm của từ Phạn ngữ “upasaka”, dịch ra Hán ngữ là “cận sự nam”. “Cận sự” có nghĩa là gần gũi phụng sự Tam Bảo. Cận sự nam là những người phái nam đã thọ lễ quay về nương tựa với Ba Viên Ngọc Quí, nguyện hành trì năm giới dành cho người cư sĩ, chính thức trở thành những Phật tử tại gia thuộc giáo hội Phật giáo. Tương truyền, sau khi thành đạo, đức Phật đã trải qua 49 ngày không ăn uống. Bấy giờ, Ngài đang ngồi dưới gốc cây La xà da hằng na (Rajayatana), có hai thương gia Đề Vị (Tapussa) và Bà Lê Ca (Bhallika) đi ngang qua. Thấy Phật, hai ông liền lấy lương thực đi đường của mình gồm có bột rang khô và mật ong, đem đến trước Phật, đảnh lễ và dâng cúng. Đức Phật thọ nhận. Sau khi Phật thọ thực xong, hai thương gia quì dưới chân Ngài và bạch: “Bạch Thế Tôn, chúng con xin qui y Phật, qui y Pháp. Xin Ngài thâu nhận chúng con làm thiện tín kể từ nay đến suốt đời chúng con.” Đức Phật nhận lời, và đó là hai người đệ tử tại gia đầu tiên của Phật đã qui y với Hai Ngôi Báu (vì chưa có Tăng Bảo). Sau đó không lâu, lúc đức Phật ngự tại vườn Lộc uyển, thì tại thành Bala nại, ông trưởng giả cha của Da Xá, sau khi phát giác thấy con bỏ nhà đi mất giữa đêm khuya, lập tức đi tìm. Ông đi lần tới vườn Lộc uyển thì trời vừa rạng sáng. Ông gặp Phật và được Phật độ. Lúc đó ông mới biết, con ông, Da Xá, đã trở thành một vị tì kheo, đệ tử xuất gia của Phật. Ông liền xin qui y Tam Bảo, và trở thành người đệ tử tại gia đầu tiên của Phật, đã qui y với đầy đủ Ba Ngôi Báu (Tăng Bảo lúc đó là sáu vị tì kheo, kể cả ngài Da Xá).

(06) Ưu bà di: “Ưu bà di” là tiếng dịch âm của từ Phạn ngữ “upasika”, dịch ra Hán ngữ là “cận sự nữ”, có nghĩa là những người phái nữ đã thọ lễ quay về nương tựa với Ba Viên Ngọc Quí, nguyện hành trì năm giới dành cho người cư sĩ, chính thức trở thành những Phật tử tại gia thuộc giáo hội Phật giáo, thường gần gũi phụng sự Ba Viên Ngọc Quí. Tương truyền, tại vườn Lộc uyển, sau khi được Phật độ và trở thành người cận sự nam đầu tiên của Phật, đã qui y với đầy đủ Ba Ngôi Báu, ông trưởng giả cha của ngài Da Xá đã cung thỉnh Phật và sáu vị tì kheo, ngay buổi trưa ngày hôm ấy, đến nhà ông trong thành Ba la nại, thọ trai. Sau khi thọ trai xong, đức Phật đã nói pháp để độ cho gia đình ông. Ngay sau thời pháp, mẹ và vợ của ngài Da Xá đã xin thọ lễ quay về nương tựa với Ba Ngôi Báu, trở thành hai bà cận sự nữ đầu tiên của giáo hội Phật giáo.


BÀI TẬP

1) Bảy chúng là gì?

Bảy chúng là bảy đoàn thể tu tập theo đạo Phật. Hàng xuất gia có năm chúng: tì kheo, tì kheo ni, thức xoa ma na, sa di và sa di ni; hàng tại gia có hai chúng: ưu bà tắc và ưu bà di.

2) Hãy trình bày ba ý nghĩa của từ “tì kheo”.

“Tì kheo” có ba ý nghĩa:

1. Khất sĩ: là người đi xin; trên thì theo Phật xin giáo pháp để nuôi dưỡng tuệ mạng, dưới thì xin cơm của người thế tục để duy trì thân mạng.

2. Phá ác: là dùng trí tuệ để diệt trừ phiền não vô minh.

3. Bố ma: là có năng lực làm cho Phật pháp hưng thịnh ở thế gian, đẩy tà ma tiêu vào bóng tối, cho nên tà ma rất sợ sệt. 3) Hãy giải thích hai từ “tức từ” và “cần sách”.

“Tức từ” nghĩa là dứt các điều ác và làm các điều lành. “Cần sách” nghĩa là đối tượng mà đại tăng luôn ân cần sách lệ.

4) Có mấy loại sa di? Hãy phân biệt trình bày và giải thích về tuổi tác và danh hiệu của mỗi loại.

Sa di có ba loại:

1. Khu ô sa di: là chỉ cho các sa di nhỏ tuổi nhất: từ 7 đến 13. Vì còn quá bé bỏng, các chú sa di ở tuổi này chỉ được giao cho công việc nhẹ nhàng như đuổi chim quạ để chúng không ăn lúa thóc của chùa phơi trong sân mà thôi.

2. Ứng pháp sa di: là các sa di ở tuổi từ 14 đến 19. Quí vị sa di ở tuổi này được xem là chính thức của hàng sa di, việc tu học được chăm sóc kĩ càng để chuẩn bị thọ giới cụ túc làm tì kheo (khi đủ 20 tuổi), nhập vào nếp sống chính thức của tăng đoàn.

3. Danh tự sa di: là chỉ cho những vị sa di ở tuổi từ 20 trở lên. Theo luật thì những vị xuất gia ở tuổi 20 trở lên đều được phép thọ giới cụ túc để trở thành tì kheo. Nhưng vì lí do nào đó, nhân duyên chưa đủ, nên những vị này chưa thọ giới cụ túc được, mà vẫn phải giữ danh phận là sa di. 5) Hãy kể ra giới tướng mà các chúng ưu bà tắc, ưu bà di, sa di, sa di ni và thức xoa ma na phải thọ.

1. Giới tướng của hai chúng ưu bà tắc và ưu bà di đều giống nhau, gồm có 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

2. Giới tướng của hai chúng sa di và sa di ni đều giống nhau, gồm có 10 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không đeo đồ trang sức và thoa dầu thơm vào người, không ca hát nhảy múa và không đi xem nghe ca múa, không nằm ngồi trên giường cao rộng lớn, không ăn phi thời, không tích trữ tiền của, vàng bạc và các vật quí.

3. Giới tướng của chúng thức xoa ma na gồm có 6 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn phi thời.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Bảy Chúng Và Giới Luật(1)

Kinh Sách Liên Quan