Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tam-Khong-Kho-Thi-Than-Khong-Kho

Tâm Không Khổ Thì Thân Không Khổ
Đại Sư Thích Ấn Thuận | Dịch Giả : Thích Vạn Lợi

1. Lời nói đầu

Tôi đến Viện điều dưỡng Lạc Sinh nói pháp cho quý vị, thật sự có rất nhiều cảm xúc. Đầu tiên, tôi rất cảm thông những nỗi khổ niềm đau của quý vị. Trong hoàn cảnh như thế này, quý vị còn có thể đến để cùng tu học Phật pháp, có thể nói là điều vô cùng hy hữu và hoan hỉ! Chư Phật và Bồ tát rất từ bi, các Ngài chưa bao giờ bỏ rơi chúng ta, chưa từng bỏ rơi một chúng sinh nào, chúng ta cũng thường ở trong ân đức hộ niệm của quý Ngài; chỉ tiếc là tâm hạnh của chúng ta không tương ứng với tâm hạnh của chư Phật và Bồ tát mà thôi. Ở trong thế giới vô biên khổ ách, chỉ có Phật pháp mới an ủi chúng ta, cũng là ánh sáng chỉ đường, là nơi nương tựa của chúng ta! Vì vậy, ngoài Phật pháp ra, chúng ta còn hi vọng điều gì khác nữa không?

2. Phật nói nhân sinh là khổ

Phật dạy cuộc đời là khổ, điều này mọi người đều trải nghiệm qua. Đức Phật từng dạy: “Thân người thường bị bệnh tật, đau như bệnh ung nhọt, cùi hủi”. Ngài từng đặt ra câu hỏi khi nào chúng ta mới chấm dứt được nỗi khổ? Tất cả chúng sinh và nhân loại, không những trong hiện tại bị chìm đắm trong nỗi khổ, mà còn chưa bao giờ xa lìa bệnh khổ, xa lìa khổ ách, chỉ khác là khổ nhiều hay khổ ít, bệnh nặng nhẹ mà thôi.

Hiện tại những bệnh khổ của chúng ta rất nặng, nếu có thể giảm được phần nào thì tốt phần đó. Do đó, chúng ta đừng nên so sánh với người khác, vì rất muốn sung sướng không khổ, được mạnh khỏe không bệnh, nhưng vì thấy thế mà thêm phần đau khổ. Phải biết rằng, tất cả chúng sinh còn trong vòng sinh tử chưa bao giờ xa rời nỗi khổ. Chúng ta luôn ở trong nỗi khổ, mà hiện tại mang bệnh thì càng khổ đau hơn. Vì thế, chúng ta chỉ có cách buông bỏ hoàn toàn, hướng đến con đường giải thoát sinh tử, hướng đến cảnh giới không bệnh không chết!

3. Thân khổ và tâm khổ

Nói đến nỗi khổ, có thân khổ, có tâm khổ. Những nỗi khổ của thân như không có đồ mặc, không có thức ăn, bị gió mưa, nắng cháy, lạnh lẽo, bị đánh đập, hỏa hoạn, cướp bóc, bệnh dịch, thú dữ v.v., những nỗi khổ này mỗi người đều cảm nhận được. Từ sự phát triển của khoa học kỷ thuật, người lao động và nhà sử dụng hợp tác, y học tiến bộ, v.v., tuy không thể triệt để xóa bỏ được nỗi khổ, nhưng tương đối có thể cứu giúp phần nào cho chúng ta.

Tâm khổ thì mỗi người mỗi khác, ví dụ: Thất vọng, oán hận, sợ hãi, thù hằn, đau thương, nóng giận, v.v., giống như cùng ngắm trăng, nhưng tâm trạng mỗi người khác nhau, có người vui vẻ, có người bi thương, có người sợ hãi, có người cảm thấy cô đơn hiu quạnh, có người cảm thấy mát mẻ an lành.

Cũng như khi bị bệnh, có người bệnh nhẹ mà tâm lý đau thương sợ hãi đến cực điểm; cũng có người tuy mắc phải trọng bệnh nhưng tâm không đến nỗi quá khổ đau. Do đó, từ nghiệp báo trong quá khứ, hoặc là những nhân duyên nhỏ gây ra những nỗi khổ về thân, chúng ta cần phải tìm cách chữa trị cho phù hợp; với tâm khổ từ các duyên hiện tại hoặc là cái khổ tích lũy từ quá khứ, thì chúng ta tu trì theo Phật pháp, phải khống chế nó, trừ bỏ nó, đạt đến trạng thái “không còn lo sợ”, “không còn đau buồn khổ não”.

Nếu như quý vị đang mang trọng bệnh, thì bất luận là nghiệp báo trong quá khứ hay là nhân duyên tạo ra trong đời này, mà hiện tại y học chưa thể chữa trị tận gốc, thì chúng ta chỉ còn có cách an phận, đừng si mê mà gây thêm khổ não cho tâm.

Giải trừ tâm khổ là tự mình làm chủ. Tôi nói cho quý vị biết, có những vị A la hán liễu sinh thoát tử, cũng không thể thoát khỏi những bệnh khổ của thân, nhưng tuyệt đối họ không có nỗi khổ của tâm. Đức Phật từng nói: Các con phải “thân tuy khổ, nhưng tâm không khổ”. Tôi nghĩ đó là giáo lý từ bi nhất, phương pháp hay nhất của Đức Phật, mà chúng ta cần đặc biệt đảnh lễ hành trì!

Thân và tâm, tinh thần và vật chất, vốn hỗ tương ảnh hưởng nhau, nên thân khổ khiến cho tâm khổ, ngược lại, tâm khổ cũng làm cho thân khổ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cái khổ của thân dù giảm bớt, nhưng chưa hẳn là cái khổ của tinh thần đã giảm. Như thời cận đại, văn minh vật chất rất tiến bộ, đúng lý thì tinh thần phải thoải mái chứ, nhưng sự thật thì ngược lại, những người thần kinh yếu kém, tinh thần thất thường ngày càng nhiều hơn.

Những cuộc chiến tranh khủng bố, khiến cho con người kinh hoàng lo sợ, trong cảnh khổ cầu sống không được, muốn chết cũng không xong, thì so với những nỗi khổ của thân thì càng khó chịu hơn nhiều. Nhưng tâm khổ biến mất, cũng chưa chắc là hoàn toàn hết đau khổ thể xác, chỉ khi tu tập có năng lực thì có thể giải trừ được thân khổ. Từ tâm không khổ, dẫn đến thân không khổ, đây mới là giáo lý triệt để mà Đức Phật muốn dạy! Đây là hành trang lý tưởng cho chúng ta nỗ lực thực hiện.

4. Phương pháp thoát ly nỗi khổ

Người ngu không biết Phật pháp, không căn cứ vào Phật pháp mà thực hành, thì thân khổ sẽ dẫn đến tâm khổ, tâm khổ sẽ dẫn đến thân khổ, khổ nhỏ sẽ biến thành khổ lớn. Như bệnh nhỏ mà lo sợ u uất; hoặc suy nghĩ về người thương, thương thầm trộm nhớ mà nằm ngồi không yên, lâu ngày thân thể trở nên càng xấu đi rồi khổ! Trong xã hội chúng ta hiện nay, đâu đâu cũng thế, không cần dẫn nhiều ví dụ. Khi hiểu rõ Phật pháp, người trí y theo Phật pháp mà hành, thì thân khổ không dẫn đến tâm khổ, tuyệt đối không vì tâm khổ mà khiến cho thân khổ, khổ nhỏ thành khổ lớn; ngược lại, chúng ta phải làm cho khổ lớn hóa thành khổ nhỏ, khổ nhỏ trở thành không khổ. Điều này quan trọng cốt yếu ở ba vấn đề:

1. Hiểu thấu sự lý nhân quả, tin sâu nghiệp báo, thì không bị đau khổ quấy nhiễu, họ sẽ không làm việc điên đảo.

2. Sám hối tội nghiệp, cầu Phật, Bồ tát gia hộ, tích nhiều thiện căn để giảm bớt khổ não.

3. Tu tập thiền quán, đây là phương pháp dùng tâm để chuyển hóa thân, rất có năng lực, ngày xưa đại sư Nam Nhạc Huệ Tư, bị bệnh tai biến nhẹ, tứ chi chậm chạp, thân và tâm bất nhất không theo nhau. Sau đó, nhờ sức thiền quán nên Ngài hoàn toàn bình phục.

Còn một câu chuyện thật nữa, được ghi chép trong sách đời nhà Thanh, cũng phù hợp với Phật pháp, tôi kể ra để quý vị cùng tham khảo.

Có một cô gái họ Ông, xuất thân trong một gia đình giàu có, vừa xinh đẹp vừa thông minh, kết hôn với một người môn đăng hộ đối. Tình cảm hai vợ chồng rất tốt, gia đình cũng hòa thuận êm ấm. Rất đáng tiếc sau một thời gian, cô gái bị bệnh ghẻ lở, phong cùi. Sau khi phát hiện, dù người chồng hay người thân yêu thương cô cỡ nào, cũng không thể không cách ly với cô. Không lâu, bệnh tình càng ngày càng nghiêm trọng, người nhà bèn làm cho cô một căn phòng nhỏ, cả ngày ở trong đó, giống như nhập thất. Cô ở trong đó suy nghĩ về bệnh tình của mình, đối với tấm thân xấu xí dơ dáy của mình, càng nhìn càng thấy nhờm gớm, càng nhìn càng thấy chán ghét! Tâm niệm về thân tướng xấu xí không sạch luôn ám ảnh trong đầu cô, ngay cả khi ăn uống hay vệ sinh cũng đều như vậy.

Sau đó, cô quán chiếu thấy rõ thân bệnh dơ dáy xấu xí này chỉ là bộ xương trắng không còn dơ bẩn. Bất ngờ từ trong xương trắng phóng ra luồng ánh sáng, chiếu khắp căn phòng, cũng từ đó, bệnh tình cô hoàn toàn không còn nữa! Cô đã xa lánh sắc thân bất tịnh thế gian này, chỉ ở mãi trong phòng nhỏ, sống cuộc đời tự do của cô. Câu chuyện này được truyền đi, rất phù hợp với Phật pháp, đây là quá trình từ tu quán bất tịnh đến quán tịnh. Do tâm đạt được sức định huệ nên dẫn đến sự chuyển biến của thân thể, điều này có thể thực hành được. Chư vị! Cớ sao không nhân chuyện này mà Viện điều dưỡng Lạc Sinh xây những căn phòng như vậy, để có chỗ thiết thực tu hành!

Tôi nghĩ, đại chúng hàng ngày cũng có niệm Phật. Niệm Phật là pháp môn cầu thân tâm được thanh tịnh mà vãng sinh Tịnh Độ. Cần phải nhàm chán thế gian này, nhìn một cách triệt để thì thấy nó là xấu ác bất tịnh. Cổ nhân nói: Tâm chán ghét Ta bà không dứt nên khó mà xả bỏ Ta bà để vãng sinh Tịnh độ. Ta bà là ngũ trược ác thế, sắc thân là nơi hội tụ của ngũ uẩn xấu xa, nếu như quán chiếu triệt để thân này là bất tịnh, thì có thể từ bất tịnh mà chuyển thành thanh tịnh. Ở trên nói đến ví dụ người nữ kia có thể làm gương cho quý vị.

Đức Phật là bậc Đạo sư ở thế gian, là đại y vương! Tin Phật, học Phật, có thể nói là đang đi trên con đường chánh đạo, đi trên con đường quang minh! Đừng quá coi trọng hiện tại, vì còn vô hạn ở vị lai; đừng quá chấp sắc thân, vì còn tự do của tinh thần! Trong ân đức và uy đức của Tam bảo, nguyện cho quý vị: Thân khổ mà tâm không khổ, hướng về con đường tâm tịnh đến thân tịnh!
 
Trích từ: Phước Huệ Tuỳ Thân Thư
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Hồng Danh Sám Hối, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
2 Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
3 Vì Sao Tôi Khổ, Nguyên Minh Tải Về
4 Phước Huệ Tuỳ Thân Thư, Đại Sư Thích Ấn Thuận Tải Về
5 Phước Huệ Song Tu - Việt Anh - Tập 2, Thiện Phúc Tải Về
6 Phước Huệ Tập (1-7), Thích Vạn Lợi Tải Về
7 Phước Huệ Song Tu - Việt Anh - Tập 1, Thiện Phúc Tải Về

Đau Không Có Nghĩa Là Khổ
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Phiền Não Cùng Thống Khổ
Pháp Sư Sướng Hoài

Phải Chăng Bạn Đang Lấy Khổ Làm Vui
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm