Home > Khai Thị Phật Học > Kinh-Phat-Loi-To-Day-Ve-Noi-Kho-Sanh-Tu
Kinh Phật Lời Tổ Dạy Về Nỗi Khổ Sanh Tử
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta ở trong sanh tử luân hồi chịu khổ vô lượng. Nếu suy nghĩ theo nội dung của Kinh Trừ Ưu, có thể làm cho tâm mình vô cùng chán ghét luân hồi sanh tử, đó là những nỗi khổ mỗi người chúng ta đã từng hứng chịu trong luân hồi: “Số lượng nước đồng nung chảy mà chúng sanh trong địa ngục đã uống, tuy lượng nước trong biển cả cũng chẳng sánh bằng. Khi sanh làm loài chó, heo, những thứ bất tịnh mà chúng ăn còn nhiều hơn Tu Di Sơn Vương. Số giọt nước mắt khóc khi thân bằng quyến thuộc xa lìa, chỉ có biển cả mới chứa hết. Số đầu người bị chém trong những lúc đấu tranh, nếu xếp lại, sẽ cao hơn tầng trời Phạm Thiên. Số đất phẩn mà những con trùng đói ăn chất lại nhiều như biển, cao như núi”.

Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.

Đây là những điều xác thật. Cho nên muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc chúng ta phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bị bối rối tay chân.

Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: "Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: "Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huỡn tu một đêm”. Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: "Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục”. Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều lúc làm việc nặng vừa xong sắp muốn đau khi đau bịnh vừa mạnh sắp đi xa lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập”.

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt Đại sư từng khuyên một người thân hữu niệm Phật. Ông này viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả nguyên lại. Hai câu ấy như sau:

Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt.
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!

Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.

Khi xưa, có vị Tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật. Ông bạn bảo: "Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời”. Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều.
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!

Trong bài thi, ý vị tăng nói: Ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy,

Những bài thơ của các vị tổ sư, đại đức đời xưa cũng có thể giúp chúng ta khởi lên tâm sanh tử tha thiết. Ưu Đàm Đại sư đời Nguyên có bài thơ như sau:

“Ủy hài hội thị tích như sơn
Biệt lệ phiên thành tứ hải lan
Thế giới đáo đầu chung hữu hoại
Nhân sanh đạn chỉ hữu hà hoan
Thành nam tác nữ kinh thiên biến
Đái giác phi mao lịch vạn đoan
Bất hướng thử sanh sanh Tịnh độ
Đầu thai nhất thác hối thời nan”.

Tạm dịch:

“Nhìn lại núi thây cao chót vót,
Bốn biển đong đầy lệ biệt ly,
Thế giới mai sau hư hoại hết,
Đời người thoáng chốc có vui gì?
Làm thân nam nữ hơn ngàn lượt,
Mang đội sừng lông đã vạn kỳ,
Đời này chẳng quyết sanh Tịnh độ,
Lầm lạc đầu thai hối kịp chi!”.

Tỉnh Am Đại sư có bài thơ như sau:

“Nhất tự Ta bà hệ nghiệp nhân
Đa sanh lưu chuyển thật toan tân
Tu du xuất ốc hựu đầu ốc
Tấn tốc xả thân hoàn thọ thân
Tằng tác vương hầu tranh quốc ấp
Kỷ vi lâu nghĩ táng ai trần
Giá hồi nhược bất tư quy khứ
Y cựu tùng tiền thọ khổ luân”.

Tạm dịch:
“Nghiệp nhân trói buộc cõi Ta bà,
Lưu chuyển nhiều đời quá xót xa,
Khoảnh khắc thoát ra, liền trở lại,
Xả thân thoáng chốc lại đầu thai.
Từng làm vua chúa giành non nước,
Mấy lượt cát lầm phận kiến hôi!
Lần này chẳng tưởng về An Dưỡng,
Như cũ vùi đầu khổ mãi thôi!”.

Trên đây là lời khai thị của tổ sư đại đức, vun bồi tâm sanh tử khẩn thiết cho chúng ta. Kế tiếp là một thí dụ và câu chuyện giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tâm sanh tử.

Từ thí dụ, chuyện kể để hiểu rõ về tâm sanh tử khẩn thiết.

Đại sư La Thập có kể một câu chuyện như sau: “Thí dụ có người gặp giặc cướp đến sắp giết hại. Người ấy muốn mau vượt qua sông để chạy thoát. Lúc đó, trong tâm người ấy chỉ có một niệm là bằng hết mọi cách phải vượt qua sông, chỉ có một niệm này, không có niệm nào khác. Ý niệm vượt qua sông ấy chính là nhất niệm. Chỉ có niệm này, không có tạp niệm nào khác”. Đây chính là hình dáng của tâm sanh tử khẩn thiết, chỉ có một niệm muốn vượt thoát, ngoài ra không có niệm nào khác. Lão hòa thượng Hải Hiền dùng ngay tâm này để niệm Phật, mỗi niệm đều là A Di Đà Phật, do vậy, Ngài có thể thành công. Người có tâm sanh tử tha thiết, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, chẳng có tâm niệm nào khác.

Thêm một câu chuyện giúp chúng ta hiểu được tâm sanh tử tha thiết. Lương Võ Đế mời thiền sư Bảo Chí Công coi hát. Lúc vãn tuồng, Lương Võ Đế hỏi thiền sư: “Hôm nay tuồng hát diễn hay không?”

Thiền sư đáp: “Tôi không biết”.

Vua lại hỏi: “Hôm nay đào kép hát hay không?”

Thiền sư cũng đáp: “Tôi không biết”.

Nhà vua cảm thấy vô cùng kỳ lạ, thiền sư rõ ràng ngồi ở đó coi hát, làm sao không biết?

Thiền sư đáp: “Tâu Bệ Hạ! Ngày mai hãy mời họ hát thêm một tuồng nữa, đồng thời dẫn một tù nhân sắp bị tử hình đến xem. Ra lệnh cho tù nhân ấy bưng một thau nước gần tràn đầy quỳ trước khán đài để coi hát. Hãy nói với người ấy rằng: “Ngươi quỳ xem hát đến hết tuồng, nếu bưng thau nước này một giọt cũng không văng xuống đất thì vua sẽ xá tội cho ngươi khỏi chết; nếu có giọt nước văng xuống, lập tức đem ngươi chém đầu”.

Tuy vua không hiểu dụng ý nhưng cũng làm theo lời của thiền sư.

Hôm sau, lúc coi hết tuồng hát, một giọt nước trong thau cũng không văng ra ngoài.

Ngài Bảo Chí Công hỏi tội nhân: “Tuồng hát hay không? “

Đáp: “Không biết”.

Ngài Bảo Chí Công lại hỏi: “Giọng hát hay không?”

Đáp: “Không biết”.

Ngài Bảo Chí Công hỏi: “Ngươi quỳ trước khán đài xem hát, nghe hát, tại sao lại không biết?”

Đáp: “Tôi lo canh thau nước để nó đừng tràn ra ngoài còn không xuể, đâu còn tâm tình gì để coi hát, để nghe hát!”

Lương Võ Đế nghe xong mới vỡ lẽ, không quan tâm đến tuồng hát thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng chẳng biết hát gì. Tâm của Bảo Chí Công đặt trên việc lớn sanh tử, chẳng quan tâm đến tuồng hát, làm sao biết tuồng hát hay hoặc dở! Nếu tâm chúng ta đặt trên việc lớn sanh tử, trên việc lớn vãng sanh, vậy thì câu Phật hiệu này tự nhiên sẽ chẳng gián đoạn, dù cho người ta cấm không cho quý vị niệm, trong tâm quý vị cũng sẽ miên miên mật mật, niệm câu này xong lại sang câu kế. Giống như lão hòa thượng Hải Hiền, trong thời Cách Mạng Văn Hóa, người ta cấm không cho hòa thượng niệm Phật, trong tâm Ngài vẫn niệm thầm, chưa từng buông bỏ câu Phật hiệu trong tâm.

Loại đại tâm đại nguyện nàycó thể không chịu sự mê hoặc ở bên ngoài, không chịu sự quấy nhiễu từ bên ngoài, chỉ cần chính mình có một chút tâm danh lợi, thì không có chuyện không bị tổn hại, hay gọi là lỡ một bước thành mối hận thiên cổ, rõ ràng một đời này. Có thể đến thế giới cực lạc làm Phật, rất không may lại đi vào tam đồ, nhân thiên cũng chẳng có phần, do ai hại bạn? Do tài sắc danh lợi không ra khỏi phạm vi này. Ngày ngày đều câu dẫn bạn tham sân si mạn nghi, bạn sống trong  một môi trường đầy dãy tham sân si mạn nghi điều này quá khủng khiếp! Dựa vào chính mình không ngừng hướng lên cao, đây là thụ siêu. Tịnh độ bổn nguyện là pháp thật sự do tha lực, pháp môn Tịnh độ hoàn toàn nương vào oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, đây là dựa vào Phật. Chúng ta chỉ cần đầy đủ điều kiện mà Phật đã nói. Điều kiện rất đơn giản, người người đều có thể đầy đủ, đó là chân thật tin tưởng, không hoài nghi, chân thật phát nguyện, nguyện sanh Tịnh độ, lão thật niệm A Di Đà Phật liền thành công.

Chúng ta xem thấy bé gái 10 tuổi vào năm 7 tuổi nghe người ba nói về tây phương cực lạc thế giới sau khi nghe xong vô cùng mong mỏi về đó, nghĩ đến thế giới cực lạc cô bé liền muốn đi xem thử, yêu cầu người ba đưa bé đi, người cha nói rằng: Cha không thể mang con đi. Cô bé hỏi vậy ai có thể? Là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở đâu? Con chịu niệm ngài, ngài sẽ đến đưa con đi, đứa bé này liền niệm thật, ngày ngày niệm A Di Đà Phật, ngày ngày nhớ nghĩ đến A Di Đà Phật, hy vọng A Di Đà Phật đưa bé đến thế giới cực lạc. Niệm được 3 năm, trong 3 năm này, nguyện tâm không hề gián đoạn, niệm niệm không quên. Đến lúc 10 tuổi là 3 năm, 10 tuổi A Di Đà Phật đến thật, nói với bé ngày đó ta sẽ đến đưa con đi, bảo với bé sẽ đưa bé trở về nhà thế giới cực lạc chính là nhà của bé, trở về nhà của mình. Cô bé mang sự việc này nói cho ba nghe, yêu cầu ba mời những người bạn thân thiết đến tiễn bé vãng sanh, người ba liền làm thật, cô bé cũng đi thật. Điều này nói rõ nam nữ già trẻ, bé gái này là trẻ nhỏ, xuất hiện vào thời đại của chúng ta, đều là vì chúng ta tác chứng, đều là vì chúng ta biểu pháp, người bạn nhỏ này không hề đau ốm, nói đi liền đi thật. Cha mẹ nhìn thấy đều hoan hỉ, làm sao có thể không tin cho được? Pháp môn này, nhất định phải cảm ân A Di Đà Phật, phải cảm ơn Phật Thích ca mâu ni, nếu Phật Thích ca mâu ni không giới thiệu, chúng ta cũng không biết được.

Phật thích ca mâu ni biết bao lần vì chúng ta diễn thuyết kinh vô lượng thọ, đối với sự việc này nhiều lần giới thiệu chứ không phải một lần. Còn những kinh điển khác một đời ngài chỉ giảng một lần không hề giảng lại, nhưng lại giảng kinh vô lượng thọ rất nhiều lần. Chúng ta phải cảm ân 2 bậc đạo sư của thế giới ta bà và thế giới cực lạc. Phật Thích ca mâu ni gửi chúng ta đến đó gọi là cử đi, A Di Đà Phật ở nơi đó nghênh tiếp, thù thắng biết bao. Vãng sanh đến thế giới cực lạc bạn sẽ rất quen thuộc, một chút cũng không bỡ ngỡ, tại vì sao? Vì nhiều đời nhiều kiếp, đời đời kiếp kiếp, những người này là những người có duyên với chúng ta, đều đã vãng sanh trước rồi, đang ở thế giới cực lạc. Những người đó thảy đều theo A Di Đà Phậtcùng nhau đến tiếp dẫn chúng ta vãng sanh.

Chúng ta trong vãng sanh truyện xem thấy, cũng thấy trong Tịnh độ thánh hiền lục 3 năm, nếu 3 năm mà vẫn không thể vãng sanh LÀ DO bạn còn lưu luyến đối với thế gian này, bạn không chịu đi, nếu như bạn đối với thế gian này chẳng chút lưu luyến, khẳng định được vãng sanh.

Dưới tầng hai của chúng ta, trong kết duyên pháp bảo, chúng ta có một phần tư liệu, một bé gái 10 tuổi vãng sanh, cũng là niệm Phật 3 năm. Khi đứa trẻ 7 tuổi, nghe ba của mình đọc kinh, cháu bé hỏi ba đang đọc kinh gì? là kinh A di đà, cô bé liền hỏi cái gì gọi là kinh A di đà? người ba liền đem thế giới cực lạc, giới thiệu sơ lược cho bé, sau khi bé nghe xong rất hoan hỉ nói rằng: ba ơi, có một thế giới tốt như vậy, ba có thể dẫn con đi xem một chút có được không? Người ba nói với cô bé rằng: ba không có năng lực này, vậy người nào thì có năng lực đó? Là A Di Đà Phật. Nếu con thật sự muốn đi, con hãy niệm A Di Đà Phật, người bạn nhỏ này làm thật, niệm được 3 năm, bổng nhiên có một ngày cô bé nói với ba của mình, cô bé đã nhìn thấy A Di Đà Phật. A Di Đà Phật đã nói với bé, muốn tiếp dẫn bé đến thế giới cực lạc. Nên bé yêu cầu ba của mình kêu những người bạn thân của gia đình họ, đến tiễn bé vãng sanh, người ba thật sự làm y như vậy. Có những người bạn thân nói rằng, lời của trẻ con mà anh cũng tin sao? Có một số người lại nói chúng ta cứ xem thử, xem thử lời của người bạn nhỏ này, khi đứa bé thật sự vãng sanh, cô bé nói một chút cũng không sai. Chúng tôi tin tưởng, trong thời gian 3 năm, niệm niệm không quên, mỗi ngày đều hướng về thế giới cực lạc, mỗi ngày đều nhớ đến A Di Đà Phật, bé làm sao không vãng sanh được chứ?

Chúng ta niệm Phật hết một đời cũng không thể vãng sanh, chính là do trong tâm có tạp niệm, có vọng tưởng, có nhiều chỗ còn vướng mắc tình chấp, nên sinh ra chướng ngại, cho nên chân thật muốn vãng sanh, phải hoàn toàn bài trừ những chướng ngại này. Do đó chúng tôi tin tưởng, Hải Hiền lão hòa thượng của chùa Phật Lai ngài 20 tuổi xuất gia, vào cái ngày xuất gia Sư Phụ chỉ truyền cho ngài 1 câu A Di Đà Phật, dặn dò ngài cứ thế mà niệm tiếp tục, người này là người thật thà. Thật thà, nghe lời, thật làm ngài đều đầy đủ, chân thành, thanh tịnh, cung kính ngài cũng đầy đủ. Có điều kiện như vậy, 3 năm có thể không thành tựu sao? Khẳng định có thể mà còn thành tựu vô cùng tốt, hay nói cách khác 3 năm nhất định cảm được Phật hiện thâ, dạy ngài tiếp tục thêm 3 năm nữa, tôi tin rằng ngài được sự nhất tâm bất loạn, lại 3 năm nữa thì đắc được lý nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm chính là đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh
 
Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc Của Hòa Thượng Tịnh Không