Con người hiện đại sống trong những ngôi nhà ngăn cách nhau bằng bê tông cốt thép, càng xây bao nhiêu sự ngăn cách giữa các ngôi nhà càng kiên cố bấy nhiêu. Bức tường ngăn cách lòng người cũng thế, càng ngày càng cao lên theo lòng tham lam, ích kỉ của mình. Bức tường ngăn cách trong lòng người được xây dựng bằng chất liệu “lấy mình làm trung tâm của vũ trụ” mà nên từ đó mọi người không còn thẳng thắn nhìn vào lòng nhau được nữa.
Thực ra đấy không phải là đặc điểm của con người hiện đại vì đó là tâm lí phổ biến nên đời nào cũng vậy, chẳng qua thời xưa con người không đủ điều kiện để thực hiện. Thời kì đức trị đến đỉnh cao trong xã hội thời xưa kể về người đi đường không nhặt của rơi chỉ được nghe kể trong sử sách; thời con người thương yêu, đối đãi nhau bằng lòng chân thành cũng rất hiếm, có chăng cũng chỉ qua sách vở ghi chép. Vào thời loạn lạc, con người lại càng phong tỏa lòng mình để tránh người khác xâm hại vì thế nhân gian có câu “không nên có lòng hại người, càng không thể thiếu lòng đề phòng người hại”.
Nhưng rốt cục là chúng ta cần phòng ngừa điều gì? Nếu phòng ngừa giặc cướp thế thì giặc từ đâu mà có?
Ai là giặc? Giặc chính là người sẽ làm tổn thương bạn, khiến bạn bị tổn thất tiền của, và nếu ai làm những điều như thế là giặc thì rất có thể giặc sẽ có ngay trong nhà bạn, ngay cả người thân thích ruột thịt cũng có thể là giặc, như thế chắc chắn bạn không thể phòng ngừa được. Khi bạn càng phòng ngừa thì tình cảm giữa bạn với mọi người càng ngăn cách, đó chính là điều kiện để “giặc” khởi lên. Sở dĩ mình xem người khác là giặc chính là để đề cao cảnh giác cho bản thân, bạn không những sợ người khác làm hại bạn mà cơ hội giúp đỡ người khác của bạn cũng giảm bớt, đấy là thái độ thể hiện lòng ích kỉ hẹp hòi cũng là nguồn gốc của phiền não. Vì thế bạn cần xóa bỏ bức tường ngăn cách trong lòng bạn, tiêu diệt “giặc” ngay trong lòng để mọi người chung sống hòa thuận chân thành với nhau, diệt phiền não trong bản thân là tiền đề của mọi sự tốt đẹp.
Trong Phật giáo có rất nhiều từ chỉ phiền não như tham lam, sân hận, ngu si, ngã mạn, nghi ngờ, tà kiến.
Khi bạn bớt một ít lòng tham thì từ tâm của bạn tăng trưởng thêm một ít; giảm một chút sân hận sẽ tăng một chút khoan dung, tha thứ; giảm một ít ngu sinh sẽ tăng thêm một chút trí tuệ; giảm một ít lòng kiêu ngạo, ngã mạn sẽ tảng thêm một ít khiêm tốn, lễ độ; giảm một chút nghi ngờ sẽ tăng thêm một ít niềm tin.
Nếu bạn chuyến hóa phiền não trên thành từ bi, trí tuệ, niềm tin, khiêm tốn, tha thứ bao dung thì “giặc” trong lòng bạn chẳng còn nơi nào ẩn nấp, khi đó cửa lòng của bạn tự nhiên rộng mở. Khi đó bức tường ngăn cách trong lòng người sẽ tiêu mất, người với người sẽ thông cảm, hiểu biết nhau, khi đó bạn không phải bận tâm với việc mình sẽ bị cướp mất tài sản, không bị khi dễ, không còn giặc cướp để bạn phải nơm nớp lo sợ nữa.
Tôi thường nói “ai cũng là người tốt, chẳng ai là người xấu cả”. Tuy nhiên để xóa bỏ hoàn toàn tâm lí nghi ngờ đối với người khác là điều rất khó vì không ai có thể gặp nhau lần đầu đã tin tưởng nhau, hơn nữa tâm lí con người cũng vô thường, có thể do một nguyên nhân nào đó một con người tốt có thể làm việc xấu.
Nếu lúc nào bạn cũng bận tâm với việc đề phòng người khác thì người khác cũng thế, họ cũng sẽ đề cao cảnh giác với bạn, từ đó hố ngăn cách trong lòng người ngày càng đào sâu thêm. Đề phòng kẻ gian là tâm lí cần có tuy nhiên chúng ta không nên nghi ngờ tất cả mọi người, vì tin tất cả và hoài nghi tất cả đều lỗi lầm như nhau. Trong đối nhân xử thế bạn cần có thái độ chân thành, bạn phải luôn nghĩ rằng ai cũng là người tốt, như thế bạn mới xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người.
Trong thực tế có thể bạn không đề phòng, hoài nghi người khác nhưng người khác vẫn nghi ngờ, đề phòng bạn thì bạn không nên giận người ta. Khi đó bạn phải hiểu rằng sở dĩ họ làm thế với mình là do trước đây họ đã bị quá nhiều người lừa rồi nên mới đề phòng như thế. Người như thế càng cần bạn quan tâm và thông cảm hơn. Nếu bạn biết đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ như thế, hố ngản cách giữa bạn và mọi người sẽ được lấp dần bằng tình yêu và lòng tin tưởng lẫn nhau, từ đó bạn sẽ thấy con người đáng yêu chứ không đáng sợ như bạn từng nhầm tưởng.
Vì thế nếu bạn muốn mình sống trong môi trường vui vẻ, thoải mái thì trước hết bạn phải chuyển hóa phiền não trong lòng bạn trước, hãy mở lòng ra với mọi người, rộng kết duyên lành. Trong quan hệ con người chỉ cần chúng ta biết tôn trọng, biết quan tâm đến người khác, hiểu và tha thứ cho những lỗi lầm họ phạm phải với lòng từ bi và sự khoan dung độ lượng, gỡ bỏ bức tường ngăn cách trong lòng thì con người sẽ ngày càng xích lại gần nhau hơn, được thế là bạn đã xây dựng tình hữu nghị, chân thành thay cho bức tường ngăn cách lòng người.