Các hành giả trong cả ba thừa, từ khi tu hành cho đến lúc thành Phật, đều y cứ nơi Phật pháp mà làm khuôn mẫu. Tất cả các pháp(1) ở ngoài Phật pháp đều không đủ để nương tựa. Trước và sau khi thành Phật, hành giả cũng lại lấy Phật pháp mà cứu độ chúng sinh; chư Phật trong ba đời cũng đều như vậy. Tựu trung, vì cả tự độ và độ tha đều không xa rời Phật pháp, cho nên nó đã được liệt vào một trong Ba Ngôi Báu(2).
Phật là bậc phước tuệ đầy đủ, đại giác đã trọn, từ cái thân ứng hóa do Ngài thị hiện, nói ra lời là thành kinh điển, nhấc chân lên là thành Phật pháp(3), làm qui củ mực thước cho những người tu đạo xuất thế(4) về sau trong thiên hạ. Ở đây, nếu nói một cách cụ thể, toàn bộ ba tạng Kinh, Luật, Luận đều là Phật pháp; nếu nói một cách cục bộ thì một câu kinh, một bài kệ đều hàm chứa diệu dụng, ví như đống san hô gẫy, từng mẩu từng đoạn thảy đều là quí báu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi còn tu tập hạnh Bồ tát ở một kiếp xa xưa, đã từng không tiếc tính mạng để chỉ cầu được nghe nửa bài kệ; tuy chỉ có tám chữ, nhưng giá trị của nửa bài kệ ấy cũng có thể suy lường được.
Tạng Tu đa la(5) tức là tạng Kinh, là những kinh văn do Phật nói; tạng Tì nạida(6) tức là tạng Luật, là những giới luật do Phật chế; tạng A tì đạt ma(7) tức là tạng Luận, là những luận thuyết do đệ tử Phật soạn ra. Cả ba tạng này đều có phân ra tiểu và đại thừa; nội dung được trình bày như sau: Tiểu thừa: Tạng KINH: bốn bộ kinh A Hàm
Tạng LUẬT: các bộ luật Tứ Phần, Ngũ Phần, và Thập Tụng Tạng LUẬN: các bộ luận Lục Túc, Phát Trí v.v...
Đại thừa: Tạng KINH: các bộ kinh như Hoa Nghiêm v.v...
Tạng LUẬT: các kinh Phạm Võng v.v...
Tạng LUẬN: các bộ luận như Du Già Sư Địa v.v...
Khi đức Phật còn tại thế, những lời Ngài nói ra tức là Pháp bảo. Sau khi Phật diệt độ, người đời sau đã từng đem ba tạng Kinh, Luật, Luận nguyên thỉ, cùng những trước tác của các bậc hiền(8) trải bao đời, tom góp, sắp xếp, làm thành các kinh điển hoàn chỉnh, gọi chung là “Nhất Thiết Kinh”, hay “Đại Tạng Kinh”, hoặc “Tạng Kinh”. Số lượng kinh quyển của nó, kể từ lúc khởi đầu vào thời nhà TiêuLương là 5. 400 quyển, đến ngày nay đã tăng lên đến 8. 416 quyển(9); có thể nói đó là một tập đại thành(10) của Phật pháp vậy.
CHÚ THÍCH
01. “Thừa” là cỗ xe, có ý nghĩa là chuyên chở. Cỗ xe Thanh văn, cỗ xe Duyên giác và cỗ xe Bồ tát là “ba cỗ xe” (ba thừa). “Hành giả” (hay “hành nhân”) là người tu hành.
02. Ba đời: là đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai.
03. Thân “ứng hóa” là một trong ba thân của Phật; đó là cái thân đức Phật ứng theo cơ duyên mà hóa hiện ra. Hễ không hiện ra thân Phật mà chỉ hiện ra thân các loài chúng sinh trong sáu đường thì gọi là “hóa thân”; cho nên “ứng” và “hóa”, thật ra chỉ là một loại.
04. “Kệ” cũng gọi là “tụng”, là thể văn có 4 câu, có qui định số chữ; mỗi câu có từ 3 chữ hoặc nhiều hơn, và cứ 4 câu là một bài kệ (hoặc tụng); dùng để tóm tắt ý nghĩa của kinh văn.
05. Trong đời quá khứ, lúc đức Thế Tôn còn tu tập, chưa thành Phật, có một lần trời Đế Thích hóa làm một con quỉ la sát, nói cho Ngài nửa bài kệ rằng: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp.” (Chư hành là vô thường, đều là pháp sinh diệt). Ngài nghe xong liền xin quỉ la sát nói cho nghe hết bài kệ. La sát bảo: “Ta lấy thịt người làm thức ăn. Nếu ngươi có thể đưa thân ngươi cho ta ăn thì ta mới nói tiếp.” Ngài hứa chịu. Hắn bèn nói tiếp: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.” (Khi sự sinh diệt đã chấm dứt thì cảnh giới tịch diệt là niềm vui.) Ngài liền leo lên cây cao, tự gieo mình xuống đất. Lúc bấy giờ quỉ la sát liền hiện lại nguyên hình là trời Đế Thích, ẵm Ngài để xuống đất, rồi ca ngợi và đảnh lễ Ngài.
06. Một trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, Tổ thứ năm được phó chúc pháp tạng là Ưu Ba Cúc Đa, có năm vị đệ tử. Cùng nơi Luật tạng, năm vị này đã lậ