Trên quan điểm lập trường của Phật giáo để bàn luận thì “niềm vui giải thoát” mới là niềm vui rốt ráo, thế nhưng con đường duy nhất để theo đuổi tìm cầu giải thoát chính là thực hành hạnh Bồ tát. Song, nhiều người coi thực hành hạnh Bồ tát như là việc vô cùng cao sâu không thể làm được, họ thường nghĩ bản thân mình là tầng lớp thấp kém vốn không đạt tiêu chuẩn để thực hành hạnh Bồ tát. Vì thế, khi gặp tôi họ thường bảo: “Bạch sư phụ, bởi vì cảnh giới tu hành của Ngài cao rồi, cho nên Thầy mới có thể thực hành hạnh Bồ tát được!”

Thực ra tôi cũng là người bình thường, theo kinh nghiệm bản thân tôi thì thực hành hạnh Bồtát chẳng phải là một việc khó làm, vả lại tôi cũng không cảm thấy bản thân mình đang nói ba hoa khoác lác hay chỉ nói trên trời dưới bể gì cả. Sự thật, chỉ cần mỗi người muốn thưởng thức thử nghiệm cũng có thể dễ dàng làm được, nếu làm được bao nhiêu thì có thể sẽ hạnh phúc bấy nhiêu.

Niềm vui giải thoát không nhất định phải đợi đến khi giải thoát triệt để mới thực hành được, chỉ cần bước trên con đường nầy thì mỗi một bước đi đều có niềm hạnh phúc giải thoát mà không có bất cứ sự miễn cưỡng nào cả. Ví như mỗi một người đều có địa vị của mình, hơn nữa mỗi người thường kiêm nhiều chức nên có nhiều địa vị, chỉ cần chúng ta có thể gánh vác nổi trách nhiệm của các chức vụ đó, làm hết trách nhiệm nghề nghiệp của mình thì có thể nếm được mùi vị của giải thoát.

Bởi vì khi chúng ta làm việc, nếu có thể giữ được thái độ cống hiến không phải vì mục đích, một lòng chỉ vì muốn làm tốt công việc, làm hết trách nhiệm chứ không mảy may nghĩ đến mục đích sau đó, bấy giờ ta có thể cho đi một cách vô tư và nhận được niềm hạnh phúc an lạc. Nếu chúng ta chỉ vì mục đích lợi lạc mới muốn cống hiến, cho đi thì sẽ rất dễ đi vào con đường trông mong, chờ đợi, trong lòng luôn suy nghĩ: “Tôi cho đi nhiều như thế, nhưng từ xưa đến này cấp trên không nghĩ sẽ thăng chức cho tôi chứ! Sao lại bất công như thế?” Vì mãi thắc mắc như thế nên lòng bất an, đau khổ không dứt.

Trái lại, nếu không suy nghĩ đến vấn đề này mà chỉ biết cố gắng cho đi, cống hiến, thực tiễn, làm hết trách nhiệm thì cũng như câu tục ngữ: “Chỉ hỏi chuyện cày ruộng và làm cỏ, không cần hỏi thu hoạch được những gì” kết quả lại đạt được điều mình không mong muốn, hơn nữa những thứ mình đạt được chẳng phí mảy may công sức. Đây chính là tinh thần của Bồ tát và cũng là niềm vui giải thoát vậy.

Làm hết trách nhiệm chính là chỉ biết lặng lẽ cày ruộng làm cỏ, còn như thu hoạch được gì hay không đó là lẽ tự nhiên “ông trời có mắt”. Sở dĩ gọi là “ông trời” thực ra đây chính là “sự tuần hoàn của nhân quả”, nếu cái chúng ta cho đi nhiều nhưng lại nhận được quá ít thì chứng tỏ nhân duyên kia vẫn chưa chín muồi, thế nên chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa! Sở dĩ gọi “chỗ nước chảy đến thì tự nhiên tạo thành con kênh” ví như khi điều kiện được hoàn thiện thì sự việc tự nhiên thành công, đó là nơi nước sẽ chảy đến, nếu như nước vẫn chưa đến chứng tỏ rằng cơ hội trước mắt vẫn chưa đến, thế thì chúng ta lại phải lấy đất, đào kênh. Nếu suy nghĩ như thế thì khi kết quả đạt được bất ngờ cũng không cảm thấy có gì là giỏi. Nếu như không đạt được gì cũng nên biết là nhân duyên vẫn chưa chín muồi chứ không nên nản lòng nhụt chí. Từ góc độ đó có thể thấy, nếu chúng ta theo đuổi không vì có mục đích, chỉ vì cống hiến mà cống hiến, chính vì có tinh thần như thế, nên có thể mang lại cho bản thân mình niềm an vui giải thoát.

Trong lịch sử loài người có biết bao câu chuyện đáng để chúng ta ca ngợi và cảm động rơi lệ, phần lớn đều là tinh thần “vì cống hiến mà cống hiến” của các bậc vĩ nhân, vì có tinh thần như thế họ mới nhận được sự tán dương và ca tụng của người muôn đời sau.

Nhưng nếu họ cố gắng nỗ lực chỉ vì lợi ích riêng cho bản thân mình thì tôi tin rằng họ cũng sẽ không bao giờ được thành công.

Tóm lại, ta chỉ cần làm việc gì mà bản thân mình cảm thấy vui là được, vả lại nếu mọi người cho chúng ta có cơ hội để cống hiến, thì nhất định chúng ta sẽ đạt được niềm hạnh phúc trong đó. Vì thế chúng ta không nên quan niệm rằng niềm hạnh phúc giải thoát của Bồ tát, nhất định sau khi giải thoát mới có thể hưởng thụ được, trước khi chưa giải thoát, nếu làm được bao nhiêu thì có thể hưởng thụ niềm an lạc giải thoát bấy nhiêu.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm