Home > Khai Thị Phật Học
Đức Phật Dược Sư
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Ngoài thế giới của chúng ta, ở bốn phương và trên dưới trong khắp cõi hư không, đều có vô số quốc độ của chư Phật. Mỗi quốc độ đều có một đức Phật trụ trì(1), vì chúng sinh diễn nói Phật pháp, khiến cho tất cả đều nương tựa nơi Phật pháp mà tu hành, thẳng đến khi thành Phật.

Cách chúng ta mười hằng hà sa cõi Phật về phương Đông, có một thế giới tên là Tịnh lưu li; đức Phật ở đó hiệu là Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai. Cõi nước của đức Phật này hoàn toàn trong sạch, không có người nữ(2), cũng không có các loài chúng sinh xấu ác cùng các sự việc khổ đau. Đất ở đó toàn là ngọc lưu li; đường sá dùng dây vàng làm ranh lề; cổng, thành, lầu các, cung điện, cho đến rèm xe, màn cửa, đều làm bằng bảy báu. Cõi nước đó có hai vị Bồ tát lớn là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Các ngài là thượng thủ (3) của chúng Bồ tát đông vô số, luôn luôn hầu cận hai bên đức Phật Dược Sư, trợ giúp đức Thế Tôn giáo hóa chúng sinh, hộ trì chánh pháp.

Đức Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai, trong thời kì còn tu tập hạnh Bồ tát, đã từng phát mười hai lời nguyện rộng lớn(4), khiến cho các loài hữu tình, nếu có mong cầu điều gì cũng đều được toại ý; trong đó có lời nguyện thứ bảy nói rằng: “Tôi nguyện sau khi thành Phật, nếu các loài hữu tình bị các tật bệnh hành hạ, không thầy không thuốc, không có nhà cửa họ hàng, nghèo cùng, nhiều thống khổ, không người cứu giúp mà cũng không biết hướng về đâu, một khi nghe được tên tôi thì các tật bệnh liền được tiêu trừ, thân tâm an lạc, nhà cửa và của cải vật dụng đều có đầy đủ; đời sống cứ như thế mãi cho đến khi thành Phật.” Vì vậy mà danh hiệu Ngài được xưng là Dược Sư. Lời nguyện thứ hai của Ngài lại nói: “Tôi nguyện sau khi thành Phật, thân tướng tôi như ngọc lưu li, trong ngoài trong suốt, sạch sẽ, không tì vết cáu bẩn, ánh sáng tỏa rộng còn hơn mặt trời mặt trăng.” Vì vậy mà danh hiệu Ngài được xưng là Lưu Li Quang. Thân tướng của chư Phật trong mười phương đều sắc vàng, chỉ có đức Phật này là thân lưu li, trong ngoài thấu suốt; đó là do vì bản nguyện của các Ngài không giống nhau.

Những lời nguyện khác của Ngài như: người tu tập theo tà đạo sẽ được trụ trong quả vị bồ đề; người tu tập hạnh tiểu thừa sẽ được trụ trong hàng đại thừa(5); người phạm giới luật khi nghe được tên Ngài thì giới thể trở lại được thanh tịnh, không bị đọa vào ác đạo; giúp cho chúng sinh giải thoát ra khỏi lưới ma(6) cùng những trói buộc của ngoại đạo; dẫn dắt những kẻ vướng mắc tà kiến về với chánh kiến; v.v... đều là những nhu yếu cùng cực bức thiết của người tu hành. Hơn nữa, Ngài còn cứu giúp chúng sinh tiêu trừ mọi tai nạn và kéo dài mạng sống, cho nên người đời cũng xưng hiệu Ngài là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. Những gì liên quan đến đức Phật Dược Sư như bản nguyện của Ngài, y báo và chánh báo trang nghiêm thuộc quốc độ của Ngài, xin xem rõ trong kinh Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức.


CHÚ THÍCH

01. Sông Hằng là một con sông lớn ở Ấn độ, số cát trên hai bờ sông rất nhiều. Mỗi khi đức Phật dùng thuật ngữ “hằng hà sa” (cát sông Hằng) trong lúc nói pháp, đều là để tỉ dụ cho con số nhiều nhất.

02. Phật độ là quốc độ có Phật trụ thế. Một Phật độ (cõi Phật) là một khu vực giáo hóa của một đức Phật.

03. Chúng sinh gây nhân xấu ác thì sẽ nhận chịu những quả báo xấu ác. Cái môi trường sống mà chúng sinh này sẽ tới thọ sinh, gọi là “ác thú” (tức là cảnh giới đau khổ). Ba cảnh giới Súc sinh, Ngạ quỉ và Địa ngục được gọi là “tam ác thú” hay “tam đồ”.

04. Bồ tát là những chúng sinh có đạo tâm rộng lớn, bao hàm các khả năng độ mình và độ người. Đó là danh xưng dùng chỉ chung cho các hành giả đại thừa. Chữ “ma ha” được dịch là lớn; “ma ha tát” là ý nói rằng, các vị Bồ tát này là các vị Bồ tát lớn. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong bài số 7 ở sau.

05. Hai vị Đại sĩ (Bồ tát) thường đứng hai bên Phật để giúp Phật hóa độ chúng sinh, gọi là “hiếp sĩ”.

06. Tâm niệm luôn giong ruổi ở bên ngoài đạo, gọi là “ngoại đạo”. Danh từ này cũng dùng để chỉ cho các đạo giáo ngoài Phật giáo.

07. Thân thể của một chúng sinh là “chánh báo”; còn thế giới, quốc độ mà chúng sinh đó đang ở, cùng những thứ khác mà chúng sinh đó có được như phòng xá, vật dụng v.v..., là “y báo”; nói ngắn gọn là “y chánh”.


PHỤ CHÚ

(01) Trụ trì: Nguyên nghĩa của từ “trụ trì” là ở đời gìn giữ cho chánh pháp tồn tại và lưu truyền trong thế gian. Đó chính là ý nghĩa của từ “trụ trì” trong bài này. Từ khi tổ Bách Trượng Hoài Hải (720 814) ở Trung quốc soạn bản qui chế “Bách Trượng Thanh Qui” để dùng cho các tự viện thuộc Thiền tông, thì “trụ trì” trở thành chức vụ đứng đầu của một ngôi chùa. “Trụ trì” là vị tăng làm chủ một ngôi chùa, chưởng quản tất cả mọi công việc đối nội cũng như đối ngoại của ngôi chùa đó. Phật giáo Việt nam cũng áp dụng qui chế ấy đã từ lâu đời. Vị “trụ trì” ở Việt nam có thể chính là người chủ của ngôi chùa (nếu đó là tài sản của vị ấy, hoặc là tài sản kế thừa hợp pháp do sự ủy thác hay di chúc của vị tiền nhiệm), nhưng cũng có thể không phải là chủ ngôi chùa (nếu đó là tài sản của một cá nhân khác, của một đoàn thể, của làng xã, hay của Giáo Hội). Trong trường hợp sau, vị “trụ trì” là người được cá nhân, đoàn thể hay làng xã (chủ chùa) thỉnh về, hay do Giáo hội bổ nhiệm đến để chưởng quản mọi việc trong chùa, có toàn quyền về các việc đối nội, nhưng các việc đối ngoại thì có thể bị hạn chế trong một phạm vi nào đó.

(02) Trong kinh điển thường diễn tả các quốc độ của chư Phật là hoàn toàn thanh tịnh, mà một chi tiết của sự thanh tịnh đó là “không có người nữ”. Vậy, ở những quốc độ đó chỉ có “người nam” thôi ư? Theo chúng tôi, có tướng “nữ” là vì có tướng “nam”, có ý niệm “nam” là vì có ý niệm “nữ”; cho nên, nếu không có ý niệm này thì ý niện kia cũng không có, không có tướng kia thì cũng không có tướng này. Không thể không có tướng “nữ” mà có tướng “nam”, và ngược lại. Ý niệm cũng như các tướng về “nam và nữ” chỉ có trong cảnh giới của các loài chúng sinh có tâm ái dục và hành động dâm dục. Tâm ái dục và hành động dâm dục chính là nguyên nhân của sinh tử luân hồi, là biểu tượng của ô nhiễm, bất tịnh. Một hành giả khi đã dứt sạch được tâm ái dục, xa lìa hẳn các hành động dâm dục thì hành giả đó liền đạt được một cuộc sống thanh tịnh, không còn vướng mắc vào ý niệm về “nam và nữ” (tức ý niệm về dâm dục); trong trí giác bình đẳng của vị ấy cũng không có sự vướng mắc về các tướng “nam và nữ”. Các quốc độ của chư Phật hoàn toàn thanh tịnh vì chúng sinh trong các quốc độ đó hoàn toàn dứt sạch tâm niệm ái dục. Thế giới Ta bà này là một thế giới đầy ô nhiễm, cấu trược, nhưng lại là quốc độ của Phật Thích Ca Mâu Ni; vậy thì sao? Có gì mâu thuẫn không? Không có gì mâu thuẫn cả. Chính nơi thế giới Ta bà này đây, đối với các hành giả đã dứt sạch các kiến, tư hoặc (trong đó có tâm ái dục), như chính đức Phật và các vị A la hán thời đó, các thiền sư ngộ đạo đời nay, thì đó vẫn là một thế giới thanh tịnh, không hề có ý niệm lẫn các tướng “nam và nữ”. Cho nên, cụm từ “không có người nữ” thường thấy xuất hiện trong kinh điển chỉ là một cụm từ mang tính tượng trưng mà thôi; nó có ý nghĩa: chúng sinh ở nơi đó hoàn toàn thanh tịnh, không có tâm ái dục và hành động dâm dục, không có sinh tử luân hồi.

03) Thượng thủ: là người ở địa vị tối cao trong đại chúng. Từ này đã được dùng phổ biến từ thời đức Phật còn tại thế, để chỉ cho các vị đệ tử xuất sắc nhất (về trí tuệ, khả năng, cũng như đức hạnh) của đức Phật, được cả tăng đoàn cùng Phật tử đồng kính ngưỡng, tôn xưng, như các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Na Luật, v.v... Ngày nay, từ “thượng thủ” thường được dùng chỉ để xưng cho vị cao tăng đứng đầu một giáo hội, tương đương với các từ “tăng thống”, “pháp chủ”.

(04) 12 lời nguyện lớn của đức Phật Dược Sư trong thời kì Ngài còn tu tập hạnh Bồ tát:

1) Tôi nguyện rằng: sau này, khi chứng được đạo quả bồ đề, tự thân tôi có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, có ánh sáng hực hỡ, chiếu rọi khắp vô lượng thế giới; và thân của tất cả các loài hữu tình cũng đều giống như thân tôi.

2) Nguyện rằng, thân tôi như ngọc lưu li, trong ngoài đều thanh tịnh, không dơ nhớp, không tì vết, sáng hơn cả mặt trời mặt trăng, khiến cho tất cả chúng sinh ở nơi tối tăm đều được khai tỏ.

3) Tôi nguyện bằng phương tiện của trí tuệ làm cho các loài hữu tình thọ dụng không cùng.

4) Khiến cho những kẻ tu tập theo tà đạo sẽ được an trú trong đạo giác ngộ, những người tu tập theo giáo pháp nhị thừa sẽ được đứng vững vàng trong giáo pháp đại thừa.

5) Những người tu tập phạm hạnh trong giáo pháp của tôi, tất cả giới luật đều trọn vẹn, không khiếm khuyết, không suy giảm.

6) Những người bị khuyết tật, phung hủi, điên cuồng, cùng nhiều chứng bệnh khác, khi nghe được tên tôi thì thân thể trở nên lành lặn, bệnh tật tiêu mất.

7) Những người đang bị các chứng bệnh uy hiếp mà không người giúp đỡ, không nơi nương nhờ, nếu nghe đến tên tôi thì tất cả chứng tật đều tiêu mất.

8) Người phụ nữ nào muốn bỏ nữ thân, khi nghe đến tên tôi thì liền được thân tướng trượng phu.

9) Khiến cho chúng sinh thoát được lưới ma, có được chánh kiến, mau chứng được quả bồ đề vô thượng.

10) Những người bị pháp luật trói buộc, thân tâm phải chịu nhiều đau khổ do bao thứ tai họa bức bách, khi nghe được tên tôi thì nhờ phúc lực của tôi mà những người ấy thoát được bao điều ưu khổ.

11) Những người bị sự đói khát hành hạ mà phải tạo nên các ác nghiệp, khi nghe đến tên tôi, trước hết tôi giúp cho các thức ăn uống thơm ngon, sau đó tôi sẽ giúp cho thấm nhuần pháp vị để đạt được an lạc rốt ráo.

12) Những người nghèo khổ không có y phục, khi nghe đến tên tôi, tôi sẽ giúp cho họ y phục dùng tùy ý, cho đến những vật dụng trang sức cũng hoàn toàn đầy đủ.

(05) Tiểu thừa và đại thừa: Chữ “thừa” nghĩa là cỗ xe, là một thứ phương tiện chuyên chở; ở đây chỉ cho giáo pháp của Phật có thể đưa chúng sinh từ bờ si mê bên này đến bến giác ngộ bên kia. Theo truyền thống lâu đời, từ “tiểu thừa” được dùng để chỉ cho “Thanh văn thừa” và “Duyên giác thừa”, là hai cỗ xe nhỏ hẹp, sức chuyên chở yếu kém, có ý chỉ cho loại giáo pháp nông cạn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ tu chứng, dành cho hạng chúng sinh có căn cơ thấp kém, chỉ có thể làm lợi cho chính mình, mục tiêu là tự dứt trừ phiền não và đạt được các quả vị giải thoát giác ngộ không trọn vẹn như A la hán và Bích chi Phật. Từ “đại thừa” dùng để chỉ cho “Bồ tát thừa”, là cỗ xe rộng lớn, chỉ cho giáo pháp cao sâu mầu nhiệm, khó nghe, khó hiểu, dành cho hạng chúng sinh có căn cơ cao trội, có ý chí cùng khả năng làm lợi mình và lợi người, thực hiện hạnh Bồ tát, mục tiêu là độ cho mình lẫn cho chúng sinh cùng đạt được quả vị giác ngộ trọn vẹn là Phật. Từ thời Phật tại thế cho đến đầu kỉ nguyên Tây lịch, hai danh từ “tiểu thừa” và “đại thừa” chưa thấy xuất hiện. Phật giáo trong thời kì Phật tại thế cho đến 100 năm sau ngày Phật nhập diệt, được gọi là “Phật giáo Nguyên thỉ”; từ sau đó cho đến đầu kỉ nguyên được gọi là “Phật giáo Bộ phái” (là thời kì mà Phật giáo bị phân chia thành nhiều bộ phái). Trong khoảng vài thế kỉ cuối cùng trước kỉ nguyên Tây lịch, ngoài giáo đoàn Tì kheo ra, tại các địa phương ở Ấn độ còn có các đoàn thể Phật tử tại gia được thành lập. Họ có lòng tin sâu sắc đối với Tam Bảo, và tin tưởng chắc chắn rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật; nhân đó, họ tự gọi các đoàn thể của họ là “Bồ tát đoàn”. Các Bồ tátđoàn này về sau đã lôi cuốn được quí vị trong giáo đoàn tì kheo tham gia. Dần dần họ biên tập và truyền tụng các kinh điển riêng (khác với tạng kinh A Hàm đương thời) như Bát Nhã, Pháp Hoa, Duy Ma Cật, Hoa Nghiêm, v.v..., hình thành nền “Phật giáo Đại thừa”, xưng tán sự sống vĩnh cửu của chư Phật, nhấn mạnh tư tưởng “Trên cầu đạo giác ngộ, dưới cứu độ tất cả chúng sinh”, chủ trương tu tập một cách thực tiễn “Sáu pháp qua bờ” (lục độ ba la mật), chê trách Thanh văn thừa chỉ cầu tự độ và chỉ tu tập theo các giáo pháp “bất liễu nghĩa” (không rốt ráo). Đó là giai đoạn Phật giáo trong mấy thế kỉ đầu Tây lịch. Sau khi nền Phật giáo Đại thừa hưng khởi, giáo đoàn Đại thừa bèn gọi nền Phật giáo Bộ phái là “Tiểuthừa”, hàm ý chê trách, và khuyên các hành giả Tiểu thừa nên theo về Đại thừa. Đối lại, Phật giáo Bộphái thì chê rằng, kinh điển Đại thừa không phải do Phật nói, và giáo đoàn Đại thừa không phải là Phật giáo. Từ đó, Tiểu thừa và Đại thừa trở thành hai thực thể đối nghịch trong lịch sử truyền bá và phát triển Phật giáo. – Phật giáo Tiểu thừa truyền bá ra khỏi Ấn độ còn được gọi là Phật giáo Nam tông, hay Nam truyền; và Đại thừa thì gọi là Bắc tông, hay Bắc truyền. – Đáng lí, sự đối nghịch này đã không xảy ra thì tốt hơn. Vì thực ra, Tiểu thừa hay Đại thừa, chỉ là nói lên cái tình hình chuyển biến của tư tưởng Phật giáo theo nhu cầu phát triển của trí tuệ qua các giai đoạn lịch sử mà thôi. Ngày nay, Phật giáo không phải chỉ đóng khung trong các nước Tích lan, Miến điện, Thái lan, hay Tây tạng, Trung hoa, Việtnam, Nhật bản, v.v... nữa, mà nó đang có mặt như ánh sáng mặt trời ở khắp năm châu bốn biển. Tinh thần tu học Phật pháp của con người hiện đại cũng không còn câu nệ vào Tiểu thừa hay Đại thừa nữa. Ngay như ở Việt nam chẳng hạn, từ hơn một thế kỉ nay, Phật giáo Nam tông đã song hành phát triển với Phật giáo Bắc tông một cách chính thức và nhịp nhàng. Các quốc gia Tây phương gần đây đã và đang tiếp nhận nhiều dòng thác Phật học khác nhau đến từ Tây tạng, Tích lan, Trung hoa, Đại hàn, Việt nam, Nhật bản, Thái lan, v.v... Cho nên, ý thức phân biệt cực đoan giữa Tiểu thừa và Đại thừa đã đến lúc phải được tẩy xóa khỏi tâm thức của người đệ tử Phật trong thời đại ngày nay. Trong cái nhìn mới, Phật giáo không có sự mâu thuẫn quyết liệt giữa Tiểu thừa và Đại thừa, mà chỉ có những pháp môn hành trì khác nhau dẫn đến những trình độ tu chứng khác nhau; chỉ có những sự phát tâm mạnh yếu khác nhau đưa đến những thành quả phụng sự lớn nhỏ khác nhau. Có chăng, là chỉ có một nền Phật giáo Nguyên thỉ và một nền Phật giáo Phát triển; mà nền Phật giáo Nguyên thỉ luôn luôn là nền tảng căn bản cho nền Phật giáo Phát triển.

(06) Lưới ma (ma võng): Chữ “lưới” (võng) có ý nghĩa là bị trói buộc, khó thoát khỏi. Chữ “ma” có nghĩa là kẻ giết hại, kẻ cướp đoạt mạng sống, kẻ gây trở ngại cho các việc lành. Kinh điển thường gọi các tâm tham dục, say đắm, sân hận, sợ hãi, nghi ngờ, cạnh tranh, ngu si, v.v..., nói chung, tất cả các loại phiền não làm trở ngại cho thiện nghiệp, là “ma phiền não”. Lại còn có “ma ngũ ấm” (năm uẩn nhóm họp lại gây ra bao khổ não cho chúng sinh) và “ma trời” (các thứ làm chướng ngại cho việc giải thoát sinh tử). Một cách tổng quát, phiền não chướng và sở tri chướng là hai loại ma căn bản. Những thứ chướng ngại này, nếu chúng phát sinh từ trong tự thân của chúng ta thì gọi là “nội ma”; nếu chúng tấn công từ bên ngoài thì gọi là “ngoại ma”. Vậy, “lưới ma” là sự bủa vây dầy đặc của phiền não và vô minh, làm cho chúng sinh khó thoát khỏi sinh tử luân hồi.


BÀI TẬP

1) “Hằng hà sa” có ý nghĩa gì?

“Hằng hà sa” nghĩa là cát ở sông Hằng. Sông Hằng là con sông lớn nhất ở Ấnđộ, cát ở hai bên bờ sông rất nhiều. Trong các thời nói pháp, đức Phật thường dùng từ “hằng hà sa”, hoặc “hằng hà sa số” để nói lên một số lượng rất nhiều, không thể đếm được.

2) Cõi nước của đức Phật Dược Sư tên là gì? Hãy nói tóm lược cảnh trang nghiêm của cõi nước ấy.

Cõi nước của đức Phật Dược Sư tên là Tịnh lưu li. Đó là một quốc độ hoàn toàn trong sạch, không có các ý niệm và hành động ái dục, không có các cảnh giới đau khổ, thậm chí không có các cảnh tượng, tình trạng, hình thức, hay âm thanh v.v... đau khổ. Tất cả những cơ sở vật chất như đất đai, nhà cửa, đường sá, v.v...đều hoàn toàn làm nên bằng ngọc lưu li và các loại châu báu.

3) Danh hiệu hai vị “hiếp sĩ” của đức Phật Dược Sư là gì? Sự nghiệp của hai vị ấy thế nào?

Hai vị “hiếp sĩ” của đức Phật Dược Sư là hai vị Bồ tát lớn Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Đó là hai vị thượng thủ của chúng Bồ tát, luôn luôn hầu cận hai bên đức Phật Dược Sư và trợ giúp Ngài trong công việc hóa độ chúng sinh, hộ trì chánh pháp.

4) Khi còn tu tập hạnh Bồ tát, đức Phật Dược Sư đã từng phát bao nhiêu lời nguyện?

Khi còn tu tập hạnh Bồ tát, đức Phật Dược Sư đã từng phát 12 lời nguyện lớn.

5) Vì sao đức Phật ấy có danh hiệu là “Dược Sư”?

Một trong 12 lời nguyện lớn của Ngài nói rằng: “Tôi nguyện sau khi thành Phật, nếu các loài hữu tình bị các tật bệnh hành hạ, không thầy không thuốc, không có nhà cửa họ hàng, nghèo cùng, nhiều thống khổ, không có người giúp đỡ mà cũng không biết hướng về đâu, một khi nghe được tên tôi thì các tật bệnh liền được tiêu trừ, thân tâm an lạc, nhà cửa và của cải vật dụng đều có đầy đủ; đời sống cứ như thế mãi cho đến khi thành Phật.” Bởi vậy mà Ngài có danh hiệu là “Dược Sư”.

6) Vì sao đức Phật ấy có danh hiệu là “Lưu Li Quang”?

Lại có lời nguyện nói rằng: “Tôi nguyện sau khi thành Phật, thân tướng tôi như ngọc lưu li, trong ngoài trong suốt, hoàn toàn sạch sẽ, không tì vết cáu bẩn, ánh sáng tỏa rộng hơn cả mặt trời mặt trăng.” Do đó, Ngài có danh hiệu là “Lưu Li Quang”.

7) Chư Phật trong mười phương thị hiện với loại thân gì? Riêng đức Phật Dược Sư thì thị hiện trong loại thân gì?

Chư Phật trong mười phương đều thị hiện với loại thân vàng kim; riêng đức Phật Dược Sư thì thị hiện trong loại thân lưu li.

8) Khi xưng danh hiệu của Phật Dược Sư, người đời thường kèm theo những tiếng tôn quí nào? Tại sao?

Khi xưng danh hiệu của Phật Dược Sư, người đời thường kèm theo các tiếng tôn quí như “tiêu tai diên thọ”, vì Ngài nguyện cứu giúp chúng sinh tiêu trừ mọi tai nạn và kéo dài mạng sống.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Đức Phật Dược Sư

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Luân Quán Hội Nghĩa Phần 2, Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
2.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
3.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
4.    Phật Giáo Và Cuộc Sống, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch
5.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Lưu Thừa Phù Ghi Chép | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Tam Tạng Cương Lương Da Xá Gốc Người Tây Vực | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
8.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Lão cư sĩ Từ Tỉnh Dân | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
9.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Pháp Sư Thích Khoan Nghiêm Ghi | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
15.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
17.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
18.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
19.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
20.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch