Người tu học là tu ngay trong đời sống sinh hoạt, nên chẳng vượt ra khỏi tam giới thì chẳng thành tựu được, nhưng vượt ra khỏi tam giới thật không phải chuyện dễ. Pháp môn Tịnh độ là dễ hành, dễ thành tựu, đó là so với các pháp môn khác, nói nghe dễ dàng như vậy nhưng trên thực tế không phải là dễ, tại sao vậy? Vì tuy có nhiều người niệm Phật nhưng mà người vãng sanh thì lại ít.
Chúng ta gặp được Pháp môn niệm Phật, đây là một nhân duyên hiếm có, nếu mình đánh mất nhân duyên này, thật là một điều vô cùng đáng tiếc.
Người chân chánh tu hành khi khởi tâm động niệm đều nhận biết rõ mình đang khởi những niệm gì, đó là tâm tỉnh giác mà nhận biết, chẳng phải học vấn sách vở mà nhận biết, chẳng phải do nhớ nhiều hiểu nhiều mà biết, cái biết tỉnh giác này do dụng công tu hành mà biết. Nếu không dụng công tu hành cho dù học nhiều nhớ nhiều cũng là vô ích mà thôi. Điều quan trọng là phải thực hành, thực hành được phần nào thì giải thoát phần đó, một phần lợi lạc một phần, hai phần thì được lợi lạc hai phần, nếu chẳng chân thật dụng công tu hành, thì một điều lợi ích chắc chắn cũng không có.
Khi tu học Phật pháp, chúng ta cần phải xác định mục tiêu cho chính mình, năm nay phải tiến bộ hơn năm trước, những lỗi lầm càng ít đi, vọng tưởng bớt dần, như vậy là có tiến bộ. Người học Phật có tiến bộ hay không thì cần chú ý đến hai điều quan trọng như sau: Thứ nhất luôn tự kiểm điểm lại chính mình, quán chiếu như vậy thì sẽ khai mở trí huệ giác ngộ, tâm thanh tịnh càng ngày càng tiến triển tốt đẹp. Thứ hai là đoạn trừ phiền não, làm cho vọng tưởng, phiền não tập khí cũ giảm bớt đi, ngược lại nếu như tu hành mỗi năm lại không thể khai mở trí huệ mà phiền não lại tăng trưởng, thì lỗi lầm tập khí ngày một gia tăng, đây là chưa thật tu hành, chứng tỏ công phu chưa được đắc lực.
“Chân thành, thanh tịnh , bình đẳng, chánh giác, từ bi, khám phá, phóng hạ, tự tại, tùy duyên, lão thật niệm Phật ”, đây là mục tiêu, là phương hướng đầu tiên để chúng ta hoằng pháp lợi sanh, cũng là mục tiêu cho việc tu học cho chính mỗi người chúng ta. Trong tất cả kinh luận, thực hành mới giúp chúng ta đạt đến mục tiêu này, chúng ta thực hành tu tập có kết quả thì mới có phương pháp giáo hóa người khác chính xác được. Chúng ta làm được như vậy thì đời sống của chúng ta mới có ý nghĩa, mới có giá trị và đem lại cho chúng ta nhiều an lạc hạnh phúc. Hy vọng mọi người lãnh hội được ý này, mỗi người tự đặt ra câu hỏi cho việc tu học của chính mình, làm thế nào khi giao tiếp với người, ứng xử với mọi vật chung quanh đều tương ưng với lời Phật dạy, đúng với chánh pháp.
“Thế duyên ” chính là làm lợi ích cho chúng sanh. Cho dù phước báo chúng ta rất ít, nhưng ít phước cũng không sao cả, miễn là ta có tâm buông xả, đó mới đúng là lợi ích chân thật, đây mới đúng thật là công đức viên mãn.
Thời đại này, tu học Phật pháp để đi đến thành tựu viên mãn, chỉ có pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, ngoài pháp môn này ra, đích thật không có pháp môn thứ hai để dễ dàng thành tựu được.
Tự mình không nhận biết rõ ràng việc tu hành, thân thể của chúng ta là do nghiệp báo mà có như vậy, nếu như tự mình chịu hiến thân hy sinh vì Phật pháp, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, thì thân thể này chẳng phải là của mình, mà là theo tâm nguyện đến thế gian này để làm lợi lạc cho chúng sanh. Do đó, chẳng cần phải đợi đến thế giới Tây phương Cực Lạc rồi sau mới trở lại đây cứu độ chúng sanh mà ngay bây giờ chúng ta có thể chuyển tất cả thân thể nghiệp chướng của mình thành nguyện lực, đây đúng thật là theo nguyện mà đến thế gian này, hay còn gọi là “thừa nguyện tái lai ”, trong khoảng một niệm là làm được, không một mảy may xen tạp, đây mới đúng thật là thuần chân mà không có vọng, bạn chỉ cần nắm vững và làm được ý này thì xem như đời này bạn không còn thọ nhận nghiệp báo luân hồi nữa.
Nếu như một đời này mà vượt thoát luân hồi vãng sanh Tịnh độ, đây đúng thật là tự mình cứu được mình. Nếu chẳng thể vãng sanh Tịnh độ thì đời người trôi qua thật uổng phí, cho dù đời này có tu nhưng chẳng lợi lạc gì, bởi vì cuối cùng vẫn bị các ác nghiệp làm cho bạn khởi niệm tham sân si, mạn nghi đố kỵ, đây chính là chướng ngại nghiêm trọng. Nếu như huân tập những chủng tử xấu ác này nhiều thì đời sau bạn phải đi vào ba đường ác, còn hai đường trời người lại càng khó có cơ hội được tái sanh vào. Đây là sự thật.