Home > Khai Thị Phật Học
Bài Học Từ Những Sai Lầm
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Mọi người thường nói tu hành tức tu sửa hành vi của mình cho đúng, điều đó nói lên rằng tu hành cần phải sửa thân, tu tâm. Trong cách đối nhân xử thế, đi đứng nằm ngồi, khởi tâm suy nghĩ đều cần phải thức tỉnh mọi lúc mọi nơi, có như thế mới sửa sai thân tâm, bằng không chúng ta tu mù tu mờ chỉ lãng phí công sức, thời gian.

Biết xấu hổ là then chốt trong việc tự phản tỉnh bản thân. Không nên bỏ qua sai lầm, xem như không có gì vì không ai biết, không nên lười biếng trong công việc để những việc mình làm đáng lí sẽ tốt nhưng không làm tốt hơn: một khi bị như thế, cần phải thấy đó là điều đáng xấu hổ.

Không nên sợ làm sai, nghĩ sai mà sợ nhất là không biết sửa sai, không chịu nhận sai. Chúng ta cần thức tỉnh mọi lúc mọi nơi, biết cách kiểm điểm, đánh giá bản thân một cách vô tư mới thấy được lời nói sai, suy nghĩ sai và việc làm sai của mình.

Khi tu tập kiểm điểm bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy khi mọi người suy nghĩ, hành động hoặc nói năng đều phạm sai lầm, nói đúng làm đúng rất ít. Đúng sai chỉ phân biệt khi chúng ta đặt chúng trong điều kiện hoàn cảnh, mức độ phạm vi lớn nhỏ mới biết. Trong đời không có việc gì hoàn toàn đúng cũng chẳng có việc gì hoàn toàn sai mà chúng chỉ khác nhau ở mức độ đúng bao nhiêu trong sai và sai bao nhiêu trong đúng, vượt qua giới hạn nào đó thì đúng thành sai, sai lại thành đúng là lẽ thường tình. Là một tín đổ theo Phật, chúng ta cần kiểm điểm tam nghiệp gồm hành vi, lời nói và suy nghĩ đúng sai thế nào để có cách điều chỉnh thích hợp.

Có lúc ta nói sai điều gì đó nhưng không nhớ đợi đến khi có người chỉ ra mới nhớ. Bất kì ai cũng có những điểm “mù” trong cách nhìn nhận, đánh giá bản thân, nên ai cũng cần người khác nhắc nhở, chỉ điểm. Nếu người khác chỉ ra khuyết điểm nhưng mình không chịu nhận lỗi, ngược lại còn to tiếng quát mắng, tự cho mình đúng thì lúc đó chúng ta đã sai lầm đến mức không cứu chữa được nữa. Nếu bạn làm đúng nhưng bị người khác “sửa lưng” cũng không sao, vì bất luận họ nhận xét đúng sai thế nào đi nữa thì họ vẫn đang có ý tốt với bạn, mong bạn sửa sai. Thậm chí khi đối phương có ý xấu cũng phải cảm ơn vì họ đã nhận xét.

Có thể nói rằng, đời người là quá trình học tập lâu dài từ những sai lầm đã phạm cho đến phát hiện sai lầm và sửa sai. Công phu thức tỉnh bản thân một mặt vừa phải tự giác phát hiện để sửa đổi, mặt khác phải nhờ người khác chỉ ra để sửa chữa. Người ta thường nói “nhận phê bình và tự phê là chìa khóa giúp con người trưởng thành” chính là ý nghĩa ở đây tôi muốn nói vậy.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Bài Học Từ Những Sai Lầm