Home > Khai Thị Phật Học > Phai-nghi-den-vo-thuong-vun-vut
Phải nghĩ đến vô thường vùn vụt
Hổ Khê Tôn Giả


a. Phàm là người tu Tịnh Ðộ thì rõ ràng là phải chống cự với sanh tử, chứ chẳng thể nói xuông rồi thôi. Phải nghĩ đến vô thường vùn vụt, thời gian chẳng đợi ai. Phải nên dốc chí thực hiện thì mới được; chứ còn nếu nửa tiến, nửa lùi, dường như tin, tựa hồ ngờ, mặc cho may rủi thì còn làm được việc gì, làm sao thoát khỏi luân hồi nổi! Nếu đã tin biết được thì từ ngày nay trở đi phải phát đại dũng mãnh, phát đại tinh tấn, đừng quan tâm là hiểu hay chẳng hiểu, [chớ nệ là] kiến tánh hay không kiến tánh, cứ chỉ chấp trì một câu Nam Mô A Di Ðà Phật giống hệt như nương tựa vào một tòa núi Tu Di dù có bị lay lắc vẫn chẳng động. Chuyên tâm, nhất ý để tham niệm hay quán niệm, ức niệm, thập niệm, hoặc niệm thầm, niệm rõ tiếng, hệ niệm, lễ niệm. Niệm đâu tâm theo đấy, luôn nhớ, luôn niệm. Sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm; tâm niệm chẳng để luống qua. Niệm Phật chẳng rời tâm, ngày ngày, giờ giờ chẳng buông bỏ, miên miên mật mật như gà ấp trứng thường giữ cho hơi nóng liên tục. Ðấy chính là tịnh niệm liên tục, lại dùng thêm trí quán chiếu thì liền biết được rằng Tịnh Ðộ chính là tự tâm. Ấy mới là công phu của bậc thượng trí tu tấn.

Giữ được định như thế, chủ yếu là thực hành như thế để làm chỗ dựa an ổn. Ví dù có gặp cảnh khổ, vui, thuận, nghịch hiện tiền vẫn chỉ niệm A Di Ðà Phật, không hề có một niệm đổi khác tấm lòng, không hề có một niệm tâm thối đọa, không hề có một niệm tạp tưởng tâm. Cho đến hết đời, vĩnh viễn không có niệm khác, quyết định cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu quả có thể dụng công như vậy thì sanh tử nghiệp chướng, vô minh trong  bao kiếp sẽ tự nhiên tiêu sạch, trần lao tập lậu tự nhiên sạch hết không còn sót. Chẳng lìa bổn niệm, tận mặt thấy đức A Di Ðà. Công thành hạnh mãn, nguyện lực hỗ trợ nên lúc mạng chung quyết sẽ sanh trong thượng phẩm.

  b. Ðiều cốt yếu trong sự tu hành chơn tín là cầu sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới: Chuyên chú tâm ý vào một niệm, trì một câu A Di Ðà Phật. Chỉ có một niệm này là bổn sư của mình. Chỉ có một niệm này chính là hóa Phật. Chỉ có một niệm này là vị tướng quân mạnh mẽ phá tan địa ngục. Chỉ có một niệm này là gươm báu chém tan các tà. Chỉ có một niệm này là đèn sáng soi tan tăm tối. Chỉ một niệm này là thuyền lớn để vượt đại khổ hải. Chỉ một niệm này là phương cách tốt lành để thoát sanh tử. Chỉ một niệm này là đường tắt thoát khỏi tam giới. Chỉ một niệm này là bổn tánh Di Ðà. Chỉ một niệm này để thấu đạt Duy Tâm Tịnh Ðộ. Chỉ nên ghi nhớ một câu A Di Ðà Phật trong tâm niệm, chớ để lạc mất. Niệm niệm thường hiện tiền, niệm niệm chẳng rời tâm. Vô sự cũng niệm như thế. Hữu sự cũng niệm như thế. An vui cũng niệm như thế. Bịnh khổ vẫn niệm như thế. Sống cũng niệm như thế. Chết cũng niệm như thế. Một niệm phân minh chẳng mê như thế thì cần phải hỏi ai để tìm đường về nữa!

Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Thiền Sư Thích Nguyên Hiền | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
15.    Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch