Home > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Ngu-Cat-Sua
Người Ngu Cất Sữa
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Kinh Bách Dụ Người Ngu Cất Sữa: Có người ngu muốn dùng sữa thiết tiệc đãi khách, nên suy nghĩ, nếu như mỗi ngày đều lấy sữa, thì lâu ngày sữa sẽ nhiều và không có chỗ chứa, hơn nữa lại sợ bị hư, chẳng bằng cứ cất chứa trong bụng bò, đợi đến khi cần vắt một thể. Nghĩ vậy rồi bắt bò con cách li với bò mẹ. Tháng sau khi đãi tiệc, mới đem bò mẹ ra vắt sữa, lúc đó sữa đã cạn, chẳng lấy được giọt nào, vì vậy thực khách người thì giận dữ kẻ thì cười chê.

Người ngu muốn bố thí nhưng hay nghĩ đợi đến lúc giầu có bố thí một lần cho nhiều, nào hay chưa kịp làm giầu đã bị thiên tai, giặc cướp, quan quân, làm tiêu tan sự nghiệp, hoặc tử thần tới dẫn, chưa kịp bố thí đã không còn cơ hội bố thí nữa.

Lời Bình: Thật pháp năng lưu xuất nhất thiết phương tiện pháp, chư Phật từ thật pháp dùng phương tiện lực, lập phương tiện pháp độ chư chúng sinh, chúng sinh nương lực phương tiện của chư Phật, tư tu phương tiện pháp, càng huân tu phương tiện, thật pháp càng lưu xuất phương tiện thậm thâm và quảng đại, tích tập từng ngày, từng sát na cho đến khi thấy được cứu cánh của phương tiện pháp, đó chính là thật pháp.

Ta có thể ví bò con như phương tiện pháp, bò mẹ như thật pháp. Phương tiện pháp là hành trì kinh luật luận, cứu cánh là chứng thật pháp. Từ bò mẹ lưu xuất sữa trưởng dưỡng bò con, bò con càng bú sữa mẹ càng lưu xuất, cho đến khi đủ lớn, nay bắt bò con rời mẹ, tất bò con phải dùng thứ khác thay sữa mẹ, còn bò mẹ do không cho bò con bú nên sữa cạn kiệt, giống như người tu đem phương tiện lìa xa cứu cánh, tức mọi sự tu hành không còn hướng đến giải thoát nữa, và tất nhiên hướng đến mục tiêu ái dục của thế gian, dụ như người tu suy nghĩ phải có tiền mới làm Phật sự được, sau đó tăng trưởng niệm này khi thấy rằng có tiền thì làm Phật sự được như vậy càng có nhiều tất càng có kết quả, nên càng nỗ lực dùng mọi phương tiện và thời gian kiếm cho nhiều tiền, bấy giờ phương tiện tu hành, dốc hết vào kiếm tiền, nên pháp phương tiện không nhắm đến cứu cánh chứng thật tướng, mà nhắm đến tiền tài, vì vậy cứu cánh phải khô kiệt với tinh thần hành sử này, như bò mẹ cạn sữa

Sữa dụ cho Phật pháp, chủ nhân dụ cho người xuất gia, khách dụ cho tín chúng, đãi sữa dụ cho bố thí pháp. Phát tâm xuất gia tức nguyện dốc hết ba nghiệp tu tập mọi phương tiện đạo, cho đến khi chứng thật đạo, bấy giờ đền ân tín chúng bằng cách bố thí pháp nhũ cho tất cả mọi người. Nhưng vì vô trí suy nghĩ rằng đợi ta lập đạo tràng dựng chùa chiền xong rồi tu hành một thể, mà không mỗi ngày tư duy rèn luyện trí huệ, tích tụ công đức. Không biết rằng xây chùa bố thí, trai tăng cúng Phật thẩy đều là phúc đức, phúc đức khác với công đức, phúc đức chỉ giúp ta tránh được nhiều khổ nạn, công đức mới diệt tận khổ, công đức sẵn có nơi pháp thân tức thật pháp, không phải ở nơi tu phúc, như lục tổ thiền tông Huệ năng nói, tạo tự bố thí, cúng Phật thiết trai, danh vi tu phúc, bất khả tương phúc dĩ vi công đức, công đức tại pháp thân trung, phi tại tu phúc. Đến khi lập xong tuổi gìa trí suy, chẳng có chút pháp giải thoát nào đãi ngộ tín chúng như tâm nguyện xuất gia ban đầu, nên bị tín chúng kẻ hủy báng người chê cười, không khác gì người ngu cất sữa này.

Tổ sư tu tập tích chứa công đức trí huệ, rồi lập đạo tràng độ hóa chúng sinh, như chủ nhân dùng sữa đãi khách, kẻ ngu ngược lại lo lập đạo tràng hết đời, không chuyên tu tập, nên chung cục đạo tràng chỉ sử dụng vào mục tiêu phi Phật pháp. Giống ngoại đạo cũng tu thiện pháp nhưng không nhắm đến giải thoát, chỉ cầu sinh thiên, nên công phu cũng bằng thánh tăng mà kết quả thì nhỏ bé hơn nhiều.

Xuất gia học đạo nhằm đạt được cứu cánh giác ngộ, xây chùa tạo tự để làm phương tiện ban cấp pháp nhũ, tích tụ được qua sự tu hành, cho tín chúng. bỏ qua sự tu học cứu cánh, chỉ lo hành phương tiện, như đem bò con xa mẹ, phương tiện không đưa đến cứu cánh thì hẳn nhiên là tà ngụy pháp. Người tu hành như vậy càng tu càng làm cạn kiệt pháp giải thoát. Chỉ một niệm vọng tưởng sinh khởi, bóng tối vô minh sẽ loang ra che phủ hết bầu trời trong sáng, như người này chỉ do một niệm ngu mà mất hết sữa, quả như đại sư Tăng xán nói, hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách (chỉ sai một ly mà kết quả khác với mong muốn như trời với đất), người trí học được điều khôn này, nên cẩn thận tư duy mọi pháp nhân duyên đang hiện hữu, kẻ vô trí loạn khởi đủ mọi vọng tưởng sinh khởi tính biến kế, mà phân biệt tắng ái đắc thất, thủ xả thuận nghịch, mà không hay chỉ nhất niệm vô minh khởi cũng đủ làm mê thất chân thân thật tướng, khiến phải chịu quả mê mờ không biết đâu là nẻo đi lối về, lang thang bao đời trong lục đạo mông mênh đầy khổ não, hà huống cử chỉ động niệm đều vun bồi thêm biết bao nhân vô minh vọng tưởng, như người mù đi trong bóng đêm trên con đường vô tận, chỉ có chông gai (khổ) và chết chóc (tử), khó có ngày chấm dứt, như kinh Địa tạng nói, chúng sinh nam diêm phù đề cang cường khó độ, do vì cử chỉ động niệm đều tạo nghiệp đau khổ (cử chỉ động niệm, vô phi thị nghiệp, vô bất thị tội). Chuyện ngu này giúp chúng ta hồi đầu, từ tạp niệm quay về với chính niệm, tạp niệm là loạn khởi vọng tưởng do phân biệt hiện tượng, chính niệm là lìa tính phân biệt hiện tượng, trở lại quán sát thật tướng của các pháp.