Giáo lý phải thông đạt thì niệm Phật mới được tương ứng. Cổ nhân thường nói: “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Vậy thì anh phải làm đến tương ứng, cái giáo lý này không thể không biết. Không biết giáo lý rất khó tương ứng, người không hiểu giáo lý cũng có tương ứng rất là ít. Rất là ít, đó là người gì? Thường ngôn nói rất hay: “Người thật thà”. Chân chánh thật thà có thể không cần hiểu giáo lý.
Cái gì gọi là thật thà? Dạy họ niệm A Di Đà Phật, họ liền niệm đến cùng, họ niệm A Di Đà Phật nhất định chẳng có vọng tưởng, quyết định chẳng có hoài nghi, quyết định chẳng có gián đoạn. Hạng người này gọi là người thật thà, người thật thà khó được. Có lẽ hiện nay, trong một vạn người khó mà tìm được một người. Người đó có thể không cần học giáo, có thể không cần nghe kinh, họ có thể thành tựu.
Cho nên trong Phật môn, bất luận là tông phái nào, một pháp môn nào, thật sự có thành tựu, một là người thượng trí, một là người hạ ngu. Hai hạng người này dễ dạy, người thượng trí họ hiểu được, họ thông minh, họ đối với giáo lý thông đạt cho nên họ không có hoài nghi, họ không có xen tạp, không có gián đoạn.
Còn cái hạng ngu này thì cổ nhân thường nói: “Ngu bất khả cập”. Chúng ta người thông thường so với họ không bằng. Tâm địa của họ thanh tịnh, trung hậu, lão thành, họ chẳng có tạp niệm, họ chẳng có dục vọng…
Dạy cho họ một câu Phật hiệu, họ liền niệm đến cùng, họ chẳng có hoài nghi, họ không có xen tạp, thường thường hai ba năm họ thành công rồi, họ vãng sanh biết trước ngày đi, họ không sanh bệnh, rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch. Lúc sắp ra đi Phật đến tiếp dẫn, vui mừng mà ra đi, chúng tôi nhìn thấy không ít.
Hạng người trình độ như chúng ta rất là khó độ, lên không lên, xuống không xuống, suốt ngày đến tối, khởi vọng tưởng, trong khi niệm Phật có xem tạp vọng tưởng, trong lúc học giáo cũng có xen tạp vọng tưởng, cho nên học giáo không thể khai ngộ, niệm Phật không được nhất tâm. Căn bệnh ngay tại chỗ này, bệnh của mình phải tự mình đối trị, người khác không thể giúp được.
Tự mình phải có quyết tâm, đem cái căn bệnh của mình sửa đổi trở lại. Cổ nhân nói rất hay: “Ngu bất khả cập”. Chúng ta muốn học hạng ngu rất khó, rất khó. Chúng ta muốn đem thân tâm thế giới, tất cả buông xuống, không thể không đi theo con đường giáo lý này. Thật sự thông đạt giáo lý cũng tức là nói cứu cánh nhân sanh vũ trụ này là sự việc gì? Nếu không thể triệt để thông đạt, nhưng đại khái cũng phải hiểu rõ.
Sau khi hiểu rõ anh mới biết buông xuống, anh mới biết được buông xuống là chính xác. Buông xuống đối với ta mới thật sự có lợi, nếu như không buông xuống thì một đời này của chúng ta dĩ nhiên là luống qua. Đời sau vẫn còn tạo luân hồi, ra không khỏi lục đạo luân hồi, vậy thì chúng ta phải ghi nhớ.
Trong kinh Phật , Phật nói với chúng ta: Lục đạo chúng sanh thời gian trong tam ác đạo thì dài, thời gian trong tam thiện đạo thì ngắn. Phật thường dùng thí dụ nói: Tam ác đạo là quê hương của anh, tam thiện đạo là anh đi ra ngoài du lịch. Anh đi ra ngoài du lịch ngắm cảnh thời gian ngắn tạm.
Tam ác đạo là quê hương của anh, thật rất đáng sợ! Đời đời kiếp kiếp chúng ta là người niệm Phật cùng với Phật có duyên rất sâu, vì sao không thể thành tựu? Tức là không chịu buông xuống, không có đem thân tâm thế giới triệt để buông xuống, cho nên Tây phương Cực Lạc thế giới đi không thành…
Những năm gần đây, chúng tôi đề xướng thuần tịnh thuần thiện. Tâm địa phải thuần tịnh, hành vi phải thuần thiện thì niệm Phật mới được vãng sanh. Vì sao? Tây phương Cực Lạc thế giới giai thị chư thượng thiện nhân tụ hội nhất xứ. Tâm của chúng ta không thanh tịnh, tâm không hiền lương, anh nghĩ xem anh làm sao có thể đi? A Di Đà Phật rất từ bi tiếp dẫn anh đến Cực Lạc thế giới rồi, anh đến Cực Lạc thế giới cùng với người này ở không quen, cùng với người kia trái mắt. Đây là cái chánh nhân của anh không được vãng sanh.
Cho nên tại thế gian này trong mấy chục năm, ngắn ngủi…Giống như chúng tôi là người đã lớn tuổi, đại khái chỉ còn trong vài năm hoặc trong mười mấy năm, người trung niên trở lên phải có cảnh giác cao độ, thời gian không nhiều, anh phải thật sự nắm lấy thời gian làm cái việc đời đời kiếp kiếp của chúng ta, hi vọng cầu một sự việc lớn này, không phải là một đời một kiếp, cơ hội lần này không thể bỏ qua…
Kinh Kim Cang Phật nói rất hay: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh…”. Anh mà đem những thứ này để ở trong tâm thì sai rồi, không nên còn lo lắng. Triệt để buông xuống, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, chỉ có Cực Lạc thế giới. Thật sự người cầu vãng sanh, trong một đời của anh, một bộ kinh Vô Lượng Thọ đủ rồi. Nếu chê kinh Vô Lượng Thọ quá nhiều, không cách nào thọ trì, vậy thì anh học kinh A Di Đà.
Kinh A Di Đà phân lượng ít, trước kia tại Trung Quốc chúng ta đều biết Ngài Liên Trì Đại Sư, đời cận đại Ấn Quang Đại Sư, các Ngài một đời chỉ thọ trì một bộ kinh A Di Đà, một câu lục tự hồng danh, thành Phật làm tổ. Nhất là Ngài Liên Trì Đại Sư nói rất hay: “Tam tạng mười hai bộ nhường cho người khác ngộ. Quý vị nào ưa thích thì quý vị đi ngộ. Tám vạn bốn ngàn hạnh (là tám vạn bốn ngàn pháp môn) nhường cho người khác hành, quý vị ưa thích tu pháp môn nào thì quý vị đi tu”. Ngài tự mình hết lòng hết dạ một bộ kinh Di Đà, một câu Phật hiệu thành Phật làm Tổ cũng dư thừa. Cái tâm vĩnh viễn là thanh tịnh, vĩnh viễn là chí thiện. Chúng tôi nói thuần tịnh thuần thiện, ngài hoàn toàn đã thực hiện được, hoàn toàn đã làm được cho nên ngài đã thành tựu.
Cái sự việc này nói thì dễ, lúc làm thì khó. Chỗ khó ở chỗ nào? Cái khó ở chỗ cái lý chúng ta không thấu triệt, phương pháp chưa tìm được tỉ mỉ tường tận. Nhất định phải biết rõ từ trong nội tâm của mình làm công phu, Phật pháp gọi là nội học, thời thời khắc khắc tự mình quán sát, không nên đi nhìn người khác, phải tiêu trừ mâu thuẫn trong nội tâm thì tâm của anh mới được thanh tịnh – Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm”…