Chân lý là một định nghĩa cho những gì không thay đổi, bất di bất dịch; chân lý cuộc đời là khổ, là vui, là buồn điều này ai cũng thấy, cũng chấp nhận. Cả con người cũng là chân lý, vì người ý thức chân lý, sống như chân lý rồi biến thành chân lý. Phật hiện thân là chân lý giải thoát, chúng sinh hiện thân chân lý khổ đau. Cái khổ đau của chúng sanh là chân lý, vì chưa tu chưa chứng đạo, khi chứng đạo đạt niết bàn rồi, chúng sanh này sẽ không còn là chúng sanh nữa.
Hiểu như vậy, việc học Phật sẽ thấy là quan trọng, và tại sao chúng ta phải gia tâm học Phật. Nếu chưa gia tâm tinh tấn học Phật, việc hiểu Phật học Phật sẽ còn nhiều khiếm khuyết, sai lạc, vì xem thường chân lý.
Thế thì chân lý cuộc đời cho ta thấy là KHỔ, đúng như Phật dạy KHỔ ĐẾ, một sự thật tuyệt đối. Khổ thế nào? Khổ về thân và tâm. Có ai không khổ? Hoàn toàn không có. Nếu có, người đó không phải là người! Người đó không là người thì là gì? Người đó là người nhưng không phải phàm phu; người đó sống chẳng khác mọi người, nhưng không bao giờ bị chao động phiền não vui buồn, với bất cứ hình ảnh hoàn
cảnh nào chung quanh người đó. Người đó là Thánh, là Bồ Tát là đệ tử chân chánh của đức Phật, vì đã hiểu và hành đúng chân lý giải thoát của Như Lai. Có thể vẫn còn rất nhiều Bồ Tát đã và đang sống chung quanh chúng ta, mà chúng ta không nhận ra đó thôi.
Như thế nhận thấy cuộc đời khổ, bị đau khổ cuộc đời, đó còn là phàm phu, còn là chúng sinh mê muội. Tất nhiên nhận ra cuộc đời khổ là chân lý của Như Lai, điều này là nhân duyên thù thắng, không thì ta phải mất hàng vạn kiếp mới hiểu được.
Ở vị trí loài người trong sáu cõi, chúng ta là hàng chúng sinh cao cấp, chỉ thua cõi trời; nhưng phải nói là hơn, vì nơi này dễ có cơ hội học tu Phật pháp. Đó cũng nhờ kinh nghiệm cuộc đời khổ nhiều hơn vui. Và mừng hơn nhất là kinh nghiệm khổ của cuộc đời đã biến thành chân lý, khi được đức Phật xuất hiện ở thế gian dạy rõ như vậy.
Khi Phật dạy đời là khổ, là một sự thật tuyệt đối, một sự thật hiện lên ngay chính con người mình; Phật liền dạy thêm, còn có Niết Bàn thanh tịnh giải thoát của một
người dứt khổ. Nghĩa là chính ngay hiện thân của Phật là một sự thật cụ thể; nói cho đúng đó là chân lý; Phật là chân lý cụ thể, không cần phải chứng minh đâu xa.
Chân lý tiếp theo mà chúng ta hiểu được đó là chân lý Niết Bàn thanh tịnh, chân lý giải thoát của thế giới Như Lai, đối ngược hoàn toàn với chân lý khổ, chân lý luân hồi của thế giới Dục, Sắc, Vô Sắc Giới.
Hai chân lý, hai trái ngược, một là khổ hai là an vui tuyệt đối; nhưng chánh nhân thọ nhận chỉ có một mà thôi. Đó là con người chúng ta, ta khổ ta vui, ta đọa lạc, ta giải thoát; ta hiện thân là chân lý đau khổ ở cõi Ta Bà, và cũng chính ta hiện thân một Bồ Tát sơ phát tâm, một vị Phật tương lai “Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”, Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.
Vậy nói hai chân lý, nhưng thật sự chỉ có một, một tâm phân biệt chưa giác ngộ nên thành hai; một tâm thanh tịnh nhứt như nên vô phân biệt, tuyệt đối, cả hai chỉ là một. Nói đúng hơn tất cả là một, một là tất cả như thế giới Hoa Nghiêm trùng trùng duyên khởi, cũng từ cái tâm vi diệu lưu xuất ra.
Đến đây ta hiểu cao hơn một phần nữa, ta sống trong khổ cũng chỉ là lăng xăng trong thế giới ảo mộng, chẳng có gì là thật; nhưng vì ta chưa giác ngộ chứng đạo như chư vị Bồ Tát, Thánh Tăng, nên ta không đủ đạo lực trực ngộ chân lý, mà chỉ nhìn chân lý theo vọng tưởng, hiểu để mà hiểu thôi. Chư vị Bồ Tát lớn chẳng quan tâm đến chân lý làm gì, vì các Ngài đã mặc nhiên trên con đường chân lý, đã sống đã hành động bằng hết tất cả chân lý, từ tâm vô ngã, vô chấp; nên các Ngài đã không một mảy may động tâm chân lý hay không chân lý. Tất cả chỉ là những hình ảnh thuận nghịch, theo nhân duyên khởi động thế giới này thế giới kia.
Phần chúng ta những chúng sinh còn mê muội, còn đang dò dẫm trên đường học đạo đi tìm chân lý, chỉ nên kính lễ tán thán hạnh nguyện chư Thánh Tăng chư Bồ Tát, là hình ảnh đại diện cho đấng giải thoát; và mong được hành động, hạnh nguyện theo công hạnh của quý Ngài, để sớm nhận ra cụ thể chân lý bằng tâm vô phân biệt.
Như thế cuộc đời có khổ thế nào, chúng ta lại càng nhận ra đó là chân lý, để rồi giúp ta thấy được chân lý giải thoát.
Cầu nguyện cho muôn loài chúng sinh, sớm nhận ra chân lý giải thoát khổ đau trong cuộc đời này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
2008 –