Home > Khai Thị Niệm Phật
Vọng Niệm Là Bịnh Niệm Phật Là Thuốc
Đại Sư Liên Trì


a. Vọng niệm là bịnh; niệm Phật là thuốc. Bịnh lâu thì một viên thuốc chẳng trị hết nổi. Vọng niệm chất chứa thì chẳng thể nào vừa niệm đã trừ hết được nổi. Lý lẽ nhất định như vậy. Ðừng lo ngại những vọng niệm khác tơi bời [khởi lên], chỉ quý ở chỗ niệm Phật tinh chuyên, khẩn thiết. Từng chữ phân minh; câu, câu nối tiếp. Dốc sức chấp trì thì mới có phần xu hướng được, nghĩa là: do sức chơn thật tích tụ lâu ngày nên đến một ngày nào đó sẽ chợt rỗng rang [khai ngộ]. Ví như mài chày làm kim, luyện sắt thành gang, quyết định chẳng dối. Tuy có lắm môn để nhập đạo, nhưng chỉ có một môn này là đường vắn tắt nhất, chẳng thể coi thường, chớ có coi thường.

b. Ðạo này chí huyền, chí diệu, lại rất mực giản dị. Vì giản dị nên bị bậc cao minh xem thường! Sanh tử chẳng lìa nhất niệm mà thậm chí muôn pháp thế gian, xuất thế gian cũng chẳng ngoài nhất niệm. Nay đem cái niệm ấy niệm Phật thì sẽ thiết tha, tinh chuyên, chơn thật xiết bao! Nếu xét kỹ tận nguồn nhất niệm ấy thì nó chính là tự tánh Di Ðà, chính là ý của Tổ Sư tự phương Tây đến (**). Ví dù chẳng ngộ được, nhưng nương niệm lực ấy mà vãng sanh Cực Lạc, vượt ngang sanh tử, chẳng bị luân hồi nữa thì cuối cùng sẽ đại ngộ vậy. Xin buông bỏ muôn duyên, trong mười hai thời niệm niệm khăng khăng. Ðấy chính là là điều tôi rất mong mỏi.

c. Sự hiếu thế gian có đến ba, hiếu xuất thế gian chỉ có một. Cái hiếu thế gian gồm: Một là thừa hoan hầu hạ, dùng thức ngon lành dâng lên mẹ cha. Hai là đỗ đạt làm quan, dùng tước lộc để vinh hiển mẹ cha. Ba là tu đức trau hạnh để thành thánh, thành hiền nhằm làm rạng rỡ mẹ cha. Thế gian gọi ba điều ấy là hiếu vậy. Sự hiếu xuất thế gian là khuyên cha mẹ trai giới, tu đạo, nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, vĩnh biệt tứ sanh (không còn sanh trong bốn loài: noãn, thai, thấp, hóa), mãi mãi thoát khỏi lục đạo, gởi thân trong thai sen, thân cận Phật Di Ðà, đắc bất thối chuyển. Người con báo hiếu coi việc ấy là trọng đại nhất.

Khi xưa, tôi vừa chớm biết nhập đạo, song thân đã khuất, do thương cảm bèn viết bài văn tự trách bất hiếu để bày tỏ nỗi bi hận. Nay thấy trong chúng tại gia, xuất gia có đủ điều may mắn càng bội phần cảm khái, lệ nhỏ ròng ròng. Cúi đầu, rập đầu xin khuyên: Người chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ cho được yên ổn là hiếu. Người lập thân hành đạo để cha mẹ nở mặt là đại hiếu. Người khuyên cha mẹ dùng pháp môn niệm Phật cầu được vãng sanh Tịnh Ðộ là đại hiếu nhất trong những người đại hiếu. Tôi sanh muộn, vừa nghe được Phật pháp thì mẹ cha đã khuất, đau đớn thấu trời, tuy muốn đáp đền vẫn không làm cách nào được. Xin thưa cùng mọi người: khi cha mẹ còn tại thế nên sớm khuyên niệm Phật. Ngày cha mẹ mất nên lễ Phật, tụng kinh ba năm. Nếu chẳng làm được như vậy thì hoặc là suốt cả một năm hay trong bốn mươi chín ngày cũng được. Hiếu tử muốn báo cái ân cù lao, không thể không biết đến điều này.

d. Phàm là người học Phật chẳng cần bàn đến hình dạng trang nghiêm, chỉ quý ở chỗ chơn thật tu hành. Cư sĩ tại gia chẳng nhất thiết phải áo dà, khăn đạo. Người để tóc cứ mặc thường phục niệm Phật, chẳng nhất thiết phải khua mõ, gõ khánh. Người thích yên tịnh cứ yên lặng niệm Phật, chẳng bắt buộc phải quây quần lập hội. Người ngại việc có thể tự đóng cửa niệm Phật, chẳng cần phải đến chùa nghe kinh. Người biết chữ có thể tuân theo giáo pháp niệm Phật. Ngàn dặm thiêu hương chẳng bằng ngồi yên trong nhà niệm Phật. Cúng dường tà sư chẳng bằng hiếu thuận cha mẹ niệm Phật. Kết giao rộng rãi với bè bạn ma chẳng bằng một mình thanh tịnh niệm Phật. Gởi tiền kho cho kiếp sau (1) chẳng bằng hiện tại làm phước niệm Phật. Hứa nguyện, cầu đảo chẳng bằng hối lỗi đích thân niệm Phật. Tập tành học theo sách vở ngoại đạo chẳng bằng một chữ không biết mà niệm Phật. Vô tri bàn xằng lẽ Thiền chẳng bằng chắc thật trì giới, niệm Phật. Mong cầu yêu quỷ linh ứng chẳng bằng chánh tín nhân quả niệm Phật.

Nói tóm lại, đoan tâm diệt ác niệm Phật như vậy thì gọi là thiện nhân. Nhiếp tâm dứt trừ tán loạn để niệm Phật như vậy thì gọi là hiền nhân. Ngộ tâm đoạn hoặc niệm Phật như thế thì gọi là thánh nhân.

e. [Ðại sư ] bảo ông Châu Tây Tông: “Bịnh của ngài đã đến nỗi này, thật là rất nguy. Nên đem hết những điều muốn nói viết hết ra giao cho lịnh lang và tôn đường, để trong dạ chẳng còn vướng víu điều gì, nhất tâm chánh niệm. Nếu bình nhật đã tin tưởng nổi pháp môn Niệm Phật thì nên lấy con mắt trong tâm soi chiếu bên trong; bốn chữ Phật danh vằng vặc ngời ngời, chẳng gián, chẳng đoạn. Dẫu ngày hôm nay hay ngày mai bị chết cũng được, hoặc là chẳng chết mà sống mãi đến một trăm hai mươi tuổi cũng xong. Ðây là lời khẩn yếu; bằng hữu bấy lâu quen biết chính là chỗ này. Mọi sự khác đều nhỏ nhặt, chẳng phải bận tâm đến. Chớ có vì tham sống sợ chết đến nỗi hỏng đại sự. Rất quan trọng đấy!”

f. Bảo Vương Ðại Trác: “Ðối với căn bịnh của ngài thì mọi sự ngoài thân kể cả tứ chi, trăm đốt xương trong thân này đều nên dốc lòng buông bỏ, khiến cho rỗng không chẳng còn có một vật gì! Nếu chẳng thể buông bỏ hết thì hãy tạm buông bỏ để đợi đến sau này. Chẳng chế ngự được lửa vọng tưởng thì nên niệm Phật nhiều tiếng để đè ép nó. Vinh hoa, phú quý thế gian chẳng qua là sự trong phút chốc; ách nạn, khổ não chẳng qua cũng là sự trong phút chốc; trong khoảnh khắc đã biến thành không. Vả lại, mọi sự đều do các duyên trước kia, sức người chẳng làm gì được! Tận tình buông bỏ hết, nhất tâm niệm Phật hết sức thiết tha.

Cổ nhân có nói: “Bịnh là lương dược của chúng sanh”. Vì thế, người mắc bịnh phải nên sanh lòng hoan hỉ lớn lao. Ðối với hết thảy những điều chẳng như ý, chớ khởi phiền não. [Cổ nhân] còn bảo: ‘Sanh tử hữu mạng’ nên người mắc bịnh phải nên sanh [ý tưởng] đại giải thoát, mặc kệ sống chết chớ sanh sợ hãi. Thêm nữa, quá khứ như huyễn, hiện tại như huyễn, vị lai như huyễn; cứ tận tình buông bỏ, chỉ giữ chánh niệm mà thôi. Trong khi bịnh nên ngàn vạn nhẫn nại, lòng chớ mong sớm được lành bịnh; đấy lại chính là kế hay để chóng được hết bịnh!  Một phen đã ôm lòng nóng nảy thì bịnh càng nặng thêm. Nhớ kỹ, nhớ kỹ!”

Trích từ: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Thiền Sư Thích Nguyên Hiền | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
15.    Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch