Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Kien-Tinh-Tin-Bo-Tat-Hoi-Phat-Lam-Sao-Phat-Khoi-Tin-Tam

Kiên Tịnh Tín Bồ Tát Hỏi Phật Làm Sao Phát Khởi Tín Tâm
Đại Lão Hòa Thượng Thích Mộng Tham | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

(Kinh: Con nay vì những kẻ có chút ít thiện căn trong đời ác khi Tượng Pháp sắp hết và trong đời Mạt Pháp, mà thưa hỏi đức Như Lai lập phương tiện nào để khai thị, giáo hóa, hướng dẫn, khiến cho họ sanh tín tâm, trừ các suy não. Do các chúng sanh ấy gặp phải thời ác, nhiều chướng ngại, sẽ lui sụt thiện tâm. Đối với pháp nhân quả thế gian và xuất thế gian, nhiều lượt dấy lòng ngờ vực, chẳng thể kiên định cái tâm, chuyên cầu thiện pháp. Chúng sanh như thế đáng thương, đáng cứu. Đức Thế Tôn đại từ, là đấng Nhất Thiết Chủng Trí, xin hãy khởi phương tiện dạy bảo, khiến cho họ lìa lưới nghi, trừ các chướng ngại, tăng trưởng tín tâm, nương theo thừa nào thì sẽ mau chóng đạt được bất thoái?)

Con nay vì trong đời ác tương lai, Tượng Pháp sắp tận, thời Tượng Pháp của chúng ta đã hết, chính là Mạt Pháp. “Cập Mạt Pháp trung hữu vi thiểu thiện căn giả” (Và trong đời Mạt Pháp có những người thiện căn ít ỏi): Nay chúng ta cũng đều có thiện căn, nhưng chúng ta đọc tụng kinh điển Đại Thừa, tức là thiện căn rất sâu dày. Kiên Tịnh Tín Bồ Tát cầu là do ý nghĩa này. Trong thuở ngũ trược ác thế, Tượng Pháp đã hết, tiến vào thời đại Mạt Pháp, hãy còn có những kẻ thiện căn ít ỏi, tức là các đạo hữu có thiện căn, phải nên dùng phương tiện như thế nào để giáo hóa, hướng dẫn họ. Ngài mong thỉnh đức Phật thuyết pháp, cũng là thỉnh Phật hãy nói cho mọi người, khiến cho họ sanh tín tâm, có thể khiến cho họ tín tâm kiên định, chẳng có suy bại, ưu não. Vì các chúng sanh ấy trong lúc đó, gặp phải thuở ác thế trong thời Mạt Pháp, chướng ngại quá nhiều. Do có lắm chướng ngại, dẫu họ phát khởi thiện tâm, họ không chịu nổi vùi dập, sẽ lui sụt thiện tâm.

Mỗi vị đạo hữu chúng ta hãy tự nhớ lại, chính mình tinh tấn như thế nào, có phải là trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ đều nghĩ tới sanh tử hay không? Ta chẳng làm như vậy, nhưng mỗi ngày nói chung, ta phải nghĩ tới mấy lượt, chẳng phải là hai mươi bốn tiếng đồng hồ đều nghĩ, nhưng khi ta ngủ, tuyệt đối nghĩ tưởng: Ngày mai có bò dậy nổi hay không, chẳng nhất định! Nói không chừng, ngủ rồi chết luôn, đối với sanh mạng thì chẳng có ai đảm bảo được! Chỉ nhớ lại đôi chút, ngày hôm nay ta đã làm những chuyện gì, đã lìa khỏi Tam Bảo khá xa, hay là nương cậy Tam Bảo rất gần? Là xa hay gần, chính mình hiểu rất rõ điều ấy! Ngày hôm nay niệm Phật, lễ Phật, niệm kinh, hay là mong giúp đỡ hết thảy chúng sanh, niệm nào cũng đều phát tâm đại từ bi độ chúng sanh, cái tâm ấy là nhiều, hay là dấy lên tham, sân, si, vì tiếng tăm và lợi dưỡng của chính mình, vì để thân thể của chính mình khỏe mạnh? Cái tâm nào chiếm phần nhiều?

Do vậy, Kiên Tịnh Tín Bồ Tát thưa hỏi Như Lai, trong thuở Mạt Pháp, đối với chúng sanh thiện căn ít ỏi, phải nhờ vào phương tiện thiện xảo nào dẫn dụ họ chẳng thoái thất tín tâm, mà cũng chẳng lui sụt thiện tâm. Để đối với pháp nhân quả thế gian và xuất thế gian, chẳng có chút nghi hoặc nào, có loại pháp nào tiêu trừ nghi hoặc cho họ? Vì họ có nghi hoặc, cho nên chẳng thể kiên định tín tâm, chuyên cầu thiện pháp. Loại chúng sanh này đáng thương xót nhất! Kiên Tịnh Tín Bồ Tát hướng về đức Phật thỉnh cầu, tạo nhân duyên phát khởi chủ yếu. Điều ấy có nghĩa là bọn chúng sanh trong đời Mạt Pháp chúng ta nghi hoặc, chẳng thể kiên định tín tâm, mà cũng chẳng thể kiên định cầu thiện pháp. Do vậy, Kiên Tịnh Tín Bồ Tát thương xót loại chúng sanh này nhất. Vì thế, Ngài mới hướng về đức Phật thỉnh cầu. Bản thân chúng tôi cảm nhận, mỗi vị đạo hữu đều có thể đối chiếu: Phàm là giảng một bộ kinh nào, nói một pháp nào, đều nhằm khiến cho chúng ta thực hiện, chẳng phải là nói suông mà thôi! Nói suông thì có lợi ích chi đâu? Nói chúng ta gieo thiện căn, thì gieo thiện căn chẳng đáng tin tưởng! Tốt nhất là quý vị hãy hành, hành rồi thì mới có thể đạt được. Người ta nói “một bàn thức ăn này rất ngon lành”, quý vị chẳng ăn, rốt cuộc biết nó là ngon hay dở? Quý vị phải ăn! Quý vị rất đói bụng, lại không chịu ăn, phải nên làm như thế nào đây? Vẫn là chẳng đạt được gì hết, đói thì vẫn cứ đói!

Nay chúng ta thiện căn giảm thiểu. Có thể là có một số đạo hữu, tôi nghe nói nhiều người rất thỏa mãn, cho rằng tín tâm của chính mình rất đầy đủ. Tôi phê bình họ chẳng đủ! Những lời đức Phật đã nói nhằm dạy chúng ta phương pháp, chẳng phải là chúng tôi tự mình tùy tiện định nghĩa. Chính quý vị có thể dùng Thánh Giáo Lượng, tức là dùng kinh pháp do đức Phật đã nói để đối chiếu một phen, xem thử quý vị đã đạt đến vị trí ấy hay chưa? Chưa đạt tới vị trí ấy, tức là tín tâm của quý vị chưa đủ. Tin hay không? Chẳng tin thì cứ dùng kinh đối chiếu một phen! Như thế nào thì mới được coi là có tín tâm thuộc Tín vị Bồ Tát? Có tiêu chuẩn! Nhận biết niệm trước khởi ác, bèn ngưng dứt, chẳng để cho niệm sau dấy lên; điều đó chứng tỏ quý vị đã dự vào Tín vị, là đệ tử thật sự tin Tam Bảo, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng. Chẳng dự vào Tín vị, vậy thì quý vị phải vun bồi tín tâm. Nhưng chuyện này có Thánh Giáo Lượng, tức là có hết thảy những lời do đức Phật đã nói để quý vị có thể đối chiếu. Ngay cả Tín vị mà quý vị còn chưa trọn đủ, có thể thoát khỏi sanh tử ư? Có thể chẳng luân chuyển trong luân hồi ư? Nói theo kinh Hoa Nghiêm, dự vào Tín vị Bồ Tát, có thể nhận biết ý niệm của ta không đúng, biết niệm trước khởi ác, bèn ngưng dứt chẳng cho niệm sau khởi lên. Nếu tín tâm của ta trọn đủ, tín đã thành tựu!

Tín đã thành tựu, dự vào Sơ Trụ là cảnh tượng gì vậy? Thần thông quảng đại. Ta có tín tâm hay không? Thần thông quảng đại tới mức độ nào? Có thể tới thị hiện thành Phật trong một trăm thế giới, hóa độ chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm dạy như thế, chẳng phải là tôi tùy tiện nói. Đó gọi là “Thập Tín mãn tâm” (Đã viên mãn các tâm thuộc về địa vị Thập Tín). Nay chúng ta là “hân nhạo tâm” (tâm ưa thích), đối với Phật pháp hết sức tin tưởng, hết sức ưa thích, nhưng chưa thể dự vào Tín vị. Chúng ta chẳng thể “niệm trước vừa dấy ác, bèn ngưng dứt nó, không cho niệm sau khởi lên”. Nếu vị đạo hữu nào cảm thấy chính mình không có ác niệm, thuần túy là thiện niệm, một niệm ác tâm chẳng dấy lên, quý vị đã trọn đủ Tín. Nếu chẳng có, đối với ai đó chẳng vui thích, quý vị vẫn nổi cáu. Vậy là không được rồi!

Vì thế, trong duyên thế gian, trong nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử, đặc biệt là trong khi bị bệnh, khi bệnh tình nghiêm trọng, khi đau khổ tột bậc, quý vị đã sớm quên bẵng Phật, chỉ nghĩ trừ bỏ đau đớn. Quý vị có thể tin tưởng Phật sẽ trừ tai nạn cho quý vị hay không? Phải có tín tâm ấy, giao hết thảy cho Phật, Bồ Tát. Quý vị có tín tâm ấy, bệnh của quý vị chẳng cần phải lo, có hai trường hợp: Một là thọ mạng đã hết, phải chết. Chết rồi, quý vị sẽ sanh vào chốn lành, chẳng đọa vào tam đồ, trọn chẳng đọa trong ba ác đạo. Nay các đệ tử Phật đang hiện diện, đã thọ Tam Quy, Ngũ Giới, chết đi, tuyệt đối sẽ chẳng đọa vào ba đạo! Phải tin điều này, chớ nên nghi hoặc, tín tâm kiên định chẳng nghi, đời đời kiếp kiếp tiến cao hơn. Nhưng nếu quý vị có thể phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, [nhưng muốn] khi lâm chung quý vị có thể phát ra cái nguyện ấy, thì lúc bình thời, quý vị phải huấn luyện. Phương pháp huấn luyện như thế nào? Buổi tối, khi quý vị sắp ngủ, khi sắp ngủ mà vẫn chưa ngủ, quý vị phải phát nguyện.

Điều thứ nhất là quý vị phải đem chuyện đã làm trong ngày hôm nay, chuyện phù hợp Phật giáo, tăng trưởng tín tâm, có lợi ích cho chúng sanh, ta nguyện nó tăng trưởng. Những gì hôm nay ta đã làm sai, trong tâm nghĩ sai, nói lời sai trái, ta hướng về Tam Bảo sám hối, sau đó mới ngủ. Tối mỗi ngày, quý vị nhất định phải làm chuyện ấy. Sáng ra, chẳng thể nói chúng ta làm đều như pháp! Ngay cả Tín vị mà chúng ta vẫn chưa nhập, vẫn chưa đạt đến Sơ Trụ, mỗi ngày chớ nên lần khân, hãy sám hối ngay trong ngày, phát nguyện ngay trong ngày hôm đó, nó sẽ dần dần tăng trưởng. Quý vị phát nguyện lâu ngày, tới khi sắp ngủ, tợ hồ mơ hồ phát nguyện. Tôi thường có chuyện ấy, nhưng chẳng phải là tỉnh táo cho lắm, đã quên, nhưng lát sau nghĩ tới, sẽ vội vã phát nguyện, sau đó sẽ chẳng quên nữa. Quý vị bảo đó là giả, nhưng điều này thật hơn bất cứ thứ gì khác, còn thật hơn cả chuyện ăn cơm, mặc áo, cho đến khi quý vị mạng chung, sẽ có thể đạt được lợi ích to lớn. Hy vọng mọi người đừng quên; đó gọi là “khéo dùng cái tâm”.

Kiên Tịnh Tín Bồ Tát thưa cùng đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Ngài là đấng đại từ, đại bi, Ngài là bậc trọn đủ hết thảy trí huệ, là bậc Nhất Thiết Trí. Ngài có thể hành phương tiện hay không? Nói ra một phương pháp phương tiện thiện xảo, khiến cho mọi người đạt được lợi ích. Vì chúng sanh trong thời Mạt Pháp nghi hoặc quá nhiều, [các mối nghi hoặc được gọi là] “nghi võng” (疑網, lưới nghi), khiến cho [chúng sanh] lìa nghi võng. Nói đơn giản, khi tôi ở núi Ngũ Đài, có rất nhiều người đến núi hỏi tôi: “Sư phụ ơi! Con niệm Phật rất nhiều năm, lâm chung con có thể sanh về thế giới Cực Lạc hay không?” Tôi nói: “Vì sao quý vị hỏi tôi như vậy?” Người đó nói: “Con niệm Phật rất nhiều năm, dường như chẳng có hiệu quả chi hết, cảm ứng gì cũng chẳng có. Vậy thì khi con sắp chết, có thể vãng sanh hay không?” Tôi đáp: “Chẳng vãng sanh được!” Người đó hỏi: “Vì sao?” Tôi nói: “Ông hỏi tôi ‘có thể vãng sanh hay không’ là do ông có nghi hoặc. Sanh về thế giới Cực Lạc chẳng có nghi hoặc. Nếu vẫn nghi hoặc ‘có thể vãng sanh hay không’, tức là ông chẳng tin tưởng! Từ nay về sau, ông phải tiêu trừ ý niệm ấy, ‘sanh là quyết định sanh!’ Ông có nghi hoặc, sẽ thật sự chẳng đến [Cực Lạc] được. Căn bản là ông chẳng hạ quyết tâm! Đối với Phật pháp mà còn hoài nghi thì làm sao có thể đạt được gì nữa?”

Vì thế, tôi khuyên chư vị đạo hữu: “Bất luận quý vị học pháp nào, chớ nên hoài nghi!” Hoài nghi là chướng ngại lớn nhất, luôn hoài nghi chính mình: “Công lực của ta không đủ, nghiệp chướng của ta rất nặng!” Tôi thường nghe mỗi vị đạo hữu nói với tôi nghiệp chướng của người ấy rất nặng, [người ấy] tin nghiệp chướng của chính mình rất nặng, chẳng tin Phật tánh của chính mình và Phật tánh của Phật chẳng hai, chẳng khác. Vì sao chẳng tin? Đó là biểu hiện nghiệp chướng nặng nề. Đấy chẳng phải là biểu hiện nghiệp chướng nặng nề ư? Tôi tin các vị đạo hữu, nếu trước kia quý vị còn có nghi hoặc gì, tôi căn cứ theo lời đức Phật nói, tôi căn cứ theo lời dạy trong kinh Hoa Nghiêm, tôi chẳng lừa dối quý vị. Trước hết, quý vị hãy diệt trừ nghi hoặc. Nghi hoặc là một món trong mười món phiền não. Đối với Phật pháp, quý vị đừng nên sanh nghi hoặc. Giả sử quý vị có nghi hoặc, học gì cũng học chẳng vào, thứ gì cũng chẳng đạt được! Nghi là chướng ngại, là nghi hoặc, Hoặc (惑, phiền não) và nghiệp của quý vị khiến cho quý vị hoài nghi. Quý vị đã nhập Phật môn, hãy tin tưởng lời đức Phật dạy. Bất luận đức Phật nói câu nào, trong đầu ta, chẳng có gì là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, chẳng cần phân biệt điều ấy. Quý vị niệm một câu A Di Đà Phật là Đại Thừa hay Tiểu Thừa? Có kinh dạy quý vị Vô Thượng Thừa. Nếu quý vị niệm nào cũng “A Di Đà Phật là ta, ta là A Di Đà Phật”, quý vị là Vô Thượng Thừa. Tiểu hay Đại không phải là do đức Phật dạy pháp lớn hay nhỏ, mà là do cái tâm của chúng sanh. Đối với Khổ, tức [Khổ trong] Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nếu trong lúc quý vị chịu đựng đôi chút khổ sở vì tai nạn, ngay trong lúc quý vị đang chịu khổ, ý niệm đầu tiên của quý vị là “do nỗi khổ này của ta, nguyện cho chúng sanh đừng phải chịu loại khổ này”, ý niệm đầu tiên là mong cho chúng sanh [đừng phải hứng chịu nỗi khổ ấy], đó chẳng phải là Tiểu Thừa.

Khổ, Tập, Diệt, Đạo, ai cũng biết phải không? Đối với Khổ, tuy ở trong nhân gian cũng khổ, nhưng tâm quý vị chuyển hóa nó, đó là Đại Thừa. Người căn cơ viên mãn thọ pháp, không pháp nào chẳng viên. Đó là bậc đại căn khí viên mãn, người ấy nghe pháp gì cũng đều là viên. Nếu tâm địa của quý vị rất hạn hẹp, dẫu là pháp Đại Thừa, quý vị đọc Hoa Nghiêm vẫn chẳng thể liễu sanh tử, ngay cả pháp Tiểu Thừa cũng chẳng phải! Pháp không có cái Thể nhất định. Hết thảy các pháp chẳng phải là Đại, mà cũng chẳng phải là Tiểu; [Đại hay Tiểu] là do cái tâm của chúng sanh. Người căn cơ viên mãn thọ pháp, không pháp nào chẳng viên. Quý vị dùng tâm Tiểu Thừa để thọ pháp, pháp nào cũng là Tiểu Thừa! Đối với pháp gì, quý vị cũng đều hoài nghi, như thế thì pháp gì quý vị cũng chẳng thể nhập được. Nhất định là chớ nên hoài nghi, “linh ly nghi võng” (khiến lìa lưới nghi). Nhưng có một điều phân biệt, hãy tin tưởng lời Phật, chẳng vướng trong lưới nghi, đừng tin tưởng ai khác, phải tin tưởng Phật. Thông thường, các đạo hữu chúng ta học kinh Lăng Nghiêm, do kinh ấy được năm mươi mấy vị chú giải, ai nấy chấp vào kiến giải của chính mình, giữa người học kinh Lăng Nghiêm với nhau [lại vướng vào kiến giải], chính mình lại khiến cho chính mình mờ mịt! Tốt nhất là học theo Phật, đừng để sự nghi hoặc của chính mình gây chướng ngại. Tín tâm tăng trưởng, đối với bất luận một thừa nào, quý vị cũng sẽ đạt được rất nhanh chóng. Đó là [dụng ý] thỉnh Phật của Kiên Tịnh Tín Bồ Tát: Có hay không một phương pháp tốt đẹp như thế, khiến cho hết thảy chúng sanh đều chẳng hoài nghi, khiến cho chướng ngại trong học Phật, chướng ngại trong học pháp, chướng ngại trong tu hành của họ đều bị tiêu trừ, tín tâm vĩnh viễn tăng trưởng, tu bất cứ một thừa nào cũng đều đạt được địa vị Bất Thoái rất nhanh chóng.

Đấy là nguyện lực của Kiên Tịnh Tín Bồ Tát; mấy câu ấy chính là nguyện lực của Ngài. Ngài mong đức Phật sẽ nói một phương pháp tốt đẹp như vậy, khiến cho chúng sanh bất thoái, đạt được lợi ích. Nhưng đối với chúng tôi thì cảm nhận về chỗ này, sẽ là như thế này: Mỗi khi tôi nói đến, hoặc nhìn vào chỗ này, [đều nhận thấy] đấy chính là cái tâm đại từ đại bi của Bồ Tát. Vì chúng sanh trong đời Mạt Pháp nghi hoặc đặc biệt nhiều, Bồ Tát mới thỉnh cầu đức Phật dạy một phương pháp khiến cho chúng sanh chẳng nghi hoặc. Phương pháp ấy nhằm tiêu trừ nghiệp chướng của chúng ta, là phương pháp tốt nhất, xin đức Phật nói ra. Vì Kiên Tịnh Tín Bồ Tát thấy bọn chúng sanh chúng ta trong đời Mạt Pháp chuyện gì cũng đều hoài nghi, cũng chẳng phải là họ [vốn ưa] hoài nghi, mà là những chuyển biến trong xã hội khiến cho họ hoài nghi. Kiên Tịnh Tín Bồ Tát vừa thỉnh cầu như vậy, đức Phật liền bảo Bồ Tát.

Trích từ: Lược Giảng Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Kinh Tứ Thập Nhị Chương Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
3 Tứ Thập Nhị Chương Kinh Lược Giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa Tải Về
4 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Đọc Tiếp
5 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về
6 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Lược Giảng Giáo Nghĩa Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Lược Giảng Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo, Đại Lão Hòa Thượng Thích Mộng Tham Tải Về
9 Kinh A Di Đà Lược Giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa Tải Về

Tín Tâm Là Nhân Tố Thành Tựu Đệ Nhất
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mười Thứ Tín Tâm
Pháp Sư Dật Nhân Biên

Đoạn Nghi Ngờ Sanh Tín Tâm Cầu Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Phước Nhơn

Tín Tâm Hạnh
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Tín Tâm Kiên Cố
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân