Thưa quý vị,
Hôm nay tôi xin lược trình bày về hố thẳm cuộc đời để chúng ta cùng suy ngẫm.
Cuộc đời như biển cả mênh mông với sóng gió ba đào ngầm và nước xoáy, mà kiếp sống con người trong cõi đời như chiếc thuyền trên biển cả đại dương. Nếu thuyền khéo lái và biết giỏi hải bàn thì thuyền sẽ đi đúng hướng, thoát khỏi hiểm nguy sóng gió ba đào bão tố đá ngầm và nước xoáy, an ổn đến đích bến bờ. ngược lại, vụng tay lái, sai hải bàn thì thuyền sẽ phiêu bạc dẫn đến đói khát, tan thân mất mạng dưới làn sóng bạc cá dữ hoặc vùi sâu dưới đáy biển.
Người sống trên đời với bao sự cám dỗ của ngũ lục lạc trần gian, nào tiền bạc danh lợi, ái tình, ăn, ngủ đủ trò hấp dẫn thị hiếu tham muốn, những thứ này nhận chìm kiếp sống thanh cao giải thoát của con người. Nếu không biết chọn định hướng để đi, không khéo hướng thiện thuyền đời mình thì sẽ bị đọa đầy kiếp sống, dễ dàng rơi vào hố thẳm hủy diệt, như thuyền trên biển cả, như chén ngọc pha lê để trên triền dốc, sẵn sàng cuộn lăn đụng vào đá sỏi vỡ tan thành mảnh vụn, trước khi lăn đến chân dốc cuối ghềnh.
Bạn có thấy chăng, khu rừng trước mặt bạn kia có muôn hoa và ngàn thứ trái. Muốn hái được những hoa và trái đó, bạn phải trải qua những đoạn đường khúc khủyu quanh co có nhiều hầm hố thác ghềnh với rắn rết thú dữ ẩn núp chờ vồ lấy mồi. Bạn có biết chăng trong những loài hoa trái đó có thứ hoa có hương lẫn sắc, có thứ hoa có sắc không hương, có thứ hoa màu cánh mềm dịu sắc đẹp mê người, nhưng bạn nên nhớ rằng ẩn dưới cánh hoa mỹ miều kia đầy gai nhọn và phấn hương có thể làm hại người. Trái rừng cũng có nhiều loại lắm! Có loại thơm ngọt, có loại ăn vào chết dại phá hoại mạng sống con người. Nếu bạn không gặp thợ rừng kinh nghiệm tốt bụng tận tâm cặn kẻ chỉ dẫn, thì bạn sẽ mang họa vào thân đấy.
Bạn ạ! Có lẽ cũng như tôi cùng giống nhau khía cạnh nhận thấy, lẽ nào bạn không rõ đường muôn vạn nẻo, tình đời lắm lắc léo, nhạc đời có muôn điệu và hoa đời cũng lắm cách kiểu khiêu gợi lôi cuốn người đắm say! Khéo đấy bạn nhé, đưa tay hái, gai quào máu chảy, trụy lạc đọa đày. Có những kẻ đã tiêu phí gần trọn một đời để đuổi bắt hương sắc ái tình của trần gian đến nỗi thân tàn sức kiết, đầu bạc da nhăn, nhưng rốt cùng không có lấy một kết quả như ước mong, mà chỉ toàn chuốc lấy thất vọng đớn đau sau mỗi lần chụp bắt hy vọng. Có những bạn trẻ lòng đầy nhiệt huyết với tánh tự hào háo thắng cho mình có đủ khả năng và bản lĩnh, không cần đến sự chỉ dẫn của người có kinh nghiệm thiện tâm, lại cũng chẳng có những giây phút bình tâm suy nghĩ trước khi hành động, mà chỉ biết tự mãn với vài thắng lợi cỏn con lần đầu, tưởng như thế là mình tài ba thắng lợi rồi, từ đó sanh lòng kiêu căng tự đắc lấy hết sức phóng mình giong ruổi rượt bắt lợi danh ái tình, để rồi mỗi ngày mỗi thêm lún sâu sâu đời mình trong vũng xình lầy tham vọng tội lỗi mà không hay biết, kết quả một đời thân tàn ma dại, hình hài tiều tụy, tâm trí khổ đau bất thường, người không ra người, sống không ra sống. Có những kẻ tự hủy đời mình cho lửa ái tình ngũ dục như những mảnh trầm hương đốt thiêu trong lư đồng đầy tro bụi. Đó là những kẻ không biết sống chánh niệm, để mình buông trôi theo ý thích vọng tâm.
Bạn có biết chăng, con người không phải chỉ lo sống thỏa mãn dục vọng cho xác thân, mà cái cao thượng của con người là phần tinh thần. Tinh thần điều khiển thân thể. Tinh thần điều khiển suốt cả đời người. Con người là sinh vật cao quý, trí tuệ linh hoạt nhất trong muôn loài sinh vật. Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói: “Khả năng đặc thù cao quý của con người có thể làm tất cả việc lành thiện”. Nhà bác học Pascal đã nói: “Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy có tư tưởng”. Giá trị con người là ở tư tưởng biết sống, tinh thần đạo đức, sống trong tỉnh thức. Nếu con người biết hướng tới đời mình trong ba đặc tính này thì sẽ được an lành thánh thiện.
Bạn có biết ai là người biết sống với đặc tánh này mà được từ thế hệ này đến thế hệ khác lớp lớp ức triệu người như một, nối tiếp nhau tôn kính, học hỏi noi gương theo không?
Này bạn ạ! Ấy là thái tử Tất Đạt Đa người con của hoàng hậu Ma Gia và vua Tịnh Phạn ở thành Ca Tỳ La Vệ xứ Ấn Độ. Vị thái tử này không giống ở chỗ là sau khi ý thức được danh lợi quyền uy của thế gian là mộng huyễn, nên đã dứt khoát từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ và cả ngôi vua mà thái tử là người sắp được kế vị. Thái tử đổi áo cẩm bào của một đông cung thái tử để mặc lên mình chiếc cà sa của người tăng sĩ, xuất gia với đời sống tu hành thanh đạm, với ý chí sắc son, với tâm thức chánh niệm và sau đó giác ngộ thành đạo chánh đẳng chánh giác với danh hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Người đã biết sống trong chánh niệm, đã biết thúc liễm thân tâm, đã đạt tột cùng của sự tỉnh thức, nên đã thấu suốt chân lý, rõ thông cội nguồn của kiếp sống nhơn sanh và vạn loại, nên được trời người vinh danh là Phật. Phật đã mở ra vườn hoa đạo hạnh để cho những ai biết sống chánh niệm vào đó tuỳ thích thưởng thức sắc hương giải thoát.
Giờ đây bạn bước vào vườn hoa đạo hạnh, tùy theo bạn muốn thưởng thức thứ hương hoa giải thoát nào thì bạn cứ tự tiện. Có đủ thứ hoa. Hoa lục độ, hoa tứ đế, hoa bát chánh đạo, hoa thập nhị nhơn duyên, hoa thất bồ đề phần v.v… Nhưng khi thưởng thức hoa, bạn nên biết rằng bạn đang thưởng thức hoa và hoa nào bạn đang thưởng thức. Như thế là bạn tận hưởng trọn vẹn hương vị sắc thắm của hoa. Bạn chớ nên đang thưởng thức hoa này, mà mắt bạn phóng nhìn hoa khác, và tâm bạn muốn cùng một lúc ngắm nhìn chụp bắt tất cả hoa bướm trong vườn để thưởng thức, hoặc đang ngắm hoa mà tư tưởng bạn lại miên man về một chuyện nào đâu đâu của dĩ vãng hoặc mơ mộng một tương lai. Như thế, bạn chẳng những không thưởng thứ trọn vẹn hương sắc của hoa, mà còn không tránh khỏi gai hoa quào rách da thịt đau nhức. Ngắm hoa mà biết để tâm ý trọn vẹn nơi hoa thì sẽ thưởng thức được cái tuyệt diệu hương thơm sắc thắm của hoa, lại tránh được gai hoa đâm quào rách da chảy máu. Động tác với ý thức như đây là chứng tỏ bạn đang sống tỉnh thức ngay trong thực tại, tâm ý bạn hài hòa vơi hương sắc hoa màu. Nghĩa là bạn đang thực sống trọn vẹn ý nghĩa thưởng thức hoa trong chánh niệm.
Biết đem trọn tâm thức sống trong thực tại là phương pháp sống của người thăng tiến trên đường thánh thiện. Đức Phật quở trách những người học đạo mà lại sống tâm phàm tục. Những kẻ xuất gia mà lòng đầy chuyện thế gian thì Đức Phật và chư Tổ cho là “thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo”. Còn những người tự nhận là Phật tử, không biết chọn thầy lựa bạn hộ đạo, không lo tu tâm sửa tánh, hối cải lỗi lầm, lại thích lạm bàn chuyện thánh hiền, xuyên tạc bới móc vu khống người tu hành, hạng người này đến chùa không phải học đạo tu tâm, mà cốt để tìm bạn mua vui giải muộn, có dịp tụ năm tụ bảy nói chuyện thế gian ồn ào, chê trách thầy này, ganh ghét người nọ, lo chuyện thị phi, trong lúc đó họ quên chính bản thân họ chưa phát tâm Bồ đề, kém vun bồi phước đức.
Có những kẻ tự xưng Phật tử mà lại muốn khống chế chùa viện, sai khiến tăng ni, nghe theo họ thì họ bốc thơm cho là tu hiền đạo hạnh, được yên thân, không nghe theo họ thì bị họ bị xấu mềm xương, nhẫn nhục không nỗi phải bỏ chùa đi. Những kẻ này gọi là ác tặc, tà ngụy Phật tử. lại có hạng người ở nhà sợ vợ, sợ con, sợ chồng, nhưng khi đến chùa thì lại muốn ra oai chỉ huy tăng ni, đạo hữu khác, ý đồ nắm lấy chức phận quyền danh, muốn được tăng ni chìu chuộng, muốn khống chế người hiền. Hạng người này gọi là trị sư, cha sư, mẹ sư. Trừ phi họ trị ngụy tăng, tà sư thì mới tránh được tội danh là xiển đề ác tặc trong Phật Pháp. Người có tâm thành trị tà sư ngụy tăng thì được xưng danh là hộ pháp.
Người tu Phật chơn chánh tuyệt đối không đặt điều mạ lỵ, phải luôn luôn hiểu tội phước nhân quả, không gây ra phiền muộn khổ đau cho người khác, không làm tổn thương ngôi Tam Bảo, ấy là người Phật tử tỉnh thức sống trong chánh niệm. Người tỉnh thức biết mình biết người biết hoàn cảnh, biết tiến biết thối, biết tiếp nối nguồn sống giác ngộ của Phật.
Người tu Phật đối với việc qua rồi thì cho nó qua. Không nên nghĩ nhớ luyến tiếc bận lòng. Để tâm hồn rảnh rang thong thả “vô tâm thì đạo có cơ dễ tìm”. Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Không có ai có thể tắm nước cùng một dòng sông hai lần. Con người không có hai lần tuổi xuân xanh, không có hai thời thuổi thanh niên trong cùng một đời người. Quá khứ đã qua rồi ngồi tiếc nuối làm chi cho thêm khổ tâm nhọc trí, trong khi còn biết bao việc trong hiện tại để làm hầu xây đắp hạnh phúc sáng sủa hơn. Tương lai chưa đến mong chờ làm chi cho thêm cực lòng nhọc xác. Hãy sống trong hiện tại, hiện tại là quý giá nhất. Tất cả sự thành bại trong cuộc đời đều được quyết định trong hiện tại, khéo hay vụng, biết hay không biết sống.
Người không biết sống trong hiện tại là người thường đem tâm tiếc nuối quá khứ, mà quá khứ không bao giờ trở lại, lại xoay sang ước vọng tương lai, mà tương lai hãy còn trong ước mong xa vời. Hiện tại là thời điểm thật quý giá đáng sống mà lại xem thường hiện tại, vụng dại hướng đời mình trong mơ mộng không tưởng, sai một ly đi một dặm, tiêu phí thời gian quý báu, vô tình tự đào thải mình tách khỏi lộ trình tiến hóa, để tự ném vào hố thẳm cuộc đời. Giai thoại nhà thiền có các mẫu chuyện như sau:
* Một hôm nhân ngày đầu xuân, vua Lý Thánh Tông hành dạo cảnh núi Tiên Du đến chùa Trùng Minh lạy Phật cầu phước lộc đầu năm, thấy Thiền lão Thiền sư đang thanh thản ngắm hoa nhà vua bước lại gần hỏi:
– Bạch Hòa thượng ở chùa này bao lâu rồi?
Thiền sư đáp:
Sống ngày nay chỉ biết ngày nay.
Còn xuân thu trước ai hay làm gì?
Nhà vua lại hỏi: Thường ngày Hòa thượng làm việc gì?
Thiền sư nở nụ cười hiền hòa nhìn cảnh vật đáp:
Trúc biết hoa vàng đây cảnh khác.
Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn.
Lại có câu chuyện, một hôm học trò Đức Khổng Tử hỏi: Sau khi chết còn hay mất?
Khổng Tử đáp: Việc sống chưa biết hết, làm chưa xong, hỏi chi đến việc chết.
Thí nhơn đã nhận chân giá trị của hiện tại, nên có thơ rằng:
Suốt dĩ vãng thế gian không lại,
Mà tương lai hy vọng chưa thành,
Trong hiện tại những ngày cao quý,
Vận dụng tâm lẫn trí xây thành.
Xưa nay các bậc cổ đức thánh hiền, những người hướng thiện, chư Phật và các vị Bồ Tát vì khéo sống với hiện tại. Nên hiện tại là thời gian quan trọng vô cùng quý giá cho những ai biết sống tiến bộ. Biết sống trong hiện tại, khai thác tận dụng khả năng mình thì hiện tại và tương lai sẽ sáng sủa. Hiện tại quyết định sự thành bại của đời người. Dù bạn ở vào cái tuổi nào trong bất cứ mọi hoàn cảnh, nếu bạn biết tận dụng tâm trí sống với hiện tại trong trạng thái tỉnh thức vẫn là chiến lũy pháo đài kiên cố nhất cho hạnh phúc hiện tại và tương lai đời bạn trên đường thành công và thánh thiện. Chân trời bình minh sẽ xuất hiện sáng ngời quang lộ đời bạn, khi bạn biết sống tỉnh thức, sống chánh niệm trong hiện tại. Ngược lại, nếu bạn vụng về thờ ơ với thời gian hiện tại, ngồi mộng mơ, ước mong đuổi bắt một tuơng lai mơ hồ xa vời nào đó hay tiếc nuối thời dĩ vãng vàng son, thì hố thẳm cuộc đời sẵn sàng chôn vùi hạnh phúc bước tiến của bạn.
Thân gần bạn ác, làm tan nát lục hòa tứ chúng, dùng hành nghi tà ngụy để lung lạc phá sản niềm tin, hủy nhục Tam Bảo là đào sâu hố thẳm tội lỗi. Người Phật tử chơn chánh, phải luôn luôn nhớ lời Phật dạy và thực hành để không gây tội lỗi do thân, miệng, ý tạo nên. Người Phật tử phải biết chọn bạn, chọn thầy, chọn pháp môn tu, không cầu lập dị, không ý đồ dụ hoặc bạn đạo để thành phe nhóm, như thế mới mong có ngày đi đến bến bờ giác ngộ, thoát khổ sanh tử luân hồi.
Giờ phút nào rời chánh niệm là giờ phút đó chìm sâu thêm vào hố thẳm tội ác. Xa thầy bạn hiền, gần thầy bạn ác là lạc vào rừng thẳm tăm tối của luân hồi. Biết nhận định như thế là ngưòi biết sống trong đường giác ngộ, tiến bước trên đường giải thoát.
Trong mỗi giờ giờ phút biết thúc liễm thân tâm, biết quán sát kiểm điểm hành vi tâm niệm, biết lấy gương nhân quả để định giá soi mình, thì nhất định thoát ly hố thẳm cuộc đời. Ngược lại, buông cương dục vọng, thả lòng không tin không nhớ nhân quả hành thiện, tức là mặc nhiên liệng đời mình xuống hố thẳm cuộc đời.