Home > Khai Thị Niệm Phật
Khai Thị Phật Thất Năm Canh Thân Tại Chùa Linh Sơn
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Thưa chư vị lão sư, chư vị đồng tu.

Phật Thất chùa Linh Sơn đã được duy trì hơn ba mươi năm, mỗi năm tôi đều tham gia. Trước kia, lúc Chính Phủ [Trung Hoa Dân Quốc] chưa đến Ðài Loan, Phật giáo tỉnh này vẫn còn chưa phát triển. Dù có chùa, miếu, nhưng đại đa số chỉ để tự tu, chẳng chú ý mấy đến việc hoằng pháp lợi sanh. Những việc hoằng pháp lợi sanh như Phật Thất v.v... thực sự do chùa này khởi xướng. Lần Phật Thất này, những bạn đồng tu mới nhiều hơn cựu đồng tu. Lời giảng của tôi khó thể thích hợp với các loại căn cơ. Vì thế lần giảng này dựa trên nguyên tắc cốt sao cho các bạn tân đồng tu hiểu được, mong các cựu đồng tu từ bi tùy duyên nghe giảng.

Phật Thất ở nơi này là Phật Thất của Tịnh Ðộ Tông. Nói đến Tịnh Ðộ Tông thì ai ai cũng biết cả vì nó quá phổ biến, nhưng thực sự thì rất ít người hiểu rõ nội dung Tịnh Ðộ Tông. Chẳng phải chỉ người ngoài không biết, ngay cả trong cửa Phật, những người hiểu rõ Tịnh Ðộ Tông cũng chẳng nhiều. Thậm chí người đang tu Tịnh Ðộ Tông cũng chẳng hiểu rõ lắm! Ở đây, tôi phải thanh minh trước: Hôm nay, tôi không đến đây để khai thị mà chỉ đến trò chuyện. Vì người hiểu đúng Tịnh Ðộ Tông quá ít, nên tôi chỉ tường trình lại theo đúng kinh điển, lời giảng của chư Tổ mà thôi.

Tại gia công phu tu hành chẳng thể rốt ráo hoàn toàn, người xuất gia khéo tu tập có thể chứng được Tứ Quả A La Hán. Ở đây, tôi chẳng bàn đến người tại gia. Muốn chứng Tứ Quả A La Hán phải trải qua một thời gian lâu chừng mấy ngàn năm. Luận về người đời sau sẽ chứng được Sơ Quả thì trong mười vạn người chẳng dễ tìm được một người. Dù có chứng quả A La Hán đi nữa thì cũng chỉ hiểu được phương pháp để chứng quả La Hán, chứ đối với pháp môn Tịnh Ðộ cũng chẳng thể hiểu được dễ dàng. Ðấy chính là điều được nói trong kinh, chứ chẳng phải chính tôi bịa ra. Nếu kinh Phật không chép thì dù một câu tôi cũng chẳng dám nói.

Ai hiểu được pháp môn Tịnh Ðộ? Quả vị Bồ Tát có năm mươi hai địa vị. Hàng Bồ Tát trước khi chứng quả trong Thập Ðịa, còn thuộc vào Hiền Vị, vẫn chưa hiểu được. Những vị nào đã chứng quả trong Thập Ðịa thì gọi là Thánh Vị, cũng chỉ hiểu được một nửa. Phải là thành Phật rồi mới có thể hiểu triệt để pháp môn Tịnh Ðộ. Chỉ có Phật với Phật mới hiểu thấu cùng tận. Mọi người nghe đến đây phải đặc biệt chú ý: Quý vị được nghe danh hiệu Phật, tu được pháp môn Tịnh Ðộ, ắt là trong ngàn đời, vạn kiếp đã trồng đại thiện căn, làm đại thiện sự thì mới đạt được như vậy. Nhưng nếu đã biết pháp môn Tịnh Ðộ thù thắng thì phải dụng công tu trì, có tu mới thành công, không tu chẳng thành công.

Có người chưa nghe nói đến Tịnh Ðộ, cũng chẳng hiểu Tịnh Ðộ là cái gì, tự mình chẳng biết, nếu miệng chẳng khích bác thì không tạo tội. Nhưng nếu chẳng hiểu Tịnh Ðộ là pháp khó tin, lại tự lầm tưởng mình là thông minh, hủy báng pháp môn Tịnh Ðộ thì là không được. Bởi lẽ, hủy báng Phật pháp chính là gây tội tam đồ, thế nhưng hủy báng pháp môn Tịnh Ðộ lại chính là tội Vô Gián địa ngục! Quý vị phải nên đặc biệt chú ý cẩn thận. Tịnh Ðộ Tông là pháp khó tin, rất sâu xa, chỉ mình đức Phật mới có thể hiểu triệt để. Ngoài ra, phải là hạng đã chứng Bát Ðịa Bồ Tát mới hoàn toàn tin nhận được thôi. Chúng ta chẳng hiểu, chẳng tin thì càng phải đặc biệt lưu ý, ngàn muôn phần chớ tạo tội nghiệp.

Nếu pháp môn Tịnh Ðộ chỉ riêng Phật với Phật mới có thể hiểu thấu tột cùng thì sao đức Phật lại đem pháp khó tin, khó hiểu này phổ biến, dạy chúng sanh tu trì? Tôi cũng chẳng đáp thông được, chỉ dẫn lời Phật để đáp. Hết thảy các pháp môn khác chung cục đều nhằm để thấu triệt “bất sanh, bất diệt, liễu sanh thoát tử”. Các tôn giáo trên toàn cầu tu đến mức cao nhất thì chỉ sanh lên trên trời, chỉ riêng mình Phật giáo có thể liễu sanh thoát tử. Nhưng nói chung tu các pháp môn trong nhà Phật đều phải chịu khổ lớn như thường nói: “Chẳng mắc ma nạn thì chẳng thành Phật”. Ða số người tu hành chẳng chịu nổi đại khổ, đấy là một điều khó khăn.

Hơn nữa, thời gian tu tập rất dài, chứng quả La Hán đã phải mất mấy ngàn năm. Phàm phu thọ mạng hữu hạn, trong mấy mươi năm làm sao chứng quả được? Lại phải tu tập từng bước, thành công thật chẳng dễ dàng gì.

Tịnh Ðộ Tông tuy người người chẳng hiểu, nhưng có điều cực thuận tiện là vì: A Di Ðà Phật chính là vị Phật tiếp dẫn, thế giới Cực Lạc tuy cách xa mười vạn ức cõi Phật, A Di Ðà Phật phát nguyện đích thân đến tiếp dẫn. Trong mười phương tuy đều có Tịnh Ðộ, đều có Phật và Bồ Tát, nhưng chưa từng phát nguyện đến tiếp dẫn, mình có năng lực tu đạt đến đó thì tự mình đi về đó nên chẳng dễ thành tựu. Vãng sanh Cực Lạc thế giới thì có thể thành tựu ngay trong đời này. Ðời người ngắn ngủi mấy mươi năm, đầy đủ tư lương Tín Nguyện Hạnh, lâm chung chánh niệm phân minh, Phật liền cầm hoa sen đến tiếp dẫn. Ta liền ngồi lên hoa sen sanh về thế giới Cực Lạc, dứt sạch sanh tử, thật là thuận tiện quá sức. Ðiều này trong Tam Tạng kinh điển đã nói tường tận, tu pháp môn Tịnh Ðộ thù thắng là ở chỗ này.

Tu các pháp môn khác thì cần phải “Tín, Giải, Hạnh, Chứng”, hoàn toàn cậy vào tự lực, tu hành trong một thời gian dài. Tu pháp môn Tịnh Ðộ dù đạo lý chẳng dễ hiểu, nhưng chỉ cần Tín Nguyện Hạnh là có thể thành tựu. Nếu không thì đừng nói là tu hai, ba mươi năm chẳng hiểu được lý Tịnh Ðộ, dù có tu năm trăm năm cũng chưa chứng được quả La Hán, cũng vẫn chẳng hiểu được lý Tịnh Ðộ.

Kinh Hoa Nghiêm nói Bồ Tát phải tu hành qua các địa vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Ðạt đến Thập Hồi Hướng mới hiểu được Phật lý, mới hành bố thí triệt để được, nhưng tu đến Thập Hồi Hướng phải mất hai đại A Tăng Kỳ kiếp, thực chẳng dễ chi! Nay tôi đối trước Ðức Phật thuyết pháp, nếu nói nhầm một câu thì chính là hủy báng Phật pháp, người thuyết pháp phải đọa địa ngục. Tôi đã hơn chín mươi sáu tuổi, còn đến đây tạo tội địa ngục làm gì? Tôi khùng như thế chăng? Nói tóm lại, Tịnh Ðộ Tông thật chẳng dễ giải thích, chẳng dễ hiểu gì.

Chúng ta đã phát tâm tu hành, nếu chẳng tu hành thành công thì chẳng đáng tiếc lắm sao? Muốn giải thích Tịnh Ðộ cho rõ ràng chẳng dễ dàng gì, từ Tổ Sư của Tịnh Ðộ Tông Trung Quốc là ngài Huệ Viễn đại sư đời Ðông Tấn cho đến ngài Ấn Quang đại sư thời Dân Quốc, những lời khai thị của các ngài đều xuất phát từ kinh Phật. Kinh Hoa Nghiêm là vua các kinh, là vua của cả Tam Tạng, thế mà trong phẩm cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Vì thế phải biết rằng: Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát đều tu pháp môn Tịnh Ðộ, cầu sanh Cực Lạc thế giới. Kinh dạy: “Ly kinh nhất cú, tức thị ma thuyết” (nói sai khỏi kinh một câu, chính là ma nói). Kinh Pháp Hoa cũng dạy: “Y pháp bất y nhân” (nương theo pháp, chẳng nương theo người). Chúng ta tu Tịnh Ðộ nương theo lời Phật, có bằng chứng chân thật. Nếu không, dù ai có danh tiếng lớn lao đến đâu mà lời nói chẳng phù hợp với lời Phật, chúng ta cũng chẳng tin.

Vì sao Tịnh Ðộ Tông chỉ nói Tín Nguyện Hạnh mà chẳng nhắc đến Giải? Trong kinh cũng có thí dụ: Dù cho bậc trí huệ đệ nhất là ngài Xá Lợi Phất, khắp toàn thân đều có miệng, và lại có vô lượng vô biên Xá Lợi Phất trong vô lượng vô biên kiếp giảng giải đạo lý Tịnh Ðộ thì cũng chẳng thể giảng trọn hết. Tôi vốn chẳng có năng lực ấy, chỉ có một hai quyển kinh làm cơ sở, ngay cả kinh A Di Ðà tôi cũng còn hiểu chưa hết. Trong kinh ấy câu nào cũng đều là vô lượng vô biên bí quyết trọng yếu để tu hành. Vì vậy, muốn thoát sanh tử thì phải là kẻ đã liễu sanh tử mới chẳng đến nỗi lầm lạc. Tịnh Ðộ Tông lấy Tín Hạnh Nguyện làm cơ sở, chúng ta cứ chiếu theo đó mà hành. Phật là bậc đã liễu sanh tử, Phật dạy như thế nào, ta cứ tin như thế ấy, hành như thế ấy ắt sẽ thành công. Nếu tự lầm cậy mình thông minh, nhất định sẽ hiểu biết sai lạc vậy.

Trong Tín Nguyện Hạnh, Tín là gì?

Thứ nhất, tin rằng nếu không học Phật sẽ vĩnh viễn luân hồi trong lục đạo, chẳng được giải thoát. Bất cứ tôn giáo khác nào đều chẳng thực hiện được việc này.

Thứ hai, tin rằng học Phật thì phải mất ba đại A Tăng Kỳ kiếp mới có thể thành Phật. Chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ trong thời gian ngắn liền có thể thành tựu ngay trong đời này. Cổ đức nói: “Vạn người tu vạn người đậu”. Kinh A Di Ðà dạy: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe kinh này mà thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm, đều được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Ðấy chính là “vạn người tu, vạn người đậu”. Nhưng chúng ta ở đây dù niệm Phật dăm ba năm cũng chỉ là miệng niệm. Chỉ khi vãng sanh Tây Phương rồi thì nghe chim chóc, cây cối phát ra tiếng bèn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Lý thâm áo này phàm phu chẳng thể hiểu nổi, ngay cả bậc đã chứng Nhị Quả cũng không cách nào hiểu rõ. Chỉ nên tin chắc vào Thánh Ngôn Lượng chẳng nghi thì mới có thể thành công.

Thứ ba, tin sâu xa rằng chúng ta tu pháp môn Tịnh Ðộ, quyết định sẽ thành tựu trong đời này, quyết định “vạn người tu, vạn người đậu”.

Thứ tư, tin rằng lúc vãng sanh, A Di Ðà Phật nhất định đến trước mình tiếp dẫn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Tin sâu rằng đã tu pháp môn Tịnh Ðộ thì phải chấp trì danh hiệu chẳng buông. Từ nay sanh lòng tin sâu xa chẳng nghi, đến chết cũng chấp trì danh hiệu chẳng buông, dù cho bom nguyên tử có rớt xuống cũng chấp trì chẳng bỏ thì mới thành công vậy.

Hiện giờ tôi thấy tình huống của quý vị rất tốt, rất phù hợp với những điều được dạy trong kinh A Di Ðà. Kinh dạy: “Ðều được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Quý vị phước khí chẳng nhỏ, nhưng có mấy vị chưa nghe đến đây đã lui ra rồi, thật là đáng tiếc! Tôi rất lưu tâm đến điều này, bọn họ phước báo không nhiều, nhưng quý vị thì không giống như vậy. Nếu nghe minh bạch sẽ đều có thể thành công vì hạt giống Kim Cang đã rơi vào tám thức điền của mọi người. Do quý vị giữ tinh thần lắng nghe, mới biết là quý vị đã được phước báo to như cõi trời, hạt giống ấy vĩnh viễn chẳng bị tiêu diệt. Ðiều khẩn yếu là hai chữ “bất thoái”, vĩnh viễn chẳng thoái thất. Nếu khéo công phu, sẽ thành tựu ngay trong đời này. Nếu không, sớm muộn gì hạt giống Kim Cang cũng sẽ nảy mầm, lúc ấy chính là lúc quý vị thành tựu kết quả.

Tiếp đến là nói về Nguyện. Hiện tại mình học Phật rồi, đã biết có vô lượng vô biên Tịnh Ðộ. Nhưng chúng ta tu Tịnh Ðộ, phải phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là điều vĩnh viễn chẳng biến cải, chớ có ai nói gì cũng tin, chẳng thể sáng ba, chiều bốn. Dù cho có ai nói thế giới nào tốt đẹp ngàn vạn lần cõi Tây Phương, ta cũng chẳng trái bỏ ý chí niệm Phật lúc đầu. Dù cho ai dạy pháp môn nào hay hơn, lẹ làng hơn pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh cũng vĩnh viễn chẳng biến cải. Có khí phách kiên định, nguyện thiết tha như thế thì nguyện ắt thành.

Nếu đã tu Tịnh Ðộ rồi lại đổi tu pháp khác tức là tu cả ba, bốn pháp môn thì không có pháp nào tu thành công hết! Ðã phát nguyện vãng sanh Tây Phương thiết tha rồi, đã có lòng tin rồi, đã có căn cứ rồi, bất luận là tình hình nào cũng vĩnh viễn chẳng biến cải, ắt sẽ thành tựu.

Lại nói về Hạnh. Hạnh rất đơn giản. Kinh Ðịa Tạng, kinh Dược Sư, kinh Pháp Hoa, Tam Tạng mười hai bộ kinh đều hay cả, nhưng nếu vậy, chẳng lẽ mỗi ngày tụng hết cả Tam Tạng mười hai bộ kinh hay sao? Muôn phần chúng ta chớ nên dùng phàm để suy thánh, tưởng tâm Phật, tâm Bồ Tát giống như tâm phàm phu: Nếu mình lễ bái vị này, không lễ bái vị kia, chỉ sợ đắc tội với vị kia. Ðấy thật là ngu si. Chúng ta có tâm phân biệt, chứ Phật chẳng hề có. Nếu chúng ta ngu si, niệm kinh này, niệm kinh kia thì không một ai trong một ngày niệm xong Tam Tạng mười hai bộ kinh được cả!

Tu Tịnh Ðộ cực giản dị, dù cho chẳng niệm kinh A Di Ðà, chỉ niệm Phật cũng được. Vạn đức hồng danh, bất luận là Nam Mô A Di Ðà Phật, hoặc bốn chữ A Di Ðà Phật, câu hồng danh này bao hàm vô lượng vô biên danh hiệu Phật. Bởi lẽ, A Di Ðà Phật chính là Pháp Giới Tạng Thân, niệm một câu Phật hiệu cũng giống như niệm hết thảy Phật.

Hơn nữa, chữ A trong A Di Ðà Phật chính chữ thứ nhất trong Hoa Nghiêm Tự Mẫu của kinh Hoa Nghiêm. Đức Thế Tôn cuối đêm thấy sao Mai, kiến tánh thành Phật, liền quán tưởng chữ A. Không có chữ A này thì cũng chẳng có Tam Tạng mười hai bộ loại kinh điển. Câu A Di Ðà Phật này cũng chẳng được phiên dịch, vì hàm tàng nhiều ý nghĩa. Chỉ lấy một câu danh hiệu Phật này, thật thà niệm đến khi Nhất Tâm Bất Loạn, ắt sẽ nhất định thành công, chẳng cần phải niệm nhiều thứ khác. Vì thế, lúc niệm Phật, đừng nghĩ đến vọng niệm nào khác. Vọng niệm khác là Ma, ta dùng câu Phật hiệu này để trừ khử nó. Như vậy thì mới có thể đạt được “tịnh niệm tiếp nối”.

Hơn nữa, về Chánh Trợ Song Tu thì thật sự ra, đối với Trợ Pháp cũng chẳng cần phải làm gì khác, chỉ cốt sao đối với một câu danh hiệu Phật này, nhất tâm niệm Phật thì Chánh lẫn Trợ đều bao gồm trong ấy, nhưng chúng ta còn là phàm phu, vẫn chưa đạt được công phu ấy. Thực ra, Nhất Tâm niệm Phật thì kinh, Phật, và chú đều gộp cả trong đó, chỉ sợ bọn ta chẳng được thành tâm như thế. Nếu thành tâm niệm Phật, Tam Tạng mười hai bộ kinh đều nằm trọn trong ấy.

Ðối với Trợ Hạnh Công Phu, nếu chúng ta chưa biết làm lành thì cũng chẳng khẩn yếu lắm, chỉ cần “các điều ác đừng làm” thì cũng được. Niệm Phật thì chẳng tạo ác. Lúc chúng ta niệm A Di Ðà Phật, chúng ta chính là A Di Ðà Phật. Phật chính là tâm, tâm chính là Phật. Chẳng được một mặt niệm Phật, một mặt tạo nghiệp. Nếu như niệm Phật mà lại còn gây các tội nghiệp giết chóc, dâm dục, trộm cắp, uống rượu v.v... thì chính là báng Phật, công hiệu của việc niệm Phật bị giảm thiểu. Chỉ cốt sao đừng tạo nghiệp, thật thà niệm một câu A Di Ðà, lại đừng làm các điều ác. Tu pháp môn Tịnh Ðộ như thế, nhất định thành công!

Khi đến giảng trong Phật Thất, tôi vốn thường giảng nói sao cho người tham gia đắc Nhất Tâm, nhưng thấy mấy năm nay, có nhiều người thoái chuyển. Thế nên hôm nay, tôi nói nhiều về giáo lý, hiểu rõ giáo lý thì mới biết rõ nên dụng công thế nào để được Nhất Tâm. Tôi nói bài kệ để khích lệ chung:

“Tịnh Tông tư lương Tín Nguyện Hạnh” (Tư lương của Tịnh Ðộ Tông là Tín Nguyện Hạnh): Tịnh Ðộ Tông tu hành vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì phải chuẩn bị đủ ba thứ tư lương “tin sâu, nguyện thiết, hạnh mạnh mẽ”. Tín Nguyện Hạnh giảng ra có vô lượng vô biên pháp, hôm nay tôi giảng những điều cực giản yếu.

“Nhị lực cảm giao công thỉ thành” (Hai lực cảm ứng đạo giao thì mới thành công): Phàm là muốn được thành công, tu các tông khác phải dựa vào chính sức mình, tu dần từng bước mới có thể thành công. Hễ dùng sức sai một phân sẽ chẳng thể thành công. Tịnh Ðộ Tông bất tất phải như thế, sức lực chủ yếu là sức của A Di Ðà Phật, mình chỉ đổ ra ít sức. Mình chỉ cần buông xuống vạn duyên, niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn, những việc gì khác đều không bận tâm đến. Những gì khác đều coi là do sức của A Di Ðà Phật, thế giới Cực Lạc là do A Di Ðà Phật trang nghiêm thành. Lúc chúng ta lâm chung, Phật đích thân tự cầm hoa sen đến tiếp dẫn sanh về thế giới ấy. “Trang nghiêm cõi Phật, tiếp dẫn vãng sanh” đều do sức của Phật, chúng ta chỉ việc niệm Phật sao cho đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn. Ðấy là những điều được minh thị trong kinh. Có cả Phật lực lẫn tự lực như thế ắt sẽ thành công.

“Kinh văn tối trọng Ðồng Cư Ðộ” (cõi được kinh văn chú trọng nhất là Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ): thế giới Cực Lạc chia làm bốn cõi (Phàm Thánh Ðồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Trang Nghiêm và Thường Tịch Quang). Trong kinh A Di Ðà có đủ cả bốn cõi, nhưng cõi được coi là trọng yếu nhất chính là cõi Phàm Thánh Ðồng Cư. Bọn phàm phu chúng ta chưa đoạn được một phẩm vô minh nào, không có cách nào sanh về [Thường Tịch Quang] Tịnh Ðộ, nhưng thế giới Cực Lạc chính là Tha Thọ Dụng Tịnh Ðộ, giống như một căn nhà tốt, chẳng phải chỉ để riêng mình sử dụng mà còn phải nhượng cho mọi người đều được sử dụng.

Tu hành đoạn Hoặc mới thoát khỏi luân hồi. Phàm phu không có cách gì thoát luân hồi, chỉ có được A Di Ðà Phật trong thế giới Cực Lạc tiếp dẫn mới hòng thoát sanh tử luân hồi, dù vãng sanh thế giới Cực Lạc nhưng vẫn là phàm phu. Vì thế, trong kinh A Di Ðà, chư Phật trong sáu phương xuất hiện để chứng thực những điều đã được nói trong phần kinh văn trước đó đều là cảnh giới của phàm phu, là cõi Phàm Thánh Ðồng Cư.

Dựa theo thế giới Sa Bà đây để nói thì phía dưới trời Sắc Giới là trời Lục Dục, vẫn có nam nữ, ăn uống cũng như chuyện ăn ở, nhưng trong kinh A Di Ðà cũng nhắc đến ăn ở thì đấy cũng là cảnh giới của phàm phu chưa đoạn Hoặc. Vì thế, chúng ta Nhất Tâm niệm Phật, dù chưa đoạn Hoặc cũng vẫn được vãng sanh Cực Lạc Tịnh Ðộ. Sau khi vãng sanh sẽ làm người hoặc là làm trời, nhưng vẫn là phàm phu, chưa có quả vị, nên phải thuộc về Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ.

Vì thế, ở trong cõi Sa Bà này, chưa đoạn Hoặc mà có thể vãng sanh Cực Lạc thì thuộc về Hoành Siêu (vượt khỏi luân hồi theo chiều ngang), sanh sang cõi Phàm Thánh Ðồng Cư của thế giới Cực Lạc. Từ đó lại sanh lên cõi Thường Tịch Quang cũng là Hoành Siêu. Ðạo lý này thâm áo chẳng dễ hiểu nổi được, chúng ta cứ tin vào Thánh Ngôn Lượng là đủ. Bởi thế, kinh văn chú trọng nơi Phàm Thánh Ðồng Cư Ðộ, chuyên tiếp độ phàm phu chưa đoạn Hoặc vãng sanh.

“Ðản đắc phục Hoặc tiện vãng sanh” (chỉ chế phục được Hoặc bèn liền vãng sanh): Nhất Tâm Bất Loạn cũng là điều được nhắc đến trong kinh A Di Ðà, nhưng phải đoạn Hoặc mới đạt nổi Nhất Tâm Bất Loạn. Ðoạn Hoặc vãng sanh thì liền sanh vào Thượng Phẩm, nhưng số người chưa đoạn Hoặc chiếm đa số. Ngay như tôi đây, chẳng biết đời trước thế nào, chứ đời này tôi tu tập suốt sáu mươi năm vẫn chưa đoạn nổi một phẩm vô minh nào. Ðây là lời thành thật, chẳng những tôi không có thần thông mà quỷ thông cũng không có luôn. Phải nhớ là dù có thần thông vẫn không tránh khỏi luân hồi lục đạo, không cách nào liễu sanh tử.

Bây giờ nói đến chuyện làm sao đắc Nhất Tâm? Chúng ta không có cách nào đoạn Hoặc để đắc Nhất Tâm, chỉ có thể chế ngự Hoặc mà thôi. Ngay lúc vọng niệm của chúng ta nổi lên tơi bời, lập tức dùng một câu Phật hiệu chèn ép nó, dù chèn ép được Hoặc, nhưng Hoặc vẫn chưa đoạn. Ðến lúc lâm chung, do thường ngày hễ vọng niệm nổi lên bèn lập tức dùng Phật hiệu chế ngự, đè nén, nên lúc lâm chung cũng giống hệt như vậy. Lúc ấy Phật hiệu khởi lên, bèn được Phật đến tiếp dẫn đới nghiệp vãng sanh. Chuyện đới nghiệp vãng sanh này trong kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ đều ngầm nói hoặc nhắc đến rõ ràng. Do chưa đoạn Hoặc, nhưng dùng Phật hiệu để chế ngự nó, được vãng sanh, nên gọi là “đới nghiệp vãng sanh”.

Vì thời gian đoạn Hoặc rất lâu chẳng thể nhất thời thực hiện được, nay tu pháp môn Tịnh Ðộ, hễ vọng niệm vừa khởi bèn nghĩ “hễ cái gì có hình tướng thì đều là hư vọng”, tức là dùng Chân Như Phật Tánh chế ngự vọng niệm. Chân Như Phật Tánh tức là một câu “A Di Ðà Phật”. Dùng Phật hiệu chế ngự Hoặc, sẽ được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh, đến Tây Phương rồi mới đoạn Hoặc. Vì thế, nay chỉ nói là “cầu vãng sanh”.

Nói đã dài rồi, sợ mất thời gian quý vị dụng công, mang lỗi với mọi người. Giờ đây quý vị lại niệm Phật, chế ngự Hoặc. Kính xin chư vị buông xuống vạn duyên, thiện duyên, ác duyên đều buông xuống hết, cứ một câu A Di Ðà mà niệm mãi.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Khai Thị Phật Thất Năm Canh Thân Tại Chùa Linh Sơn

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch