Home > Khai Thị Niệm Phật > Phuong-Phap-Tri-Danh-Niem-Phat
Phương Pháp Trì Danh Niệm Phật
Nhiều Tác Giả | Hòa Thượng Thích Hồng Đạo, Việt Dịch


Đối với chúng sanh, vọng niệm là căn bệnh, thuốc là danh hiệu Phật. Hễ phương pháp nào trừ được căn bệnh vọng niệm, ấy là phương pháp thiện xảo nhất. Cũng như đối với thầy thuốc, phương thang nào chữa đúng căn bệnh là phương thang hay.

122. TRÌ DANH NIỆM PHẬT có 12 phương pháp:

1.- NIỆM PHẬT CAO TIẾNG: Niệm lớn tiếng, đem hết cả tinh lực toàn thân dồn vào trong câu niệm Phật, khác nào những tiếng đại hồng chung, những tiếng sư tử rống, át cả trời đất vũ trụ.

Kinh Đại Tập nói: “Niệm Phật lớn tiếng có mười công đức: 1) Đánh tan hôn trầm mê ngủ. 2) Thiên ma kinh sợ. 3) Tiếng vang khắp mười phương. 4) Ba đường ác được dứt khổ. 5) Tiếng bên ngoài không xâm nhập. 6) Niệm tâm không tán loạn. 7) Mạnh mẽ tinh tấn. 8) Chư Phật vui mừng. 9) Tam muội hiện tiền. 10) Vãng sanh về Tịnh độ”.

2.- MẶC NIỆM: Lúc niệm, môi chỉ hơi mấp máy, không phát ra tiếng, niệm thầm.

3.- NIỆM KIM CANG: Tức niệm ra tiếng. Niệm vừa tiếng, không lớn quá, không nhỏ quá. Nghe thong thả hòa hoãn. Cứ vừa niệm vừa nghe như thế, óc sẽ không bị xao lãng và tâm thần định được. Phương pháp này hiệu lực rất lớn lao, cho nên đem ví dụ với ngọc Kim cang. Kim nghĩa là vàng, thí dụ cho sự cô đọng cẩn mật; cang nghĩa là cứng, thí dụ cho sự cứng rắn; vừa cẩn mật, vừa cứng rắn thì ngoại cảnh khó xâm nhập và tạp niệm dễ bị đánh tan.

Trong các phương pháp niệm Phật, phương pháp này được thường dùng hơn hết. Phương pháp này lại có tên là PHẢN VĂN NIỆM PHẬT, nghĩa là niệm chữ nào trở lại nghe chữ ấy, chữ ra từ miệng lại trở về tai.

Cần phải niệm Phật ra tiếng thì tam muội dễ thành. Niệm thầm nhỏ phần nhiều bị tán loạn. Điều này riêng hành giả tự biết, người ngoài không rõ thấu được.

4.- NIỆM GIÁC CHIẾU: Một mặt xưng danh hiệu Phật, một mặt quay tâm trí của mình trở lại soi xét tự tánh.

5.- NIỆM QUÁN TƯỞNG: Một mặt xưng danh hiệu Phật, mặt khác quán tưởng thân Phật và Bồ-tát trang nghiêm đang đứng trước ta. Quán tưởng cảnh Cực lạc với lầu đài tráng lệ, lưới báu bủa giăng, hoa nở chim kêu, đương phát ra tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v...

6.- NIỆM TRUY ĐẢNH: Cũng như phép niệm Kim cang nói trên, nhưng giữa chữ trước và chữ sau, giữa câu trước và câu sau, đừng để xen hở. Chữ nọ bồi vào chữ kia, câu sau chồng lên câu trước, trung gian không cho dứt hở nên gọi là truy đảnh. Truy nghĩa là đuổi theo, đảnh là đầu. Tức là đuổi theo, niệm đầu niệm sau nối liền nhau không dứt hở.

7.- NIỆM LỄ BÁI: Đồng thời trong khi niệm Phật thì thân lạy; hoặc niệm xong một câu, lạy một lạy; hoặc miệng niệm thì thân lạy, thân lạy thì miệng niệm.

8.- NIỆM TỪNG LOẠT MƯỜI HƠI: Tức mười niệm (sổ thập). Niệm một hơi kể một niệm, niệm mười hơi là mười niệm. Tùy hơi dài ngắn, mỗi hơi niệm 7 câu Phật chẳng hạn, lấy đó làm chừng. Niệm mỗi hơi phải thầm đếm để nhớ số 7 câu Phật (phương tiện để nhiếp tâm). Niệm đủ mười hơi rồi trở lại niệm mười hơi khác, cứ tiếp niệm như vậy và lấy đó làm chừng trong mỗi thời niệm Phật. Sau mỗi mười hơi tức mười niệm phải đếm số thứ tự ra tiếng để dễ nhớ. Đây là pháp mượn hơi nhiếp tâm. Với phương pháp này khỏi dùng chuỗi.

9.- NIỆM ĐẾM THEO HƠI THỞ (sổ tức): Niệm như phép truy đảnh ở trên, không kể số danh hiệu Phật niệm được nhiều hay ít, chỉ dùng hơi thở làm chừng. Bắt đầu thở ra thì niệm cho đến khi hết hơi thở, nghỉ niệm mà hít hơi vào. Khi thở ra lại tiếp tục niệm như trước. Cứ mười lần như vậy thì gọi là mười niệm.

10.- NIỆM THEO THỜI KHÓA NHẤT ĐỊNH: Một khi thời khóa biểu đã vạch sẵn rồi, thì ngày ngày cứ y theo đó mà hành trì, tự lập cho mình một thói quen và có như thế mới giữ được đạo tâm bất thối. Điều quan trọng là tại chỗ thường thời thực hành, đều đều chuyên nhất.

11.- NIỆM BẤT CỨ LÚC NÀO: Với những hành giả đã huân tập được tịnh chủng khá thành thục, thì tự nhiên phát ra những tiếng niệm Phật bất cứ lúc nào, cơ hồ như có một sức lực dõng mãnh nào bên trong thúc đẩy, khiến cho hành giả hằng tiến không lùi. Lúc đi đứng nằm ngồi, không lúc nào là không niệm Phật, ngoại trừ trong giấc ngủ.

12.- NIỆM PHẬT HAY KHÔNG NIỆM VẪN LÀ NIỆM: Pháp niệm Phật nói ở trên là chỉ cho sự niệm Phật thành tiếng phát ra nơi miệng trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Còn niệm Phật trong đoạn này chỉ là tâm niệm, tâm niệm nhớ nghĩ đến Phật. Nói “niệm hay không niệm vẫn là niệm” nghĩa là bất kể miệng có niệm thành lời hay không, luôn luôn trong tâm vẫn tưởng nhớ đến Phật, tức là vẫn có niệm Phật.

Đây chính là người niệm Phật dụng công chuyên nhất. Ngoài sự niệm Phật không nghĩ ngợi gì khác, cho đến khi công phu được thuần thục, thế nên tâm niệm tự nhiên có sẵn câu niệm Phật luôn luôn tiếp nối nhau không hở dứt, vì vậy không cần phải dụng ý niệm Phật mà danh hiệu Phật vẫn không hở dứt trong nội tâm.

Người xưa nói: “Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm” tức là chỉ cho phép niệm Phật trong đoạn này vậy.

123. TÁN TÂM NIỆM PHẬT vẫn có công hiệu. Miệng niệm Phật, tâm chuyên nhất nghĩ tưởng đến Phật gọi là định tâm niệm Phật. Miệng niệm Phật, tâm không nghĩ tưởng đến Phật mà lại suy nghĩ vẩn vơ gọi là tán tâm niệm Phật, so với định tâm niệm Phật công hiệu hai bên vốn cách nhau rất xa. Nhưng sự thật thì nhất cử nhất động gì bên ngoài đều ảnh hưởng đến nội tâm, nên dù là tán tâm niệm Phật, sự niệm Phật ấy không phải hoàn toàn vô công hiệu. Vả lại, trong khi niệm lục tự Di-đà, không phải là không xuất phát từ trong tâm ta mà ra hay sao? Cho nên trong khi miệng ta niệm, bắt đầu là sáu chữ ấy phải bắt nguồn từ ý muốn do trong tâm ta phát ra.

Thứ lại, khi sáu chữ đã phát thành tiếng, âm thanh phát ra nhất định phải trở lui huân tập tâm ta. Như thế không thể nói rằng nó hoàn toàn không có hiệu lực, chẳng qua công hiệu của nó so với công hiệu của định tâm niệm Phật có kém thua mà thôi. Điều cần nhất là giữ cho niệm niệm đừng xen hở, niệm một lúc lâu rồi tự nhiên lần hồi định tĩnh trở lại, không cần phải dụng tâm điều nhiếp, lâu ngày định niệm trở nên thành thục. Cho nên ngày đêm lúc nào ta cũng niệm Phật, không cần nghĩ đến tán tâm hay định tâm. Nếu định tâm niệm Phật được thì rất quý, nhưng rủi có bị tán tâm cũng đừng lo ngại.

124. NIỆM PHẬT TAM MUỘI là nhớ chuyên, tưởng lặng vậy. Nhớ chuyên thì chí không chia, tưởng lặng thì khí thanh, thần sáng. Khí thanh thì trí giác soi khắp; thần sáng thì chiếu suốt chỗ tối tăm. Hai điều này thầm hợp nhau, hội lại mà ứng dụng.

Đây chính là người niệm Phật đã đạt công phu đến mức vi diệu, cho nên lý niệm và sự niệm được viên dung một khối duy nhất. Như câu: “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” không khác nào một cái hồ bằng chất ngọc trắng trong, đựng một phiến nước đá trong trắng. Hai vật tuy khác tên mà tự thể trong trắng của nó dường như không thể nào phân chia làm hai khối. Nên gọi là niệm Phật tam muội, vì sự niệm và lý niệm đã đến chỗ chứng đắc rồi vậy.

125. TU PHÁP THẬP NIỆM: Sớm mai thức dậy, phục sức xong rồi, nên chắp tay hướng về Tây niệm Phật. Nên lấy hơi dài niệm liên tiếp luôn hết một hơi, kể là một niệm; niệm đủ mười hơi là mười niệm. Nhưng đừng quá cố gắng, hơi dài ngắn, tiếng cao thấp, niệm chậm mau đều tùy theo sức mình. Niệm xong, phát nguyện vắn tắt cầu sanh Tây phương. Nếu có thờ Phật, nên đối trước Phật mà niệm. Nhưng khi mới vào và lui ra, đều phải lễ ba lạy. Pháp thập niệm này rất tiện lợi cho người có nhiều duyên sự. Nếu mỗi ngày đều thật hành y theo đây, lấy trọn đời làm kỳ hạn, thì quyết định sẽ được vãng sanh.

126. PHÉP “TÙY THUẬN TRÌ DANH” là khi hôn trầm thì đi kinh hành, lúc tán loạn thì trở lại ngồi, hoặc đứng nằm đều tùy tiện mà trì niệm, làm sao cho câu niệm Phật đừng xa lìa. Đây là yếu thuật để hàng phục tâm ma.

127. Khi niệm Phật, mí mắt nên sụp xuống, đừng nên quá dùng tinh thần, nếu dùng tinh thần quá hỏa khí sẽ bốc lên, làm cho nhức đầu choáng váng, hoặc mang các chứng bệnh: lên máu, đầu tê rần, ngứa, nhức, máu bầm tụ trên đỉnh đầu. Vậy phải niệm cho vừa chừng. Nếu thấy đầu óc nặng nề nóng bừng, phải trấn định tinh thần, lắng tai nghe mà niệm, hoặc chú tưởng nơi lòng bàn chân thì hỏa khí sẽ hạ xuống.
 
Trích từ: Pháp Môn Niệm Phật