Home > Khai Thị Niệm Phật > Luan-ve-niem-Phat-bi-ma-chuong
Luận về niệm Phật bị ma chướng
Đại Sư Tĩnh Am | Thượng Tọa Thích Phước Hòa, Việt Dịch


Có người thưa ngài Tỉnh Am:

-       Pháp môn tham thiền hoàn toàn nhờ vào tự lực, nên thường gặp ma sự. Còn niệm Phật thì nương vào tha lực, nhờ Phật hộ niệm, nên không sinh ma sự. Thưa ngài, phải như vậy chăng ?

Ngài Tỉnh Am đáp:

-       À…À!!! Không… không! Tham thiền và niệm Phật, nếu bàn về khó dễ thì có chia ra tự lực và tha lực, còn nếu luận về ma sự thì cả hai đều không tránh khỏi.

-       Thưa Ngài, nghĩa là sao?

-       Có ba nguyên nhân phát sinh ma sự:

1.     Chưa tỏ ngộ giáo lý.

2.     Không gặp bạn lành.

3.     Không quán xét kỹ.

1. Chưa tỏ ngộ giáo lý

Như có người đi xa nghìn dặm, nếu không căn cứ theo bản đồ, lại không gặp người dẫn đường, cũng không biết con đường phía trước thông hay tắc, mờ mờ mịt mịt mà đi, ta biết người ấy khó tránh khỏi họa lạc đường. Cũng thế tham thiền hay niệm Phật ví như hai con đường, kinh giáo dụ cho bản đồ, bạn lành ví như người dẫn đường, tâm quán xét dụ cho việc biết được đường thông hay tắc. Tuy đi trên hai con đường an ổn và hiểm nạn khác nhau, nhưng đều không tránh khỏi họa lạc đường.

Nay, hãy gác việc tham thiền lại, chỉ bàn về niệm Phật, cũng có người nhàm chán sự bình thường mà ưa thích sự kỳ lạ; có người bỏ đường thẳng tắt mà theo lối quanh co; có người đi cả hai đường thì đều lạc cả hai; có người cho rằng giữa đường là nhà, cho vùng đất bằng phẳng là núi cao; sai lầm như thế, không thể kể hết, đều do lỗi chưa được tỏ ngộ giáo lý.

2. Không gặp bạn lành

Pháp môn Niệm Phật rất toàn vẹn và rất nhanh chóng, rất dễ và cũng rất khó. Đơn cử bốn chữ “nhất tâm bất loạn” trong kinh A-di-đà, nói gần thì hàng phàm phu đều có thể làm được, nói xa như các bậc thánh hiền cũng không thể bỏ qua. Đời nay, sơ tâm học đạo, có người tạm thời được khinh an, tự cho rằng đã đạt được sự nhất tâm. Có người tỏ ngộ được chút ít, cũng tự cho là đạt được lý nhất tâm. Có người niệm thô không sinh, nhưng niệm tế vẫn còn. Có người dũng mãnh tinh tiến gấp bội lúc bình thường, lại chẳng biết ngoài tâm không có Phật, cầu mau chứng đắc, chưa đạt được phương tiện thiện xảo, gấp rút muốn xả báo thân. Nhân đó ma sự nhập thân, hoặc bị trúng gió, bị điên cuồng, đều không thể lường được. Đây đều là lỗi do không gặp được bạn lành.

3. Không quán xét kỹ bản thân

Do ngã kiến mà chúng sinh trôi lăn trong sinh tử. Nếu không trừ ngã kiến thì tu hành cũng vô ích. Nhưng gốc rễ ngã kiến quá sâu chắc, nó đâm chồi phát triển thành cây, nơi nơi đều có. Thế nên, người hiểu biết cao thì ngã kiến cũng cao; người có công phu tinh tiến thì ngã kiến cũng tăng theo. Nếu người tu hành, ngày ngày không kiểm điểm, khắc khắc chẳng tỉnh giác thì niệm niệm phát sinh, tâm tâm tăng trưởng đeo đuổi mãi theo người tu học, đến chết cũng chẳng xa lìa ngã kiến. Vì vậy người học đạo, nếu tâm chẳng rỗng lặng thì không thể quán xét, không quán xét nên ngã kiến tăng trưởng, có được một chút ít thì liền sinh tâm kiêu mạn, chế nhạo đồng học, chê bai người tu hành. Người này, dẫu có tu hành thì rốt cuộc cũng thành ma sự. Đây là lỗi do tự mình không biết quán xét.

Hỏi: Tham thiền cần phải gần gũi minh sư. Nếu không có minh sư thì phải xem kinh giáo. Còn niệm Phật, cốt ở tin sâu và hạnh gắng. Người nào đã tin sâu và hạnh gắng, quyết định được vãng sinh. Đâu cần nhờ bạn lành và kinh giáo?

Đáp: Sao ông lại nói như vậy? Ở thế gian, dẫu một nghề nhỏ còn phải có thầy, huống gì niệm Phật là pháp môn quan trọng đưa người ra khỏi sinh tử? Nếu không có bạn lành và kinh giáo thì ai là người dẫn đường, chỗ nào mở bày? Ba phẩm hạ ghi trong Quán kinh đều nói về người khi lâm chung nhờ bạn lành khai thị nên được vãng sinh. Còn phẩm trung và thượng thì không cần phải nói đến. Nhưng cần phải biết, từ phàm đến thánh, từ dễ đến khó, không  ai mà không nhờ bạn lành và kinh giáo làm căn bản. Nếu không nhờ kinh giáo thì làm sao ông biết được pháp môn Tịnh Độ mà phát sinh lòng tin?

Hỏi: Nếu nhờ vào kinh giáo mà biết niệm Phật thì một bộ kinh A-di-đà cũng đủ rồi, cần nhiều làm gì?

Đáp: Bậc thượng căn thì được, còn bậc trung và hạ cần phải xem nhiều kinh về Tịnh Độ, biết rõ tướng sai biệt của tín, hạnh, nguyện. Ngoài ra, còn phải nhờ bạn lành sách tấn, lại dùng tâm rỗng lặng quán chiếu, ngõ hầu tránh khỏi ma sự thì công phu niệm Phật mới thăng tiến. Nếu không như thế, dù không bị ma sự, nhưng cũng trở thành kẻ tăng thượng mạn, một niệm bất giác liền bị trầm luân, tai họa ấy làm sao nói hết!

Hỏi: Người đã niệm Phật, Phật không rũ lòng hộ niệm sao? Phật đã hộ niệm thì ma sự từ đâu sinh?

Đáp: Người niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì nhất định được chư Phật hộ niệm. Còn chưa được nhất tâmlà vì lấy khinh an làm thiền định, chỉ hiểu một chút ít liền cho là tỏ ngộ, dựa vào sở đắc mà sinh tâm thượng mạn. Đây chính là tự mình chuốc lấy tội lỗi, chẳng phải lỗi của Như Lai. Vì thế, ta nói người niệm Phật phải gần gũi bạn lành, xem kinh giáo và phải có tâm quán xét. Ba điều này không thể thiếu một, nhưng trong đó tâm quán xét rất quan trọng không thể xa lìa, dù chỉ khoảnh khắc. Nếu một niệm bất giác thì một niệm điên đảo, niệm niệm bất giác thì niệm niệm điên đảo, điên đảo đã khởi thì ma sự liền sinh. Như vậy, công phu một đời, thóang chốc luống tan, há không sợ ư?

Văn Tịnh Độ ghi: “Thân không bệnh khổ, tâm chẳng điên đảo”. Nên biết, thân không bệnh khổ thì cầu Tịnh Độ nơi Phật, tâm không điên đảo thì cầu Tịnh Độ ở ta. Cầu ở nơi Phật thì ta không dám chắc chắn, còn ở nơi ta thì ta không tự gắng sức được sao? Giả sử khi lâm chung có một niệm điên đảo thì chẳng những không được sinh vào chín phẩm, mà còn khó tránh khỏi tam đồ. Dù Đức Phật có lòng đại từ bi, nhưng cũng không thể cứu ta. Biết làm sao, biết làm sao đây!

Thế nên, người tu Tịnh Độ không được một niệm xa lìa pháp thiện, cũng không thể một niệm sinh tâm điên đảo.