Phật Học Vấn Đáp


Tu học đến một trình độ nào rồi mới giúp đỡ đại chúng?
Tu học đến một trình độ nào đó có phải nhất định phải tĩnh tu, bế quan, thành tựu bản thân rồi mới giúp đỡ đại chúng không ạ?

8/13/2022 8:56:44 PM

Tịnh tu thì lúc nào cũng phải tịnh tu, không nhất định đạt đến trình độ nào đó. Khi bắt đầu học thì phải tĩnh tâm lại, phải sửa lại rất nhiều quan niệm sai lầm, hành vi sai lầm của mình, đây gọi là tịnh tu. Cho nên tịnh tu không có giới hạn nào cả. Còn việc bế quan thì phải có điều kiện. Người nào có điều kiện bế quan? Khai ngộ rồi, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Nói cho các vị biết, A La Hán chưa có tư cách bế quan, Bích Chi Phật chưa có tư cách bế quan. Điều kiện bế quan là gì? "Kinh Hoa Nghiêm" của chúng ta là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Hiện nay, chúng tôi đang giảng đến "Phẩm Hiền Thủ", Hiền Thủ Bồ Tát không có tư cách bế quan, vì sao vậy? Ngài chưa phá vô minh, cũng chính là nói vọng tưởng phân biệt chấp trước, vọng tưởng của Ngài vẫn chưa buông xuống; Phân biệt chấp trước của Ngài chưa dứt được, vọng tưởng chưa hoàn toàn buông xuống, Ngài không đủ tư cách để bế quan. Sau khi buông xuống vọng tưởng rồi, Ngài siêu vượt mười pháp giới, thân thể vẫn ở tại thế gian này, đúng thật đã buông xuống rồi, Ngài hoàn toàn thông đạt đối với hết thảy pháp thế xuất thế gian, như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy, như Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng vậy.

Vì sao phải bế quan? Vì không có ai biết họ, không ai mời họ ra giảng Kinh thuyết pháp, họ không thể tự mình giới thiệu chính mình, thế thì không được. Vậy làm thế nào? Bế quan. Bế quan chính là nói với người trong thiên hạ, bản thân tôi học thành công rồi, người trong thiên hạ nếu có vấn đề gì không thể giải quyết được, thì bạn đi yêu cầu cao nhân chỉ điểm. Ai là cao nhân? Người bế quan là cao nhân, bạn sẽ thỉnh họ chỉ điểm. Nếu họ không thể chỉ điểm, bạn có thể mở cửa quan phòng của họ, đi ra cùng tôi tham học một chuyến, bạn vẫn chưa đủ tư cách bế quan. Bế quan là như vậy. Thành tựu rồi thì nhất định hoằng pháp lợi sanh, nhất định là đi làm công tác dạy học. Không có người thỉnh, không có người biết thì dùng phương pháp này. Cho nên bế quan không phải là việc dễ dàng, đây là bế quan thật sự.

Loại thứ hai là miễn cưỡng mà bế quan, đó là gì? Danh tiếng quá lớn, hiện tại nói mức độ nổi tiếng quá cao. Một ngày từ sáng đến tối người đến thăm hỏi liên tục, khiến cho bạn không có cách gì tu hành, lúc này bế quan là gì? Cự tuyệt việc thăm hỏi. Đó là dạng người nào vậy? Năm xưa khi tôi mới học Phật chưa được bao lâu, sau khi thọ giới, có một cư sĩ có một khu biệt thự ở trên núi, không có người ở. Lúc đó gặp được tôi, nghe tôi giảng Kinh, ông muốn tặng nó cho tôi, để tôi đến bên đó tiến tu, bế quan. Tôi đến Đài Trung báo cáo sự việc này với Lão sư. Thầy nói: Con có điều kiện gì chứ? Con có tư cách gì mà bế quan? Thứ nhất, con chưa hề buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước, chưa minh tâm kiến tánh, không đủ tư cách. Thứ hai, việc thế tục cũng không có nhiều như vậy, con vẫn còn chưa nổi danh. Cho nên hai điều kiện đều không phù hợp, phải học cho tốt. "Triệu Châu tám mươi còn hành cước". Đây là Hòa thượng Triệu Châu ở Trung Quốc thời xưa, tám mươi tuổi còn chưa khai ngộ, chưa khai ngộ đi khắp nơi tham học. Tham học rất gian khổ, vì sao vậy? Vì chính mình công phu chưa đến nơi, con có điều kiện gì, có tư cách gì mà bế quan?

Vậy tôi mới hiểu rõ, trước đây không hiểu, nhìn thấy các Pháp sư trẻ có rất nhiều người bế quan, chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ, mới biết bế quan là có điều kiện. Thành tựu chính mình rồi mới giúp đỡ đại chúng, đây là chính xác. Hiện nay, muốn đợi chính mình thành tựu rồi mới giúp đỡ đại chúng thì không còn ai nữa. Trước đây chúng tôi cũng có cách nghĩ này, thầy Lý nói, vậy không có ai thì việc hoằng pháp lợi sanh cũng đoạn tuyệt rồi. Vậy phải làm sao? Chính mình chưa thành tựu cũng phải giúp đại chúng. Chưa thành tựu thì giúp như thế nào? Bạn giảng Kinh sai rồi thì làm sao? Cho nên Lão sư đã dạy cho chúng tôi, giảng chú giải của người xưa, không dùng ý của chính mình, giảng sai thì họ chịu trách nhiệm, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Dạy cho chúng tôi một nguyên tắc, là điều mà nhà Nho nói, trong "Luận Ngữ" có nói: "Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới là biết". Điều tôi biết thì tôi nói cho bạn nghe, điều tôi không biết thì tôi đọc lướt qua là được rồi. Đọc lướt qua, vì sao không giảng? Điều này tôi không biết, đây không phải là lỗi lầm, cái này không có lỗi lầm; "Không biết mà cho là biết" mới là lỗi lầm. Không được sĩ diện, cứ thật thà, vậy thì chính xác. Đem những gì mình học tập được báo cáo cho đại chúng, chia sẻ với đại chúng, vậy thì đúng rồi. Lão sư vừa nói rõ như vậy, chúng tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm, học giảng Kinh với Thầy.

Cho nên hôm nay chúng tôi giảng "Hoa Nghiêm", những chú giải mà chúng tôi y cứ theo, có "Sớ Sao" của Thanh Lương Đại Sư, "Hợp Luận" của Lý Trưởng Giả, chúng tôi tham khảo hai loại này. Trong đó có một số là xen kẽ, đó là những báo cáo tâm đắc học tập trong bao nhiêu năm nay của chúng tôi, cung cấp cho mọi người tham khảo. Cho nên giảng Kinh phải khai ngộ, không khai ngộ thì không được, khai ngộ là nhất định phải buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước, ít nhất cũng phải buông xuống chấp trước. Đối với thế xuất thế gian pháp, đối người, đối việc, đối vật thảy đều không được chấp trước nữa. Đây là cảnh giới của A La Hán. A La Hán là Chánh Giác, so với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, A La Hán đắc được Chánh Giác. Bồ Tát là Chánh Đẳng Chánh Giác. "Đẳng" là bình đẳng với Phật, "Chánh" là chánh mà không tà, bình đẳng với Phật chứ không phải là Phật, so với Phật còn kém xa một bậc. Thành Phật rồi, thì thêm Vô Thượng, không vượt hơn được nữa, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, ít nhất là đắc chánh giác thì bạn mới có tư cách giảng Kinh, giảng được không sai, sẽ tương ưng với những gì Phật nói. Điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì.

Chúng ta biết mấu chốt ở trong đây chính là phải buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước. Công phu tu hành nằm ở chính mình. Vọng tưởng phân biệt chấp trước mỗi năm một nhẹ hơn, trí huệ, đức hạnh của bạn mỗi năm một nâng cao. Bất kể bạn tu pháp môn nào, thảy đều phải buông xuống. Nếu không buông xuống, tu pháp môn nào cũng biến thành chấp pháp, là sai rồi. Phiền não có hai loại, một loại là chấp trước vào nhân ngã, một loại là chấp trước vào pháp. Chấp trước vào nhân ngã là phiền não chướng, pháp mà ta chấp trước gọi là sở tri chướng, đều biến thành chướng ngại. Phải hiểu đạo lý này, thật sự như Đại sư Chương Gia ngày đầu gặp mặt đã nói với tôi: Nhìn thấu, buông xuống. Đúng là đã nói với tôi bí quyết tu hành trong giáo lý Đại thừa.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật