Hiện tượng không hòa thuận trong gia đình rất phổ biến, vợ chồng bất hòa, xung đột thường xảy ra. Nguyên nhân do đâu? Do quan niệm mình đúng, người khác không đúng; cả hai đều nhìn thấy không đúng của đối phương thì làm sao có thể hòa thuận. Trước khi kết hôn, chúng ta thường nhìn người yêu với con mắt lý tưởng hóa, mọi thứ thuộc về người đó đều đẹp, đều vừa mắt, nhờ vậy mới có thể đi đến kết hôn. Đó là trạng thái tâm lý trước hôn nhân. Tuy nhiên, nếu vĩnh viễn nghĩ đối phương là đúng, là tốt, khi có mâu thuẫn, chúng ta giành phần sai về mình, cam kết sửa đổi thì gia hòa vạn sự hưng. Ghi nhớ cái tốt của người mới có thể hòa thuận, có thể hóa giải xung đột, và thực sự xúc tiến an định hòa bình. Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ chức cơ bản nhất. Nhà nhà hòa thuận thì xã hội hòa thuận, đất nước giàu mạnh. Mọi người đều phản tỉnh, đều biết khuyết điểm ở chính mình. Nói người khác sai chính là sai lầm to lớn. Ngày nay, đa số chúng ta phạm phải sai lầm này. Người khác làm gì có sai lầm, đạo lý này hiếm người hiểu được, chỉ có Phật Bồ tát hiểu. Vì sao nói người khác đều không có lỗi? Vì sai ở ngay chính chúng ta.
“Cảnh tùy tâm chuyển”, tâm là tâm của chính mình, bên ngoài là cảnh giới tùy theo tâm mình mà thay đổi. Bên ngoài bất thiện do tâm ta bất thiện, chính ta chuyển cảnh giới thành bất thiện. Khi tâm thiện rồi, cảnh giới bên ngoài chẳng phải thiện hết rồi sao? Cho nên hãy nghĩ lại xem sai là do đâu, sai ở chính mình do phiền não tập khí khởi hiện hành. Giới Định Huệ không khởi hiện tiền, đức Phật thường giảng trong đại kinh “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, trí tuệ đức tướng của chúng ta không thể hiện bày, do tham sân si mạn, tự tư tự lợi,… khởi hiện hành làm cho con người xảy ra xung đột, còn nếu là trí tuệ đức hạnh tướng hảo thì sẽ không xảy ra xung đột lẫn nhau. Vì chính tâm chúng ta không tốt, trong tâm có tự tư tự lợi, có danh vọng lợi dưỡng, có tham sân si mạn, có năm dục sáu trần, nên sai lầm lớn là ở chính mình. Trong kinh giáo Đại thừa đức Phật thường nói: “trong tự tánh thảy đều không có”. Đại sư Huệ Năng là người khai ngộ, trong đàn kinh ngài cũng nói “vốn dĩ không một vật, chỗ nào dính bụi trần”. Trong tâm thanh tịnh, trong chân như bổn tánh của chính mình không hề có thứ gì, trong sạch thuần khiết, chỉ có trí tuệ, đức tướng. Mê mất đi tự tánh của chúng ta, đem trí tuệ biến thành phiền não, đem đức năng biến thành ác trược, việc xấu nào cũng làm, đem tướng hảo biến thành thô xấu, biến thành đời ác năm trược, biến thành ba cõi sáu đường, do đâu mà ra? Do chính chúng ta biến hóa ra. Tự mình biến ra, tự mình hưởng thọ, thì còn có thể trách ai.
Cho nên nói sai là hoàn toàn sai ở chính mình. Thực tế hiện tại mọi người đều sai, cả thế gian đều sai. Do đó người giác ngộ rất khổ, người giác ngộ không thể cứu nổi thế gian. Tuy nhiên người giác ngộ có thể cứu chính mình, chúng sinh mê hoặc cùng với người giác ngộ bất hòa, người giác ngộ có thể hòa thuận với chúng sinh mê hoặc, vì người giác ngộ không tranh với họ. Họ muốn tiền, chúng ta đưa tiền, muốn danh đưa danh, muốn thứ gì, ta cho thứ đó. Chúng ta không mong cầu thì không xảy ra xung đột. Vì cả hai cùng tham cầu nên mới xảy ra xung đột. Người mê cho rằng nếu không tranh thì không được, người trí hiểu rõ nhường nơi này, thì lại được ở nơi kia, có khi còn được nhiều hơn cái đã cho. Càng xả càng được nhiều, không cần phải cầu. Đó là đạo lý đức Phật đã dạy nhưng đáng tiếc, chúng sinh lại không tin.