Qua bài viết của cụ Tịnh Không về câu hỏi “Xây tượng hay Cứu tế”, chúng ta dễ dàng nhận ra các điểm sau :
-Thứ nhất, người hỏi có ý thiên về mặt “thuần túy cứu tế” đồng với thuần làm từ thiện, ngầm ý cho rằng “xây tượng lợi ích chẳng bằng cứu tế”. Vì vậy nên cụ “nhẹ nhàng” bài xích tư tưởng này, nêu lên chỗ lợi ích không viên mãn của cái “cứu tế” theo tinh thần người hỏi, để so sánh với chỗ lợi ích của “xây tượng”.
-Thứ hai, cụ là một vị tăng Hoằng pháp, đứng trên cương vị này, cụ luôn luôn coi trọng mọi thiện pháp dính líu tới Phật pháp hơn những thứ thiện pháp thuần mặt thế gian. Nói một cách khác là trọng công đức hơn phúc báo nhân thiên.
Câu hỏi đã thiên về một nẻo, hẳn nhiên câu đáp cũng thiên về một ngả. Do đó ta có thể kết luận rằng “câu hỏi đáp này chỉ có giá trị tương đối, mà không phải là chân lý”, chính xác hơn là rất có giá trị cho những tư tưởng thuần thiện thế gian, thiếu vắng tầm nhìn xa hiểu rộng của Phật giáo.
Phần lớn người đọc chỉ thấy sự so sánh giữa “cứu tế” và “xây tượng”, nên chấp chặt một chân “cứu tế” hay chân “xây tượng” kia, mà sinh tâm thủ xả hơn thua, đập gẫy chân kia. Rất ít người nhận ra sự so sánh đó chỉ để “giải tỏa” cho những đầu óc chấp thủ nêu trên, ngầm nêu lên “nếu bạn chấp cho sự việc này là viên mãn hơn cả, thì tôi sẽ chỉ cho bạn thấy chỗ thiếu sót trong tư duy của bạn, vì bạn chỉ thấy lợi mà không thấy ra cái vô lợi của sự việc đó”.
Ngay như trong Phật pháp, dụ như một người tu Tịnh nghiệp chấp rằng “tôi chỉ cần niệm Phật mà chẳng cần làm bất cứ tịnh nghiệp nào khác cũng chắc chắn vãng sinh, vì ngay người niệm Phật cầu may mà cũng vãng sinh nữa kìa”. Do nơi chỗ tư duy có nhiều điểm sai sót và ngộ nhận, nên ta điều chỉnh cho họ, bước đầu là phá đi cái ngộ nhận, bước hai là nêu lên chỗ chân thật, đại để như “đã gọi là tu Tịnh nghiệp, tất nhiên 3 nghiệp phải thanh tịnh. Muốn ba nghiệp thanh tịnh, bước đầu là giữ giới phòng thân (tiêu cực), bước kế tiếp là xả thân hành mọi tịnh pháp độ sinh (tích cực), đủ hai việc này ba nghiệp mới thanh tịnh viên mãn, gọi đó là tu tịnh nghiệp. Nay lại phế bỏ hầu hết tịnh nghiệp, chỉ riêng tu 1 phần khẩu nghiệp, mà cho là đủ thanh tịnh để lìa tam ác đạo sinh về cõi Phật, thì quả là “nghèo mà ham”. Hơn nữa tất cả chư Phật cho đến Tổ sư đếu nhấn mạnh Tín Nguyện Hành là tư lương để sinh về cõi Phật, mà ta không đủ đức tin sâu rộng để theo chân Phật phát Nguyện Hành đến tận vị lai. Lập thứ “tín nguyện hành” theo tư tưởng phàm nhân, mà không phải thứ tín nguyện hành của tất cả chư Phật và chư Hiền thánh tăng đã tín nguyện và hành, thì làm sao đủ là tư lương đến nhà Như Lai được. Nói như thế không có nghĩa bài xích “niệm Phật” mà chính là điều chỉnh pháp “niệm Phật” cho hoàn chỉnh và viên mãn, phá tan những ngộ nhận của đa số tín đồ thời mạt pháp. Những ngộ nhận làm suy yếu Phật pháp, đưa giáo pháp cao thượng độ sinh, biến thành lập luận tự tư tự lợi.
Người hoằng pháp chân chính tất nhận lãnh trọng trách từ ba đời mười phương chư Phật “phá nghi võng ư trùng trùng, kiến phát tràng ư xứ xứ” có nghĩa phá bỏ vô lượng lưới nghi của vô biên chúng sinh, lập nên đạo tràng ở khắp mười phương. Lập đạo tràng đồng với phá lưới nghi, phá lưới nghi chính là kiến lập đạo tràng. Đạo tràng thực sự chưa hẳn là gạch đá xây cất theo một hình dáng nào đó gọi là chùa. Điển hình như những ngôi chùa được dùng để phá lưới nghi được gọi là Tổ đình, đạo tràng của các vị Tổ từng khai thị cho biết bao sinh linh tỏ ngộ được diệu pháp, nhưng trải qua bao đời, nếu nơi đó không còn là chỗ khai ngộ chúng sinh thì nó chỉ còn là “hư danh”, thế mới biết nó thành “Tổ đình” không do gạch ngói, mà do việc làm của người xây dựng lên nó.
Khai thị chúng sinh gồm đa phương diện, bởi chúng sinh căn tính bất đồng, hoàn cảnh cũng bất đồng, nên do tùy thuận những bất đồng đó để ứng cơ và cảnh độ hóa chúng sinh, hẳn nhiên Bồ tát phải hành sử theo tùy cơ và cảnh, mà không chỉ khư khư một pháp nào cả. Vả lại Bồ tát do tự tại với các pháp, nên pháp nào cũng thành Phật pháp, từ thuyết pháp, đánh hét, hành hạ, cứu tế, an ủi, xây tượng, đốt tượng, không gì không để khai ngộ chúng sinh, vì vậy Bồ tát - bậc pháp tự tại - không bao giờ chỉ ôm chặt một chân và đập gẫy mọi chân khác. Song vì chúng sinh có “bệnh” “ôm chân”, nên Bồ tát cũng phải tùy thuận “bệnh” để phá bỏ cái bệnh mê lầm ôm chân ấy, như chê chân này, khen chân kia... Đó gọi là “lớn giọng để bảo im”, một phương tiện thiện xảo mà phàm nhân không sao hiểu thấu, nên luôn nghi ngờ Bồ tát cũng có “bệnh”.
Tâm bệnh nên thấy cái gì cũng thành bệnh, dụ như một thanh niên si mê một thiếu nữ, anh này nhìn mấy thanh niên quanh mình đều có tâm sợ sệt kẻ kia cũng si mê thiếu nữ và sẽ cướp mất của mình. Bồ tát có định lực như tấm gương phản chiếu, thất suốt mọi tâm tính chúng sinh, nên chỉ có kẻ bệnh và Bồ tát thấy cái “bệnh” đó, chỉ khác Bồ tát thấy đó là “bệnh” hoang tưởng, kẻ bệnh thì chấp cho “bệnh” là thật, chính thế mới thành “bệnh”.
Nay phần lớn người đọc câu hỏi đáp này, nếu thiên theo “lời” cụ Tịnh Không, mà nếu không hiểu “nghĩa” sẽ cho cứu tế là chuyện vô lợi, xây tượng mới là thật lợi, phế bỏ chuyện cứu tế, lo đi xây tượng cùng khắp. Đó cũng là “bệnh” ôm chân này đập gẫy chân kia.
A. Cứu tế.
Nếu nói “cứu tế” không phải là Phật pháp mà chỉ là từ thiện suông thì không hẳn. Thế gian có cứu tế “từ thiện thế gian” thuộc về “ái kiến bi”, Phật pháp có cứu tế độ sinh, thuộc về bi nguyện “thệ độ nhất thiết chúng sinh”, như chư vị Bồ tát đều hành thiện pháp bất tích thân mạng. Quan Thế Âm bồ tát cả ngày đi cứu tế theo sự cầu “cứu khổ” của chúng sinh, mà không phải chỉ đi xây tượng. Địa Tạng bồ tát xuống địa ngục để cứu tế mà cũng không để xây tượng. Đức Bổn sư trong vô lượng đời quá khứ xả vi trần số thân vì cứu tế chúng sinh, mà không đề cập đến xây tượng.
Phát bồ đề tâm là tâm cứu tế không phải tâm xây tượng. Tuy nhiên những người thích cứu tế mà coi thường xây tượng khoan hảy vội mừng, vì sao? Phải biết sự khác biệt giữa “chân chính cứu tế” và “cứu tế nhất thời”. Không phải chỉ cần cho ăn mặc, nhất thời xoa dịu khổ đau cho tha nhân, sau đó về nhà hưởng thụ và quên lãng những người được cứu đó có còn đau khổ hay không, mà định nghĩa đó là cứu tế. Như hôm nay cầu cho ta và gia đình qua cơn bệnh khổ hay hoạn nạn nên đi mua phúc báo bằng cách cứu tế hay phóng sinh, xong việc thì phủi tay, ngày mai ra chợ mua lại con vật đã phóng sinh hôm qua về ăn một cách sung sướng, như vậy có xứng gọi là phóng sinh cứu mạng hay không?. Hôm nay đi cứu tế người nghèo, ngày mai buôn gian bán dối, bóc lột tha nhân, hoặc sống nhờ vào sự kiếm lợi từ việc làm “từ thiện”, coi cứu tế hay phóng sinh như một món hàng trao đổi, lời lỗ trong đời sống, hoặc giả cứu tế chỉ để tô điểm cho bộ mặt đạo đức của ta…Cứu tế qua loa nhất thời cho người cùng cực, hay toan tính mưu toan hưởng lợi cho bản thân, cứu tế như thế làm thế nào xứng đáng được gọi là cứu tế. Cho dù cứu tế bằng hảo tâm đi nữa cũng chỉ giúp đỡ được người nghèo khổ vài ngày trong ba vạn sáu ngàn ngày của đời họ.
Phật pháp cứu tế, vừa nhất thời xoa dịu, vừa cho cả trong tương lai, một tương lai vĩnh hằng an lạc giải thoát. Cứu cánh của Phật pháp là giải thoát khỏi luân hồi và khổ não, chính pháp của chư Phật là con đường duy nhất nhắm đến và dẫn tới giải thoát, nên Phật sự tức mọi phương tiện hành đều nhằm đến cứu cánh này. Nếu mục tiêu không nhắm vào sự giải thoát, tất không phải là Phật sự, và dĩ nhiên không thể gọi đó là chính pháp. Song chính pháp như đã nói ở trên, bất luận dưới hình thức nào, do nơi tùy cơ và thuận cảnh, hễ đưa tới giải thoát đều là chính pháp. Chính pháp không câu nệ bất kì hình thức nào do nơi đại nguyện đại bi “ưng dĩ hà thân đắc độ giả, tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp”.
Vì sao tiền đề của Phật giáo là “giải thoát” mà không hề là cứu đói, cứu nghèo? Chúng sinh bệnh tật, nghèo khổ, chịu biết bao bức hại, bất luận người làm từ thiện hay người được cứu trợ từ thiện đều không thoát ra khỏi định luật của khổ thống, đạo Phật gọi là “khổ đế”. Nay muốn cứu khổ, tất nhiên phải tìm hiểu nguyên nhân đưa đến “khổ đế”. mọi cái quả khổ hiện tại, không thể độc lập với các hành trong quá khứ gọi là “tập đế”. Quả do nhân sinh, quả đã trổ tất không thể sửa, nếu muốn quả này ngừng “sinh và phát triển”, tất nhiên phải sửa từ nhân. Nhân tịnh thì quả được tịnh, nhân sát thì quả bị sát….Vì vậy trên mặt quả, ta chỉ có thể xoa dịu được quả, mà không thể đổi được quả. Từ thiện cứu tế của thế gian là những hành động chỉ biét xoa dịu quả mà không cải sửa được nhân cho những kẻ khốn cùng, chấm dứt hết mọi quả khổ. Chính vì thế “người cứu tế” và kẻ được cứu tế thuộc thế gian pháp, dưới mắt Phật pháp đều cần được “cứu tế” chân thật, bởi họ rất nghèo cùng đói khát sự hiểu biết về “chân chính cứu tế” cho họ lẫn cho nguời.
Muốn sửa đổi nhân “tập đế” nói trên để được giải thoát, dĩ nhiên phải cần đến pháp giải thoát thật đức năng, đó chính là giáo pháp của Như Lai. Giáo pháp này là con đường đưa đến diệt tận mọi “sinh lão bệnh tử” gọi là “đạo đế”, diệt tận “sinh lão bệnh tử” gọi là “diệt đế”. Không còn mọi khổ như thác thai, trụ thai cho đến thiếu ăn mặc, thiếu tình thương bị bức hại của “sinh”, không còn gìa yếu sợ hãi, không người nương tựa giúp đỡ của “lão”, không còn mọi bệnh khổ cho đến khuyết tật nơi hình hài của “bệnh”, không còn chết đường chết bụi, bị cắt chặt đầu tay chân và bất kì sự chết nào của “tử”, như thế không phải là pháp cứu tế chân chính, vượt trên mọi cứu tế thế gian đó sao?. Nhưng không phải ai cũng biết đến sự “chân chính cứu tế” này, chỉ e ngay đến Phật giáo đồ cũng đa số không chút hiểu biết về pháp “cứu tế vô thượng thù thắng” đó, họ cũng vẫn chỉ mong được chư Phật “cứu tế” cho cơm ăn áo mặc đầy đủ, sắc tình lục dục như ý, mà chưa từng muốn được “chân chính cứu tế”, cũng vì vậy pháp “chân chính cứu tế” bị sự “cứu tế hư ngụy” thuần thế tục thay thế dần cho đến khi triệt tiêu. Phật giáo gọi hiện tượng này là mạt pháp.
Bồ tát vì chúng sinh chưa bao giờ có nhân duyên biết đến pháp “cứu tế chân chính” nên trước tiên phương tiện tùy thuận sự cầu cứu đầy tính “bệnh” của chúng sinh, mà “cứu tế” ban vui cho họ, để cho họ kết duyên với Tam bảo qua giáo pháp mà ta đã hành cho họ, như vậy tuy Bồ tát cũng hành “cứu tế” nhưng nhằm vào mục đích trói họ vào nhân duyên với Phật pháp, không để cho nghiệp mặc sức dẫn họ vào con đường của ngũ thú. Khi những chúng sinh được Bồ tát “cứu tế” đã thuần thục với nhân duyên Phật pháp, khi đó Bồ tát sẽ cởi dây trói “thiện giới” cho họ, mà họ không còn sợ và nghe theo nghiệp cũ nữa, ngược lại nhờ chính pháp hướng dẫn, họ trở thành những người “cứu tế chân chính”, bố thí cho chúng sinh “chính pháp cam lồ” khiến chúng sinh diệt sạch “sinh lão bệnh tử”. Thế thì làm sao coi thường pháp cứu tế được?
Bỏ đi sự cứu tế tất không thể nhiếp phục chúng sinh về với chính pháp, thì có xây tượng cũng chỉ để cho chúng bắn đại bác và cài mìn phá hủy mà thôi. Khi được cứu tế, người nhận sẽ cảm kích và sẽ dễ dàng nghe và quy phục người cứu tế, nên trong tứ nhiếp pháp, “cứu tế” tức “bố thí” đứng đầu. Hơn nữa Bồ tát “cứu tế” hồi hướng cho kẻ nhận luôn có nhân duyên với Bồ tát, đồng với có nhân duyên với chính pháp, phàm có nhân duyên với Phật và pháp, sớm muộn cũng được khai thị Phật tri kiến. Vì vậy trong sáu ba la mật, Bố thí ba la mật đứng trước nhất, mà không phải xây chùa tạo tượng. Bởi do bố thí không tiếc tài sản thân mạng, mà thành tựu “thượng cầu hạ hóa” nên gọi là “ba la mật” (qua bờ giác), nhờ vậy mà chùa chiền, tượng Phật được xây dựng khắp những nơi được Phật pháp “cứu tế”. Những chốn thiếu duyên “cứu tế” của Phật pháp tất nhiên rất khó lòng xây chùa dựng tượng.
Song cứu tế cũng phải dựa vào “căn cơ và hoàn cảnh”. Cơ và cảnh lại có muôn vàn sai khác, nên vì độ hóa tất cả các cơ và cảnh sai khác đó, mà Bồ tát thị hiện vô lượng thân ứng với vô lượng cơ, vào vô lượng cảnh, thuyết vô lượng pháp, hành vô lượng phương tiện, độ hóa vô biên chúng sinh, đồng quy về một cảnh giải thoát duy nhất, đó gọi là “phương tiện hữu đa môn, cứu cánh quy nhất lộ”. Ngay đến đại A La Hán Ca Chiên Diên cũng đã hành “cứu tế” mua lại cái nghèo để diệt khổ cho bà lão (phẩm 23, kinh Hiền Ngu), điều này chứng minh, bậc trí huệ giao tiếp với chúng sinh bằng cho hay nhận đều khiến chúng sinh được lợi lạc, khác hẳn với sự giao tiếp bình thường giữa chúng sinh với nhau. Thế nên người hiểu cứu cánh nào dám coi thường mọi phương tiện pháp, trái lại đều trân quý và sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện độ sinh..
Kết luận “cứu tế” có hai loại, là thế gian cứu tế và Phật pháp cứu tế. Thế gian cứu tế không rốt ráo, Phật pháp cứu tế viên mãn. Cứu tế được đề cập đến trong trong câu hỏi đáp hẳn nhiên phải là “thế gian cứu tế”. Đừng ngộ nhận mà phế bỏ oan uổng “Phật pháp cứu tế”. Phật giáo đồ nên tu học pháp “cứu tế chân chính” này.
B. Xây tượng
Sau khi “cứu tế” giúp chúng sinh vào trong nhân duyên Phật pháp rồi, để nhắc nhở chúng sinh và tăng trưởng nhân duyên cứu đó, bấy giờ xây chùa tạo tượng cho chúng sinh có môi trường tu học và tăng thượng duyên. Như vậy xây chùa tạo tượng cũng chỉ vì chuyện “thượng cầu hạ hóa”, nói chính xác là để pháp “cứu tế chân chính” trường tồn trong biển khổ mênh mang vô cùng, do đó xây tượng cũng là một pháp cứu tế. Biết bao tôn tượng được xây cất lên đã “cứu tế” biết bao sinh linh, dụ như các đại Phật ở những vùng hẻo lánh, nghèo nàn trở thành nguồn sống cho dân địa phương cũng như các vùng lân cận, điển hình như các đại Phật ở Tam Thủy, Thạch nhân sơn, Mông sơn, Hải nam…Sự cứu tế này thắng xa sự cứu tế cơm áo của các hội từ thiện, vì hành cứu tế cho biết bao người có được công ăn việc làm, nuôi nấng con cái ăn học thành tài, giúp đời, không chỉ vài ngày như cứu tế từ thiện thế gian, mà cả đời của thế hệ này qua đời các thế hệ khác. Đại Phật đã vậy chùa chiền cũng thế, dù sao chùa vẫn là chỗ kiếm ăn của các người hành khất tụ tập, nơi này dễ được giúp hơn bất cứ ở đâu, nhờ vào hảo tâm của những người đi lễ chùa. Tuy nhiên vẫn có nhiều người xây chùa tạo tượng để ta có được đời sống vững chắc nhờ vào “thờ Phật ăn oản”, chùa càng to, tượng Phật càng lớn, ta càng đông tín chúng cúng dường “xây tượng”, danh ta nhờ vậy phổ biến khắp nơi, khiến thiên hạ nể sợ. Xây chùa tạo tượng với tâm “danh văn lợi dưỡng” đó vẫn bị Như Lai quở “này A Nan! Như Lai không thể vui, khi chùa chiền, tượng Phật được dựng lên khắp mọi nơi, nhưng dưới hình thức ấy”.
Như ngài Hải Không đại sư xây dựng đại Phật Di Lặc để cầu cho chúng sinh thoát nạn khổ, bằng sự hy sinh cả đôi mắt cho nguyện “biến núi thành Phật” được viên mãn, mới xứng danh gọi là “xây tượng công đức”. Người xây tượng thành được đại nguyện “cứu tế chúng sinh dứt trừ tai nạn khổ”, những người được cứu tế, chân chính dứt hết nạn khổ. Xây tượng như vậy tất nhiên công đức vượt xa mọi phúc báo nhân thiên có được từ những việc làm chân thành “cứu tế” gọi là từ thiện ở thế gian.
C. Vai trò của “Ba la mật đa” trong các hành của Phật giáo.
Trong kinh Kim Cương đức Phật dậy “nếu đem 7 báu nhiều như tam thiên thế giới ngày đêm bố thí, công đức thua kém người trì tụng kinh này nhẫn đến bài kệ bốn câu”, đức Thế Tôn lập đi nhiều lần qua các chương 8, 11, 15, 16, 19, 24, 28 và 32. Điều này chứng minh, bố thí thiếu “ba la mật” tất không đến được bờ giác, giải thoát hết mọi khổ của “sinh lão bệnh tử”, nên làm thế nào so sánh nổi với công đức của người thọ trì tức đủ nguyện hành, không phải chỉ khẩu tụng, mà tụng bằng cả ba nghiệp mới là nghĩa thọ trì.
Nhẫn đến bài kệ bốn câu, thuộc về vô tướng “nhược dĩ sắc cầu ngã” hay “không do 32 tướng tốt thấy được Phật”, mà đòi hỏi chúng ta phải thấy thật Phật, không thấy qua Phật tượng, thậm chí qua hóa thân còn sinh tử của Phật. Đó không phải là Như Lai nói rõ “ba la mật” mới thật là pháp “cứu tế chân chính” đó sao? Nếu xây tượng hay cứu tế mà thiếu vắng “ba la mật” thì chẳng thứ nào có công đức, và chẳng thứ nào hơn thứ nào, chỉ hơn nhau tùy theo hoàn cảnh mỗi lúc mà thôi.
Sở dĩ đức Phật tán thán “ba la mật đa” là công đức tối thượng, mà không một phúc báo nào sánh bằng, cũng bởi do pháp này cứu tế nhất thiết chúng sinh qua bờ giác, không còn “sinh lão bệnh tử”. Sự hiểu biết sẽ hướng dẫn mọi hành động và tư tưởng vào khuôn khổ của “ba la mật đa”, nên Bát Nhã tức Trí huệ là “Ba la mật căn bản” hay còn gọi là thể của “sáu ba la mật đa”, chính xác hơn Bát nhã chính là “ba la mật đa”. Do trí huệ ba la mật hướng dẫn hành bố thí, mà bố thí trở thành ba la mật, gọi là “bố thí ba la mật” hay “trí huệ bố thí”, cho đến tinh tiến, nhẫn nhục, trì giới và thiền định cũng nhờ trí huệ ba la mật mới thành được “ba la mật đa”. Chính vì thế “trí huệ là sự nghiệp duy nhất của Phật pháp” (duy tuệ thị nghiệp), không một công đức nào có thể thành tựu, mà thiếu vắng trí huệ được, nên nói chỉ cần thọ trì một bài kệ 4 câu của kinh “ba la mật đa” thì công đức không thể nghĩ bàn.
Kết luận xây tượng hay cứu tế mà thiếu vắng “ba la mật đa” thì đều là phúc báo nhân thiên, và công năng yếu kém chỉ có tác dụng một thời gian ngắn. Nếu có “ba la mật” kèm theo thì xây tượng hay cứu tế hoặc bất kì một sự việc nào đều phát sinh công đức và có tác dụng vĩnh hằng cho người thọ nhận. Vì vậy không nên để cái trí huệ “đuôi rắn” ôm chấp lấy một chân mà đập gẫy chân kia.