Đoạn tương tục tâm chính là đoạn cái tâm liên tục tạo tác tội nghiệp này. Chúng ta sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, thuận với ý của chính mình thì lòng tham liền khởi lên, phiền não liền khởi lên, không thuận với ý của mình thì tâm sân hận liền khởi lên. Tâm này khởi lên thì không nên sợ, thực tế mà nói khởi lên là bình thường, bởi vì chúng ta là phàm phu. Nếu như sáu căn của bạn tiếp xúc cảnh giới mà bạn không khởi tâm không động niệm thì bạn đã là Phật, là Bồ Tát, bạn không phải phàm phu. Người phàm phu ở ngay trong cảnh duyên này nhất định khởi tâm động niệm, cho nên người xưa nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Phàm phu khởi tâm động niệm là hiện tượng tất nhiên, thế nhưng then chốt là ở chỗ nào vậy? Then chốt là không nên để cho nó liên tục, ý niệm này vừa khởi lên, lập tức đè ý niệm này xuống, làm cho nó chuyển biến, đó gọi là tu hành, gọi là công phu. Người niệm Phật chúng ta chỉ dùng một câu A Di Đà Phật. Ở trong thuận cảnh lòng tham khởi lên thì niệm “A Di Đà Phật”, làm cho tâm này lập tức thay đổi, quyết không để lòng tham thêm lớn, quyết không để lòng tham tiếp nối. Khi ở trong nghịch duyên, nghịch cảnh, tâm sân hận phiền não khởi lên thì lập tức dùng câu “A Di Đà Phật” đè nó xuống, nhất định không để sân hận đố kỵ tăng thêm, nhất định không để sân hận đố kỵ tiếp nối. Chúng ta niệm Phật như vậy gọi là biết niệm, niệm Phật như vậy gọi là công phu. Mỗi ngày bạn thấy mình không tệ, một ngày niệm hai vạn danh Phật hiệu, ba vạn danh Phật hiệu, niệm xong Phật hiệu vẫn cứ mắng người, vẫn cứ sân si, vẫn cứ khởi hỉ nộ ái lạc thì hết rồi, cái gì cũng hết, một ngày niệm mười vạn câu cũng không còn, người xưa thường nói “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Vì sao vậy? Phật hiệu của họ có niệm được nhiều hơn nhưng không thể khởi tác dụng, vì họ không hàng phục được phiền não, không đè phiền não xuống được. Công phu chân thật có lực thì mỗi ngày Phật hiệu không nhất định phải niệm nhiều đến như vậy, mà then chốt nhất là gì? Bạn phải có thể phục được phiền não, đè phiền não xuống, đây gọi là công phu. Một ngày bạn không niệm Phật thì không hề gì, vừa động niệm thì A Di Đà Phật là được rồi. Khi không động niệm thì không có A Di Đà Phật, vừa khởi tâm động niệm thì lập tức niệm A Di Đà Phật, đó gọi là giác được nhanh, là chân thật giác ngộ. Vĩnh viễn giữ gìn tâm địa của chính mình thanh tịnh bình đẳng giác, vậy thì đúng.
Trích từ: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giang Giải Quyển 1