Người nọ có cô vợ xinh xắn, nhưng hiềm có mũi không đẹp. Một hôm trên đường, nhác thấy một thiếu nữ có mũi rất đẹp, liền sinh tâm nghĩ, « nếu cắt mũi này về thay mũi cho vợ ta là tuyệt hảo », gã liền cắt mũi người kia, chạy về nhà kêu réo « nàng mau ra đây, ta cho nàng cái mũi đẹp ». Người vợ vừa bước ra, liền bị chồng xẻo mũi, lấy mũi đẹp lắp thế vào chỗ bị xẻo, khốn nỗi không sao lắp vừa được, người vợ mất mũi đau đớn vô cùng.
 
Thế nhân cũng vậy, nghe các bậc sa môn tôn túc và các Bà la môn có danh tiếng được nhiều lợi dưỡng, nhờ mọi người cung kính, nên suy nghĩ, ta và họ đâu có khác nhau. giả bầy đức tướng nói lời hoa ngôn, đã tự thất đức lại hỏng mất hạnh, như cắt mũi người để nơi mặt mình, tự làm thương tổn, người ngu ở đời cũng y như vậy.
 
Lời Bình:
 
Hai yếu tố chính trong câu chuyện này gồm :
 
Thứ nhất tư duy không đúng thật về nhân quả. Nhân nào sinh quả nấy, không thể lấy quả này ráp vào nhân kia. Chỉ sửa được nhân không sửa được quả. Phàm nhân vì tư duy lệch lạc về nhân quả nên không hiểu đúng thật đức năng, như đối với quả khổ lại cho là vui.

Quả khổ là quả hiện tại, bao gồm cảnh giới và thân tâm nhất thiết chúng sinh, xét từ nội căn đến ngoại khí, đều vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh, nên Đức Phật kết luận nhân sinh thị khổ, nhưng chúng sinh lại cho là thường, lạc, ngã và tịnh, nên gọi là tứ điên đảo, chỉ cần có một trong bốn thứ điên đảo cũng thành khổ, hà huống có cả bốn.
 
Đã vô thường tất nhiên hạnh phúc hay đau khổ rồi cũng phải biến đổi, nhưng chúng chỉ có một chiều để thay đổi, đó là biến thành cái mâu thuẫn với chính nó, như trẻ biến thành gìa, sinh biến thành tử, phúc biến thành họa, do sự sự vật vật đều vô thường nên biết là vô ngã, ngã chỉ do duyên hợp thành, duyên lại vô thường nên ngã cũng vô thường, nếu đã là thực ngã thì không thể vô thường, như khi đồng (nhân) nương tay thợ khéo trải qua lò nung (duyên) thành bình (nhân duyên hòa hợp), bình (thành quả hòa hợp của nhân duyên) đó tự nhận là ngã, ngã này có sinh tất có diệt, song kì thật chỉ có nhân duyên sinh và diệt, như bình khi bị nấu chẩy, và chế tạo thành bát, bấy giờ bình diệt bát sinh, nếu bình là ngã, thì ngã này đã vĩnh diệt, chẳng tương quan gì đến bát cả, còn nếu nói cả bình lẫn bát đều là ngã, vậy thì cái nào là ngã thực, vì đều là ngã mà có ngã sinh và có ngã diệt, thì sinh là ngã? hay diệt là ngã?. Nói ngã sinh là hàm nghĩa khai thủy hữu ngã (tôi mới bắt đầu hiện hữu), như vậy tất nhiên trước đó không hề có tôi, tôi không hề có đời trước (đó là quan điểm của ngoại đạo), mọi sự đều cùng ngã bắt đầu, không có liên quan gì đến quá khứ, như vậy mọi sự xẩy ra nơi thân (đẹp xấu, khỏe yếu, bệnh vô bệnh) hay tâm (thiện ác, trí ngu, động tĩnh) và cảnh giới (giầu nghèo, phúc họa, khổ lạc) đều là ngẫu nhiên, vì không có yếu tố nhân quả ba đời. Nếu vậy vì sao mọi người kể cả ngoại đạo không tin nhân quả mà cũng đều phải tư duy theo nhân quả, như muốn giầu thì phải làm thế nào, hay muốn bất cứ điều gì cũng phải nghĩ cách làm thế nào, mà không để mọi sự ngẫu nhiên đưa đến mục tiêu mong muốn là quả, lại phải nghĩ cách tạo quả là nhân, nếu thực không nhân quả, thì cái nào cũng thành được quả, còn nếu phải thế này mới thành quả, thế kia sẽ không thành quả, tất nhiên đã ngầm chấp nhận nhân quả rồi.
 
Nếu ngã đã không phải ngẫu nhiên tất do nơi nhân quả, như vậy hẳn phải có quá khứ nhân để thành quả ngã hiện tại, và dựa vào nhân hiện tại này dẫn đến quả tương lai, và những nhân quả đó trong hiện tại được chấp là ngã, nhưng kì thật chỉ là nhân duyên pháp, tức lấy các nhân duyên tạo thành quả, gọi quả đó là ngã, mà không phải thật ngã nên nói là vô ngã, khổ và bất tịnh do vậy mà sinh.
 
Do tư duy không đúng thật về nhân quả nên thành tứ điên đảo, do điên đảo nên thành mộng huyễn. Chư Phật quán đúng thật nhân quả nên chứng chân, thành chính pháp, quán đúng thật nên nhận ra 12 nhân duyên, chi phối mọi nhân quả luân hồi, do quán đúng thật quả nên biết quả nhân sinh thị khổ tức khổ đế, do tư duy đúng thật quả nên nhận đúng thật nhân tức tập đế. Do biết đúng thật nhân, nên tự tại nơi nhân, gieo nhân đoạn tập tức đạo đế, thành tựu quả diệt khổ tức diệt đế, như vậy có thể kết luận tư duy nhân quả một cách đúng thật là huệ. phương pháp tư duy và hành động (tư tu) này là chính pháp, vì hiểu và hành theo chính nhân đưa đến chính quả, tin đúng thật nhân quả là chính tín. Người ngu này mê muội nhân quả nên gọi là ngu (vô trí).
 
Thứ hai là không thể lấy cái của người làm của ta. Kiến thức là biết những cái biết (trí huệ) của người, trí huệ là cái biết (trí huệ) của chính ta, không thể lấy cái biết của người làm thành cái biết của ta, dù có thu thập nhiều kiến thức tức những trí huệ của người chung cục vẫn là trí huệ của họ mà vẫn không là trí huệ của ta được, như đức Phật chỉ dậy chúng ta biết bao điều trí huệ của ngài, nhưng chúng ta vẫn không thành Phật tức không ngộ nhập được Phật tri kiến, một khi Phật tri kiến trở thành tri kiến của ta, bấy giờ chúng ta cũng là Phật. Mọi trí huệ phương tiện chỉ bầy (khai thị) cho chúng ta phương pháp để thành tựu mọi hiểu biết như chư Phật (ngộ nhập Phật tri kiến), cho nên sau khi nghe (văn) trí huệ khai thị từ Phật, phải tư duy (tư) để hiểu cách thực hành (tu) chính pháp, thành tựu trí huệ viên mãn, vì vậy ba tiến trình văn tư tu là con đường đưa đến trí huệ, nên được gọi là tam huệ.
 
Đa số hiểu lầm học Phật là học cái biết của đức Phật, lấy cái biết đó làm cái biết của mình, như người ngu lấy mũi người thế cho mũi vợ, như chúng ta lấy trí huệ của Phật ráp vào gương mặt vô trí của chúng ta, chẳng chút tương ưng, nên tốn công xẻo mũi, chỉ thành thịt thối, cũng vậy tốn công lấy trí huệ Phật ráp vào tâm vô minh của chúng ta, cũng thành trí huệ vô dụng, ở nơi Phật thì hữu dụng về với ta thì vô dụng.
 
Đức Phật thị hiện nơi đời không phải để cho chúng ta biết sự giác ngộ của ngài, mà chỉ vì muốn chỉ dậy cho chúng ta khai mở trí huệ của tự thân, để tự nhận chân được thật tướng thật lý của các pháp, do tự thấy nên thành tín, không còn bị vọng pháp mê hoặc, nếu chỉ học trí huệ của Phật thì cái biết riêng của ta vẫn biết cái biết của Phật, cùng với cái biết của ta, và nhiều cái biết của những người khác, nên cái biết đích thực của ta, vẫn khác hẵn với những cái ta biết về cái biết của mọi người khác. Dụ như ta đồng thời biết trí huệ của chư Phật, trí huệ của Nho gia, Đạo gia, hay của Tôn giáo khác, và những trí huệ phàm phu, những trí huê này thực sự không phải của ta, mà trí huệ của ta chính là điều chúng ta lựa chọn bằng tư duy để hành theo (tín) thứ trí huệ nào. Vì lẽ đa số người học Phật đều nghe và học rất nhiều trí huệ của Phật pháp nhưng tư duy của họ đã chọn (tin) theo các vọng pháp thuộc vọng duyên tạo thành, nên đời sống và đức tin trái ngược, như nước và lửa lẫn lộn (chuyện 25), nên sống không thanh tịnh (ô nhiễm), tín không chính xác (tà tín), đó là kết quả của sự tư duy thiếu chính xác về trí huệ của Phật và thế gian, hai thứ trí huệ ta cùng thu thập học hỏi. Vì vậy Vĩnh gia đại sư cảnh cáo "Khước bị Như lai khổ ha trách, sổ tha trân bảo hữu hà ích" (lại bị Như lai mắng nặng nề, chân bảo của người đếm ích gì).
 
Chính tư duy đưa đến chỗ thấy chính xác (chính kiến), đó là chính pháp, tà tư duy (suy nghĩ lệch lạc) đưa đến chỗ thấy sai lầm (tà kiến) như người muốn thay mũi cho vợ, đó là pháp trói buộc nên tạo thành gia duyên bận buộc.
 
Đức Phật không nhằm mục tiêu dậy ta Phật tri kiến của ngài, mà dậy ta cách thành tựu Phật tri kiến như ngài. Để học Phật tri kiến của ngài cần phải văn (nghe), để thành tựu Phật tri kiến của mình phải tư (tư duy) và tin hành theo (tu). Không nên nhầm lẫn hai việc này với nhau, sở dĩ nhầm lẫn cũng do nơi thiếu tư duy, hay tư duy không tương ưng với Phật tri kiến.
Phật tri kiến là chính tri kiến thấy đúng thật ba đời nhân quả.

Lại nữa người tu học thiếu tư duy chân chính chỉ muốn lấy cái mũi công đức của bậc Thánh gắn vào mặt mình, bằng cách trộm cái oai đức của Phật Thánh dùng vào việc danh văn lợi dưỡng cho bản thân, vì thế làm hỏng công đức đó mà còn tổn hại cho công đức của bản thân, đến độ vừa thất hết đức lại vừa bị đọa vào cảnh khổ, như kẻ xẻo mũi vừa mất mũi vừa chịu đau đớn vậy.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Nước Và Lửa
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Chữa Trị Vết Roi
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ